메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

null > 상세화면

2023 SUMMER

“SỐNG MỘT THÁNG” - MỘT PHONG CÁCH SỐNG MỚI VÀ TƯƠNG LAI CỦA DU LỊCH

Không tập trung vào mục đích tham quan, giải trí và ăn uống, “Sống một tháng” là hình thức du lịch lưu trú tại một địa điểm nào đó khoảng hơn một tháng để nghỉ ngơi, thư giãn. Điểm hấp dẫn của hình thức du lịch này là du khách được tận hưởng môi trường bản địa và trải nghiệm lối sống của người dân địa phương. Sau đại dịch, “sống một tháng” vượt qua cả một hình thức du lịch để trở thành một phong cách sống mới.

Hành trình “sống một tháng” ở quận Yeongwol, tỉnh Gangwon của đôi vợ chồng nhà văn viết du ký Won Yu-ri đã được xuất bản thành sách du ký với tựa đề “Mùa hè năm ấy, một tháng thanh xuân” với sự hợp tác của quận Yeongwol.
ⓒ travel_bellauri

Hình thức du lịch “sống một tháng” đòi hỏi người thực hiện phải có nhiều thời gian và phải tìm được nơi thích hợp để ở trong khoảng thời gian đó. Điều này buộc họ phải đánh đổi nhiều điều quan trọng trong cuộc sống của mình, gồm cả thời gian và tiền bạc. Trước đây, chỉ những người làm nghề tự do với thời gian làm việc tương đối linh hoạt, người làm nghề đặc thù như nghệ sĩ, hoặc người có ý định chuyển đến địa phương khác sinh sống sau khi nghỉ hưu mới có thể thực hiện “sống một tháng”. Tuy nhiên, hiện nay số lượng nhân viên văn phòng thực hiện “sống một tháng” đang dần tăng lên. Điều này là do nhận thức của mọi người về công việc và kỳ nghỉ đã thay đổi. Thêm vào đó, sau đại dịch, làm việc từ xa hoặc làm việc tại nhà đã trở nên phổ biến. Ngày càng nhiều công ty cho phép nhân viên sử dụng hình thức workation (kỳ nghỉ kết hợp làm việc) để cải thiện chế độ phúc lợi và hiệu suất lao động.

Đảo Jeju dẫn đầu cơn sốt “sống một tháng”

Mặc dù những hình thức du lịch tương tự “sống một tháng” đã xuất hiện từ trước đó, nhưng nó được cho là chỉ bắt đầu phổ biến từ đầu thập niên 2010. Đảo Jeju dẫn đầu làn sóng “sống một tháng” tại Hàn Quốc. Mong muốn tận hưởng môi trường thiên nhiên xa lạ khó lòng thấy ở bất cứ đâu, nhu cầu giải tỏa căng thẳng của học sinh bằng những kỳ nghỉ, kết hợp với sự phổ biến của các nhà nghỉ trên đảo đã tạo nên cơn sốt này. Ngoài ra, việc nữ ca sĩ nổi tiếng của Hàn Quốc Lee Hyori chuyển đến sống ở Jeju sau khi kết hôn năm 2013 cũng khiến cuộc sống trên hòn đảo này trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của công chúng. Một đám cưới nhỏ được tổ chức tại ngôi nhà trên đảo, cuộc sống yên bình với chú chó trong sân, thỉnh thoảng đi thu hoạch đậu, chèo ván SUP trên biển hay leo núi lửa Oreum cũng góp phần kích thích trí tò mò của công chúng.

“Sống một tháng” đang được chú ý ngày càng nhiều sau đại dịch. Nhu cầu du lịch vốn bị kìm hãm do COVID-19 trong vài năm qua đang làm thay đổi xu hướng du lịch theo hướng kết hợp giữa hình thức du lịch nghỉ ngơi dài ngày “sống một tháng” với hình thức workation. Ngoài ra, các địa điểm du lịch phục vụ hình thức này cũng đang ngày càng được đa dạng hóa. Trong giai đoạn đầu, đảo Jeju là địa điểm được biết đến nhiều nhất, nhưng gần đây xu hướng này đã lan tỏa đến nhiều khu vực khác, từ tỉnh Gangwon, tỉnh Gyeongsang đến tỉnh Jeolla. Hình thức du lịch tại một địa phương nhất định trong khoảng thời gian dài như thế này đang dẫn đầu xu hướng du lịch, và chính quyền các địa phương cũng đang ra mắt những chương trình khác nhau, tiêu biểu như “Du lịch một tháng ở Nam-do”, “Du lịch một tháng ở Kyungnam”, “Đến với Gimhae mùa này”, “Sống ở miền quê - bạn với thôn làng”. Các chương trình này đề xuất nhiều trải nghiệm du lịch đa dạng như tham quan các điểm đến nổi tiếng mang nét đặc sắc của khu vực, trải nghiệm đặc sản địa phương hoặc trải nghiệm đời sống nông trại trong suốt khoảng thời gian “sống một tháng”.

