메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

2021 AUTUMN

HANGEUL: Tỏa sáng trong tâm điểm toàn cầu

VẺ ĐẸP TẠO HÌNH CỦA KIỂU CHỮ BIẾN ĐỔI CÙNG THỜI ĐẠI

Các phông chữ mới liên tục được tạo ra do chữ viết phản ánh tinh thần, thẩm mỹ của thời đại và sự tiến bộ của kỹ thuật. Suốt sáu thế kỷ kể từ khi ra đời, cũng giống như bất kỳ chữ viết nào khác, Hangeul đã biến đổi qua nhiều hình dạng khác nhau theo dòng chảy của lịch sử.

fea3_6.jpg

“Cho Han jeon” (Chiến tranh Hán Sở). Cuối triều đại Joseon. Banggakbon (Wanpanbon).
Đây là phiên bản Wanpanbon của “Chiến tranh Hán Sở”, một tiểu thuyết lịch sử của tác giả vô danh mô tả sự xung đột giữa Hạng Vũ của nước Sở và Lưu Bang của nước Hán. Vào cuối triều đại Joseon, các ấn bản Banggakbon do tư nhân xuất bản được phân loại theo khu vực như Gyeongpanbon được khắc ở Seoul, Anseongpanbon ở Anseong thuộc tỉnh Gyeonggi và Wanpanbon ở Jeonju thuộc tỉnh Jeollabuk. Kiểu chữ Hangeul trong Wanpanbon có đặc điểm thể hiện rõ trong bản in tiểu thuyết này, đó là các chữ cái lớn và có hình thức vuông vắn.
© Bảo tàng Hangeul Quốc gia

Hầu hết các hệ thống chữ viết nhân loại đang sử dụng đều được tạo ra bằng cách mô phỏng hình ảnh của sự vật hoặc thiên nhiên. So với các chữ viết khác, phải nói rằng Hangeul chủ yếu phản ánh những khái niệm trừu tượng khó xác định bằng mắt thường. Hình dạng chữ viết cũng bao gồm các ký hiệu đơn giản nhất như dấu chấm, nét ngang, nét dọc… Các chữ cái phụ âm về cơ bản được tạo ra dựa trên chuyển động của bộ máy cấu âm. Đối với các âm như âm căng và âm bật hơi, các nét được thêm vào để mở rộng và tạo thành tổ hợp phù hợp với sự thay đổi của âm thanh. Những điều này làm rõ ý “Mỗi âm thanh trong trời, đất và vạn vật đều có con chữ tương ứng” trong sách giải nghĩa “Hunminjeongeum” (Huấn dân chính âm) (1446) nói về nguyên lý sáng tạo và cách sử dụng Hangeul.

Vào thời điểm mới ra đời, Hangeul không được công nhận là chữ viết chính thức của đất nước. Hangeul chủ yếu được phổ biến trong giới nữ lưu hoàng cung, giới Phật giáo và dần lan rộng ra tầng lớp dân thường. Đặc biệt, vào cuối triều đại Joseon, các tiểu thuyết viết bằng Hangeul rất thịnh hành và nhờ đó, nhiều người bất kể địa vị hay tuổi tác đã bắt đầu đọc và viết Hangeul. Trong quá trình này, nhiều phông chữ đa dạng giúp ta cảm nhận được vẻ đẹp tạo hình của Hangeul đã xuất hiện.

Phông chữ thời kỳ đầu
Các nhà thư mục học nói rằng vua Sejong thích những thể chữ Hán tròn trịa đầy đặn. Thế nhưng, Hangeul do ông tạo ra lại có các hình dạng hình học rất gọn và đơn giản. Các khối hình vuông được lấp đầy bằng phụ âm và nguyên âm kết hợp lại nhìn thật hùng tráng, những nét đơn giản khiến ta cảm nhận được sự dứt khoát và chân phương. Chữ “ㅇ” được vẽ tròn đều làm tăng thêm sự thỏa mãn về mặt thị giác.

