메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

2023 SUMMER

BIỂU TƯỢNG CÁT TƯỜNG TRONG KHUÔN VIÊN HOÀNG CUNG

Có nhiều tác phẩm điêu khắc và trang trí trong cung điện. Các tác phẩm điêu khắc hay chạm trổ hoa văn bằng đá bài trí khắp nơi để trang trí những yếu tố kiến trúc như cầu đá, nguyệt đài (woldae), ống khói,... chứa đựng lý tưởng chính trị Nho giáo và uy quyền của nhà vua, cũng như sự tôn nghiêm của hoàng thất. Những vật trang trí này không chỉ thể hiện trực quan vẻ đẹp tạo hình tuyệt mĩ mà còn giúp hiểu được thế giới quan của những người sống trong cung điện thời đó.

Japsang là tượng hình người hoặc động vật được trang trí trên mái hiên của nóc cung điện. Loại tượng này có ý nghĩa cầu chúc bình yên cho hoàng cung vì chúng có khả năng xua đuổi tà ma và yêu quái.
ⓒ Huh Yu-jeong, Unsplash


Trong cung điện có nhiều vật trang trí kiến trúc khác nhau để cầu nguyện cho hòa bình và thịnh vượng của vương triều, cũng như sự trường thọ không bệnh tật của các thành viên hoàng tộc. Các tác phẩm điêu khắc bằng đá, đất và kim loại này được lấy cảm hứng từ những câu chuyện dân gian, cho chúng ta cái nhìn bao quát về trí tưởng tượng tạo hình của người xưa. Đặc biệt, bên trong cung Gyeongbok (Cảnh Phúc, cung điện chính của triều đại Joseon) có hàng trăm tác phẩm điêu khắc bằng đá, tạo nên không gian lý tưởng nhất để khám phá ý nghĩa biểu tượng của trang trí kiến trúc cung điện.

Ở phía trước cổng chính Gwanghwamun (Quang Hóa môn) của cung Gyeongbok, có một cặp tượng đá được gọi là haechi (giải trãi). Haechi là sinh vật huyền thoại biết phán xét đúng và sai, tốt và xấu. Tượng có thân tròn, có vảy và bốn móng vuốt. Khuôn mặt có chiếc mũi to, hai mắt to lồi ra, và dù răng nanh lộ ra nhưng không hề có vẻ đe dọa mà giống như đang cười. Chúng mang lục lạc trên cổ, lông rủ xuống dưới tai và có bờm sau gáy. Có một phần nhô ra hình xoắn ốc trên đỉnh đầu trông giống như sừng cừu đực. Được biết, hai tượng này được chế tác trong quá trình tái thiết cung Gyeongbok (bắt đầu từ năm 1865 và hoàn thành vào năm 1867).

Giống như cán cân công lý của phương Tây, haechi được coi là biểu tượng của luật pháp và công lý ở Đông Á. Haechi trước cổng chính cung điện tượng trưng cho vương quyền và nền chính trị Nho giáo lý tưởng mà triều đại Joseon theo đuổi. Ngày xưa, trước mặt haechi có khối đá đề chữ “hạ mã thạch” (đá xuống ngựa), là chỗ mà tất cả quần thần giẫm lên để xuống ngựa và tiến vào cung.



Những vệ thần hoàng gia

Dốc dapdo nằm ở giữa bậc thềm trước cổng Geunjeong, cung Gyeongbok. Vốn là lối đi dành riêng cho kiệu vua, đây là một trong những yếu tố trang trí thể hiện nghi lễ hoàng cung. Trên dapdo chạm khắc hình tượng phượng hoàng, còn hai bên là tượng haechi.
ⓒ Cục Di sản văn hóa

Sau khi vượt qua cổng Gwanghwamun, ta phải băng qua hào nước Geumcheon trong sân giữa hai cổng Heungnyemun (Hưng Lễ môn) và Geunjeongmun (Cần Chánh môn). Trên cầu Yeongje (Vĩnh Tế) bắc qua Geumcheon có bốn con rồng ngồi trên các trụ lan can ở bốn góc. Chúng cuộn cơ thể có vảy lại, hai chân trước giữ ngọc như ý, trên đầu có hai sừng và dưới cằm có râu dài. Chúng ngồi quay mặt vào bên trong cầu trông như đang giám sát người qua lại cầu Yeongje. Rồng không chỉ tượng trưng cho vương quyền mà còn là loài thú bảo vệ và gìn giữ quyền lực hoàng gia.

Trên kè đá của hào nước Geumcheon có tượng bốn con vật cát tường. Chúng bám vào mép kè đá bằng hai chân trước và thò đầu ra trước như thể sẵn sàng lao xuống nước bất cứ lúc nào. Chúng có sừng ba nhánh trên đầu, lông mày cong tròn, mũi to ấn tượng, thân có lớp vảy và chân có ba ngón. Người dân cuối thời Joseon tin rằng loài vật này là cheonrok (thiên lộc), một loài linh thú có vai trò xua đuổi tà khí và bảo vệ cung điện khỏi những điều xui xẻo, cũng như giúp các quan trong triều trấn tĩnh trước khi vào cung điện.

