Họa sĩ Choi Eun-sook thường trình làng những bức tranh đan xen giữa các nhân vật trong quá khứ và không gian thường nhật của cuộc sống hiện đại tại các khu chợ truyền thống. Họa sĩ tạo ra thế giới giả tưởng của riêng mình bằng cách vượt ra khỏi giới hạn của thời gian, không gian và tận dụng những đặc trưng của hội họa Đông phương. Tôi đã gặp họa sĩ tại Phòng Triển lãm BGN tọa lạc ở Sincheon-dong, Seoul.
“Tôi đã ở đó với họ”. 2012. Tạo màu hỗn hợp trên giấy jangji. 130 x 388cm.
Họa sĩ Choi Eun-sook thường vẽ tranh phong tục mang hơi thở hiện đại bằng thủ pháp hội họa phương Đông đương đại, sử dụng mực thỏi - chất liệu cơ bản của hội họa phương Đông và sơn nước acrylic- chất liệu chính của hội họa phương Tây. Đề tài thường xuyên xuất hiện trong tranh vẽ là cảnh chợ truyền thống chứa đầy ký ức tuổi thơ của cô. Các tranh vẽ lồng ghép những nhân vật trong tranh phong tục thời đại Joseon (1392-1910) và khung cảnh chợ truyền thống ngày nay, đưa người xem đến với một thế giới ảo đầy bình yên và huyền bí.
Nhân duyên nào họa sĩ chọn chuyên ngành hội họa phương Đông?
Khi học thiết kế ở đại học, rất ngẫu nhiên tôi vô cùng say mê mực nho - chất liệu hội họa truyền thống phương Đông. Trong khi sử dụng mực nho và điều chỉnh lượng nước pha mực để tô bóng, tôi nhận ra rằng hội họa phương Đông thể hiện màu sắc phong phú và có chiều sâu theo một cách khác với tranh vẽ màu nước của phương Tây. Vì vậy, tôi đã chuyển sang Khoa Hội họa phương Đông, sau đó hoàn thành chương trình cao học thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành Hội họa phương Đông tại trường Đại học Hongik. Hiện tại, tôi đang thử nghiệm việc vẽ tranh dùng sơn nước acrylic pha với mực nho, tôi bị thu hút bởi những gam màu sặc sỡ được tạo thành khi các chất tan hoà vào trong nước.
Từ khi nào họa sĩ quan tâm đến khu chợ truyền thống?
Khi còn nhỏ, tôi thường được mẹ sai việc vặt. Không giống như những người bạn khác thấy khó chịu khi bị sai bảo, tôi rất thích công việc chạy vặt này. Thật thú vị khi vừa đi phụ việc cho mẹ, tôi vừa được nhìn ngắm khu chợ truyền thống. Chỉ nhìn những chiếc ô che xếp dọc con hẻm chợ, trái tim tôi đã đập liên hồi, và chỉ cần ngắm những loại trái cây đủ màu sắc trong sọt, tôi thấy vui mắt đến lạ. Mẹ tôi hẳn đã gấp gáp làm gì đó nên mới nhờ tôi đi mua đậu phụ, nhưng vì mải ngắm nhìn khu chợ, tôi thậm chí đã không nhớ phải trở về nhà.
Nhìn những bức tranh của họa sĩ, tôi có cảm giác như được trở về tuổi thơ.
Họa sĩ Choi Eun-sook thích vẽ cảnh chợ truyền thống chứa ký ức tuổi thơ, nhưng lại tạo ra thế giới giả tưởng của riêng mình bằng thủ pháp trộn lẫn không gian và thời gian.
Đó chính là điều tôi mong muốn. Tôi biết ơn đến rơi nước mắt khi người xem triển lãm đồng cảm với những cảm xúc của tôi về khu chợ ngày thơ ấu. Nếu ai đó hỏi tôi “jeong” (chữ “tình” - chú thích của người dịch) của người Hàn Quốc là gì, tôi chắc chắn sẽ khuyên người ấy đi đến một khu chợ truyền thống gần đó. Chợ vốn dĩ là nơi ta có thể cảm nhận được đầy đủ những “hỷ nộ ái lạc” của cuộc sống, nhưng chợ truyền thống Hàn Quốc sẽ khiến ta cảm nhận được chữ “tình” rất riêng của người Hàn.
Với “Đồng hiện”, hoạ sĩ có dụng ý gì khi lồng ghép các nhân vật trong tranh phong tục thời Joseon vào chuỗi tác phẩm của mình?
Khi học năm thứ tư đại học, tôi đã trải qua một cơn ảo giác, trong đó các nhân vật từ tranh vẽ phong tục của triều đại Joseon chợt hiện ra trước mắt tôi tại khu chợ Namdaemun ở Seoul. Trong khoảnh khắc ấy, tôi tự hỏi sẽ thế nào nếu khắc họa lại cảnh tượng này bằng tranh vẽ. Công việc đó thế là bắt đầu và tiếp tục cho đến ngày nay. Vì muốn tạo cảm giác thời gian như thể ngừng trôi, nên trong một số tác phẩm, tôi phác họa những nhân vật trong quá khứ bằng nhiều màu sắc và những nhân vật ở hiện tại bằng gam màu đen trắng. Nói một cách khác, tôi muốn tạo nên những hình ảnh vượt ra giới hạn không gian và thời gian. Đây cũng là chủ đề nhận thức xuyên suốt các tác phẩm của tôi. Hình tượng nhân vật quá khứ thường được vay mượn từ những nhân vật chính trong tranh vẽ phong tục của họa sĩ Shin Yun-bok (Thân Nhuận Phúc, 1758 - ?) và Kim Hong-do (Kim Hoằng Đạo, 1745 - ?) triều đại Joseon.
