메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

2023 SPRING

KHÁM PHÁ ĐIỀU MỚI MẺ Ở NƠI QUEN THUỘC

Niềm vui từ du lịch có thể tìm thấy ở đâu? Có người chọn thưởng ngoạn phong cảnh mới lạ, người khác lại tìm ý nghĩa trong sự thư giãn trọn vẹn. Tất nhiên, không thể bỏ qua các món ăn ngon và mua sắm. Tuy nhiên, mọi hoạt động trên đều có điểm chung. Khi ta phát hiện giá trị mới mẻ ở nơi ta cho rằng đã quen thuộc, hay khi ta tìm thấy ý nghĩa mới từ đối tượng ta nghĩ rằng đã quen thuộc, niềm vui sẽ tăng lên gấp bội. Huyện Buyeo tại tỉnh Chungcheongnam sẽ là điểm đến thích hợp với quan điểm này.


ⓒ Huyện BUYEO


Nói đến Buyeo, không ít người nhớ ngay đến cụm từ “vẻ đẹp u buồn của một đất nước điêu tàn” vốn được mệnh danh cho cảm xúc mà nơi này mang lại. Nhưng liệu đó có phải là tất cả? Được biết, Buyeo là thủ đô cuối cùng của vương quốc Baekje, nơi từng sản sinh nên một nền văn hóa rực rỡ. Trái với dự đoán, báu vật thực sự của Buyeo được giấu ở nơi vừa quen thuộc vừa lạ lẫm.


Cửa ngõ giao lưu với thế giới của Baekje

Lư hương bằng đồng mạ vàng Baekje được khai quật từ những ngôi mộ cổ ở Neungsan-ri, Buyeo năm 1993 được công nhận là bảo vật quốc gia của Hàn Quốc vào ngày 30 tháng 5 năm 1996. Lư hương gồm nắp trang trí hình phượng hoàng và chạm nổi núi Bongnae, thân trang trí cánh hoa sen và đế chạm khắc rồng. Lư hương cho thấy giá trị nghệ thuật và tính độc đáo của nền nghệ thuật Baekje.


Sông Geum là con sông lớn thứ ba tại Hàn Quốc với chiều dài hơn 400 km. Người Buyeo gọi sông Geum chảy qua Buyeo là sông Baengma (Bạch Mã). Sông Baengma có nghĩa là “con sông lớn nhất tại Baekje”, chỉ khu vực thượng hạ nguồn dài 16 km với trung tâm là pháo đài Buso (Phù Tô sơn thành). Giờ đây, ngoài du thuyền, tàu bè không còn đi lại tự do như trước do việc xây dựng đập ở cửa sông Geum, nhưng đến cuối triều đại Joseon nhiều tàu lớn nhỏ vẫn qua lại tấp nập ở khu vực này. Thậm chí, có những con tàu đến từ biển Hoàng Hải, cách đó khoảng 70 km về phía hạ lưu. Cửa ngõ then chốt chính là bến phà Gudeurae nằm giữa sông Baengma và pháo đài Buso.

Hiện khó tìm thấy từ “Gudeurae” trong tiếng Hàn mà chỉ có thể truy dấu tích của nó trong tiếng Nhật. Nguyên gốc của Gudeurae là “Kudara” có nghĩa là “tổ quốc”, “đất nước vĩ đại” và “đất nước chư hầu”. Đồng thời, nó cũng mang nghĩa “Baekje”.

Điều này cho thấy Baekje đôi khi cạnh tranh, đôi khi hợp tác với Goguryeo và Silla, đồng thời cũng giao lưu với Trung Quốc và Nhật Bản xa xôi bằng giao thương đường biển. Quá trình này đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế và văn hóa của vương quốc đến mức tên của hải cảng tấp nập tàu buôn ra vào đã trở thành tên gọi tượng trưng cho nơi này. So với các nước láng giềng, tuy Baekje có diện tích tương đối nhỏ và không có đường bộ nối liền với lục địa, nhưng bí mật về sức mạnh duy trì nền lịch sử gần bảy thế kỷ từ năm 18 TCN đến năm 660 lại nằm ở chính điều này.

Sự thật về đá Nakhwa

Nhà hóng mát Baekhwa được xây dựng theo hình lục giác trên tảng đá hiểm trở trên sông Geum ở phía bắc pháo đài Buso tại Buyeo. Có giai thoại cho rằng vào triều đại vua Uija (trị vì 641-660), khi Baekje thất thủ trước cuộc xâm lược của liên quân Silla và nhà Đường, hơn 3.000 cung nữ đã nhảy xuống sông từ đá Nakhwa tuẫn tiết.


