메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

2022 WINTER

TINH THẦN HÀN QUỐC MANG TÊN “ANDONG”

Những ngôi nhà cổ và các khu resort nghỉ dưỡng, những cửa hàng cổ kính và các nhà hàng hợp xu hướng, những chiếc cầu gỗ và những chiếc thuyền đời mới... quá khứ và hiện tại tồn tại đan xen ở nhiều nơi trong thành phố, nhưng quang cảnh lại rất hài hòa. Say đắm trước khung cảnh vừa quen thuộc vừa xa lạ, rảo nhịp bước chân, tôi đến làng Hahoe với những ngôi nhà cổ và seowon. Tại vùng đất này, cứ theo dấu chân của tổ tiên, ta sẽ nhận ra lý do vì sao Andong lại được gọi là thủ đô văn hóa tinh thần của Hàn Quốc.

.

 

Tại lối vào của làng Hahoe, tôi bắt gặp một tấm băng rôn tưởng nhớ với nội dung: “Chúng ta sẽ không bao giờ quên ngày Nữ hoàng Elizabeth II đến thăm Andong vào năm 1999”. Trong khoảnh khắc, tôi có cảm giác mình là nhà du hành thời gian. Đến thăm Hàn Quốc theo lời mời của Tổng thống lúc bấy giờ là ông Kim Dae-jung (1924-2009), Nữ hoàng đã từng nói: “Tôi muốn chiêm ngưỡng hình ảnh đậm chất Hàn Quốc nhất”. Và câu trả lời cho yêu cầu của bà chính là “Andong”.


Tại sao Nữ hoàng đến Andong?
Đến Andong vào đúng dịp sinh nhật lần thứ 73, Nữ hoàng được diễn viên Ryu Si-won hộ tống và được thiết đãi tiệc sinh nhật đúng kiểu Hàn Quốc tại Damyeonjae (Đạm Nhiên Trai) với món mì Andong trứ danh ăn kèm thịt luộc thái mỏng, món hấp, món hầm và rượu soju Andong. Xem tin tức, tôi mới biết ngôi nhà nơi diễn viên Ryu Si-won sinh ra và lớn lên chính là Damyeonjae và anh cũng chính là hậu duệ đời thứ 13 của vị quan văn ở trung kì triều đại Joseon mang tên Ryu Seong-ryong (Liễu Thành Long, 1542-1607).

Nữ hoàng đội chiếc mũ màu xanh lam, thưởng thức kịch mặt nạ Hahoe Byeolsingut và quan sát các công đoạn làm tương ớt và kim chi. Đến thăm Chunghyodang (Trung Hiếu Đường), ngôi nhà cổ của dòng họ Ryu vùng Poongsan, bà đã khiến mọi người xung quanh ngạc nhiên khi cởi giày và đi chân trần theo nghi thức của người Hàn Quốc. Đồng thời, Nữ hoàng cũng đã đến thăm chùa Bongjeong (Phụng Đình), vốn là ngôi chùa bằng gỗ được xây dựng vào cuối triều đại Goryeo còn tồn tại đến tận ngày nay trong tình trạng tốt nhất. Khi Nữ hoàng đặt viên đá lên tháp đá ước trước điện Geungnak (Cực Lạc), mọi người cho bà biết ý nghĩa của việc cung kính đặt viên đá lên tháp đá là để ước nguyện và nhận được nhiều phước lành vừa chăm chú theo dõi lo sợ tháp đá sẽ đổ. Không biết khi đó nữ hoàng đã ước điều gì?

Để hiểu về thành phố Andong, chúng ta cần biết rằng DNA xuyên suốt của triều đại Joseon kéo dài hơn 500 năm chính là Nho giáo. Thời điểm triều đại Joseon chọn Nho giáo làm hệ tư tưởng thống trị cốt lõi, vô số “tình cảm” và “nghi thức” có thể xem là mang tính Hàn Quốc đã ra đời. Có thể kể đến tư tưởng “đàn ông làm trụ cột gia đình” - lấy nam giới làm trung tâm hay “tôn ti trật tự” - tôn kính người lớn tuổi là những ví dụ điển hình của nét văn hóa đậm chất Hàn Quốc.

