메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Features

2023 SPRING

VAI TRÒ CỦA THỦ CÔNG MỸ NGHỆ NGÀY NAY

Nhà thiết kế nổi tiếng thế giới Yang Teo thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến ngành thủ công mỹ nghệ của địa phương và hướng đến việc phân tích di sản truyền thống theo hướng hiện đại. Trong buổi phỏng vấn, anh đã chia sẻ về tình hình hiện tại của ngành thủ công mỹ nghệ Hàn Quốc và lý do vì sao thủ công mỹ nghệ lại có vai trò quan trọng đối với đời sống thường nhật của chúng ta.

Phần hai của Hội chợ Xu hướng Thủ công mỹ nghê 2022 tập hợp các tác phẩm nhấn mạnh giá trị của lao động, làm nổi bật những điều nghịch lý trong thời đại kỹ thuật số.
Cung cấp bởi Teo Yang Studio

“Thủ công mỹ nghệ chữa lành và vỗ về” được tổ chức tại Làng truyền thống Bukchon, Seoul trong một tháng từ ngày 1 tháng 9 năm 2022 nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Hiệp hội Bảo tồn Di sản Hàn Quốc YÉOL. Nhà thiết kế Yang Teo là Tổng đạo diễn của triển lãm.
Cung cấp bởi Hiệp hội Bảo tồn Di sản Hàn Quốc YÉOL

Giống với xã hội phương Tây, ngành nghề thủ công mỹ nghệ của Hàn Quốc được quy thành một lĩnh vực của nghệ thuật sau thời kì cận đại. Qua đó, hàng thủ công mỹ nghệ đã vượt ra khỏi mục đích và phạm vi sử dụng ban đầu vốn chỉ là vật dụng phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày, giờ đây chúng trở thành đối tượng để thưởng thức nghệ thuật. Và người làm ra chúng giờ đây được nhận thức như một nghệ sĩ chứ không đơn thuần là thợ thủ công.



Phần đầu của Hội chợ Xu hướng Thủ công mỹ nghệ 2022. Tác phẩm của các nghệ nhân kế thừa nét đẹp và kỹ xảo truyền thống đón chào du khách.
Cung cấp bởi Teo Yang Studio



Tuy nhiên, khả năng tạo hình và kỹ thuật chế tác vật liệu vẫn là yếu tố giúp thủ công mỹ nghệ tách biệt với mỹ thuật và thiết kế. Thủ công mỹ nghệ hiện đại đa dạng hóa hơn một bậc về cách thể hiện như khám phá các giá trị thẩm mỹ mới, theo đuổi trật tự tạo hình thuần túy... Ngoài ra, pha trộn và sử dụng nhiều chất liệu đa dạng, vượt qua ranh giới giữa các loại hình nghệ thuật cũng là một đặc trưng của thủ công mỹ nghệ hiện đại.

Một trong những sự kiện quan trọng nhất của ngành thủ công mỹ nghệ Hàn Quốc là Hội chợ Xu hướng Thủ công Mỹ nghệ tổ chức thường niên. Đây là triển lãm chuyên về thủ công mỹ nghệ do Viện Chấn hưng Thủ công Mỹ nghệ và Văn hóa Thiết kế Hàn Quốc (KCDF) tổ chức từ năm 2006 nhằm mục đích mở rộng giá trị nghệ thuật và công nghiệp của ngành nghề thủ công mỹ nghệ. Chủ đề năm 2022 là “Thực tế yêu cầu, thủ công mỹ nghệ trả lời”, tổng đạo diễn của sự kiện nhà thiết kế Yang Teo cho rằng các nghệ nhân có thể tìm kiếm phương án giải quyết các vấn đề xã hội như rập khuôn trong lối sống, xói mòn giá trị nhân văn do sự phát triển của công nghệ số, phá hủy thiên nhiên và môi trường.

Yang Teo được biết là nhà thiết kế tham gia vào các dự án quan trọng gồm thiết kế Phòng Lịch sử Silla tại Bảo tàng Quốc gia Gyeongju, Phòng triển lãm thường trực của Bảo tàng Hangeul Quốc gia Hàn Quốc đến dự án tu sửa Trung tâm triển lãm Kukje. Anh là người Hàn Quốc đầu tiên được vinh danh trong sách “By Design: The World's Best Contemporary Interior Designers” (Tạm dịch: “Thiết kế: Những nhà thiết kế nội thất đương đại xuất sắc nhất thế giới”) do Nhà xuất bản Phaidon chuyên về lĩnh vực nghệ thuật xuất bản năm 2021 và “100 nhà thiết kế của năm 2022” (AD100) do Tạp chí thiết kế kiến trúc Architecture Digest bình chọn. Anh tin rằng đồ thủ công mĩ nghệ, với đặc tính bền vững và đa dạng, có thể cung cấp giải pháp cho nhiều vấn đề của xã hội đương đại. Cũng chính vì vậy, theo anh, một lĩnh vực của quá khứ như thủ công mỹ nghệ lại rất có thể mang đến cho chúng ta một tương lai tốt đẹp hơn

Theo anh, xu hướng hiện tại của ngành thủ công mỹ nghệ là gì?