Giờ đây, bạn có thể du ngoạn sông Baekma bằng du thuyền mô phỏng thuyền buồm hwangpo hoặc xe buýt đường thủy. Chưa đầy 30 phút đi thuyền, bạn có thể đến bến chùa Goran (Cao Lan tự). Đây là điểm khởi đầu của con đường đi dạo quanh pháo đài Buso.

Chùa Goran được cho là được xây dựng để tưởng nhớ oan hồn của người Beakje. Đi qua chùa và hướng lên dọc theo con đường đi bộ, bạn sẽ đến nhà hóng mát có tên Baekhwa (Bách Hoa đình), nơi bạn có thể phóng tầm nhìn ra sông Baekma. Phong cảnh từ nhà hóng mát nhìn xuống thật tuyệt vời.

Đá “Nakhwa” nằm ngay phía dưới. Tên gọi Nakhwa bắt đầu được sử dụng khi vương quốc Baekje bị diệt vong vì những sai lầm trong cai trị của vua Uija, cuối cùng 3.000 cung nữ đã nhảy xuống sông Baekma tuẫn tiết. Tuy nhiên, đây chỉ là giai thoại được dựng lên khoảng 1.000 năm sau, không liên quan đến sự thật lịch sử. Người chiến thắng luôn được tôn vinh và kẻ thất bại luôn bị hạ thấp như trong câu “lịch sử được viết bởi những người chiến thắng”.

Trong “Tam Quốc sử kí” được viết vào triều đại Goryeo giữa thế kỷ 12, vua Uija được miêu tả là người “oai phong, hùng dũng, dũng cảm và quyết đoán… Ông hiếu thảo với cha mẹ, hòa thuận yêu thương anh em nên được gọi là Haedongjeungja” (tạm dịch Tăng Tử của Bán đảo Triều Tiên). Haedong (Hải Đông) chỉ Bán đảo Triều Tiên, Jeungja (Tăng Tử) - đệ tử của Khổng Tử, là học giả được coi là một trong “ngũ thánh của Phương Đông”. Điều này cho thấy vua Uija không chỉ có phẩm giá của một vị vua mà còn có nhân cách đức độ và học thức uyên thâm đến mức có thể so sánh với một nhà hiền triết.

Trên thực tế, vua Uija là vị vua có tài hơn người ở chỗ một lúc thôn tính 40 thành của Silla và dùng tài ngoại giao cô lập vương quốc này. Nhưng dường như ông không thể chống lại cuộc xâm lược của một đội quân liên minh không chỉ với Silla mà còn với cả nhà Đường của Trung Quốc. Tuy nhiên, ngay cả sau khi Buyeo thất thủ và vua Uija bị áp giải sang Trung Quốc, nghĩa quân phục hưng của Baekje dưới sự chỉ huy của vua Phong (623~?), con trai của Vua Uija, vẫn tiếp tục chống lại quân liên minh của Shilla và nhà Đường trong suốt ba năm. Đôi khi thực tế và sự thật không giống nhau. Cái tên mang nhiều nỗi buồn “Nakhwa” ẩn chứa sự dũng cảm đến cùng của vương quốc Baekje.

Tinh hoa văn hóa Baekje

Điện Geungnak thuộc chùa Muryang (Vô Lượng) nằm ở rặng núi Mansu có cấu trúc đặc trưng với kiến trúc hai tầng nhìn từ bên ngoài, nhưng lại trọn vẹn thông tầng mà không có sự phân chia giữa tầng trên và tầng dưới ở bên trong. Cảnh quan của chùa được hoàn thiện bởi tháp đá năm tầng và đèn đá.


Chúng ta có thể tìm thấy sự hưng thịnh của Baekje ở đâu? Lần lượt đi qua Sajaru (lầu Tứ Thử), lầu các đặt tại nơi cao nhất của pháo đài Buso, kho, doanh trại quân đội và từ đường Samchung (Tam Trung từ) vốn là nhà thờ được lập nên để thờ ba vị trung thần cuối cùng của triều đại Baekje là Gyebaek (Giai Bách, ?~660), Seongchung (Thành Trung, ?~656), và Heungsu (Hưng Thủ, ?~?); sau đó ra khỏi pháo đài Buso, bạn sẽ thấy cách đó không xa là Bảo tàng Buyeo Quốc gia.