Andong là quê hương của Toegye (Thoái Khê) Yi Hwang (Lý Hoảng, 1502-1571) và Seoae (Tây Nhai) Ryu Seong-ryong, những bậc gạo cội của học phái Yeongnam (Lĩnh Nam học phái - một trường phái Tân Nho giáo hoạt động chính ở vùng Yeongnam vào triều đại Joseon), đồng thời cũng là thành phố còn lưu giữ hình thức nguyên thủy của Nho giáo Hàn Quốc. Đây cũng là nơi có nhiều Di sản Văn hóa thế giới được UNESCO công nhận nhất tại Hàn Quốc. Tôi đề cập đến “Chuyến thăm Andong” của Nữ hoàng Elizabeth trước bởi vì Andong là tinh hoa của tinh thần Hàn Quốc mà có lẽ nước chủ nhà đã vắt óc suy nghĩ mới tìm ra để làm quà đón tiếp vị khách quý từ phương xa. Và “Làng Hahoe” chắc hẳn là đáp án chuẩn nhất để làm điểm khởi đầu cho chuyến thăm này.

Ảnh chụp khi Nữ hoàng Elizabeth II (1926-2022) đến thăm Andong vào năm 1999. Nữ hoàng đến thăm Andong vào đúng sinh nhật lần thứ 73 của bà và được tổ chức tiệc sinh nhật theo kiểu truyền thống Hàn Quốc. Nữ hoàng đã đến thăm làng Hahoe Andong, chùa Bongjeong và xem biểu diễn kịch mặt nạ truyền thống Hahoe Byeolsingut; đồng thời trực tiếp trải nghiệm văn hóa truyền thống Hàn Quốc.
ⓒ Tòa thị chính Andong

Đình Gosan được xây dựng bởi Geum Nan-su (1530-1599), một học giả vào trung kì triều đại Joseon và là học trò của Toegye thể hiện rõ đặc trưng kiến trúc đình miếu của triều đại Joseon hài hòa với khung cảnh tuyệt vời xung quanh.

Tinh hoa tinh thần của Hàn Quốc
Làng Hahoe được công nhận là Di sản văn hóa Dân tộc quan trọng số 122, đồng thời là làng dân tộc lưu giữ 2 bảo vật cấp quốc gia, 4 bảo vật và 11 Di sản văn hóa Dân tộc. “Hahoe” có nghĩa là nước chảy quay vòng, bắt nguồn từ thực tế Hwacheon - thượng nguồn của sông Nakdong - uốn quanh và chảy theo hình chữ “S”. Làng có hình dạng giống hình thái cực hoặc hoa sen nổi trên mặt nước nên từ xa xưa đã được coi là vùng đất lành theo thuật phong thủy.

Đi đâu thì làng cổ Hàn Quốc cũng đều có diện mạo giống nhau, nhưng tôi luôn ấn tượng ở chỗ Andong không phải là một bảo tàng khổng lồ với thời gian ngưng đọng, mà là nơi hoạt động sống của con người vẫn đang không ngừng tiếp diễn. Men dọc theo bảng hiệu của các ngôi nhà cổ như Hwageongdang (Hòa Kính Đường) và Yangjindang (Dưỡng Chân Đường), du khách sẽ bắt gặp những hàng củ cải và xà lách trồng thẳng tắp trên đồng, cũng như những chiếc túi giao sữa treo lủng lẳng trước cổng nhà.

Cách làng Hahoe không xa là Byeongsan Seowon của Ryu Seong-ryong đã được giới thiệu ở trên. Seowon vốn là cơ sở giáo dục của người xưa. Để giải thích một cách trực quan cho thế hệ trẻ vốn không quen thuộc với Khổng Tử (551 - 479 TCN) và Mạnh Tử (372 - 289 TCN), có thể nói đây là trung tâm đào tạo nội trú tốt nhất vào triều đại Joseon, được vận hành bởi những “giáo viên ngôi sao hạng nhất” trên cả nước.

