메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

null > 상세화면

2022 WINTER

ĐỜI SỐNG HANBOK - NƠI CHỨA ĐỰNG NHỮNG ĐỔI THAY THỜI ĐẠI

Tháng 7 vừa qua, “đời sống hanbok (hanbok saenghwal)” được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. Là một từ kết hợp giữa “hanbok” và “saenghwal (đời sống)”, khái niệm “đời sống hanbok” bao hàm cả trang phục truyền thống của Hàn Quốc và những phong tục, tập quán đa dạng liên quan đến loại trang phục này.

Hình ảnh phụ nữ mặc wonsam, một loại lễ phục kết hôn truyền thống. Wonsam vốn là lễ phục tiêu biểu của nữ giới trong cung đình hay trong các gia đình quý tộc thời Joseon, nhưng tầng lớp bình dân cũng mặc nó như lễ phục kết hôn. Tuỳ thân phận mà màu sắc áo sẽ khác nhau, nhưng trong vương thất sẽ là màu vàng hoặc màu đỏ, trong dân gian sẽ mặc wonsam màu xanh lá cây. Đến thời kì hiện đại, áo này được may với nhiều màu sắc, hoa văn đa dạng khác nhau.
ⓒ TongRo Images

Hầu hết mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều lưu truyền cho mình một trang phục truyền thống phản ánh điều kiện địa lý, lịch sử, tôn giáo, giá trị quan như kimono của Nhật Bản, sườn xám hay hanfu của Trung Quốc, áo choàng deel của Mông Cổ, áo dài của Việt Nam hay sari của Ấn Độ. Với Hàn Quốc, đó là hanbok. Giống như trang phục truyền thống và văn hoá phục sức của bất kì nước nào, theo từng thời kỳ, hanbok đã trải qua nhiều sự biến đổi cả về hình thái, cách may mặc, cách mua bán, phân phối. Trong quá khứ, nếu hanbok đã từng là trang phục mặc thường ngày thì trong thời kì hiện đại lại hiếm có dịp để mặc hanbok. Dẫu vậy, trong sinh hoạt thường ngày của người Hàn Quốc vẫn đang hình thành một nét văn hoá riêng biệt, độc đáo phát sinh từ đời sống hanbok xưa.

Từ khi sinh ra đến lúc chết đi

Hanbok được suy đoán có lịch sử hơn 2.000 năm. Ta có thể thấy dấu vết của hanbok trên những bức bích hoạ trong cổ mộ thời Goguryeo hay trên những tượng người bằng đất sét do người Silla tạo ra. Người ta cho rằng, cấu trúc phục sức của loại áo này được hoàn thiện vào thời kì Ba vương quốc (năm 57 TCN - thế kỷ VII) khi Goguryeo, Baekje, Silla chia nhau cai quản bán đảo Triều Tiên. Sau đó, trải qua thời kì Silla thống nhất (676-935), thời kì Goryeo (918-1392), rồi triều đại Joseon (1392-1910) và thời kì Nhật chiếm đóng (1910-1945), hanbok đã có nhiều thay đổi đa dạng. Ở giai đoạn trung kì và hậu kì triều đại Joseon, hanbok đã xác lập hình thái điển hình của nó, và loại trang phục mà ngày nay người Hàn Quốc gọi là “hanbok truyền thống” chính là để chỉ phục sức của giai đoạn này. Được biết, thuật ngữ hanbok được sử dụng nhằm để phân biệt với loại Âu phục tràn vào Hàn Quốc theo làn sóng văn vật phương Tây kể từ sau thế kỷ XIX, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa rõ tên gọi này do ai khởi xướng và được sử dụng kể từ bao giờ.

Tuỳ đó là trang phục mặc trong ngày thường hay mặc trong dịp lễ tết, tùy vào giới tính, độ tuổi, và tùy vào mỗi mùa mà hanbok rất đa dạng về thể loại, hình dáng. Kết cấu cơ bản của loại hanbok phổ biến mặc thường ngày, với nam giới sẽ gồm baji (quần) và jeogori (áo), nữ giới sẽ gồm chima (váy) và jeogori. Tuỳ theo địa điểm và hoàn cảnh mà bên ngoài kết cấu cơ bản này có thể mặc chồng thêm lớp áo nữa. Và cho dù là loại nào đi nữa thì sự hài hoà giữa những nếp thẳng, nếp cong là cái tạo nên nét đẹp của hanbok. Không chỉ vậy, những gam màu vừa sặc sỡ lại vừa cách điệu cùng dáng vẻ thanh tao khi mặc áo cũng được xem là nét đặc trưng của hanbok. Một nét đặc sắc khác của hanbok là áo không ôm sát người để tạo sự thoải mái nhất định, cũng không phô diễn hình dáng cơ thể người mặc.

