메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

KF Activities

2023 SPRING

BẢO TÀNG KẾT NỐI QUÁ KHỨ VÀ HIỆN TẠI CỦA THỦ CÔNG MỸ NGHỆ

Bảo tàng Thủ công mỹ nghệ Seoul tọa lạc ở phường Anguk, Seoul là bảo tàng thủ công mỹ nghệ công lập đầu tiên ở Hàn Quốc, mở cửa phục vụ tham quan sớm vào tháng 7 năm 2021 và mở cửa chính thức vào tháng 11 cùng năm. Khởi đầu suôn sẻ với tỉ lệ đặt chỗ trung bình là 95,7% bất chấp đại dịch COVID-19, Bảo tàng đã nổi lên như một địa điểm hấp dẫn mới của Seoul đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của công chúng.

Toàn cảnh trước Tòa nhà Triển lãm 1 của Bảo tàng Thủ công mỹ nghệ Seoul. Tường rào của Trường Nữ trung học Pungmun đã bị dỡ bỏ nhưng sân chơi rộng lớn vẫn được giữ nguyên, tạo ra một không gian mở dành cho tất cả mọi người. Đá khoáng masato được rải lên bề mặt sân nhằm giữ lại nét đặc trưng của không gian trước đây, đồng thời giúp khách tham quan không cảm thấy khó chịu khi đi bộ.
Cung cấp bởi Bảo tàng Thủ công mỹ nghệ Seoul

Bảo tàng Thủ công mỹ nghệ Seoul (Seoul Museum of Craft Art) tọa lạc ở giữa Bukchon và Seochon, nơi tập trung nhiều nhà truyền thống hanok nên nhiều khách du lịch đến thăm Seoul thường đi ngang qua khu vực này. Gần đó có các cung điện thời Joseon như cung Gyeongbok (Cảnh Phúc) và cung Changdeok (Xương Đức), gần hơn nữa có các phòng triển lãm tranh hàng đầu Hàn Quốc. Từ đây có thể đi bộ đến Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại Quốc gia (National Museum of Modern and Contemporary Art), Bảo tàng Dân tộc Quốc gia (National Folk Museum) và quảng trường Gwanghwamun.

Bảo tàng này đang sở hữu khoảng 23.000 tác phẩm thuộc nhiều lĩnh vực và thời đại, trong đó có những tác phẩm được công nhận là di sản văn hóa quốc gia. Nhiều chương trình đa dạng diễn ra sôi nổi tại Bảo tàng, bao gồm triển lãm thường trực và triển lãm chuyên đề, khiến số lượng khách tham quan ngày càng tăng. Sự xuất hiện của một bảo tàng tầm cỡ chuyên về thủ công mỹ nghệ đã làm phong phú thêm vành đai văn hóa của trung tâm thành phố.



Vị trí lịch sử

Logo của Bảo tàng Thủ công mỹ nghệ Seoul do công ty Kelita thiết kế, diễn giải lịch sử lâu đời và đặc điểm kiến trúc của bảo tàng dưới dạng các chữ cái Hàn Quốc.
Cung cấp bởi Kelita & Co.


Khoảng 30 chiếc ghế sứ phong cách Buncheong - tác phẩm của nghệ nhân gốm Lee Kang-hyo và là một phần của dự án “Những vật thể 9” - được bố trí ở sân trước Tòa nhà Triển lãm 1 để du khách có thể trực tiếp thưởng thức tác phẩm thủ công mỹ nghệ ngay từ giây phút bước chân vào Bảo tàng.
ⓒ Kim Jong-oh