Học phái Yeongnam có hai vĩ nhân lớn là Seoae Ryu Seong-ryong và Toegye Yi Hwang. Trong đó, học trò của Seoae Ryu Seong-ryong thường tề tựu ở Byeongsan Seowon còn học trò của Toegye Lee Hwang lại trui rèn kiến thức Tính lý học ở Dosan Seowon.

Byeongsan Seowon được đánh giá là tuyệt mĩ của kiến trúc seowon Hàn Quốc. Bước lên Mandaeru (Mãn Đối Lầu) vốn là Numaru của seowon (maru: khoảng sàn rộng giữa các gian chính trong nhà truyền thống hanok; numaru: maru được xây cao hơn thông thường, tạo cảm giác như một chiếc lầu hoặc gác trong nhà truyền thống hanok), du khách có thể chiêm ngưỡng tuyệt tác thiên nhiên như một tranh vẽ tạo nên bởi sông Nakdong êm đềm xuôi dòng và các dãy núi bao quanh.

Dosan Seowon có quy mô lớn hơn Byeongsan Seowon. Nơi này đặc biệt ở chỗ cả thư đường nơi Toegye Yi Hwang học tập lúc sinh thời và seowon được học trò của ông lập nên nhằm tôn vinh công đức của thầy đều còn tồn tại trong cùng một không gian. Vào trong seowon, du khách sẽ tận mắt quan sát Nongunjeongsa (Lũng Vân Tinh Xá) vốn là thư đường nội trú nơi học trò của Toegye Yi Hwang lưu lại học tập. Bước lên bậc và ngồi ở Jeongyodang (Điển Giáo Đường), du khách có thể ngắm nhìn phong cảnh yên bình của Andong. Nơi này thường tổ chức những cuộc hội họp lớn hay tập trung đàm luận của những nho sinh.

Thư thả thời gian, du khách nên đặt chỗ và trải nghiệm “văn hóa Seonbi” qua trang web của Trung tâm thực hành văn hóa Seonbi thuộc Dosan Seowon. Khóa học hai ngày một đêm mang đến cơ hội trải nghiệm mặc trang phục Nho sinh thời Joseon; khám phá không gian seowon và thăm nhà chính của Toegye, bảo tàng Văn học Yi Yuk-sa và tản bộ con đường Thiền định Toegye dưới ánh trăng huyền ảo rất được du khách yêu thích.



Được xây dựng năm 1572 bởi Seoae Ryu Seong-ryong, Byeongsan Seowon được xem là tuyệt mĩ của kiến trúc seowon Hàn Quốc. Nhờ phong cảnh sông núi tuyệt vời xung quanh và vẻ đẹp kiến trúc ấn tượng cùng giá trị của seowon được đánh giá cao, nơi này đã được công nhận là Di sản thế giới vào năm 2019.

Bảo tàng mặt nạ ở lối vào làng Hahoe đi vào hoạt động năm 1995. Nơi đây lưu giữ và trưng bày hơn 250 mặt nạ của Hàn Quốc bao gồm mặt nạ được sử dụng khi biểu diễn kịch mặt nạ Hahoe Byeolsingut được lưu truyền tại làng Hahoe và hơn 250 mặt nạ của các nước trên thế giới.

Thành phố của tận hưởng thú vui ẩm thực
Đến khu vực nào tôi cũng tranh thủ ghé qua chợ gần đó. Vì chỉ cần quan sát bầu không khí riêng của chợ, chúng ta có thể đoán được sức sống của khu vực đó. Andong có vài khu chợ lớn, trong đó Gusijang (chợ Cũ) nổi tiếng với những con đường nhiều hàng quán ngon như phố galbi (sườn), phố jjimdak (món gà nấu với gia vị chính là xì dầu cùng sợi miến và nhiều loại rau củ khác nhau như cà rốt, khoai tây, hành tây...) và cửa hàng bánh lâu đời của địa phương có tên Mammoth.

