메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

2022 WINTER

PHƯƠNG THỨC KHẮC HỌA THẾ GIỚI CỦA PHIM TRUYỀN HÌNH HÀN QUỐC

Các bộ phim truyền hình Hàn Quốc (K-drama) được yêu thích toàn cầu gần đây có tính tự sự, thể hiện khát vọng thay đổi xã hội thông qua cuộc cách mạng của bên yếu thế trước bên có quyền thế. Điều này trùng hợp với tình trạng phân cực xã hội ngày càng sâu sắc sau đại dịch COVID-19, thu hút sự đồng cảm và hưởng ứng từ khán giả trên toàn thế giới.

Một cảnh trong phim “Biển tĩnh lặng” phát hành vào tháng 12 năm 2021. Tác phẩm này gây chú ý ở chỗ không sử dụng lối kể chuyện về người hùng như các phim truyền hình thảm họa thường thể hiện. Bộ phim đã đưa ra một góc nhìn khác về vấn đề phải thay đổi thế giới theo hướng nào thông qua việc khắc họa nghiêm túc quá trình cùng nhau vượt qua khủng hoảng thông qua sự tôn trọng và hợp tác lẫn nhau.
ⓒ Netflix

Sự tăng trưởng của thị trường dịch vụ phát trực tuyến đã mang lại những thay đổi lớn lao trong hệ sinh thái nội dung truyền thông. Đặc biệt, kể từ sau đại dịch COVID-19, số lượng người đăng ký và giờ xem của các nền tảng OTT (Over the Top), trong đó có Netflix, không ngừng tăng lên hàng năm. Cách đây không lâu, các bộ phim truyền hình Hàn lưu được hưởng ứng chủ yếu ở khu vực châu Á và Trung Đông, nhưng giờ đây đang lan sang châu Âu và Anh - Mỹ trên những nền tảng xuyên quốc gia.
Hiện tại, phim truyền hình Hàn Quốc được cung cấp với hơn 30 ngôn ngữ thông qua phụ đề hoặc lồng tiếng. Các nền tảng OTT toàn cầu trở thành “con đường tơ lụa kỹ thuật số” cho phép phim truyền hình Hàn Quốc vượt qua rào cản ngôn ngữ và phổ biến ra thế giới. Nhưng điều quan trọng là nội dung chứ không phải hình thức. Đại dịch COVID-19 đã khoét sâu thêm khoảng cách giàu nghèo và xung đột giữa các tầng lớp xã hội trên toàn thế giới. Phim truyền hình Hàn Quốc đã và đang khắc họa chân thực thực tế đầy tuyệt vọng mà người dân khắp thế giới phải đối mặt.



Thông điệp phản biện xã hội
Xem qua danh sách những bộ phim truyền hình dẫn đầu làn sóng Hàn lưu vào đầu và giữa những năm 2000, ta có thể thấy chủ đề hay được đề cập đến là chuyện tình lãng mạn, đặc biệt là tình yêu giữa một người đàn ông giàu có và một phụ nữ nghèo. Tuy cốt truyện này bị đánh giá là mô típ hoàng tử và Lọ Lem cũ rích và sáo mòn, nhưng nếu bỏ qua giới tính các nhân vật thì nó lại tạo ra một ý nghĩa mới. Câu chuyện về một người giàu và một người nghèo lúc đầu là oan gia ngõ hẹp do thiếu sự đồng cảm hoặc thấu hiểu nhưng trải qua bao thăng trầm lại yêu nhau, về cơ bản là một câu chuyện về xung đột tầng lớp, giai cấp xã hội. Do đó, phim tình cảm lãng mạn kiểu Hàn Quốc không phải là những câu chuyện tình yêu giản đơn.