Tuy nhiên, phông chữ này chỉ được sử dụng trong một vài quyển sách xuất bản ngay sau khi Hangeul ra đời và sau đó không còn xuất hiện nữa. Bút lông vốn là dụng cụ viết chữ lúc bấy giờ có thể dễ dàng thay đổi nét chữ, nhưng ngược lại rất khó vẽ tất cả các nét với độ dày ổn định. Xét về điểm này, ta có thể đoán tại sao một phông chữ hùng tráng và chân phương như vậy lại biến mất.

fea3_1.jpg

AG Hunminjeongeum. Đây là phông chữ được chế tác phù hợp với kiểu viết theo chiều ngang ngày nay dựa trên phông chữ nguyên thủy trong “Hunminjeongeum” và cấu trúc của phông chữ “Thích phổ tường tiết” tiếp nối sau đó. Viện Nghiên cứu Phông chữ AG công bố vào năm 2018.
© Viện Nghiên cứu Phông chữ AG

Ảnh hưởng của thư pháp chữ Hán
Bộ chữ Hangeul mới lạ này chịu ảnh hưởng của thư pháp chữ Hán vốn quen thuộc với người Hàn hơn là có lối viết độc đáo riêng phản ánh đặc trưng của nó. Nói cách khác, Hangeul được viết theo kiểu Hán tự. Giống Khải thư (thể chữ phổ thông nhất trong các kiểu viết chữ Hán – chú thích của người dịch) với đặc điểm các nét được viết thẳng theo chiều ngang và dọc tạo thành hình vuông, Hangeul cũng duy trì tỉ lệ hình vuông, thể hiện mật độ khác nhau tùy thuộc số nét, trọng tâm đặt ở chính giữa giữ chặt các nét vươn ra bốn phía.

Có thể thấy cách viết này trong “Pyeongchang Sangwonsa Jungchang Gwonseonmun” (Bình Xương Thượng Viện Tự trùng sáng khuyến thiện văn) (Văn khuyến thiện viết nhân dịp trùng tu chùa Thượng Viện ở Bình Xương) do vua Sejo (Thế Tổ, trị vì 1455-1468) – con trai thứ hai của vua Sejong – viết vào năm thứ 10 tại vị. Ngoài ra, chữ viết trong “Uigwe” (Nghi quỹ) ghi chép chi tiết toàn cảnh các sự kiện lớn của hoàng thất hoặc đất nước được viết rất rõ nét và ngay ngắn. Đây là bản lưu chính thức của quốc gia nên ắt phải được những người viết chữ đẹp nhất thời đó ghi lại chính xác bằng kiểu chữ phổ biến nhất. Sách “Oryun Haengsildo” (Ngũ luân hành thực đồ) lưu hành dưới thời vua Jeongjo (Chính Tổ, trị vì 1776-1800) kể về những tấm gương gìn giữ đức hạnh cơ bản trong mối quan hệ giữa người với người cũng có kiểu chữ đặt trọng tâm ở giữa và viết đối xứng trên - dưới, trái - phải. Kiểu chữ này trông vừa mềm mại lại vừa cương trực.

Mặt khác, cũng có những kiểu chữ Hangeul vừa mang đặc điểm của Khải thư với trọng tâm đặt ở giữa con chữ vừa cho thấy hình ảnh của thể Hành thư, khiến ta cảm nhận được tốc độ viết khi kết nối các nét chữ. Tất nhiên, Hangeul không có nhiều nét so với Hán tự nên độ tương phản mạnh yếu không rõ nét, nhưng các phụ âm và nguyên âm được điều chỉnh kích thước và không gian trong khung vuông vừa tạo nên ấn tượng vững chãi và chuẩn mực, lại vừa cho thấy sự thư thái và thanh tao. Vua Hyojong (Hiếu Tông, trị vì 1649-1659) và văn nhân Yang Sa-eon (Dương Sĩ Ngạn) lừng danh ở thế kỷ XVI có bút pháp theo kiểu Hành thư bay bổng và tràn đầy sức sống.