Đối với những người sành ăn, Andong là thánh địa của ẩm thực truyền thống, thưởng thức trong vài ngày vẫn không cảm thấy thỏa mãn. Cá nhân tôi thực sự thích Andong guksi, loại mì có sợi mỏng hơn so với kalguksu (món mì có sợi được làm bằng bột mì, dùng chày cán mỏng và thái lát mỏng bằng dao) thông thường và nổi lên trên lớp nước dùng. Đây là món ăn thơm ngon, ăn vài lần cũng không chán ngoại trừ nhược điểm sợi mì mềm dễ nuốt khiến thực khách ăn nhiều hơn bình thường. Đồng thời, ngoài ra còn có món gukbap (món ăn gồm cơm bỏ vào món canh nấu sẵn) vốn là món không thể thiếu đối với người Hàn Quốc nào có sở thích nhâm nhi rượu. Món Andong gukbap tuyệt ngon với củ cải đúng mùa và thịt bò nội địa (Hanwoo) cũng là một trong những thực đơn được nhiều người Hàn Quốc yêu thích không phân biệt tuổi tác, giới tính.



Tại chợ Cũ - khu chợ truyền thống nằm ở trung tâm thành phố Andong - có khu phố tập trung hơn 30 nhà hàng chuyên bán món Andong jjimdak giúp du khách thưởng thức hương vị nguyên bản của món ăn này.

Andong có nhiều từ đường nên việc cúng tế diễn ra thường xuyên. Người dân có phong tục ăn món cơm trộn có tên goldongban, được làm từ các món cúng. Ngày nay, dù không tổ chức thờ cúng, người ta vẫn có thể thưởng thức món cơm trộn này bất cứ lúc nào nhờ sự ra đời của món heotjesatbap (cơm trộn làm từ các món giống như món cúng).

Một trong những ẩm thực Andong nổi tiếng với du khách là món Andong jjimdak. Khu chợ Cũ có phố jjimdak, ban đầu nơi này là phố chuyên bán món gà quay hoặc rán nguyên con. Thập niên 1980 rộ lên phong trào nhượng quyền món gà chiên tẩm gia vị, những người buôn bán mất lợi thế kinh doanh đã tìm ra cách tự cứu lấy mình. Đó chính là phát minh ra món jjimdak có sợi miến óng ánh và thịnh soạn với nhiều loại rau trong lớp gia vị đậm đà làm từ nước tương có vị cay và mặn. Điều này cũng làm dấy lên cơn sốt món Andong jjimdak trên khắp Hàn Quốc. Ngoài ra, món “cá thu muối” cũng là một món ăn tiêu biểu của Andong, thể hiện trí tuệ của tổ tiên người Hàn Quốc giúp giữ cá tươi ngon trong suốt quá trình đưa cá từ biển khơi vào đất liền.

Vẫn còn hàng dài món ăn truyền thống địa phương đủ thưởng thức trong vài ngày, nhưng du khách có thể trải nghiệm các món mới chưa từng thấy trước đây. Các món như “pasta cá thu Andong” hay “hamburger cá thu muối” được đầu bếp trẻ địa phương biến tấu từ đặc sản quê hương, cực đại hóa niềm vui thú đến từ ẩm thực. Nét hấp dẫn của chợ Cũ là “cũ và mới” đan xen đầy màu sắc, vận động rất hài hòa không xung đột.

Lựa chọn tuyệt vời nhất sau khi dùng bữa chính là đi dạo trên cầu Woryeong cách đó không xa. Trong đêm tối, câu chuyện kể về “mẹ của Woni” vang lên da diết như ánh trăng mờ ảo lan tỏa dưới lòng sông. Tương truyền tại đây, người ta đã tìm thấy bức thư của một người vợ viết về sự tiếc nuối, nỗi nhớ và lòng oán hận đối với người chồng đã bỏ lại cô cùng đứa con tên Won và đứa trẻ trong bụng.