Là bộ phim đã tạo nên cơn sốt “mũ gat Hàn Quốc” (chiếc mũ truyền thống của nam giới Hàn), “Vương triều xác sống” (Kingdom, 2019-2021) khác biệt với thể loại phim xác sống (zombie) phương Tây ngay từ bối cảnh. Trong hầu hết các bộ phim thuộc thể loại này, bao gồm loạt phim truyền hình Mỹ “Xác sống” (The Walking Dead, 2010-2022), một loại vi-rút không xác định dẫn đến sự xuất hiện của các thây ma lây lan không kiểm soát. Thế nhưng, với bối cảnh triều đại Joseon (1392-1910) có chế độ phân biệt thân phận nghiêm ngặt, “Vương triều xác sống” miêu tả nạn thây ma bùng phát bởi hệ sinh thái “cá lớn nuốt cá bé”, nơi bất bình đẳng xã hội cũng như lòng tham và sự thối nát của giai cấp thống trị tràn lan. “Trò chơi con mực” (Squid Game, 2021), bộ phim giành được sáu danh hiệu bao gồm Đạo diễn xuất sắc nhất và Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại Lễ trao giải Emmy lần thứ 74 năm 2022, cũng đã chuyển thể thể loại trò chơi sinh tồn nhẹ nhàng thành phim kinh dị phong cách Hàn Quốc với thông điệp về hệ thống cạnh tranh khốc liệt và sự bất công trong xã hội tư bản chủ nghĩa. Với cách thức như thế, phim truyền hình Hàn Quốc rất giỏi trong việc lồng ghép những thông điệp phản biện xã hội vào nội dung phim, bất kể chủ đề hay thể loại.



Một cảnh trong phim “Vương triều xác sống”, bộ phim cổ trang Hàn Quốc về thây ma đã gây sốt sau khi phần đầu tiên được phát hành vào năm 2019. Trong hầu hết các bộ phim về xác sống trong và ngoài nước, chúng đều do vi-rút gây ra, nhưng bộ phim này lấy bối cảnh triều đại Joseon, một xã hội phân biệt thân phận nghiêm ngặt, nơi những mâu thuẫn của cấu trúc xã hội và lòng tham của con người đã tạo ra những xác sống.
ⓒ Netflix

Xoay chuyển cục diện giữa kẻ quyền thế và người yếu thế
Sau thành công vang dội trên toàn cầu của “Trò chơi con mực”, các phân tích về phim truyền hình Hàn Quốc xuất hiện dày đặc, cả trong và ngoài nước. Hầu hết các phân tích đều cho rằng thành công này là nhờ yếu tố dùng các vấn đề xã hội làm mô-típ để phản ánh hiện thực. Tuy nhiên, những bộ phim truyền hình chứa đựng ý niệm phê phán sự bất bình đẳng và bất công xã hội đã và đang được sản xuất đều đặn không chỉ ở Hàn Quốc mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Vì vậy, khó có thể khẳng định rằng sự phản ánh hiện thực phi lý và diễn ngôn thời đại là đặc thù của phim truyền hình Hàn Quốc. Vậy thì, lý do cốt lõi hơn khiến phim truyền hình Hàn Quốc thu hút sự chú ý là gì?

Có một vài điểm chung trong các tác phẩm nổi tiếng hoặc gây tiếng vang trong những năm gần đây như “Vương triều xác sống”, “Tầng lớp Itaewon” (Itaewon Class, 2020), “Vincenzo” (2021), “Truy bắt lính đào ngũ” (D.P., 2021), “Trò chơi con mực”,... Thế giới được hình thành dựa trên quan hệ thứ bậc giữa kẻ có quyền lực và người yếu thế, và thế giới ấy vận động như một hệ thống bất biến. Lúc này, bên có quyền lực là ổ tham nhũng, là phe cánh tội ác, đồng thời có xu hướng biến thái nhân cách (psychopath) hoặc rối loạn nhân cách chống đối xã hội (sociopath). Ngược lại, người yếu thế thiểu số trong xã hội, có hoàn cảnh đau buồn đầy thăng trầm gợi lên sự đồng cảm và lòng trắc ẩn. Như thế, dựa trên nhận thức về thực tại tăm tối, phim truyền hình Hàn Quốc xây dựng một thế giới quan trong đó trật tự thứ bậc giữa kẻ có quyền uy và người yếu thế tạo thành trục trung tâm. Thông qua các vấn đề phổ biến toàn cầu như chênh lệch giàu nghèo và bất công xã hội, phim truyền hình Hàn Quốc mang đến sự đồng cảm sâu rộng.