Nhằm phục hưng văn hóa thủ công mỹ nghệ, thành phố Seoul đã lập kế hoạch cơ bản về việc xây dựng bảo tàng chuyên biệt vào năm 2014, hoàn thành mua địa điểm năm 2017 và khởi công xây dựng 5 năm sau đó. Điều góp phần khiến Bảo tàng Thủ công mỹ nghệ Seoul thu hút sự chú ý của công chúng là giá trị lịch sử của địa điểm: đây là nơi chứa đựng lịch sử 500 năm của triều đại Joseon. Đầu tiên có thể kể đến vua Sejong (Thế Tông, tại vị 1418-1450), người đã tạo ra “Huấn dân chính âm”. Vị vua này đã chuẩn bị một dinh thự cho con trai thứ tám là vương tử Yeongeung Daegun (Vĩnh Ưng Đại Quân) tại địa điểm này. Đây cũng là nơi vua Sejong tạ thế sau khi dọn đến sinh sống những năm cuối đời. Người kế vị vua Sejeong là vua Munjong (Văn Tông, tại vị 1450-1452) đã tổ chức lễ đăng quang ở đây.

Công trình này tiếp tục được sử dụng làm nơi ở của các hoàng tử, công chúa cho đến nửa cuối thế kỷ XIX thì được vua Gojong (Cao Tông, tại vị 1863-1907) cho sửa chữa, mở rộng quy mô lớn và đổi thành nơi tiến thành các nghi thức hoàng gia. Từ đó, nó được gọi là biệt cung Angukdong (An Quốc Động), hoặc ngắn gọn là biệt cung Andong (An Động). Năm 1882, con trai thứ hai của vua Gojong - sau này trở thành vua Sunjong (Thuần Tông, tại vị 1907-1910) - đã cử hành hôn lễ long trọng tại biệt cung này.

Từ sau năm 1910, biệt cung được dùng làm nơi ở cho cung nữ, và được chuyển nhượng cho tư nhân vào năm 1936, từ đó trở đi nó mất dần hình dáng ban đầu. Vào thời điểm đó, báo chí đã đăng tin rao bán tòa nhà này với đầy sự tiếc nuối. Năm 1945, Trường Trung học Nữ sinh Pungmun được mở tại đây và trở thành một điểm mốc của địa phương trước khi nó được di dời đến Gangnam, Seoul năm 2017.

Sau khi mua lại địa điểm của Trường Trung học Nữ sinh Pungmun, Seoul đã cho tu sửa năm tòa nhà vốn có của trường, đồng thời xây mới Tòa nhà Hướng dẫn và Tòa nhà Truyền thống Hanok, tạo thành tổng thể bảy không gian được kết nối tự nhiên với nhau, mang đến cho người thưởng lãm cảm giác như đang khám phá những con hẻm dễ thương của Bukchon.

Chỗ nghỉ chân hàng ngày

Khoảng sân trong nơi đặt tòa nhà Bảo tàng Thiếu nhi mang dáng dấp một ngọn đồi thoai thoải, trên mặt đất lát những đường bê tông song song nhau nhằm tối đa hóa hiệu ứng thị giác. Đó là sự ưu ái dành cho khách tham quan, mang đến cho họ trải nghiệm không gian đặc biệt tại khu trung tâm thành phố. Cảnh quan ngoài trời của Bảo tàng Thủ công mỹ nghệ Seoul được thiết kế bởi Công ty Kiến trúc cảnh quan Parkkim, do hai giám đốc Park Yoon-jin và Kim Joung-yoon điều hành.
ⓒ Kim Jong-oh



Bảo tàng Thủ công mỹ nghệ Seoul không có hàng rào, nhằm hướng đến một không gian mở dành cho tất cả mọi người như câu khẩu hiệu “Thủ công mỹ nghệ của tất cả mọi người, Bảo tàng của tất cả mọi người”. Vì vậy, nhiều nhân viên văn phòng ở gần đó thường thong thả đi dạo quanh bảo tàng vào giờ nghỉ trưa. Vườn của bảo tàng quanh năm um tùm cây cối và rực rỡ sắc hoa theo mùa, từ cây sơn mài, cây trúc, cây mơ, cây hồ chi, đến các loại cây bụi như cẩm tú cầu, hải đường. Tòa nhà Bảo tàng Thiếu nhi được thiết kế lớp bao mặt ngoài có hình trụ tròn bằng đất nung tạo nên cảnh quan hài hòa giữa vẻ đẹp truyền thống và cảm thức hiện đại. Từ sân thượng tòa nhà này nhìn xuống sẽ thấy cả một quảng trường xanh rượi rất mát mắt.