Nếu đến cùng người yêu, đi “thuyền mặt trăng” (moon boat) du ngoạn sông Nakdong dưới cầu Woryeong cũng là một hoạt động đáng để trải nghiệm. Đặc biệt, xung quanh khu vực này tập trung nhiều nơi lưu trú như khách sạn mới và khu resort hanok cùng nhiều khu vui chơi giải trí như vườn bách thú Zootopium và khu trải nghiệm Nho giáo (Confucian Land), giúp du khách tận hưởng một Andong hoàn toàn khác biệt vốn đã làm mê hoặc lòng người bởi những ngôi nhà cổ yên bình.

Cầu Woryeong là cây cầu gỗ lớn nhất Hàn Quốc, lên lầu hình bát giác tọa lạc trên cầu, du khách có thể ngắm trọn khung cảnh đập Andong trong tầm mắt. Ngoài ra, du khách còn có thể thư thái tham quan bằng cách đi thuyền mặt trăng đầy màu sắc hoặc thuyền buồm hwangpo truyền thống đậu dưới chân cầu.

Giao thoa giữa truyền thống và hiện đại
Cách đây không lâu tôi đã đến thăm Las Vegas. Có lẽ tôi đã chứng kiến sự hưng thịnh và suy tàn của thành phố phồn hoa một thời đang ngày càng già cỗi. Xem những show diễn “Volcano Show” hay “Fountain Show” chẳng thay đổi gì so với quá khứ, khiến tôi có cảm giác như đang nhìn vào tấm lưng cô độc của một người đàn ông trung niên ngày càng tiều tụy. Khách sạn Caesars Palace và khách sạn Bellagio vốn tự hào là đỉnh cao hoa lệ của thành phố giờ đây cũng dần mất đi sức sống. Khách du lịch vẫn nhiều nhưng khi nghĩ về thành phố đang suy tàn với tốc độ chóng mặt này diện mạo thay đổi của Andong lại đem đến cho tôi một cảm giác mới mẻ.

Lần đầu tiên tôi đến thăm làng Hahoe Andong là khoảng 20 năm trước. Nếu không nhầm thì khi đó vẫn chưa có phòng bán vé tham quan hay các tiện ích như xe buýt đưa đón đến tận cổng làng. Tuy nhiên, ngôi làng đã thay da đổi thịt hoàn hảo (sang cách thuận tiện cho du khách dạo quanh ngắm cảnh) đến mức tôi cảm nhận rõ ý nghĩa của khẩu hiệu tiếng Anh “Dynamic Korea” (tạm dịch: Hàn Quốc năng động) do Tổng công ty Du lịch Hàn Quốc đề ra. Đặc biệt, Bảo tàng Mặt nạ Thế giới Hahoe đặt trước cổng vào làng trưng bày mặt nạ Hahoe (quốc bảo số 121) với khuôn mặt cười quen thuộc của người Hàn Quốc và nhiều mặt nạ dân tộc truyền thống trên thế giới mang đến sự thú vị chính như cách món khai vị kích thích vị giác của thực khách trước khi thưởng thức món chính trong bữa ăn.

Dạo quanh Andong, tôi cho rằng chính điều này mới là nét đặc trưng đậm chất Hàn Quốc. Đó là sự xê dịch, không đứng yên tại chỗ; luôn khám phá những câu chuyện mới và tìm kiếm những điểm cần cải thiện. Đó chính là nét hài hòa giữa những cửa hàng xưa cũ và những nhà hàng thời thượng trên những con đường lâu đời hay chính sự linh hoạt trong việc dời những ngôi nhà cổ có nguy cơ bị chìm do xây dựng đập Andong và hồi sinh chúng thành khách sạn hanok theo phong cách hiện đại. Ý nghĩa của câu nói “Hàn Quốc là đất nước không bao giờ ngủ” có thể được hiểu theo nhiều ngữ cảnh khác nhau, nhưng tôi tin rằng đó chính là sức mạnh đã khiến đất nước nhỏ bé, thanh bình ở phương Đông này trở thành nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới. Theo nghĩa này, Andong chính là thành phố nơi truyền thống vẫn còn tồn tại và chuyển động không ngừng.



Baek Young-okNhà văn
Ảnh. Han Jung-hyun
Dịch. Hoàng Thị Trang

전체메뉴

전체메뉴 닫기