Quận Yeongwol đã mời những người nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực như nhà thơ, nhà thư pháp và nhà văn viết du ký thực hiện “sống một tháng” theo mùa, đồng thời xuất bản những câu chuyện du lịch của họ dưới dạng sách du ký và phát miễn phí. Những cuốn sách này thu hút sự chú ý của độc giả với quận Yeongwol một cách tự nhiên.
ⓒ Quận Yeongwol

Làng khách sạn

Ngày càng có nhiều người trải nghiệm “sống một tháng” ở các đô thị nhỏ được tổ chức như những ngôi làng khách sạn. Khác với những khách sạn tập trung đầy đủ dịch vụ trong tòa nhà như sảnh đợi, phòng nghỉ, phòng tập thể dục, nhà hàng... làng khách sạn mang đến trải nghiệm mới lạ khi toàn bộ khu dân cư thực hiện chức năng của khách sạn. Những quán cà phê đầu làng đóng vai trò như quầy lễ tân, những nhà hàng ngon trong làng phục vụ ăn uống, còn xưởng thủ công đóng vai trò như các dịch vụ trải nghiệm. Nhờ thế, cả khu dân cư bỗng chốc trở thành một không gian giải trí, đồng thời mang đến cho khách lưu trú cơ hội giao lưu với người dân địa phương.

Khu phố trọ Jemincheon ở thành phố Gongju, tỉnh Chungcheongnam là một trong những ví dụ tiêu biểu của làng khách sạn được người dân địa phương xây dựng một cách có hệ thống. Quầy lễ tân của làng bắt đầu từ Bonghwanjae - một nhà nghỉ truyền thống Hàn Quốc (Hanok stay) - do quán Gagasangjeom quản lý. Quán cà phê Banjukdong 247 đóng vai trò là nơi sinh hoạt chung giống như tiền sảnh của khách sạn. Ngoài Bonghwangjae còn có các nhà nghỉ truyền thống khác rất yên bình, chẳng hạn như Gongju Hasuk Maeul, cùng nhiều nơi để tham quan và thưởng thức ẩm thực ẩn mình quanh con suối Jemin.

Hình thành từ năm 2018, “Làng khách sạn đường số 18” ở quận Jeongseon, tỉnh Gangwon là làng khách sạn đầu tiên của Hàn Quốc, do cư dân hợp sức xây dựng trên một ngôi làng có các mỏ khai thác bị bỏ hoang ở ấp Gohan. Khi lưu trú tại những nhà nghỉ vốn được cải tạo từ những căn nhà hoang, du khách còn nhận được phiếu giảm giá để sử dụng tại nhà hàng, quán cà phê, phòng chụp ảnh và tiệm cắt tóc trong làng. Nhà cộng đồng dành cho người cao tuổi đóng vai trò tương tự như sảnh chờ của một khách sạn thông thường.

Khi hình thức workation tăng lên sau đại dịch, số lượng các chương trình khuyến mãi hỗ trợ tích cực cho “sống một tháng” của chính quyền địa phương cũng tăng lên. Đặc biệt, gần đây, khi kế hoạch tận dụng những ngôi nhà trống ở các làng nông nghiệp và làng chài được cho phép hoạt động để giải quyết các vấn đề xã hội, du khách sẽ có thể tận hưởng những chỗ ở đa dạng và hợp lý.
ⓒ gettyimagesKOREA

Chương trình khuyến khích sử dụng những ngôi nhà trống ở nông thôn và làng chài cũng đang thu hút sự chú ý của mọi người. Theo báo cáo năm 2021 của Cơ quan Thống kê Quốc gia Hàn Quốc, toàn lãnh thổ Hàn Quốc có tới 1.395.256 căn nhà trống, bao gồm các nhà chưa bán được và nhà không có người ở trong vòng dưới một năm. Để giải quyết vấn đề xã hội mới nổi lên này, chính phủ đã cho phép sử dụng những căn nhà trống ở nông thôn và làng chài cho các dịch vụ lưu trú, tạo điều kiện cho các chủ sở hữu tận dụng khả năng “công nghệ đầu tư nhà trống” - khai thác những căn nhà trống họ bỏ lại làng quê, từ đó kỳ vọng tạo ra nhiều loại hình lưu trú khác nhau. Chính quyền của nhiều địa phương đang tích cực hưởng ứng chương trình này thông qua việc tiếp nhận các đơn đăng ký sử dụng nhà trống.

