Chợ nông sản đô thị đang thu hút sự chú ý, khi ở đó người tiêu dùng có thể tiêp xúc với các nhà nông trực tiếp trồng trọt và bày bán nguyên liệu, thực phẩm chế biến mà họ muốn mua. Đặc biệt, chợ Marché@, được điều hành bởi Hiệp hội Chợ Nông dân Marché, đã được gầy dựng vững chắc trong hơn 10 năm qua và đang đi đầu trong việc thiết lập một loại hình văn hóa chợ kiểu mới, trong đó người sản xuất, người bán và người tiêu dùng cùng nhau đạt được lợi ích.
Sự kiện “Art in Marché” được tổ chức ở quảng trường Nhà hát Quốc gia Seoul. Sự kiện này đã được Hiệp hội Chợ Nông dân Marché kết hợp với Nhà hát Quốc gia để tổ chức từ năm 2021 đến nay.
Tấm bảng giới thiệu, hướng dẫn thời gian hoạt động của chợ Marché@ và những món đồ biểu trưng cho chợ. Ở chợ Marché@ chủ yếu bán các nông sản được trồng theo hình thức canh tác bền vững.
Vào mùa xuân và mùa thu, cứ mỗi thứ bảy của tuần thứ ba hàng tháng, mọi người mua sắm tại quảng trường trước tòa nhà chính của Nhà hát Quốc gia ở Jangchung-dong, Seoul. Người dân mua nhiều loại rau và đồ ăn, họ ngồi ôm làn đi chợ và thưởng thức các tiết mục biểu diễn trên một sân khấu tạm được dựng ở trung tâm quảng trường. Đây chính là khung cảnh thường thấy của chương trình “Art in Marché”, được tổ chức kể từ năm 2021 bởi Hiệp hội Chợ Nông dân Marché phối hợp với Nhà hát Quốc gia.
Hiệp hội Chợ Nông dân Marché điều hành chợ Marché@ - một chợ nông sản đô thị, và là nơi nông dân, đầu bếp và nghệ nhân thủ công mỹ nghệ tham gia và bán nhiều mặt hàng khác nhau. Ngoài Nhà hát Quốc gia, nhiều thương hiệu khác nhau cũng hứng thú với mục đích thành lập chợ của hiệp hội nên họ tiến hành hợp tác mở các cửa hàng pop-up (cửa hàng bán lẻ được dựng lên tạm thời - chú thích của người dịch). Năm 2019, để kỷ niệm 50 năm thành lập, Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Quốc gia cũng cho ra mắt một chương trình hợp tác với Hiệp hội Chợ Nông dân.
Người nông dân mang nông sản do chính họ trồng ra ra chợ, tất bật chia sẻ kinh nghiệm với người mua, còn người mua vừa chất đầy hàng vào giỏ vừa liên tục hỏi chuyện.
Đối thoại và giao tiếp
Chợ Marché@ mong muốn trở thành nơi mà người bán và người mua có thể làm cuộc sống hàng ngày của họ trở nên sôi nổi hơn thông qua những cuộc trò chuyện thú vị, chứ không đơn thuần chỉ là nơi mua bán hàng hóa.
“Đây là một kiểu chợ rất hấp dẫn, bởi vào tầm giờ chiều trong ngày, ngay giữa lòng thành phố, mọi người vẫn có thể mua được rau từ các nông dân vừa thu hoạch buổi sáng. Chẳng biết có phải vì thế hay không mà hương vị của món ăn sau khi nấu cũng rất khác biệt. Ngoài ra, bạn cũng có thể nhận được nhiều thông tin hữu ích như các công thức nấu ăn mới lạ hoặc cách bảo quản nguyên liệu.”
Giống như câu chuyện một người nội trợ sống ở Jongno-gu chia sẻ, Marché@ còn nhiều ưu điểm khác, ngoài lợi thế kinh doanh nông sản tươi. Chợ này không chỉ hoạt động với mục đích thương mại mà còn là nơi có thể xây dựng niềm tin và mối liên kết sâu sắc giữa người cung cấp với người tiêu dùng thông qua các giao dịch mua bán trực tiếp và hoạt động tương tác với nhau.