Quy mô của bảo tàng không lớn. Tuy nhiên, độ sâu và rộng của những di sản văn hóa đang được bảo tàng lưu giữ thực sự rất sâu và rộng. 30 năm trước vào ngày 12 tháng 12 năm 1993, khoảng 4 giờ 30 phút chiều khi mặt trời sắp lặn, công tác khai quật các ngôi mộ cổ ở Neungsan-ri chuẩn bị hoàn tất. Một lư hương lớn cao hơn 60cm, nặng gần 12kg chưa từng tìm thấy trước đó đã được phát hiện tại hố bùn sâu khoảng 1,20m. Đó là chiếc lư hương bằng đồng mạ vàng của triều đại Baekje, với giá trị thẩm mỹ và ý nghĩa lịch sử đặc biệt, nó đã được chỉ định là bảo vật quốc gia không đầy ba năm sau khi được phát hiện.

Ban đầu, có ý kiến nghi ngờ rằng liệu đó có phải là lư hương được làm tại Trung Quốc hay không. Cơ bản vì nó có phong cách như lư hương được làm tại Trung Quốc, thêm vào đó, Baekje là đất nước Phật giáo nhưng thực tế trên lư hương màu sắc Đạo giáo lại được thể hiện rõ nét. Tuy nhiên, rõ ràng nó là chiếc lư hương được làm tại Baekje. Tổng quan hình dạng có thể trông tương tự với lư hương Trung Quốc, nhưng nó được khai quật từ khu lò rèn liền kề các ngôi mộ cổ ở Neungsan-ri và khác với lư hương Trung Quốc, nó được làm bằng đồng mạ vàng. Đặc biệt, trên lư hương còn chạm khắc hình ảnh nhạc cụ có dây có nguồn gốc từ Bán đảo Triều Tiên có tên geomungo (geomungo là tên gọi bằng tiếng Hàn thuần túy, còn trong tiếng Hán nó được gọi là huyền hạc cầm hay huyền cầm). Tuy hình dạng của lư hương Trung Quốc và lư hương đồng mạ vàng Baekje có nét tương đồng nhưng về cơ bản, chúng khác nhau.

Điểm đặc biệt là các loại nhạc cụ bên cạnh người biểu diễn eomungo được điêu khắc trên nắp lư hương gồm “jongjeok” (tên một loại sáo) và “wanham” (một loại nhạc cụ tương tự đàn ghi ta) có nguồn gốc từ phương Tây. Thêm vào đó, còn có người chơi trống hình tròn có hình dạng giống chiếc chum có thể tìm thấy ở Đông Nam Á và chơi “baeso” (tương tự như sáo quạt), một nhạc cụ ống của tộc người du mục phía bắc.

Chúng ta có thể thấy sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa truyền thống và văn hóa ngoại lai như văn hóa thắp hương của phương Tây bắt nguồn từ Ả Rập và lư hương theo phong cách Trung Quốc; giữa tư tưởng Phật giáo và tư tưởng Đạo giáo. Điều này cho thấy Baekje đã rất tài tình trong việc nội địa hóa hay tự phát triển những điểm còn hạn chế của đất nước qua việc giao lưu với thế giới và tiếp nhận những điều mới mẻ, bên cạnh việc giữ gìn những tinh hoa văn hóa của đất nước. Đó là lý do chúng ta có thể suy ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và văn hóa của Baekje qua giá trị nghệ thuật và tính độc đáo của chiếc lư hương bằng đồng mạ vàng có một không hai này.


Tên sông Baengma có nghĩa là “sông lớn của Baekje”. Du khách có thể thưởng ngoạn phong cảnh của Buyeo bằng thuyền buồm Hwangpo được phục dựng qua nghiên cứu lịch sử từ thời Baekje hoặc xe buýt đường thủy lần đầu tiên được vận hành tại Hàn Quốc.


Khu phức hợp văn hóa Baekje là nơi tái hiện cung điện vua chúa triều đại Baekje. Du khách có thể chiêm ngưỡng lịch sử và văn hóa Baekje qua cung điện vua chúa Sabi, chùa Neungsa và làng văn hóa sinh hoạt tái hiện không gian sống của các tầng lớp xã hội thời bấy giờ.
ⓒ Huyện Buyeo

Nhà lúc sinh thời và Bảo tàng Văn học nhà văn Shin Dong-yeop

Bảo tàng Văn học Shin Dong-yeop được thành lập để tôn vinh nhà thơ Shin Dong-yeop, nhà thơ yêu nước tiêu biểu cho nền thơ ca hiện đại Hàn Quốc giai đoạn những năm 1960. Nơi đây nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ, đồng thời thành lập “Giải thưởng văn học Shin Dong-yeop” để hỗ trợ các nhà văn kế tục lí tưởng của ông.


Baekje không chỉ là địa danh chỉ không gian có từ hàng trăm hàng ngàn năm trước. Cách Bảo tàng Buyeo Quốc gia khoảng 800m về phía tây bắc là ngôi nhà nơi sinh thời của nhà thơ Shin Dong-yeop (1930-1969) và Bảo tàng Văn học mang tên ông.