Tuy nhiên, có một điểm mà phim và đời hoàn toàn khác biệt. Trong đời thực, người có quyền thế vẫn luôn có quyền thế, còn trong phim, người yếu thế - với tư cách là nhân vật chính - vẫn có thể trở thành người có quyền thế. Bằng cách này, phim truyền hình Hàn Quốc mang lại cảm giác khoan khoái cho khán giả dựa trên trí tưởng tượng về sự đảo ngược hiện thực. Đây là cách phim truyền hình Hàn Quốc nắm bắt và thể hiện thế giới.



“Vincenzo” phát sóng năm 2021 của đài tvN thể hiện trí tưởng tượng biến đổi xã hội, trong đó một luật sư mafia người Ý đối đầu với kẻ thủ ác theo cách độc ác, không giống như cấu trúc phim truyền hình thông thường mà ở đó một công tố viên hoặc thám tử chính nghĩa giải quyết các vấn đề xã hội.
ⓒ STUDIO DRAGON

“Truy bắt lính đào ngũ”, một bộ phim truyền hình quân sự dựa trên nguyên tác webtoon, mô tả chân thực câu chuyện về một đội chuyên truy bắt lính đào ngũ. Dù bối cảnh là quân đội Hàn Quốc nhưng người xem đồng cảm với những tình huống phi lý có thể xảy ra ở bất kỳ xã hội nào. Các phương tiện truyền thông nước ngoài như The New York Times và Forbes đã bình chọn tác phẩm này là một trong những bộ phim truyền hình hay nhất năm 2021.
ⓒ Netflix

Lịch sử đấu tranh
Dựa trên nhận thức phê phán hiện thực và hình dung đảo ngược về thế giới quan thứ bậc giữa kẻ có quyền lực và người yếu thế, phim truyền hình Hàn Quốc hiện thực hóa các giá trị dân chủ một cách hết sức mạnh mẽ. Bên ngoài phim ảnh, Hàn Quốc là một quốc gia trải qua vô vàn nghịch cảnh và nỗi đau như bị thực dân Nhật chiếm đóng, chiến tranh Nam - Bắc, chính quyền độc tài quân sự và có lịch sử đấu tranh tự khắc phục những điều đó. Chúng ta tận mắt chứng kiến, cả trong phim lẫn ngoài đời thực, lực lượng cứu rỗi thế giới không phải thế lực trung tâm mà là những người bên lề. Không phải một anh hùng vĩ đại nào đó mang lại công lý và cứu thế giới. Điều này được thực hiện thông qua sự đoàn kết của những người không có quyền lực.

Vì vậy, chữ “K” (trong từ “K-drama”) không chỉ đơn giản có nghĩa là đất nước Korea (Hàn Quốc). Theo nghĩa rộng hơn, nó tượng trưng cho lịch sử đấu tranh vốn có ở Hàn Quốc, nói cách khác là ý chí kiên cường không khuất phục trước thực tại và nghịch cảnh nhằm tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn. Trong bối cảnh hệ sinh thái của ngành OTT ngày càng trở nên khốc liệt, động thái đầu tư 100 tỷ won vào việc sản xuất loạt phim gốc “Pachinko” (2022) - một bộ phim cổ trang lấy bối cảnh thời kỳ Hàn Quốc là thuộc địa của Nhật Bản - của kẻ đến sau Apple TV+ có lẽ cũng liên quan đến ý nghĩa vừa nêu.

Sun-ja, nhân vật chính trong phim, là một người Hàn thời Joseon, đồng thời được khắc họa như một phép ẩn dụ cho một quốc gia thuộc địa nhỏ tên là Joseon, và rộng hơn là tất cả những ai bị gông cùm trên khắp thế gian. Khán giả khắp thế giới thông qua bộ phim này được trải nghiệm khoảnh khắc cảm động mà câu chuyện về một thời đại, một quốc gia, một nhân vật nhất định đã đạt được ý nghĩa phổ quát toàn cầu và khơi dậy sự đồng cảm và đoàn kết.