fea3_2.JPG

“Pyeongchang Sangwonsa Jungchang Gwonseonmun” (Bình Xương Thượng viện tự Trùng sáng Khuyến thiện văn). 1464. Bản viết tay. Khuyến thiện văn (kêu gọi làm việc thiện) do nhà sư Sinmi, lúc bấy giờ là thầy của vua Sejo và một số nhà sư viết cùng bức thư của vua Sejo gửi kèm vật phẩm khi trùng tu chùa Sangwon được chép lại. Phiên bản chữ Hán và phiên bản “Hangeul Eeonhaebon” (Ngại giải bổn) (bản dịch các nội dung từ tiếng nước ngoài, đặc biệt là Hán tự ra Hangeul – chú thích của người dịch) được truyền lại, đặc biệt “Eeonhaebon” là bản viết tay chữ Hangeul lâu đời nhất. Hai bên trái, phải của các chữ cái duy trì sự cân xứng trong khuôn hình vuông và những nét mạnh mẽ mang lại cảm giác oai nghiêm.
© Bảo tàng Seongbo chùa Woljeongsa

fea3_3.jpg

Đây là lá thư do đích thân Vua Hyojong (trị vì 1649~1659) gửi cho con gái thứ ba của mình là Thục Minh Công chúa “Sukmyeong Shinhancheop” (Thục Minh Thần hàn thiếp) bao gồm 66 bức thư của Quốc vương cùng các Vương hậu và một lá thư do công chúa Sukmyeong viết, tổng cộng có 67 bức thư. Nét chữ Hangeul mang đặc điểm của thể Hành thư trong Hán tự vừa thanh thoát vừa tràn đầy sinh lực tạo ấn tượng phóng khoáng. Đây là bút tích tiêu biểu của thế kỷ XVII – thời kỳ quá độ Hangeul đi từ Cổ thể đến Cung thể.
© Viện Bảo tàng Quốc gia Cheongju

Gungche (Cung thể)
Chỉ đến khi Hangeul được sử dụng phổ biến thì kiểu dáng đặc trưng của nó mới xuất hiện. Phông chữ này thường gặp trong thư từ nên còn gọi là “Seoganche” (Thư giản thể) hoặc “Gungche” (Cung thể) do được những người phụ nữ trong cung sử dụng. Phông chữ này được hoàn thiện vào thời kỳ cuối triều đại Joseon và được sử dụng đến tận ngày nay. Kiểu chữ in của phông chữ này rất ngay ngắn, trong khi kiểu chữ thảo lại uyển chuyển và thậm chí đôi lúc còn kiểu cách. Ngoài ra, kí tự nguyên âm tạo ra chiều vật lý của dòng chữ và từ ký tự này, kí tự phụ âm cuối tạo thành chiều rộng của tổ hợp chữ, hình thành vành đai rộng hoặc hẹp khi sắp xếp các chữ cái. Các kí tự nguyên âm đóng vai trò giống như đường gốc nối các phần chân chữ (base line) và chiều cao ký tự nhỏ (X-height) của phông chữ La-tinh.

fea3_4.jpg

“Yeosaseo” (Nữ Tứ thư). Khoảng thế kỷ XIX . Bản viết tay.Ai đó đã chép lại nội dung Quan văn Lee Deok Su (Lý Đức Thọ) dịch tác phẩm “Yeosaseo” (Nữ tứ thư) của Trung Quốc sang tiếng Hàn theo lệnh Vua Yeongjo (trị vì 1724~1776) bằng chữ Cung thể viết in. Cung thể có đặc điểm là trục trọng tâm của chữ ở bên phải, cùng là một phụ âm nhưng có hình dáng thay đổi tùy theo nguyên âm. Chữ viết này cho thấy rõ đặc điểm trên của Cung thể, kết cấu của phụ âm và nguyên âm tạo nên sự cân bằng mang lại cảm giác tao nhã.
© Bảo tàng Hangeul Quốc gia

fea3_5.jpg

Các Thư tả Thượng cung dưới quyền các phụ nữ trong triều đình chuyên đảm nhiệm công việc viết lách không chỉ viết các văn bản chính thức mà còn viết thay thư từ cho hoàng tộc. Chữ viết này do cung nữ họ Lý dưới quyền của Hoàng hậu Sinmyeong (Thần Trinh Vương hậu) (1808~1890) - mẹ của Vua Heonjong - sử dụng Cung thể viết nghiêng. Chữ viết của bà nổi tiếng với độ dày của nét chữ, tỉ lệ đa dạng và năng động.
© Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc

Kiểu chữ Banggakbon (Phường khắc thể)
Nếu như “Cung thể” là kiểu chữ Hangeul phát triển từ cung đình thì “Phường khắc thể” lại là kiểu chữ phát triển vượt bậc trong dân chúng. Vào cuối triều đại Joseon, các tiểu thuyết viết bằng Hangeul trở nên phổ biến và các nhà xuất bản tư nhân đã in và phân phối sách với số lượng lớn. Sách được in từ các bản khắc gỗ nét chữ viết tay bằng bút lông được gọi là Banggakbon. Đặc điểm của kiểu chữ Banggakbon hình thành từ việc viết thật nhanh và khắc Hangeul lên mộc bản, dù không có vẻ gọn gàng ngay ngắn như kiểu chữ có sự tham gia của triều đình trong quá trình tạo ra nhưng vẫn mang nét đẹp giản dị và bình dân.

fea3_7.jpg

“Hong Gil-dong jeon” (Hồng Cát Đồng truyện). Cuối triều đại Joseon. Banggakbon (Gyengpanbon).Đây là phiên bản Gyengpanbon của tiểu thuyết đầu tiên tại Hàn Quốc “Hong Gil-dong jeon” của Heo Gyun (Hứa Quân, 1569-1618), một nhà văn vào giữa thời Joseon sáng tác, kể về câu chuyện của nhân vật chính trừng phạt các quan tham và xây dựng một quốc gia lý tưởng. Khác với Banggakbon ở các vùng khác, Gyeongpanbon có đặc điểm là chữ viết nhỏ theo kiểu chữ thảo được khắc tỉ mỉ.
© Bảo tàng Hangeul Quốc gia

fea3_8.jpg

Phông chữ kỹ thuật số Dyoung được nhà thiết kế phông chữ Ha Hyeong-won công bố vào năm 2017. Phông chữ này diễn giải lại phông chữ Banggakbon trong tiểu thuyết anh hùng “Dunungjeon” (Triệu Hùng truyện) xuất bản vào đầu thế kỷ XX theo góc nhìn hiện đại, được thiết kế để viết theo chiều dọc và áp dụng thể Hành thư.
© Ha Hyeong-won

Các phông chữ hiện đại
Năm 1945 là cột mốc đánh dấu Hàn Quốc bắt đầu tiếp nhận văn hóa phương Tây và câu văn Hangeul được chuyển hướng viết từ chiều dọc sang chiều ngang. Trong quá trình đó, những tạo hình mới của Hangeul chưa từng có trong quá khứ mà tiêu biểu là phông chữ phá vỡ khung hình vuông đã xuất hiện. Khi viết kiểu chữ thoát ra khỏi khung hình vuông theo chiều ngang này, ta sẽ cảm nhận được nhịp rộn ràng như thể trẻ em đang chạy nhảy chơi đùa theo một giai điệu hân hoan.

Việc tạo hình phát triển Hangeul bị ngừng trệ suốt một thế kỷ kể từ khi triều đại Joseon suy thoái và sụp đổ cuối thế kỷ XIX và thời gian Hàn Quốc tập trung vào phục hồi xã hội và phát triển kinh tế sau chiến tranh Triều Tiên năm 1950. Kinh tế và xã hội đều chưa đủ điều kiện nên nhu cầu về các kiểu chữ Hangeul đa dạng cũng chưa nhiều. Tuy nhiên, từ sau thập niên 1990, khi nền kinh tế đã phần nào ổn định và xã hội hướng đến sự đa dạng thì các kiểu chữ Hangeul đã bắt đầu xuất hiện những thay đổi đáng chú ý. Thế nhưng khi ấy Hàn Quốc vẫn còn miệt mài chạy theo văn hóa thị giác phương Tây vốn đã đi trước rất xa. Còn giờ đây, sau hơn 10 năm, đã xuất hiện những phông chữ đa dạng do thế hệ mới tạo nên qua những trải nghiệm tạo hình tự do và cả các phông chữ diễn giải lại phông chữ Hangeul cũ một cách đầy sáng tạo. Sự tiến hóa của phông chữ Hangeul trong thời đại kỹ thuật số được dự đoán sẽ còn phát triển trên phạm vi rộng và nhanh chóng hơn bao giờ hết.