Khắp nơi trong bảo tàng đều có tác phẩm của những nghệ nhân thủ công mỹ nghệ tiêu biểu của Hàn Quốc. Ở sân trước Tòa nhà Triển lãm 1 có khoảng 30 chiếc ghế sứ tuyệt đẹp theo phong cách Bunjeong (một phong cách gốm sứ phát triển vào thời Joseon, thường có tông màu xanh nhạt, mang vẻ đẹp phóng khoáng, tự nhiên và có chức năng thực tiễn cao - chú thích của người dịch) của nghệ nhân gốm Lee Kang-hyo. Vào những ngày đẹp trời có thể thường xuyên thấy mọi người ngồi trên những chiếc ghế này thong thả nói chuyện phiếm. Ở mảnh sân trong có một cây bạch quả 400 năm tuổi toát lên vẻ uy nghiêm, quanh gốc cây là những chiếc ghế đá của nghệ nhân đá Lee Jae-sun. Thật thú vị khi được ngắm nhìn nhiều loại đá khác nhau quy tụ từ mọi miền đất nước.

Bên trong mỗi tòa nhà triển lãm đều có bố trí tác phẩm của những nghệ nhân tiêu biểu để chào đón khách tham quan. Ngay sảnh Tòa nhà Hướng dẫn là một tác phẩm bằng gốm cỡ lớn màu lam của tác giả Lee Hun-chung - người có tác phẩm được diễn viên Hollywood Brad Pitt mua lại, khiến tác giả càng nổi tiếng hơn. Ngoài ra còn có nhiều tác phẩm thủ công bằng đá, thủy tinh, đất sét, tre, nhựa... thuộc dự án “Những vật thể 9” (Objects 9) kỷ niệm ngày khai trương bảo tàng được đặt khắp trong và ngoài các tòa nhà để phục vụ khách tham quan. Chúng được tính toán bố trí sao cho khách tham quan có thể trực tiếp trải nghiệm và thưởng thức những món đồ thủ công mỹ nghệ ngay khi vừa bước vào bảo tàng.

Tất cả về thủ công mỹ nghệ

“Bojagi, gói ghém cuộc sống thường ngày” là tên của một trong những triển lãm thường trực tại Bảo tàng Thủ công mỹ nghệ Seoul. Tập hợp những sản phẩm được quyên tặng, triển lãm này trưng bày tác phẩm thủ công từ truyền thống đến hiện đại, cho thấy định hướng của bảo tàng là soi rọi cả lịch sử lẫn cuộc sống thường ngày thông qua thủ công mỹ nghệ.
Cung cấp bởi Bảo tàng Thủ công mỹ nghệ Seoul

“Cửa sổ thủ công” (Craft Window) ở tầng một Tòa nhà Triển lãm 3 được thiết kế để người dân qua lại phía trước tòa nhà có thể nhìn ngắm những tác phẩm thủ công mỹ nghệ của Bảo tàng. Trong ảnh là một khung cảnh trưng bày được chụp từ cửa sổ này của triển lãm mang tên “Sợi và sở hữu: cảm nhận màu sắc và bản thân” (Thread & Own: Sensing Color and Oneself) diễn ra vào tháng 10 năm 2022, gồm những tác phẩm dệt may thủ công, mang đến trải nghiệm cảm xúc đa dạng đối với màu sắc.
Cung cấp bởi Bảo tàng Thủ công mỹ nghệ Seoul

Triển lãm ở Bảo tàng Thủ công mỹ nghệ Seoul ghi dấu ấn ở chỗ chúng đã thu vào một cái chớp mắt toàn bộ thủ công mỹ nghệ từ quá khứ đến hiện tại, vừa giúp công chúng hiểu hơn về lịch sử thủ công mỹ nghệ, vừa kích thích sự hiếu kỳ của họ thông qua những chủ đề triển lãm gắn với cuộc sống hằng ngày. Triển lãm thường trực “Nghệ nhân làm thế giới tốt đẹp hơn” (Artisans - Making the Better World) trưng bày tại các Tòa nhà Triển lãm 1 và 2 khai thác lịch sử thủ công mỹ nghệ, giới thiệu nhiều tác phẩm từ thời cổ đại đến cận đại với thiết kế đa dạng và có tính thực tiễn cao. Ở đây, khách tham quan có thể cảm nhận được thời gian và công sức mà đôi tay nghệ nhân đã đổ vào để hoàn thành một tác phẩm thủ công mỹ nghệ.

