메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

2022 WINTER

CÂU CHUYỆN ĐẸP TẠO NÊN KHÔNG GIAN ĐẸP

Phim truyền hình nổi tiếng giúp các điểm quay trở thành khu danh thắng. Nơi diễn ra những câu chuyện cảm động trong phim nhiều lúc sẽ trở thành điểm du lịch tuyệt vời. Bối cảnh quay những chuyện đời thường hay rùng rợn trong phim đều không hấp dẫn du khách, bởi vì sức hút của địa điểm không nằm ở đặc trưng của chính nó mà nằm ở mức độ chia sẻ cảm xúc của du khách đối với bộ phim.

Phong cảnh tuyết trên đảo Binae, thành phố Chungju, một trong những điểm quay trong phim “Hạ cánh nơi anh”. Vùng đầm lầy ven sông này là hòn đảo được tự nhiên kiến tạo ở khu vực trung và thượng nguồn của sông Namhan. Nơi đây có 865 loài động thực vật sinh sống, trong đó có 15 loài có nguy cơ tuyệt chủng, được Bộ Môi trường Hàn Quốc công nhận là khu đầm lầy bảo tồn.
ⓒ forfood.tistory.com



Phim truyền hình cần không gian mở ra câu chuyện. Nơi phù hợp với mỗi tình huống không chỉ tác động lớn đến mức độ hoàn thiện của tác phẩm mà còn có thể giảm thiểu chi phí sản xuất bối cảnh nghệ thuật. Hơn hết, đây là yếu tố then chốt khiến khán giả say mê. Thế nên khi một bộ phim trở nên nổi tiếng, có nhiều người tìm kiếm các điểm quay trên các trang thông tin, rồi cùng bạn bè hay gia đình đến thăm và lưu lại những bức ảnh check-in trên mạng xã hội. Ngoài việc xem phim thì đến tham quan phim trường hoặc địa điểm là bối cảnh chính của bộ phim cũng là cách để thưởng thức phim truyền hình.

Trước năm 2000, phim truyền hình Hàn Quốc (K-drama) còn hạn chế về thể loại nên có nhiều nội dung trùng lặp và cách dàn dựng rập khuôn. Kỹ thuật hình ảnh cũng chưa phát triển. Tuy nhiên, sau khi các bộ phim Hàn lưu bắt đầu vươn ra nước ngoài, các nhà sản xuất và đạo diễn dần chú ý hơn đến vẻ đẹp hình ảnh của phim truyền hình. Việc tìm bối cảnh phù hợp cho bộ phim cũng dần trở nên quan trọng.

Gần đây, phim truyền hình Hàn Quốc đang trên đà hưng thịnh và những người phụ trách chọn bối cảnh cảm nhận điều này rất rõ, bởi họ phải tìm ra những nơi ấn tượng và thú vị hơn để phù hợp với nhiều thể loại và nội dung phim đa dạng. Phải có được không gian thật hợp lý để khán giả hòa mình vào câu chuyện trong phim. Tìm khung cảnh phù hợp cho câu chuyện và không gian phù hợp cho cảnh quay luôn là thách thức mới đối với những người phụ trách chọn bối cảnh cho phim truyền hình. Ngay cả sau khi bộ phim kết thúc, những địa điểm quay phim như vậy vẫn khiến khán giả vương vấn về những cảnh phim đặc sắc gây xúc động.


Biến hóa không gian
Trong số các phim truyền hình nổi tiếng những năm gần đây, ba bộ phim “Yêu tinh” (Guardian: The Lonely and Great God, 2016-2017), “Quý ngài Ánh dương” (Mr. Sunshine, 2018) và “Hạ cánh nơi anh” (Crash Landing on You, 2019-2020) có điểm chung là chúng đều khắc họa những câu chuyện tình đẹp. Bên cạnh đó, các bộ phim này đang vượt ra khỏi giới hạn về thời gian và không gian vốn có trước đây của phim truyền hình Hàn lưu.

Trước hết, bộ phim “Yêu tinh” là câu chuyện quay ngược thời gian, bắt đầu với một sự cố xảy ra 900 năm trước vào thời Goryeo (918-1392). Sau khi bị giết bởi vị vua mà mình cung phụng, tướng quân Kim Shin (Gong Yoo thủ vai) trở thành yêu tinh bất tử và sống với thanh kiếm cắm trong lồng ngực suốt 900 năm. Chỉ khi gặp được cô dâu của yêu tinh, anh mới có thể rút kiếm và kết thúc được cuộc sống bất tử. Cảnh nổi tiếng nhất trong bộ phim này là khi Kim Shin lần đầu gặp cô dâu yêu tinh Ji Eun-tak (Kim Go-eun thủ vai) lúc cô vô tình triệu hồi yêu tinh bằng cách thổi nến.