Qua khỏi cầu Yeongje, hiện ra trong tầm mắt là cổng Geunjeongmun và điện Geunjeong vốn là không gian chính của cung Gyeongbok. Điện Geunjeong là chính điện của cung Gyeongbok, nơi các vua đăng cơ, diễn ra lễ thiết triều của văn võ bá quan và ban hành các luật quan trọng. Do đó, điều hiển nhiên là các bức tượng loài vật cát tường được bài trí nhiều nhất quanh khu vực điện Geunjeong. Trên lối đi dành riêng cho kiệu vua (dapdo) có chạm khắc hình ảnh phượng hoàng bao quanh ngọc như ý. Cũng như rồng, phượng hoàng tượng trưng cho vua.

Tượng động vật đặt trên trụ lan can của nguyệt đài ở điện Geunjeong, cung Gyeongbok. Trên mỗi trụ đều bài trí các loài vật tượng trưng cho phương hướng đông, tây, nam, bắc, các mùa và 12 tháng.
ⓒ Cục Di sản văn hóa



Ở nguyệt đài (phần diện tích nền vuông vức ở phía trước điện, cao hơn so với mặt đất, có lan can bao quanh, thường được xây thành hai tầng - chú thích của người dịch) của điện Geunjeong, trên trụ đá lan can có nhiều con vật đang bảo vệ vị trí của chúng. Các con vật tượng trưng cho bốn hướng và bốn mùa được đặt ở tầng trên của nguyệt đài, còn các con vật tượng trưng cho 12 tháng được đặt ở tầng dưới; tuy nhiên, một số con vật bị loại bỏ do vấn đề bố cục bài trí. Ở các góc phía trước của nguyệt đài có điêu khắc những con vật giống sư tử và đàn con của chúng. Con vật tưởng tượng giống sư tử ở hướng nam tượng trưng cho trí tuệ sáng suốt và khả năng phán đoán đúng đắn của nhà vua. Ngoài ra, trên nguyệt đài còn có một cái vạc lớn bằng đồng có ba chân và hai tay cầm, từ xa xưa đã là biểu tượng cho tính chính thống của vương quyền.

Thời đại thái bình

Không phải ngẫu nhiên các bức tượng động vật khác nhau được đặt ở không gian chính của cung điện. Điều này ngụ ý rằng dưới sự cai trị của đấng minh quân, mọi sinh vật sẽ vận động theo quy luật tự nhiên, tương ứng với vị trí của mình. Các linh thú vừa bảo vệ hoàng thất, vừa tượng trưng cho việc hiện thực hóa thời đại thái bình. Biểu tượng tương tự cũng xuất hiện trong các tác phẩm điêu khắc tại lầu Gyeonghoe (Khánh Hội), nơi tổ chức các yến tiệc của cung Gyeongbok. Lầu Gyeonghoe được xây dựng trên một hồ nhân tạo lớn với chiều dài mỗi bên hơn 100 mét, có ba cây cầu đá để ra vào. Rồng và kỳ lân, mãng xà và sô ngu, voi và haechi xuất hiện trên mỗi lan can cầu lần lượt tượng trưng cho nhà vua, thái tử và những quần thần đức độ.

Mặt khác, vào năm 1997, một con rồng làm bằng đồng thau đã được khai quật từ hồ lầu Gyeonghoe. Được phát hiện trong quá trình nạo vét hồ, con rồng dài khoảng 1,5m, nặng 66,5kg đã từng là tạo vật giúp phòng hỏa hoạn trong cung. Người đương thời tin rằng tạo vật linh thiêng này tượng trưng cho nhà vua có khả năng điều khiển nước và tạo mưa. Nó hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Cung điện Quốc gia Hàn Quốc.

Liên quan đến hỏa hoạn, cũng có những vật chứa bằng kim loại có chức năng thực tế hơn là ý nghĩa tâm linh. Ở bên trái và bên phải ngay dưới nguyệt đài của điện Geunjeong có những chiếc nồi sắt lớn “deumu” được đặt trên ba bệ đá. Người ta thường cho nước vào đó và dùng làm nước chữa cháy trong trường hợp hỏa hoạn. Vào mùa đông, lửa được châm giữa các chân đá để nước không đóng băng. Ngoài ra, vật này cũng mang một ý nghĩa hài hước là con quỷ lửa (hwama) khi nhìn thấy khuôn mặt của chính nó phản chiếu trên mặt nước sẽ kinh hãi mà bỏ chạy.