Ở giai đoạn cận hiện đại, đời sống hanbok bị thu hẹp đi nhiều nhưng vẫn có nhiều câu chuyện thú vị cho thấy bản sắc của văn hoá Hàn Quốc. Trong những dịp trọng đại của đời người như khi chào đời, kết hôn, tang lễ, người Hàn Quốc đều mặc hanbok. Họ còn mặc hanbok trong cả những ngày tết truyền thống như Tết Âm lịch, Tết Trung thu để thực hiện các nghi lễ đa dạng hoặc chơi những trò chơi truyền thống.

Chiếc áo đầu tiên khoác lên người một đứa trẻ vừa chào đời được gọi là “baenaet jeogori”. Trên nền vải bông gần như không có đường may chần ráp nối. Đó là sản phẩm từ trí huệ của cha mẹ để giảm thiểu những kích thích mà vải vóc gây ra trên làn da còn non nớt của em bé. Đến khi trẻ tròn “dol” (đầy năm), gia đình tổ chức tiệc thôi nôi và cho bé mặc “dolbok”. Trên dolbok luôn thêu những nét chữ, hoa văn mang ý nghĩa xua đuổi tà khí và cầu mong trẻ lớn lên mạnh khoẻ.

Kết hôn cũng là dịp không thể thiếu hanbok. Gần đây, đa phần cô dâu và chú rể đều mặc Âu phục và váy cưới để làm lễ kết hôn, nhưng vẫn còn nhiều những đám cưới trong đó từ cô dâu chú rể, gia đình hai bên, cho đến khách mời dự lễ cưới đều mặc hanbok để tạo sự trang trọng. Ngoài ra, cũng có nhiều người mặc áo cưới truyền thống và tổ chức lễ cưới theo phong tục xưa.

Áo liệm mặc cho người chết là loại hanbok theo cùng con người trong giờ phút cuối cùng của cuộc đời. Ngày nay, người ta thường mua áo liệm đã may sẵn, nhưng trong quá khứ, thường những người phụ nữ trong gia đình tự tay cắt may lấy. Áo liệm có đặc điểm là không làm nút thắt. Vì người xưa tin rằng nếu thắt nút áo thì linh hồn người chết sẽ không thể trò chuyện cùng con cái được. Ngoài ra, áo liệm còn được may khi người vẫn còn sống, vì tục truyền điều này giúp người ta khoẻ mạnh và sống lâu. Trong dịp cúng giỗ tưởng nhớ tổ tiên, người Hàn Quốc cũng mặc loại hanbok phù hợp với nghi thức cúng tế.

Đây là những tượng người bằng đất sét được tìm thấy khi khai quật khu mộ cổ (cuối thế kỉ VII đến đầu thế kỉ VIII) ở khu Yonggang, thành phố Gyeongju, tỉnh Gyeongsangbuk năm 1986. Hình dáng phần đầu và y phục được thể hiện rất thực, qua đó có thể thấy được văn hoá phục sức của con người thời đó.
ⓒ Tổng cục Di sản Văn hoá

Đời sống hanbok ngày nay

Ngày xưa, cứ gần đến dịp tết lớn thì nhà nhà đều chuẩn bị vải vóc để may áo mới. Áo được may để mặc trong ngày đầu năm mới gọi là “seolbim”, áo mặc trong dịp Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 âm lịch gọi là “danobim”, áo mặc dịp Tết Trung thu 15 tháng 8 âm lịch gọi là “chuseokbim”. Trên các bộ hanbok mặc vào các dịp lễ tết đều chứa đựng các ý nghĩa nguyện cầu sức khoẻ và bình an, vì vậy có thể thấy hanbok không đơn thuần là trang phục mà nó còn là kênh truyền dẫn cho lòng mong mỏi bình an, hạnh phúc của cả gia đình.

Từ sau thời kì cận hiện đại, đời sống hanbok mờ nhạt đi nhiều. Ngày nay, hiếm có ai mặc hanbok như trang phục thường ngày, và hanbok được xem là loại áo chỉ được mặc trong những ngày đặc biệt. Gần như cũng không còn thấy hình ảnh nhà nhà tự tay may hanbok để mặc như ngày xưa. Người ta thường mua những bộ hanbok may sẵn với số lượng lớn hoặc đặt may ở những tiệm thời trang danh tiếng. Thiết kế của hanbok cũng theo thời đại, xu hướng mà thay đổi. Nếu trước đây màu sắc và hoạ tiết khác nhau tuỳ theo giai cấp, độ tuổi, giới tính, thì giờ đây, tất cả đều được chọn tự do tuỳ theo sở thích của bản thân. Cũng có nhiều thương hiệu cách tân hanbok theo hướng thực tế để phù hợp với đời sống hiện đại.