“Thế giới hiện tại có rất nhiều ứng dụng mua sắm, nhưng việc người nông dân trực tiếp trao nông sản cho người mua thực sự rất có ý nghĩa. Ngoài ra, điểm đặc biệt của chợ này là người mua có thể trực tiếp đặt câu hỏi cho người sản xuất.”
Một người làm việc cho Hiệp hội Chợ Nông dân Marché giải thích những lợi thế của Marché@ như sau: hình thức chợ này không chỉ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng mà người nông dân cũng cảm nhận được thành quả lớn lao của mình khi tận tay trao cho người mua những nông sản mà họ đã tận tụy vun trồng.
Người nông dân tham gia sự kiện cũng chia sẻ rằng: “Chúng tôi làm và bán sốt hummus (sốt đậu gà nghiền nhuyễn - chú thích của người dịch) hoặc các loại sốt chay làm từ đậu nành quê. Tôi nghĩ nếu như không bán ở đây thì chả có nơi nào để chúng tôi có thể gặp gỡ trực tiếp thực khách nữa. Chính vì vậy khoảng thời gian bán hàng ở đây thực sự là quý giá”.
Giá trị cộng đồng
Những quan khách đang tận hưởng tiết mục trình diễn của nhóm HOA - nhóm nhạc rock với bốn thành viên tại sự kiện Art in Marché. Trọng tâm của chương trình Art in Marché chính là khu chợ văn hóa nơi chợ Marché@ và Nhà hát Quốc gia cùng phối hợp tổ chức.
Chợ Marché@ được ra mắt vào tháng 10 năm 2012 tại phường Hyehwa, Seoul. Tên này có nguồn gốc từ tiếng Pháp “marché” nghĩa là “chợ” và cụm giới từ “at (@)” được gắn vào trước tên của một địa điểm, mang nghĩa là chợ có thể được tổ chức mọi lúc, mọi nơi. Lúc đó, có ba người phụ nữ chăm sóc vườn rau trên sân thượng vì không thể rời khỏi Seoul. Họ trò chuyện về các chủ đề như rời phố về quê làm nông, mua nông sản trực tiếp ở vườn và canh tác tự nhiên, rồi từ đó nảy ra ý định mở chợ nông sản. Họ mơ về một không gian có con người, sự giao lưu và các cuộc trò chuyện chứ không chỉ là một khu chợ để mua và bán.
Bây giờ, hơn 10 năm sau, Marché@ đã phát triển thành một chợ lớn và sôi động, nơi nông dân từ khắp nơi trên đất nước trồng các nông sản với cả tấm lòng rồi đem về nấu ở nhà họ, sau đó mang đến chợ giới thiệu và bán cho người tiêu dùng. Chợ lúc đầu được tổ chức tại Hyehwa-dong với tên gọi là “chợ nông dân” và được tổ chức vào chủ nhật của tuần thứ hai hàng tháng tại công viên Maronier ở khu Daehak-ro. Những bạn trẻ muốn tận hưởng văn hóa chợ kiểu mới đến đây rất nhiều. Ngoài ra, “chợ rau” - mô hình chợ được thiết kế sao cho gần gũi với cuộc sống hàng ngày của người dân - được tổ chức thường xuyên tại Seogyo-dong và Seongsu-dong ở Seoul. Bầu không khí và ý tưởng về cách thức tổ chức chợ thay đổi tùy theo nơi tổ chức, nhưng hình ảnh mọi người đến chợ với những chiếc làn đựng muôn màu muôn vẻ, liên tục nói chuyện thoải mái, rôm rả là không đổi.
Quy định của chợ Marché@ là các nhà nông tham gia phải trực tiếp trồng (và nấu) các sản phẩm đem đến bán, để đảm bảo có thể đưa ra lời giải thích đầy đủ về sản phẩm.