Yang Teo, Giám đốc điều hành của Teo Yang Studio, đang tạo dáng trong phòng trưng bày Cheongdam số 1 của Eastern Edition, thương hiệu nội thất được anh ra mắt năm 2021. Anh cắt nghĩa lại nét đẹp của Hàn Quốc phù hợp với lối sống của người hiện đại và theo đuổi những thiết kế vượt thời gian.
Cung cấp bởi Teo Yang Studio



Do có nhiều hiện tượng đang diễn ra nên thật khó có thể định nghĩa bằng một từ nhất định. Nhưng tôi nghĩ tốt hơn hết là không nên có trào lưu. Sẽ là trở ngại nếu ta cứ bị ám ảnh rằng nếu không chạy theo các trào lưu, ta sẽ bị tụt lại phía sau.

Ở một khía cạnh nào đó, có thể nói thủ công mỹ nghệ không phụ thuộc vào các trào lưu, xu thế. Đó là bởi lĩnh vực thủ công mỹ nghệ thường đón nhận những người đã quá mệt mỏi với việc chạy theo các xu hướng thời thượng, từ đó tạo thành một cộng đồng những nghệ sĩ trăn trở về sự chân thành trong sáng tạo. Thủ công mỹ nghệ tồn tại chính là dành cho những người muốn thoát khỏi sự cạnh tranh xã hội, đi tìm điều bản thân thực sự mong cầu.



Vai trò xã hội của thủ công mỹ nghệ là gì?
Mọi người thường không biết quá trình tạo ra các sản phẩm dùng trong đời sống thường ngày như nguyên vật liệu là gì? Ai đã tạo ra chúng? Và làm thế nào họ lại sử dụng những đồ dùng này? Họ sử dụng rồi vứt bỏ mà không hề biết liệu nó có thể được tái chế hay trở thành rác thải. Tuy nhiên, chúng ta biết được tất cả quá trình chế tác của ngành nghề thủ công và chúng khuyến khích suy nghĩ về tính bền vững.



Thủ công mỹ nghệ có thể giải quyết vấn đề xã hội hay không?
Thủ công mỹ nghệ không thể giải quyết tất cả vấn đề, nhưng điều quan trọng là tạo lập những đối thoại mang tính xã hội. Với tôi, thiết kế chính là việc làm rõ các vấn đề xã hội với tư duy phản biện và không ngừng thử nghiệm để đưa ra câu trả lời phù hợp và mang tính nghệ thuật.

Gần đây, tôi có chuyến nghỉ phép đến Kyoto và nhận ra thật nguy hiểm nếu ta phớt lờ sử sách và chỉ tập trung vào tương lai. Kyoto là thành phố đan kết tốt lịch sử và hiện tại. Vì vậy, khi điều gì mới được tạo ra, nó có sự đan kết hợp lý về dòng chảy thời gian. Điều này có nghĩa căn cứ hợp lý đã trở thành cơ sở vững chắc cho sự đan kết này. Thiết kế cũng cần được nhìn nhận trên quan điểm lịch sử như trên.

Thủ công mỹ nghệ cũng thế. Chúng ta truyền lại cho thế hệ sau một cách bài bản. Ai đó hỏi thủ công mỹ nghệ có thể giải quyết vấn đề được không? Câu trả lời là đương nhiên. Tuy nhiên, nó còn phụ thuộc vào việc công chúng thưởng thức thủ công mỹ nghệ đến mức nào.



Tại sao “vẻ đẹp Hàn Quốc” lại quan trọng đối với anh?
“Nét đẹp Hàn Quốc” mà tôi đề cập chính là truyền thống của Hàn Quốc. Có những điều xã hội vô tình lãng quên hoặc hiểu chưa đúng. Tôi luôn muốn tái hiện lại những giá trị truyền thống dù đó là việc cần nhiều thời gian. Truyền thống luôn chứa đựng điều đẹp đẽ, mang lại giá trị tích cực. Việc nghiên cứu lịch sử và bảo tồn diện mạo truyền thống sẽ đem lại cảm hứng để ta tạo dựng nên một tương lai tốt hơn.



Theo anh, ngành thủ công mỹ nghệ của Hàn Quốc đang hướng đến đâu?
Triển vọng của ngành rất khả quan. Tổ tiên chúng ta đã truyền lại rất nhiều kĩ thuật chế tác đồ thủ công ưu việt, các nghệ nhân trẻ cũng đang kế thừa rất bài bản những kĩ thuật này. Tôi có nhiều cơ hội làm việc với nghệ nhân trẻ và biết được họ có sự tự hào nhất định với công việc mình đang làm. Nếu xã hội đón nhận thủ công mỹ nghệ một cách cởi mở, chúng ta có thể tận hưởng những giá trị tốt đẹp mà nó mang lại trong cuộc sống thường ngày.