Dù vậy, việc bảo tồn và kế thừa đời sống hanbok vẫn luôn là mối quan tâm của người Hàn Quốc. Đặc biệt, thế hệ trẻ có xu hướng xem hanbok như là phương tiện để bộc lộ cá tính và sở thích của bản thân, để từ đó thưởng thức đời sống hanbok như một trải nghiệm hay trò chơi thú vị. Ta có thể dễ dàng bắt gặp ở Insa-dong hay Bukchon, Seoul hình ảnh những bạn trẻ Hàn Quốc hoặc những khách du lịch nước ngoài mặc hanbok đi dạo chơi. Có rất nhiều những cửa tiệm cho thuê hanbok. Nhiều nhà thiết kế thời trang cũng đưa ra những mẫu thiết kế có vận dụng những nét đặc trưng của hanbok, làm mới lại với những cảm xúc hiện đại hơn.

Tranh khắc gỗ “Rong chơi mồng một tháng Giêng” (1921) của tác giả người Anh Elizabeth Keith. Bức tranh vẽ một nữ nhân cùng hai đứa trẻ mặc áo seolbim dạo chơi ngày Tết. Sau lần đầu tiên đến Hàn Quốc vào năm 1919, tác giả đã nhiều lần quay lại đất nước này và lưu giữ những phong tục, đời sống ngày thường của người Hàn Quốc vào những bức vẽ của mình.
ⓒ Bảo tàng Dân tộc Quốc gia Hàn Quốc

Những tiến hóa không ngừng

Nhiều nhân vật nổi tiếng có sức ảnh hưởng đối với giới trẻ thỉnh thoảng vẫn gây xôn xao dư luận khi mặc hanbok. Những nhóm nhạc nổi tiếng khắp thế giới như BTS hay BLACKPINK cũng đã thu hút sự quan tâm bằng thời trang hanbok trong các buổi biểu diễn hay trong video ca nhạc. Khi vận lên mình những bộ hanbok như thế, họ không chỉ thu hút được sự quan tâm từ các fan hâm hộ K-pop toàn thế giới, mà còn nâng cao mức độ nhận diện hanbok trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, K-drama cũng thể hiện vai trò của mình trong việc phổ biến hình ảnh của hanbok. Giờ đây, truyền thông các nước đã quan tâm nhiều hơn đến hanbok cũng như văn hoá Hàn Quốc. Tháng 4 vừa qua, báo New York Times của Mỹ đã làm sáng tỏ những thay đổi của hanbok thông qua những trang phục xuất hiện trong bộ phim truyền hình “Pachinko” trên kênh Apple TV+. Bắt đầu với nhận định “Trang phục truyền thống của một nước là một lăng kính phản chiếu lịch sử của đất nước đó”, và sau khi giới thiệu về lịch sử và những loại hình hanbok, chương trình đã đánh giá đây là trang phục “mang tính thực dụng và đẹp trang nhã”. Phản ánh nhiều phong cách đa dạng qua một quá trình lịch sử lâu dài, hanbok cũng được xem là trang phục “đem lại nguồn cảm hứng lớn lao kể cả đối với những nhà thiết kế hiện đại”.

Vốn là sự tổng hoà các khía cạnh đời sống của con người, văn hoá luôn thay đổi đa dạng theo thời cuộc và môi trường sống. Đời sống hanbok cũng vậy. Như đã từng biến đổi qua bao thăng trầm lịch sử, ngày nay hanbok vẫn đang tiếp tục biến mình và sẽ còn tiến hoá thành những hình dạng mới khác trong tương lai.

Những cô gái trẻ mặc hanbok cách tân đang tham quan làng hanok ở Jeonju. Tại những khu làng hanok nằm ở khu vực quanh cố cung, trung tâm Seoul hay ở các địa phương khác hiện có nhiều cửa tiệm cho thuê hanbok phục vụ nhu cầu thẩm mỹ, thị hiếu của giới trẻ.
ⓒ Tổng Cục Du lịch Hàn Quốc

Doh Jae-keePhóng viên báo Kyunghyang
Dịch. Nguyễn Ngọc Tuyền

전체메뉴

전체메뉴 닫기