메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

2022 WINTER

NHỮNG KIẾN TRÚC SƯ ĐẦU TIÊN CỦA K-DRAMA

Những kiến trúc sư đầu tiên của K-drama là những biên kịch viết kịch bản phim truyền hình. Nếu trong phim điện ảnh, đạo diễn phải quán xuyến toàn bộ quá trình viết kịch bản, quay phim và biên tập, thì ở phim truyền hình, biên kịch thường toàn quyền lên ý tưởng, sáng tạo nhân vật và xây dựng câu chuyện. Đây là lý do tại sao phim truyền hình vẫn được xem là “nghệ thuật của biên kịch”.

(từ trái sang phải)
“Linh mục nhiệt huyết” (2019) của Park Jae-beom, “Hạ cánh nơi anh” (2019-2020) của Park Ji-eun, "Vincenzo" (2021) của Park Jae-beom, “Yêu tinh” (2016-2017) của Kim Eun-sook, “Blues nơi đảo xanh” (2022) của Noh Hee-kyung.

Các biên kịch phim truyền hình phản ánh sự thấu hiểu của họ về con người và thế giới vào trong kịch bản của mình. Dù lấy bối cảnh là những tình huống mang chất Hàn Quốc nhưng bất kỳ ai cũng có thể đồng cảm với các bộ phim bởi đây là kết quả của sự chiêm nghiệm dựa trên những cảm xúc phổ quát của con người. Tính phổ biến toàn cầu lại được đặt trong những gì rất đặc thù của Hàn Quốc. Lý do “phim truyền hình Hàn lưu” trước đây đã phát triển thành “K-drama” chính là ở đây. Trái với các bộ phim truyền hình Hàn lưu chủ yếu nhận được sự đồng cảm từ khán giả thuộc một giới tính, độ tuổi và khu vực nhất định thì K-drama ngày nay có hiệu ứng lan tỏa rộng hơn và sâu hơn.

Nhận thức vấn đề của các biên kịch Hàn Quốc thật muôn hình muôn vẻ. Tùy vào khuynh hướng của mỗi cá nhân mà các biên kịch cũng chuyên về từng mảng như tình yêu ngọt ngào lãng mạn, câu chuyện cuộc đời vượt thời gian và không gian, những khía cạnh xã hội phi lý trào phúng qua tiếng cười sảng khoái, tình cảm gia đình ấm áp an ủi cuộc sống hàng ngày mệt mỏi...

“Thế giới K-drama” đang được xây dựng vững chắc và phong phú hơn bởi những “kiến trúc sư” có con mắt ấm áp nhưng sắc bén.



Nhân vật nữ năng động
Lần đầu tiên xuất hiện với tư cách biên kịch chương trình phát thanh vào năm 1997, Park Ji-eun vừa hướng đến những câu chuyện tình lãng mạn tràn ngập tiếng cười vui vẻ và sôi nổi nhưng vẫn không bỏ qua các vấn đề mang tính thực tế. Ở thể loại tình cảm, những trở ngại ngăn cản các nam nữ thanh niên yêu nhau phần lớn là khác biệt về địa vị kinh tế. Câu chuyện về một cô gái trẻ vươn lên địa vị cao sau khi gặp bạch mã hoàng tử phiên bản hiện đại như các thiếu gia của gia tộc chaebol được lặp lại nhiều lần thiếu tính thực tế, thế nhưng câu chuyện lãng mạn của Park Ji-eun đã thoát ra khỏi loại công thức này. Cô phản ánh hiện thực trong đó vị thế xã hội của phụ nữ được nâng cao thông qua các nhân vật nữ độc lập và năng động, nhưng cũng tạo dựng các tình huống sơ hở hoặc có vấn đề để cho thấy cá tính và sự quyến rũ của nhân vật. Phim truyền hình 21 tập “Vì sao đưa anh tới” (My Love from the Star) của SBS khởi chiếu vào tháng 12 năm 2013, kết thúc vào cuối tháng 2 năm 2014 và bộ phim truyền hình dài 16 tập “Hạ cánh nơi anh” (Crash Landing on You) chiếu trên kênh tvN từ tháng 12 năm 2019 đến tháng Hai năm 2020 là những ví dụ điển hình.