Workcation thúc đẩy “sống một tháng”

Ngày càng có nhiều người kết hợp làm việc trong khi du lịch “sống một tháng”. Đó gọi là workcation, kết hợp giữa “work” (làm việc) và “vacation” (kỳ nghỉ), một hình thức làm việc mới cho phép người lao động có thể vừa làm việc vừa đi nghỉ tại bất cứ nơi nào mình muốn ngoài nhà ở và văn phòng. Workation trở nên phổ biến trong vài năm gần đây, khi mọi người có thể làm việc tại nhà và làm việc từ xa nhờ vào sự phát triển của công nghệ số. Hình thức này giúp tăng năng suất làm việc vì nó cho phép người lao động làm việc tại các địa điểm nghỉ dưỡng, từ đó giúp họ cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi. Đặc biệt, sự xuất hiện của thế hệ MZ (gồm những người sinh từ 1980 đến 2004 - chú thích của người dịch) thuần thục công nghệ, xem trọng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống đã góp phần lan rộng hình thức workation này.

Workation có nhiều ưu điểm như mang lại cơ hội tái tạo năng lượng và cải thiện hiệu quả công việc nhờ cho phép người lao động làm việc tại các địa điểm mới lạ. Các chuyên gia phân tích rằng workation không phải là hiện tượng tạm thời xuất hiện do đại dịch COVID-19 mà sẽ tiếp tục phát triển ở khắp nơi trên thế giới.

Workation mang lại trải nghiệm mới về sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Nhà thơ kiêm tác giả du ký Choi Gap-soo đã “sống một tháng” tại Gangneung vào cuối năm ngoái.

Lee Sulla - người từng mở dịch vụ “Sulla hằng ngày” (Daily Sulla) gửi truyện mới đến độc giả mỗi ngày qua email - đã hợp tác với quận Yeongwol xuất bản cuốn “Mẹo vặt của Lee Sulla - phiên bản Yeongwol”. Trong đó cô ghi lại trải nghiệm của mình ở Yeongwol thông qua những đoạn văn ngắn kèm các bức ảnh chụp cảnh sinh hoạt hằng ngày như tập yoga, hái hoa và làm các món chay.
ⓒ Quận Yeongwol

“Việc rời khỏi nơi mình sống thường ngày để trải nghiệm một môi trường và cuộc sống hoàn toàn khác biệt là một điều hấp dẫn. Tôi đã đón buổi sáng mới mẻ mỗi ngày tại nơi lưu trú và có thể sống hoàn toàn khác cuộc sống ngày thường của mình. Tất cả mọi thứ đều mới và mang lại cảm hứng cho tôi. Lâu rồi tôi mới có thể nghỉ ngơi với cơ thể thoải mái và tâm trí thư giãn. Đó là cơ hội để tôi cảm nhận giá trị của cuộc sống. Từ giờ trở đi, tôi quyết định sẽ tặng mình một tháng mới trong mỗi năm của cuộc đời mình.”

Workation đang lan rộng và ngày càng đa dạng ở nhiều địa phương của Hàn Quốc, từ Jeju đến Gangneung. “Xu hướng Hàn Quốc 2023” (Trend Korea 2023) - tập mới nhất của niên san chuyên phân tích và dự báo các xu hướng xã hội Hàn Quốc - đã đề cập đến việc nhiều người thuộc các lớp tuổi khác nhau sẽ lựa chọn nông thôn làm địa điểm workation sau dịch bệnh, với lý do tiêu biểu là hình thức làm việc này giúp họ cảm nhận thiên nhiên nguyên sơ, nét hấp dẫn độc đáo của nơi thôn dã, và tận hưởng sự thoải mái, bình yên rất khác biệt so với cuộc sống ở thành phố. Tuy nhiên, workation cũng có nhược điểm. Nó có thể gây rối loạn công việc, xóa nhòa ranh giới giữa thời gian làm việc và thời gian nghỉ, và không phải công việc nào cũng phù hợp để áp dụng hình thức này.

Sẽ còn khá lâu để “sống một tháng” trở thành một xu hướng du lịch phổ biến, nhưng không thể phủ nhận một sự thật rằng ngày càng nhiều người mong muốn trải nghiệm những điều “đơn giản nhưng đặc biệt” như dạo bộ bên bờ biển sau khi thức dậy vào buổi sáng và thong thả thưởng thức cà phê tại một quán địa phương. “Sống một tháng” đang trở thành một phong cách sống mới và là tương lai của ngành du lịch.

Choi Byung-ilNhà văn
Dịch.Trần Thị Như Ngọc

전체메뉴

전체메뉴 닫기