Cảnh quay này được thực hiện tại Yeongjin - một bãi biển nhỏ ở thành phố Gangneung. Trước khi bộ phim được quay, địa điểm này chỉ là một con đê phòng hộ giống như bao đê phòng hộ khác có thể thấy ở bất cứ đâu, nhưng giờ đây nó đã trở thành biểu tượng của địa phương, ngày nào cũng đón khách tấp nập đến tham quan và xếp hàng chờ chụp ảnh. Khi bộ phim đang nổi, một cửa hàng ở gần đó đã cho thuê với giá rẻ khăn quảng cổ màu đỏ giống với khăn của nữ diễn viên chính đã choàng và hoa kiều mạch - loại hoa mà nam chính đã tặng nữ chính trong cảnh quay. Khách tham quan cũng xếp hàng thuê khăn choàng và hoa để chụp những bức ảnh lưu niệm đẹp. Tại sao lại như vậy? Sở dĩ mọi người say mê và nườm nượp kéo đến nơi này là bởi phim truyền hình đã tái sinh nó thành địa điểm gắn với câu chuyện tình đẹp đầy xúc động. Bằng cách này, phim truyền hình đã biến hóa một cách diệu kỳ không gian bình thường.

Đình Manheu (Vãn Hưu) tại Andong là một trong những điểm quay trong phim “Quý ngài Ánh dương”. Ngôi đình này do quan văn Kim Gye-haeng (Kim Hệ Hành, 1431-1517) thời Joseon xây lên để nghỉ dưỡng những năm cuối đời. Sau khi phát sóng bộ phim, ngôi đình đã trở nên nổi tiếng đến mức khách du lịch xếp hàng dài để chụp ảnh trên cây cầu phía trước đình.
ⓒ Hong Communications, inc.

 



Ý nghĩa mới
Một ví dụ khác cho thấy cảm xúc từ phim truyền hình đã mang lại ý nghĩa mới cho không gian là “Quý ngài Ánh dương”. Lấy bối cảnh thời kỳ thực dân Nhật Bản thống trị (1910-1945), bộ phim khắc họa câu chuyện tình yêu nồng cháy giữaGoh Ae-shin (Kim Tae-ri thủ vai) - cháu gái của gia đình quý tộc danh giá và Choi Eu-gene (Lee Byung-hun thủ vai) - sĩ quan thủy quân lục chiến Hoa Kỳ. Đan xen vào đó là câu chuyện của những nghĩa binh hy sinh mạng sống của mình để giành lại quê hương bị xâm chiếm.

Không thể không kể đến vẻ đẹp hình ảnh khi nhắc đến tác phẩm này. Mỗi một phân cảnh đều được ngợi ca đẹp như tranh vẽ. Bên cạnh đó, lời thoại ý nghĩa, thú vị mang phong cách riêng của biên kịch Kim Eun-sook càng làm tăng thêm hương vị của bộ phim. Tác phẩm này được quay tại phim trường ở thành phố Nonsan, tỉnh Chungcheongnam nhưng cũng có nhiều phân đoạn được quay tại cảnh đẹp của các địa phương. Ví dụ như cảnh hẹn hò giữa Choi Eu-gene vàGoh Ae-shin khiến nhiều khán giả bồi hồi. Nơi họ thường chèo thuyền là đình Gosan (Cô Sơn) ở thành phố Andong, tỉnh Gyeongsangbuk. Được xây vào thế kỷ XVI, ngôi đình này được công nhận là di sản văn hóa vật thể của tỉnh Gyeongsangbuk. Quang cảnh ngôi đình nhìn từ bên kia sông thật sự là một kiệt tác. Sau khi phát sóng bộ phim, nơi đây đã trở thành danh thắng thu hút nhiều khách du lịch.