Họa sĩ có thể chia sẻ cụ thể về quá trình vẽ tranh của mình được không?
Đầu tiên, tôi ghé thăm khu chợ truyền thống mình muốn vẽ, chụp ảnh lại, sau đó xây dựng ra một câu chuyện, sắp xếp nhân vật trong tranh vẽ phong tục xưa lên những bức ảnh chụp đã qua chỉnh sửa. Sau khi hoàn thành bố cục, tôi bắt đầu vẽ và pha màu trên giấy jangji. Tuy nhiên, trước khi vẽ tranh, công đoạn đầu tiên là bôi lớp dung dịch chất lỏng hỗn hợp gồm keo dán A giao (keo da lừa - chú thích của người dịch) và phèn chua hòa tan trong nước lên giấy, để mực vẽ không bị loang ra một cách tuỳ tiện, đồng thời giúp tăng độ bền cho giấy vẽ.
Hoạ sĩ đã dùng chất liệu gì để tạo ra hiệu ứng sáng bóng cho các bức tranh của mình?
Bột đá là một trong số chất liệu hội hoạ phương Đông, được mài từ thuỷ tinh. Trộn bột đá với nước keo dán A giao và bôi lên giấy để tạo tính năng sáng bóng cho bề mặt. Khác với hội họa phương Tây, tranh vẽ phương Đông thường sử dụng bột màu tự nhiên như mực nho và bột đá.
Có phải tất cả khu chợ truyền thống trong tranh đều có thật?
“Tâm tượng phong cảnh”. 2020. Tạo màu hỗn hợp trên giấy jangji. 53 × 45cm.
Đúng vậy. Tuy nhiên, các khu chợ trong tranh không giống hoàn toàn ngoài đời thực. Ví dụ, bức tranh “Tâm tượng phong cảnh” (phong cảnh tưởng tượng) lấy bối cảnh một khu chợ ở Hồng Kông và bức tượng đặt phía trên cửa hàng trái cây trong bức tranh này - bắt nguồn từ tượng sư tử vàng ở khách sạn MGM, Ma Cao, chứ không phải ở Hồng Kông. Tương tự như vậy, tôi thường phác họa các tác phẩm mới bằng cách pha trộn yếu tố địa điểm và thời đại khác nhau vào bối cảnh thực tế.
Bức tranh nổi bật hẳn lên khi phần bối cảnh được làm mờ đi bởi những loại giấy có độ dày khác nhau xếp chồng lên nhau.
“Một ngày thu cùng nhau”. 2011. Tạo màu hỗn hợp trên giấy jangji. 30 x 120cm.
Tôi cố gắng nhấn mạnh cảm giác huyền bí trong các bức tranh của mình bằng cách xếp chồng lớp giấy hanji (loại giấy thủ công truyền thống của Hàn Quốc - chú thích của người dịch) mỏng và trong suốt, dùng để vẽ cảnh quan ở thời điểm hiện tại, lên trên phần giấy Jangji vẽ lại bối cảnh trong tranh phong tục thời xưa. Nhưng dù tôi có tuỳ ý thay đổi địa điểm khi vẽ như thế nào thì người xem vốn yêu thích các chợ truyền thống vẫn nhận ra được tất cả những cảnh vật xuất hiện trong các bức tranh. Một hôm, có người xem tranh chỉ cần nhìn những bông hoa “Đông bách” (Hoa sơn trà) rơi trên nền chợ, đã nhận ra ngay cảnh này ở chợ tại Gurye, tỉnh Jeollanam-do.
Họa sĩ có lẽ đã thăm nhiều chợ truyền thống hơn bất cứ ai.
“Các dòng thời gian song hành”. 2011. Tạo màu hỗn hợp trên giấy jangji. 130 x 162cm.
Trong 10 năm qua, tôi đã đi du lịch rất nhiều nơi, chú tâm nhìn ngắm các khu chợ. Mặc dù vậy, vẫn còn rất nhiều chợ truyền thống ở Hàn Quốc tôi chưa đi. Mỗi nơi có những đặc sản khác nhau, nơi thì nổi tiếng ớt, nơi khác lại nổi tiếng với thịt bò Hanwoo. Thậm chí, chỉ một khu chợ nhưng khung cảnh lại khác nhau theo từng mùa, nên mỗi lần ghé thăm, tôi đều có được những cảm xúc và ấn tượng mới lạ. Tuy nhiên, tiếc là nhiều chợ truyền thống ngày nay đang dần biến mất hoặc không còn giữ được dáng vẻ xưa. Do vậy, tôi muốn lưu giữ lại thật nhiều hình ảnh những khu chợ xưa bằng tranh vẽ của mình.
Họa sĩ có kế hoạch gì trong tương lai?
Gần đây, tôi cho ra mắt một tác phẩm mới, và sẽ tiếp tục công việc vì may mắn là đã nhận được phản hồi tích cực. Trong tác phẩm ấy, tôi đã xếp đặt các nhân vật và phong cảnh vào bên trong và bên ngoài một khối vuông, tạo nên bối cảnh nhân tạo để bộc bạch những suy tưởng của mình. Trong tác phẩm mới, bối cảnh các khu chợ truyền thống không còn xuất hiện nữa, nhưng tôi sẽ vẫn tiếp tục thể hiện chữ “tình” của con người Hàn Quốc qua tranh vẽ.