Cheon Song-i (do Jun Ji-hyun thủ vai) trong “Vì sao đưa anh tới” là một nữ diễn viên ngôi sao hàng đầu đương thời đem lòng yêu Do Min-joon (do Kim Soo-hyun thủ vai), một người ngoài hành tinh sống tại Hàn Quốc đã 400 năm. Dù kiêu hãnh trong mọi việc nhưng thỉnh thoảng cô lại có những phát ngôn thiếu kiến thức thường thức nên hay bị đàm tiếu và cười cợt. Tình huống cô bị bẽ mặt vì không biết Twitter cũng là mạng xã hội (SNS) mà lại nói như thể mình biết là một ví dụ tiêu biểu. Trong “Hạ cánh nơi anh”, Yoon Se-ri (Son Ye-jin đóng) rơi vào tình thế nan giải khi cô hạ cánh xuống Triều Tiên trong lúc đang chơi môn nhảy dù. Là con gái út của một gia đình tài phiệt Hàn Quốc, cô có năng lực quản lý xuất sắc đến mức tạo dựng thành công thương hiệu của riêng mình. Thế nhưng sau khi hạ cánh khẩn cấp xuống Triều Tiên, cô lại gặp và gắn bó với người dân địa phương trong đó có sĩ quan quân đội Triều Tiên Ri Jeong-hyeok (Hyun Bin đóng) và gây nên tiếng cười sảng khoái. Do Min-jun trong “Vì sao đưa anh tới” gợi lên hiện thực của chủ nghĩa tư bản Hàn Quốc, còn Ri Jeong-hyeok trong “Hạ cánh nơi anh” đã đánh thức hiện thực về sự chia cắt của Nam và Bắc bán đảo Triều Tiên. Bằng cách này, biên kịch đã đảm bảo hiện thực kịch tính khi phản ánh tình thế xã hội Hàn Quốc vào những câu chuyện tình lãng mạn vui tươi sống động và vui tươi tuy có thể phi thực tế.



Tình yêu đẹp lãng mạn
Kim Eun-sook đăng đàn lần đầu vào năm 2003 với kịch bản viết chung “Nơi ánh dương soi chiếu” (A Place in the Sun), tác phẩm này mở ra một thế giới lãng mạn và kỳ ảo qua các nhân vật nam dường như không tồn tại hoặc không thể gặp trong thực tế. Bất chấp những lời chỉ trích câu chuyện về tình yêu định mệnh giữa một phụ nữ trẻ bình thường và một người đàn ông có điều kiện kinh tế là phi thực tế, những lời thoại mượt mà tỏa sáng khiến Kim Eun-sook vẫn được công nhận là biên kịch đại diện cho dòng phim tình cảm Hàn Quốc.

Những chuyện tình lãng mạn do các biên kịch thể hiện về cơ bản dựa trên mô típ câu chuyện “Cô bé Lọ Lem”. Qua việc sắp đặt các nhân vật nữ gặp phải khó khăn về kinh tế được các nhân vật nam xuất thân từ các gia đình tài phiệt yêu thương, bộ phim đã làm thỏa mãn thay khao khát hướng tới xã hội thượng lưu của công chúng. Ở một trục khác lại tồn tại những nhân vật nam với diện mạo anh hùng và hy sinh. Yoo Si-jin (do Song Joong-ki thủ vai) trong bộ phim truyền hình dài 16 tập “Hậu duệ mặt trời” (Descendants of the Sun, 2016) do đài KBS 2TV lên kế hoạch và sản xuất đặc biệt, và Kim Shin (do Gong Yoo thủ vai) trong “Yêu tinh” (Guardian: The Lonely and Great God) được phát sóng trên tvN (2016-2017) là các ví dụ tiêu biểu.