Tại Tòa nhà Triển lãm 3 có hai triển lãm thường trực là “Thêu thùa nở hoa” (Embroidery in Bloom) và “Bojagi, gói ghém cuộc sống thường ngày” (Bojagi, Embracing Dailylife) (bojagi là tên một loại vải gói đồ truyền thống của người Hàn, được thêu trang trí hoặc may ghép từ nhiều mẩu vải nhỏ để tạo ra những hoa văn khác nhau - chú thích của người dịch), bao gồm các tác phẩm thuộc bộ sưu tập do cố giám đốc Bảo tàng Thêu Hàn Quốc (Korea Embroidery Museum) Huh Dong-wha và vợ ông là Park Yeong-suk quyên tặng. Trước khi bảo tàng mở cửa, hai người đã tặng hơn 5.000 tác phẩm trong bộ sưu tập trọn đời của mình cho thành phố Seoul, tạo tiền đề cho việc mở Bảo tàng Thủ công mỹ nghệ Seoul. Thêu tay là một phương tiện biểu đạt và kỹ thuật lâu đời của thủ công mỹ nghệ. Triển lãm đã soi rọi lại những bức bình phong thêu tay từ góc nhìn hội họa, giới thiệu những kỹ thuật thêu tay khác nhau và ý nghĩa của từng hoa văn. Ngoài ra, khách tham quan còn được chiêm ngưỡng sự đa dạng của bojagi, từ những tấm vải thêu mỹ miều được sử dụng trong cung điện ngày xưa đến những tấm vải bọc trơn giản dị được người dân dùng trong đời sống hằng ngày.

Bắt đầu từ triển lãm chuyên đề về hoa tai, bảo tàng đã mở thêm nhiều triển lãm chuyên đề gắn liền với đời sống, và đã không ngừng thu hút công chúng. Triển lãm “Thủ công trong thời trang” (Crafts in Fashion) kết thúc vào đầu tháng 4 tìm kiếm mối quan hệ giữa thủ công mỹ nghệ và tác phẩm của những nhà thiết kế thời trang thế hệ đầu tiên ở Hàn Quốc. Triển lãm “Phòng đọc truyền cảm hứng” (Reference Room for Inspiration) mở cửa đến cuối tháng 5 làm sáng tỏ thế giới nghệ thuật của Choi Seung-chun, một nghệ nhân mộc suốt đời tìm cảm hứng từ chim chóc, cỏ cây, hoa lá.

Ngoài không gian triển lãm phục vụ việc ngắm nhìn tác phẩm thủ công mỹ nghệ, Bảo tàng Thủ công mỹ nghệ Seoul còn trang bị các cơ sở hạ tầng đa dạng giúp người dân có thể thưởng thức văn hóa của nghệ thuật thủ công, trong đó có thư viên duy nhất chuyên về thủ công mỹ nghệ ở Hàn Quốc rất được mọi người yêu thích. Càng ngày càng có nhiều kỳ vọng hơn dành cho bảo tàng này, nơi đang dần bén rễ như là một không gian văn hóa công cộng trong lòng thành phố.



Trong số các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm cố định làm sáng tỏ bức bình phong thêu tay từ góc độ hội họa, tác phẩm “Thêu tay, hoa nở” là bình phong Hoa Điểu đồ thể hiện hoa và chim qua tranh thêu tay.
Cung cấp bởi Bảo tàng Thủ công mỹ nghệ Seoul

Lee So-youngCộng tác viên tòa soạn
Dịch. Nguyễn Thị Ly

전체메뉴

전체메뉴 닫기