Một câu hỏi khác
Kể từ sau đại dịch COVID-19, nhân loại đã đoàn kết lại thành một khối trong cuộc chiến sinh tử đến mức sự phân biệt quốc gia trở nên vô nghĩa. Trong thời điểm này, có một bộ phim chia sẻ những thông điệp đầy ý nghĩa. Loạt phim gốc của Netflix “Biển tĩnh lặng” (The Silent Sea, phát hành vào tháng 12 năm 2021) lấy bối cảnh trong tương lai gần khi Trái Đất đang đối mặt với tình trạng thiếu nước uống trầm trọng. Một nhóm các nhà thám hiểm không gian được cử đi thực hiện nhiệm vụ nguy hiểm là tìm “nước Mặt Trăng” thay thế cho nước Trái Đất trên một cơ sở nghiên cứu bị bỏ hoang trên Mặt Trăng. Ngay sau khi công chiếu, bộ phim thu hút sự chú ý của dư luận nhờ tựa đề “bộ phim khoa học viễn tưởng đầu tiên của Hàn Quốc lấy bối cảnh không gian Mặt Trăng”. Câu chuyện về khủng hoảng địa cầu không có gì mới vì đây là chủ đề thường thấy trong các bộ phim truyền hình và điện ảnh của Anh - Mỹ, bao gồm cả loạt phim “Biệt đội siêu anh hùng” (Avengers). Tuy nhiên, có một điều cần lưu ý về bộ phim này của Hàn Quốc, đó là cách tiếp cận và quá trình giải quyết vấn đề.

Trong phim, các thành viên phi hành đoàn Hàn Quốc sau nhiều gian truân đã lấy được mẫu nước Mặt Trăng, nhưng rồi họ mang đến Viện Nghiên cứu Vũ trụ quốc tế chứ không phải Hàn Quốc. Điều này là do nghiên cứu phải được thực hiện trong một khu vực hoàn toàn trung lập để ngăn chặn ai đó độc chiếm thứ nước này. Coi nhân loại là một cộng đồng có chung vận mệnh, nhóm nghiên cứu đã chọn cách cùng nhau vượt qua khủng hoảng thông qua sự tôn trọng và hợp tác lẫn nhau. Mục tiêu của bộ phim này không phải giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng, mà là suy nghĩ về cách giải quyết vấn đề đó và cùng trăn trở và tạo nên quá trình. Tác phẩm này đặt ra câu hỏi thế giới mới do những người yếu thế đảo ngược tình thế được định hình như thế nào, và những người yếu thế sau khi cách mạng hóa xã hội thành công thì nên trở thành người nắm quyền lãnh đạo như thế nào.

Những chủ đề cần giải quyết trong phim truyền hình Hàn Quốc thời hậu “Trò chơi con mực” không thể còn như trước nữa. Bây giờ chúng ta cần “câu chuyện của giai đoạn mới”. Về khía cạnh đó, “Biển tĩnh lặng” cho thấy rằng thế giới có thể thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn nhiều như chúng ta tưởng tượng và xây dựng. Đây chính là sức mạnh của thế giới quan độc đáo trong “K” - phim truyền hình Hàn Quốc. Đó là cách phim truyền hình Hàn Quốc “thay đổi” thế giới chứ không chỉ đơn thuần chứa đựng thế giới. Vì vậy, kể từ bây giờ phim truyền hình Hàn Quốc có khởi đầu mới.



Diễn viên Bae Doo-na, người đóng vai nhà sinh vật học vũ trụ nổi tiếng trong “Biển tĩnh lặng”. Trong khi phim truyền hình khoa học viễn tưởng của các nước khác thu hút sự chú ý của người xem bằng những cảnh tượng ngoạn mục, thì bộ phim này vẫn duy trì chủ đề nghiêm túc và từng bước làm sáng tỏ manh mối vụ việc.
ⓒ Netflix

 

Kim Min JungGiáo sư Khoa Sáng tác văn nghệ, Đại học Chungang
Dịch.Nguyễn Trung Hiệp

전체메뉴

전체메뉴 닫기