Ngoài tượng điêu khắc, trong các công trình kiến trúc cũng hiện hữu các vật trang trí mang tính biểu tượng. Ở hai đầu đỉnh mái (bờ nóc) của điện Geunjeong, những viên gạch trang trí khổ lớn nhô lên đầy góc cạnh trông rất nổi bật. Trong thời cổ đại, người ta tạo hình đỉnh mái thành dáng đuôi hoặc đầu chim, nhưng đến thời Joseon thì chạm trổ rồng. Những vật này đương nhiên thể hiện vương quyền nhưng đồng thời có thêm ý nghĩa tâm linh trong việc ngăn chặn đám cháy. Nhiều tượng japsang (tạp tượng, có thể là tượng người hoặc thú - chú thích của người dịch) được đặt trên mái hiên của nóc điện. Được tin là có khả năng xua đuổi tà ma và yêu quái, những bức tượng này đảm nhận vai trò ngăn chặn những điều xui xẻo trên mái điện. Trong triều đại Joseon, tượng japsang chỉ được bài trí trong các công trình trọng yếu của nhà nước, trong đó có cung điện, vì vậy bản thân nó đã thể hiện uy quyền của vương triều. Ngoài ra, số lượng tượng cũng phụ thuộc vào tầm quan trọng của công trình. Hiện nay, ở mỗi tầng mái của điện Geunjeong còn lại bảy tượng japsang, nhưng kết quả nghiên cứu đã cho thấy trong quá khứ có nhiều tượng hơn thế.

Đặc điểm hài hước

Ống khói ở hậu viên của điện Gyotae, cung Gyeongbok, chạm trổ thập trường sinh biểu tượng của sự trường thọ, và tứ quân tử biểu thị tính cách cao quý.
ⓒ gettyimagesKOREA

Phía sau điện Gangnyeong (Khang Ninh), nơi ở của nhà vua, là tẩm cung của vương phi được gọi là điện Gyotae (Giao Thái). Phía sau điện Gyotae có một hậu viên mang tên Amisan (Nga Mi sơn). Trong hậu viên, người ta xây bốn tầng đá, bày một bể nước và những tảng đá có hình thù kỳ dị, đồng thời trồng đa dạng thực vật. Các ống khói hình lục giác bằng gạch đỏ xếp chồng nối với bếp lò (agungi) của điện Gyotae được lắp đặt ở tầng đá thứ ba. Trên sáu mặt của ống khói chạm khắc các hoa văn cầu chúc cho sức khỏe và tuổi thọ của các thành viên hoàng thất. Chính giữa mỗi mặt ống khói chạm nổi thập trường sinh (10 biểu tượng trường thọ) và tứ quân tử (mai, lan, cúc, trúc), còn phía trên và phía dưới mỗi mặt được điểm tô bởi các con vật như hươu, dơi, lạc đà, phượng hoàng... Mỗi ống khói được trang trí bằng mái ngói và có bốn thiết bị tỏa khói, tạo nên vẻ đẹp tạo hình tuyệt mĩ.

Rời khỏi điện Gyotae về hướng đông sẽ bắt gặp điện Jagyeong (Từ Khánh), nơi ở của đại vương đại phi (mẹ của tiên đế). Quây quanh điện Jagyeong là bức tường khắc hoa (kkotdam) cầu chúc trường thọ, một ống khói phẳng và rộng được xây lên để phù hợp với hình dáng bức tường. Các hoa văn khắc trên ống khói là thập trường sinh -những biểu tượng của sự trường thọ. Các vật thể tự nhiên như mặt trời, núi, mây và đá, cũng như các loại thực vật như tre, cây thông, tiên dược, hoa cúc, hoa sen và nho đã được chạm khắc, còn ở trung tâm là các loài động vật như hạc, hươu và rùa. Hoa sen và nho tuy không thuộc thập trường sinh nhưng chúng được đưa vào để tượng trưng cho sự thịnh vượng của con cháu. Bên trên và bên dưới biểu tượng thập trường sinh điểm xuyết vài con vật như dơi - biểu tượng phú quý - với mong muốn đẩy lùi vận rủi và mang lại may mắn.

Các tượng điêu khắc và hoa văn động thực vật bắt gặp trong khuôn viên rộng lớn của cố cung Gyeongbok thể hiện nhiều nguyện vọng của hoàng thất, từ lý tưởng chính trị đến ước muốn cá nhân. Những vật trang trí này không chỉ ngăn chặn các tai ương như cháy nổ, mà còn vun đắp sự kiên định trong lòng quần thần về nền chính trị nhân từ, đồng thời đánh thức lòng hiếu thảo nguyện cầu cho cha mẹ trường thọ. Hầu hết các vật điêu khắc này bị cấm đối với dân thường, chính vì vậy bản thân chúng đã là biểu tượng vương quyền, đồng thời còn mô tả thời đại thái bình khi sự trị vì nhân từ của nhà vua lan rộng khắp đất nước. Tuy nhiên, những biểu tượng này có đặc điểm là không mang tính cứng nhắc hay bạo quyền, mà lại được biểu hiện một cách hóm hỉnh.



Lee Kang-min Giáo sư Khoa Kiến trúc, Đại học Nghệ thuật Quốc gia Hàn Quốc
Dịch. Nguyễn Trung Hiệp

전체메뉴

전체메뉴 닫기