Ngoài ra, nhà cổ Ildugotaek (Nhất Đỗ cổ trạch) tại Hamyang được chọn làm bối cảnh cho căn nhà củaGoh Ae-shin cũng gây chú ý. Là di sản văn hóa dân gian cấp quốc gia, đây là nơi sinh sống của hậu duệ của Jeong Yeo-chang (Trịnh Nhữ Xương, 1450-1504), một học giả Tân Nho giáo ở triều đại Joseon. Trải qua nhiều đợt tu sửa và cải tạo, ngôi nhà hiện đang được bảo tồn. Vẻ ngoài trang nhã của ngôi nhà quý tộc thời Joseon tạo cảm giác như thể nàng Ae-shin trong phim thực sự sống trong ngôi nhà này.



Ghi nhớ vẻ đẹp
Tình yêu giữa nam nữ chính trong “Hạ cánh nơi anh” cũng không êm đềm. Tuy đây không phải là câu chuyện quay ngược thời gian 900 năm hay câu chuyện mất nước, nhưng hiện thực nghiệt ngã của sự chia cắt bán đảo Triều Tiên thành hai miền Nam Bắc đã cản trở tình yêu của đôi uyên ương. Tương tự các tác phẩm trên, bộ phim này cũng ghi nhận tỷ lệ người xem cao, và sự tò mò về điểm quay cũng gia tăng tỷ lệ thuận với độ nổi tiếng của bộ phim. Trong số đó, điều khiến khán giả thắc mắc nhất là ngôi làng ở miền Bắc Triều Tiên - bối cảnh chính ở phần đầu bộ phim - nằm ở đâu.

Các cảnh quay thôn xóm quy mô lớn thường được thực hiện ở những trường quay dựng nên từ bối cảnh do chính quyền địa phương cung cấp. Hai trường quay Taean và Hoengseong của bộ phim này đáng tiếc đã bị dỡ bỏ, nhưng đảo Binae ở thành phố Chungju đã xoa dịu sự tiếc nuối đó. Hòn đảo này là nơi quay phân đoạn nhân vật nữ chính Yoon Se-ri (Son Ye-jin thủ vai) đi dã ngoại với những người bạn là quân nhân Triều Tiên. Nhờ không có công trình nhân tạo nào nên nơi này phù hợp để làm bối cảnh cho một bờ sông nào đó ở Triều Tiên trong phim. Binae là đảo lục địa có diện tích 700.000m2, được hình thành do sự tích tụ của cát sông, với vùng đầm lầy tuyệt đẹp bao phủ bởi liễu và lau sậy. Để tìm được địa điểm hiếm có này, người phụ trách chọn bối cảnh đã tìm kiếm và chọn lọc từ vô vàn cảnh đẹp trên cả nước.

Một trong những điểm lôi cuốn nhất của phim truyền hình Hàn Quốc là sự đa dạng về nội dung, chẳng hạn như những câu chuyện vượt thời gian, không gian đầy thú vị. Để hậu thuẫn cho các nội dung đa dạng như vậy cần có khung cảnh làm sống động câu chuyện. May thay, với các di sản văn hóa được bảo tồn tốt và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, Hàn Quốc có khá đủ điều kiện giúp người sáng tác phát huy trí tưởng tượng.

Đôi khi, một nơi bình thường không có gì đặc biệt lại trở thành không gian được yêu thích nhờ độ nổi tiếng của phim truyền hình. Tác phẩm càng hay thì càng có nhiều người đến thăm, câu chuyện càng hay thì càng được nhớ lâu. Hiếm khi nơi diễn ra một sự việc khủng khiếp và tàn bạo trong phim truyền hình lại trở nên nổi tiếng. Khán giả tìm đến tham quan địa điểm quay phim và lưu giữ ấn tượng về nó ngay cả khi đã trở về cuộc sống thường nhật chủ yếu là do địa điểm ấy gắn với câu chuyện đẹp mà họ muốn chia sẻ cảm xúc.

Phong cảnh tuyết của rừng bạch dương ở xã Wondae, huyện Inje, tỉnh Gangwon. Đây là điểm du lịch sinh thái tiêu biểu của Inje, có khoảng 700.000 cây bạch dương được trồng ở đây trong hơn 20 năm kể từ năm 1974. Địa điểm này được chọn làm bối cảnh trong nhiều bộ phim truyền hình, bao gồm cả mùa 2 loạt phim “Vương triều xác sống” (Kingdom, 2020).
ⓒ Tổng Công ty Du lịch Hàn Quốc

 



Kim Tae-youngGiám đốc điều hành Công ty Nội dung Truyền thông LOMARO, Phụ trách chọn bối cảnh
Dịch. Lê Hoàng Bảo Trâm

전체메뉴

전체메뉴 닫기