Trong “Hậu duệ mặt trời” viết chung cùng biên kịch Kim Won-suk, nhân vật chính Yoo Si-jin là một đặc vụ tinh nhuệ tốt nghiệp thủ khoa Trường Sĩ quan Lục quân Hàn Quốc. Anh không chỉ bảo vệ đất nước, nhân dân mà còn thực hiện nghĩa vụ của mình trong các khu vực xung đột quốc tế và trong quá trình đó, anh đã gặp bác sĩ Kang Mo-yeon (Song Hye-kyo đóng) rồi đem lòng yêu cô. Chuyện tình của Yoo Si-jin và Kang Mo-yeon còn có vũ khí hấp dẫn khác - đó là bảo vệ hòa bình và an ninh - đủ để khơi dậy khao khát về một tình yêu lãng mạn. Kim Shin trong “Yêu tinh” - một tác phẩm nổi tiếng khác - lại là nhân vật có năng lực siêu việt của một vị thần. Tuy đã chết dưới gươm của vị vua mà anh từng phụng sự nhưng rồi anh hồi sinh lại, sống bất tử theo ý muốn của thần linh - một cuộc sống không biết nên gọi là phước lành hay lời nguyền và giúp đỡ một cô gái đang gặp khó khăn. Khi nhân vật này gặp và yêu Ji Eun-tak (Kim Go-eun thủ vai) - cô dâu của yêu tinh, anh bị giằng xé giữa mong muốn thoát khỏi nỗi đau bất tử và khao khát tiếp tục cuộc sống. Cách sắp đặt này khiến người xem ngẫm nghĩ về sự trớ trêu của cuộc sống và tạo nên sự thương cảm. Kim Eun-sook đã làm thỏa mãn ảo mộng về tình yêu lãng mạn của khán giả mà chủ yếu là nữ thông qua các nhân vật nam với năng lực vượt trội và hoàn thiện thế giới lãng mạn độc đáo của riêng mình.



Bộ phim truyền hình dài 16 tập “Yêu tinh” của biên kịch Kim Eun-sook là một tác phẩm phát huy được tài năng của biên kịch khi thể hiện cả thể loại thần thoại và cổ tích, bi kịch và hài kịch. Tình anh em giữa yêu tinh Kim Shin và thần chết Wang Yeo ràng buộc bởi mối ác duyên từ kiếp trước đã thu hút sự chú ý không kém chuyện tình lãng mạn tha thiết của nam và nữ chính.
Ảnh được cung cấp bởi STUDIO DRAGON, chụp bởi Park Ji Sun

Bộ phim “Quý ngài Ánh Dương” (Mr. Sunshine, 2018) của tvN được nhiều khán giả xem là “bộ phim cuộc đời”. Câu chuyện về những con người đấu tranh tìm lại chủ quyền đã mất ở bối cảnh cuối thời kỳ Joseon được khắc họa chi tiết và dàn trải qua dàn dựng chặt chẽ và vẻ đẹp nổi bật của hình ảnh. Các nhân vật sống động bất kể vai chính hay vai phụ và diễn xuất xuất sắc của các diễn viên cũng được khen ngợi hết lời.
Ảnh được cung cấp bởi STUDIO DRAGON, chụp bởi Park Ji Sun



 

Phê phán xã hội và châm biếm
Biên kịch Park Jae-beom xuất hiện lần đầu với bộ phim kinh dị “Theatre” năm 2000 là một cây bút châm biếm hiện thực đầy vấn đề của xã hội Hàn Quốc với cái nhìn sắc bén và luôn hướng đến một thế giới nơi chính nghĩa được thực thi. Trong hầu hết các bộ phim truyền hình, công bằng xã hội chủ yếu được thể hiện bởi những nhân vật công quyền như thẩm phán, công tố viên và cảnh sát... Tuy nhiên, trong các tác phẩm được xem là "bộ ba tác phẩm về công lý" của ông gần đây, những nhân vật không liên quan gì đến quyền lực công lý như nhân viên văn phòng bình thường, linh mục hay mafia lại đảm nhận vai trò đó.