Shin Dong-yeop bắt đầu tham gia văn đàn vào năm 1959. Ông qua đời ở tuổi 39 sau 10 năm hoạt động sáng tác. Tuy nhiên, dấu ấn ông để lại trên văn đàn Hàn Quốc rất rõ nét. Các phẩm ông để lại sau khi trực tiếp trải qua giai đoạn đỉnh điểm của phong trào 19 tháng 4 năm 1960, cuộc cách mạng dân chủ đầu tiên ở Hàn Quốc trong lịch sử hiện đại, đã giúp thế hệ sau mở rộng tưởng tượng về những phương án thay thế để vượt qua chế độ độc tài. Đơn cử ông nói về một giấc mơ chưa thể đạt được hay là vấn đề sẽ được giải quyết vào một ngày nào đó là thống nhất của hai miền Nam Bắc Triều Tiên. Đồng thời, ông cũng ủng hộ chủ nghĩa dân chủ và phê phán chủ nghĩa quyền uy và chủ nghĩa cơ hội bao trùm xã hội Hàn Quốc thời bấy giờ.

Nhà thơ mất khi còn trẻ tuổi, nhưng lý tưởng của ông cần được kế thừa. Năm 1982, khi bầu không khí của chế độ độc tài vẫn còn bao trùm, bất chấp bị đàn áp, gia đình và nhà xuất bản Changbi đã gây quỹ thành lập “Giải thưởng Văn học Shin Dong-yeop”. Khác với giải thưởng văn học thông thường, đây là giải thưởng nhằm hỗ trợ và khuyến khích các nhà văn kế thừa một cách sáng tạo tinh thần chính trực của nhà thơ Shin Dong-yeop, không giới hạn ở mảng thơ hay tiểu thuyết. Không bỏ lỡ năm nào, giải thưởng đã được trao cho 40 nhà văn, nhà thơ tính đến tháng 3 năm 2023.

Tư tưởng văn học phải giúp con người và xã hội mà họ đang sống trở nên tốt đẹp hơn vốn là lí tưởng của nhà thơ Shin Dong-yeop, được đúc kết trong Bảo tàng Văn học mang tên ông. Do đó, nơi này như sự tôn vinh dành cho nhà thơ, người đã thể hiện rõ nét hình ảnh một nghệ sĩ với tinh thần thực tiễn và ý thức tham gia vượt ra khỏi giới hạn của văn đàn Hàn Quốc vốn lấn sâu vào tư tưởng của chủ nghĩa duy mĩ (aestheticism).



Tuyệt mĩ tĩnh lặng

Trên đường Jaon nằm ở khu vực bến tàu Gyuam san sát các cửa hàng sách nhỏ, xưởng chế tác, nhà hàng và quán cà phê do các nghệ sĩ điều hành. Quang cảnh này gợi nhớ thời điểm ngành vận tải phát triển ở khu vực này trong quá khứ, tên gọi “Jaon” chứa đựng mong muốn tìm lại ngôi làng đầy ắp sự ấm áp.


Đường Jaon bắc qua sông Baekma, nằm ở khu vực bến tàu Gyuam, là nơi thích hợp làm điểm kết thúc cho chuyến thăm Buyeo. Làng Gyuam từng là ngôi làng giàu có và trù phú khi hoạt động vận tải qua sông Baengma diễn ra sôi nổi, nhưng quá trình đô thị hóa đã khiến làng suy yếu, nhiều ngôi nhà bị bỏ hoang. Jaon là tên gọi mang ý định tái sinh nơi này thành ngôi làng tràn đầy sự ấm áp.

Tản bộ xuống phố, bạn có thể bắt gặp những hiệu sách nhỏ, các phòng sáng tác lớn nhỏ chế tác nhiều vật dụng, nhiều nhà hàng và quán cà phê sử dụng nguyên liệu tại địa phương do các nghệ sĩ kế tục nhà thơ Shin Dong-yeop điều hành. Và cả cảm giác thư thái, khung cảnh ấm áp, thảnh thơi vốn có của vùng đất Buyeo...Đi dạo men theo đường Jaon, chẳng mấy chốc bạn sẽ nhớ đến sự huy hoàng rực rỡ của vương quốc Baekje và cảm thấy mở rộng tầm mắt trước việc phát hiện ra nhiều điều mới mẻ trong những thứ tưởng chừng rất đỗi quen thuộc.


 



Kwon Ki-bong Nhà văn
Ảnh. Han Jung-hyun
Dịch. Mai Như Nguyệt

전체메뉴

전체메뉴 닫기