Các nhà thư mục học nói rằng vua Sejong thích những thể chữ Hán tròn trịa đầy đặn. Thế nhưng, Hangeul do ông tạo ra lại có các hình dạng hình học rất gọn và đơn giản.

fea3_9.jpg

AG Choijeongho Std.Đây là nguyên đồ (bản vẽ hiết kế gốc – original typographic drawing) kiểu chữ serif cuối cùng của Choi Jeong-ho (1916-1988), người tiên phong trong việc phát triển phông chữ Hangeul hiện đại. Khác với phong cách chữ viết chung bấy giờ, phông chữ này có đặc trưng bề ngang hẹp, đầu nét lớn và cuối nét được xử lý nhọn tạo nên vẻ mạnh mẽ. AG Choijeongho Std được công nhận là hình thái chữ tiêu biểu và chuẩn mực nhất trong số các kiểu chữ in Hangeul.
© Viện Nghiên cứu Phông chữ AG

fea3_11.jpg

310 Ahn Sam-yeolLà thể chữ in do nhà thiết kế đồ họa Ahn Sam-Yeol công bố vào năm 2011, có đặc trưng là các nét ngang và dọc tương phản rất rõ. Nó được thiết kế dùng cho tiêu đề, khổ chữ càng lớn thì đặc điểm của ký tự càng nổi bật. 310 Ahn Sam-yeol đã giành được Giải thưởng Thường niên Tokyo TDC 2013 trong hạng mục Thiết kế Chữ với đánh giá đã đưa ra được khả năng mỹ học mới cho phông chữ Hangeul.
© Ahn Sam-yeol

AG Mano 2014Phông chữ do nhà thiết kế đồ họa Ahn Sang-soo hoàn thành vào năm 1985, được xem là phông chữ tiêu biểu nhất thoát khỏi khung hình vuông quen thuộc. Sau đó, ông đã thử nghiệm nhiều loại phông chữ mô-đun 3-set thể hiện rõ ràng sự giản dị của Hangeul, trong đó Mano là phông chữ tạo thành từ mô-đun đường thẳng có đặc điểm diện tích chữ thay đổi theo số nét. AG Mano 2014 là phiên bản nâng cấp của phông Mano.
© Viện Nghiên cứu Phông chữ AG

fea3_12.jpg

BaramĐược tạo ra vào năm 2014 bởi nhà thiết kế Hangeul Lee Yong-jae thông qua huy động vốn từ cộng đồng. Ông đã làm mới lại loại chữ in của Park Gyeong-seo, một nhà điêu khắc chữ kim loại của triều đại Joseon vào đầu những năm 1900 với mục đích trưng bày. Kết cấu của phông chữ tuân theo thể Myeongjo (phông chữ của thời nhà Minh Trung Quốc), còn dấu chấm và nét lại theo Cung thể. Baram là kiểu chữ viết dọc chuyên dành cho tiêu đề và được biết đến rộng rãi khi xuất hiện trong album của ca sĩ IU “A flower bookmark”.
© Lee Yong-je

fea3_13.jpg

Dunkel SansĐây là phông chữ dành cho tiêu đề tạo ấn tượng mạnh với một thử nghiệm táo bạo hiếm thấy trong thiết kế Hangeul. Nhà thiết kế phông chữ Ham Min-joo đang làm việc tại Đức đã lấy cảm hứng từ tranh quảng cáo các bộ phim nước ngoài phát hành ở Hàn Quốc vào những năm 1950 và phát hành vào năm 2018.
© Ham Min-joo

fea3_14.jpg

SimsimPhông chữ này do Lee Yong-je sáng tạo vào năm 2013 với thử nghiệm tạo hình thoát ra khỏi khung hình vuông, có đặc điểm diện tích của chữ viết mở rộng theo số nét và khi viết ngang tạo nên nhịp điệu tươi vui.
© Lee Yong-je

Lee Yong-je Giáo sư Khoa Thiết kế Trực quan, Trường Đại học Nghệ thuật Kaywon
Dịch. Nguyễn Thị Phương Mai

전체메뉴

전체메뉴 닫기