Trước hết, trong “Sếp Kim đại tài” (Good Manager, 2017), trưởng phòng kế toán Kim Seong-ryong (Namkoong Min đóng), người có sự nhạy bén thiên bẩm về tiền bạc đã đứng lên đấu tranh chống tham nhũng phi lý. Trong “Linh mục nhiệt huyết” (The Fiery Priest, 2019), linh mục Công giáo Kim Hae-il (do Kim Nam-gil thủ vai) là cựu đặc vụ chống khủng bố của Cục Tình báo Quốc gia, người có tính cách lập dị và thậm chí còn mắc chứng rối loạn kiểm soát cơn giận đã quét sạch tội phạm có tổ chức do cơ quan công quyền và xã hội đen thông đồng gây ra. Mặt khác, trong tác phẩm “Vincenzo” (2021) gần đây, luật sư mafia người Ý Vincenzo (do Song Joong-ki thủ vai) đối đầu với cái ác và giải quyết vấn đề theo cách của băng đảng - đáp trả lại gấp nhiều lần những gì mình phải chịu. Và như vậy, Park Jae-beom đưa cái nhìn phê phán sắc sảo vào nụ cười châm biếm để hoàn thành câu chuyện về sự đời mà ở đó công lý bị uy hiếp bằng hài kịch đen.

Tác phẩm “Linh mục nhiệt huyết” năm 2019 của Park Jae-beom là một bộ phim hài kịch đen (black comedy) với trí tưởng tượng tài tình và phá cách. Bộ phim được đánh giá đã sử dụng tốt các điềm báo làm tăng tính tò mò và việc nhại lại các bộ phim nổi tiếng trong và ngoài nước khiến bộ phim thêm phần thú vị.
Samhwa Networks cung cấp



Chiêm nghiệm về cuộc sống
Noh Hee-gyoung ra mắt năm 1996 với bộ phim “Mom’s Gardenias” (tạm dịch Hoa dành dành của mẹ) kể về câu chuyện của một người mẹ được biết trước là sẽ chết và cô con gái của bà ấy. Đặc trưng các tác phẩm của bà là miêu tả được sự quý giá của các mối quan hệ con người và ý nghĩa của gia đình với cái nhìn ấm áp và năng lực quan sát thấu hiểu sâu sắc. Từ lúc mới xuất hiện với vai trò biên kịch đến nay, bà đã không ngừng dành cái nhìn thấu đáo hướng về những số phận ngoài lề và những kẻ yếu thế trong xã hội. Tuy sáng tác cả thể loại tình cảm và gia đình nhưng bà vẫn không thay đổi khi quan sát một cách chân thực bản chất của mối quan hệ giữa người với người cũng như giá trị của gia đình và mang đến cho người xem sự cảm động nghẹn lòng. “Tình bạn tuổi xế chiều” (Dear My Friends, 2016) của đài tvN vẽ nên câu chuyện của vô số người mẹ buộc phải hy sinh và cống hiến hết mình từ góc nhìn của con gái, bộ phim “Blues nơi đảo xanh” (Our Blues, 2022) nhấn mạnh giá trị nhỏ bé nhưng không thể thay thế của cuộc sống hàng ngày là những bộ phim làm rung động trái tim của khán giả toàn cầu chứ không chỉ ở Hàn Quốc.