Chúng ta nên thưởng thức thủ công mỹ nghệ bằng cách nào?
Có nhiều lý do khiến người ta cảm thấy thủ công mỹ nghệ khó và không dễ gần gũi. Một trong số đó có thể là vấn đề giá cả. Nhưng thực tế, đa phần các món đồ thủ công mỹ nghệ không quá đắt đỏ. Giá cả của nó cũng ở mức tương tự sản phẩm thông thường. Nhưng mọi người thường không nhận ra điều này do tâm lý e dè trước các món đồ thủ công mỹ nghệ. Nếu hỏi và so sánh giá với các sản phẩm công nghiệp, chúng ta sẽ ngạc nhiên khi biết rằng đồ thủ công mỹ nghệ có giá trị cao hơn rất nhiều so với giá tiền. Lý do là vì càng sử dụng chúng càng đẹp hơn.



Anh có thể giới thiệu thêm về chủ đề của Hội chợ Xu hướng thủ công mỹ nghệ 2022 không?
Tôi cho rằng thủ công mỹ nghệ không nên dừng lại là những sự kiện mang tính nhất thời. Ví dụ, nếu ai đó đạt giải tại Giải thưởng Thủ công mỹ nghệ của Quỹ Loewe, chúng ta không nên chỉ dừng lại ở việc thông tin. Nhận được sự công nhận từ cộng đồng quốc tế là điều đáng mừng đối với thủ công mỹ nghệ Hàn Quốc, nhưng trước hết mọi người cần hiểu những sản phẩm này thực sự cần thiết trong đời sống hằng ngày. Nếu không, niềm vinh dự và niềm vui đạt giải sẽ nhanh chóng bị chôn vùi vào dĩ vãng. Do đó, trong sự kiện vừa qua, tôi đặt trọng tâm vào việc lý giải vì sao đồ thủ công mỹ nghệ cần thiết trong đời sống hiện đại.



Ai là những nghệ nhân đặc biệt nổi bật tại Hội chợ Xu hướng Thủ công mỹ nghệ vừa qua?

“Sưu tập,” (Collect,) - tác phẩm của nghệ nhân gốm sứ Kim Deok-ho và vợ anh Lee Inh-wa tham gia triển lãm “Tâm liên - Hồ sen trong lòng” được tổ chức tại Phòng trưng bày Lkate ở Seongbuk-dong, Seoul vào tháng 6-7 năm 2022. Nhà thiết kế Yang Teo ca tụng cách cặp nghệ nhân lấy cảm hứng từ các yếu tố truyền thống.
ⓒ Kim Deok-ho, Lee In-hwa

Do rất nhiều lượt đăng ký tham gia nên chắc phải tuyển chọn thêm một lần nữa. Việc chọn ra người xuất sắc nhất thật không dễ dàng. Có thể có người sẽ nghĩ “Lại người này nữa à?”. Nhưng giới thủ công mỹ nghệ cũng cần có ngôi sao. Và chúng ta cần hỗ trợ họ tối đa. Có như vậy, nhiều người mới quan tâm và muốn tìm hiểu về thủ công mỹ nghệ. Đơn cử như nghệ nhân như Kim Deok-ho và Lee In-hwa là những nghệ nhân cần được giới thiệu rộng rãi hơn. Tác phẩm của họ trên cả mức xuất sắc. Dĩ nhiên, ngoài hai nghệ sĩ này, tác phẩm của các nghệ sĩ khác cũng rất đáng trân trọng.



Dự án đáng nhớ nhất của anh là gì?
Tại Hội chợ Xu hướng Thủ công mỹ nghệ vừa qua, tôi đã làm việc với nghệ nhân Kim Deok-ho và Lee In-hwa. Gần đây, tôi cũng cùng hợp tác với họ trong dự án “Blue Bottle” chi nhánh Myeong dong. Hai nghệ nhân đã sử dụng gốm sứ để thiết kế bảng tên và bảng chỉ dẫn. Trong tương lai, tôi có kế hoạch sẽ tiếp tục hợp tác với các nghệ nhân và sớm ra mắt một vài sản phẩm.

Là một nhà thiết kế, tôi nghĩ điều thực sự quan trọng là phải giới thiệu nhiều nghệ nhân hơn nữa và tạo điều kiện cho họ cộng tác cùng các tổ chức, cá nhân khác. Đây chính là lý do tại sao tôi rất vui vẻ triển khai dự án “Blue Bottle”.



Shin Min-hee Phóng viên Nhật báo Korea JoongAng
Dịch. Lê Hoàng Bảo Trâm

전체메뉴

전체메뉴 닫기