Sự đa dạng trong chương trình tổ chức cũng là yếu tố giúp hiệp hội phát triển liên tục. Đội ngũ quản lý, được gọi là “Những người bạn của Marché”, chịu trách nhiệm lập kế hoạch và vận hành. Họ truyền tải giá trị thực sự của nông nghiệp không chỉ thông qua việc tổ chức chợ, mà còn thông qua các hoạt động khác nhau. Họ xuất bản các ấn phẩm giới thiệu cách trồng trọt hoặc giải thích cây trồng chịu ảnh hưởng gì từ đất và hệ động thực vật xung quanh, thực hiện các chương trình cho người dân đi trải nghiệm tại các nông trại mà chủ đều là những người nông dân với phong cách sinh hoạt khác nhau, sau đó hai bên cùng chia sẻ câu chuyện. Ngoài ra, họ cũng lên kế hoạch và thực hiện các dự án kết nối nông dân, đầu bếp với người dân thành thị.
“Chúng tôi chú ý đến ý nghĩa ban đầu của chợ, đó là nơi diễn ra các mối quan hệ cộng đồng. Thông qua việc mua bán, trao đổi các mặt hàng thực phẩm, chúng tôi trò chuyện, tạo nên sự gắn kết với nhau, “nối” lại cuộc sống từng vắng bóng giao tiếp. Một cuộc sống khác biệt của chúng ta sẽ bắt đầu từ những khu chợ đó.”
Chợ nông dân Marché@ đã phát hành báo cáo phát triển bền vững năm 2017 với chủ đề: “Lời nói sẽ trở thành hạt giống”, đồng thời khẳng định: “Động lực cho sự phát triển của Marché là “sự kết nối”. Khu chợ giúp kết nối thành thị và nông thôn, con người và con người thông qua các cuộc trò chuyện về thực phẩm- một vấn đề cơ bản của cuộc sống, cũng như hệ sinh thái gắn liền với nó”.
Chương trình và thiết kế hấp dẫn
Phần lớn những người khách tìm đến chợ Marché@ đều chuẩn bị từ làn đi chợ đến đồ đựng thức ăn, nước uống.
Có thể nói, những giá trị mà chợ nông dân Marché@ theo đuổi đã nhận được sự đồng cảm nhất định. Những người thích ghé thăm Marché@ không chỉ mang theo làn đi chợ, mà còn cả bình giữ nhiệt và bát để đựng đồ ăn thức uống. Nhiều người nói: “Hành động cố gắng không sử dụng đồ dùng một lần và phấn đấu giảm thiểu rác thải nhựa là ưu điểm lớn nhất của Marché@”. Ngoài ra, ngày càng có nhiều người để tâm đến việc liệu hành vi tiêu dùng của họ có liên quan và gây ra ảnh hưởng gì đến môi trường sinh thái không.
Chợ nông sản đô thị đã trở thành một giải pháp thay thế để giải quyết các vấn đề gây ra bởi hoạt động sản xuất quy mô lớn. Đó cũng là lý do tại sao Helena Norbury Hodge, tác giả của sách “Tương lai cổ đại: Học hỏi từ Ladakh” (Ancient Futures: Learning from Ladakh), thành lập tổ chức phi lợi nhuận Local Futures với cùng nguyên tắc hoạt động. Bà nói rằng cần phải tái khởi động hệ thống nông nghiệp tại địa phương để phục hồi kinh tế và xã hội ở địa phương. Để làm được điều này, cần khuyến khích các trang trại quy mô nhỏ trồng đa dạng nhiều loại nông sản và hỗ trợ tiêu thụ trong khu vực.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều người thấy chợ nông sản thật lạ lẫm hoặc không thoải mái. Trên thực tế, các loại nông sản đa dạng của các nông trại quy mô nhỏ vẫn chưa được đánh giá đúng như giá trị thực của nó. Do đó, sự xuất hiện và phát triển liên tục của chợ nông sản- mô hình gần nhất với nguyên mẫu của chợ truyền thống, là một điều rất đáng vui mừng. Nhiều mô hình chợ nông sản đa dạng được tổ chức trên khắp đất nước, nhưng phần lớn vẫn là kiểu sự kiện diễn ra không thường xuyên. Để chợ nông sản ngày càng phổ biến và được duy trì lâu dài cần nỗ lực truyền tải các chủ đề đa dạng liên quan đến nông nghiệp thông qua các chương trình và thiết kế hấp dẫn. Đây là lý do tại sao Marché@ đang thu hút nhiều sự chú ý hơn.