“Tình bạn tuổi xế chiều” ngợi ca “bài ca cuộc sống của những thanh xuân về chiều” được xem là bộ phim khắc họa định mệnh không thể tránh khỏi của con người như lão hóa và bệnh tật. Bộ phim cố gắng phản ánh về sự sống và cái chết thông qua cuộc đời của những người mẹ giữ riêng cho mình nhiều câu chuyện không thể nói ngay cả với bạn bè lâu năm. Phân cảnh nữ diễn viên Ko Hyun-jung đóng vai cô con gái Park Wan tâm tư với giọng điềm tĩnh “Vì vậy, tất cả những đứa con trên đời này đều không có tư cách để khóc. Bởi vì tất cả chúng ta đều không có liêm sỉ...” khi biết được nỗi đau bên trong của những bà mẹ mà cô từng nghĩ rằng họ mạnh mẽ như những chiến binh đã khiến bao nhiêu khán giả rơi nước mắt.

Mặt khác, khác với hầu hết các phim truyền hình lấy Seoul làm bối cảnh chính, bộ phim 20 tập "Blues nơi đảo xanh" của đài tvN kết thúc vào tháng 6 vừa qua lại lấy bối cảnh là đảo Jeju, chú tâm khắc họa cuộc sống bình dị hằng ngày của những con người tươi đẹp như khung cảnh thiên nhiên ở đó. Những câu chuyện khác nhau từ những người đang ở cuối cuộc đời cho đến những người đang bắt đầu một cuộc sống mới được vẽ nên một cách trữ tình và chân thực. Câu kết ở tập cuối “Chúng ta sinh ra chỉ để hạnh phúc” đã hàm ý thế giới quan của tác giả.

Bên cạnh những tác phẩm này, mỗi biên kịch trung niên tài năng đều thể hiện thế giới tác phẩm với màu sắc độc đáo của riêng mình. Bên cạnh đó, các biên kịch mới dù chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng đã lập tức mê hoặc được người xem trên toàn thế giới cũng vô cùng nổi bật. Đó chính là biên kịch Kwon Do-eun của “Tuổi hai lăm, tuổi hai mốt” (Twenty Five Twenty One, 2022) hết lòng cổ vũ ước mơ và tình yêu mà những chàng trai cô gái trẻ không thể từ bỏ với ánh mắt ấm áp; biên kịch Shin Ha-eun của “Điệu Chachacha làng biển” (Hometown Cha-Cha-Cha) thể hiện cuộc sống hàng ngày tươi sáng trong veo của người dân sống ở một ngôi làng ven biển Đông; biên kịch Moon Ji-won trong “Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo” (Extraordinary Attorney Woo, 2022) khắc họa những định kiến của thế giới từ góc nhìn của một luật sư bị rối loạn phổ tự kỷ... Những tân binh này chính là những kiến trúc sư mới của K-drama được kỳ vọng nhiều trong tương lai.



“Tình bạn tuổi xế chiều” là bộ phim truyền hình đầu tiên được viết bởi biên kịch Noh Hee-kyung sau khi chuyển đến tvN làm việc. Bộ phim kể về câu chuyện của những người bước vào giai đoạn hoàng hôn của cuộc đời. Mặc dù hầu hết các nhân vật đều là diễn viên lớn tuổi nhưng bộ phim đã đạt được tỉ lệ xem cao nhờ chất lượng xuất sắc và quan điểm của tác phẩm.
STUDIO DRAGON cung cấp

Bộ phim tâm lý nhân văn “Blues nơi đảo xanh” của biên kịch Noh Hee-kyung phát sóng năm nay đã gây tiếng vang nhờ những nỗ lực táo bạo như định dạng omnibus (nhiều câu chuyện ngắn ghép lại - chú thích của người dịch), tôn vinh các diễn viên khuyết tật... cũng như dàn diễn viên hoành tráng với các ngôi sao hạng A của Hàn Quốc.
STUDIO DRAGON cung cấp

 

Yun Suk-jinGiáo sư Khoa Ngữ văn Hàn Quốc, Trường Đại học Chungnam
Ảnh. Heo Dong-wuk
Dịch. Nguyễn Thị Phương Mai

전체메뉴

전체메뉴 닫기