메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

2022 WINTER

TỪ BIÊN DỊCH NGÔN TỪ ĐẾN BIÊN DỊCH VĂN HÓA

Kịch bản phim truyền hình chính là câu chuyện cuộc đời của mỗi người, phản ánh cuộc sống hàng ngày một cách tự nhiên. Trong cuộc sống ấy, có những ngữ cảnh mang tính tự sự khó có thể dịch thuật thật chính xác. Do đó, khán giả phim truyền hình Hàn Quốc ở các nước chắc chắn sẽ tò mò về cách sống của người Hàn trong những bộ phim chưa được chuyển ngữ. Đây là lý do tại sao biên dịch văn hóa, truyền tải những ý nghĩa sâu xa đằng sau con chữ lại trở nên quan trọng.

Áp phích phim “Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo” với sự xuất hiện của các nhân vật chính. Đây có thể sẽ là bộ phim truyền hình Hàn Quốc thành công nhất năm 2022 về tỷ lệ người xem và độ lan truyền trên mạng xã hội.
© ASTORY



Bộ phim truyền hình “Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo” (Extraordinary Attorney Woo) được chiếu trên kênh ENA từ tháng 6 đến tháng 8 vừa qua đã trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới. Netflix đã mua bản quyền phát sóng và đưa tác phẩm này lên nền tảng của mình. Ban đầu, bộ phim chỉ có phiên bản phụ đề, không có phiên bản lồng tiếng. Tuy nhiên, đáp lại yêu cầu của đông đảo khán giả ở các nước nói tiếng Anh, Netflix sau đó đã ra mắt phiên bản lồng tiếng cho bộ phim, cũng là điều hiếm thấy ở các phim không do Netflix sản xuất.

Có một vấn đề rắc rối trong quá trình chuyển ngữ. Câu thoại rất nổi tiếng: “Tên tôi là Woo Young Woo. Dù đọc xuôi hay đọc ngược thì vẫn là Woo Young Woo. Gi-reo-gi (con ngỗng trời), to-ma-to (cà chua), S-wi-ss (Thụy Sĩ), in-do-in (người Ấn Độ), byeol-ddong-byeol (sao băng), Woo Young Woo. Và yeok-sam-yeok (ga Yeoksam)”, nhưng việc dịch câu thoại này lại không hề dễ dàng. Các từ hoặc câu có cấu trúc đặc biệt, cho dù đọc từ trước ra sau hay từ sau ra trước đều giống nhau như chữ “Woo Young Woo” được gọi là “hồi văn (palindrome)”. Tuy nhiên, có một số trường hợp như “토마토 (to-ma-to)”, “스위스 (S-wi-ss)” được đọc giống nhau dù theo bất kỳ hướng nào trong tiếng Hàn, nhưng các từ tương ứng trong tiếng Anh của nó “tomato (/təˈmɑː.təʊ/)”, “Swiss (/swɪs/)” thì không như vậy.

Cảnh nhân vật chính giới thiệu tên của mình theo hình thức “hồi văn” rất nổi tiếng và mang tính tượng trưng cho bộ phim nên việc dịch thuật buộc phải thật cẩn trọng. Sau nhiều suy nghĩ và cân nhắc, câu thoại ấy đã được chuyển ngữ sang tiếng Anh là “Kayak, deed, rotator, noon, racecar, Woo Young-woo and civic” (tạm dịch Thuyền kayak, hành động, bộ quay, buổi trưa, xe đua, Woo Young-woo và công dân) và được thể hiện bởi nữ diễn viên Sue Ann Pien, cũng là một người mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ. Trong quá trình dịch sang tiếng Anh, thay vì đơn thuần tập trung vào hiện tượng “hồi văn”, các từ ngữ được lựa chọn một cách tinh tế và đặt trong một ngữ cảnh tương đồng về văn hóa.


Sự khác biệt giữa “kỳ lạ” và “đặc biệt”
Nếu văn phòng của luật sư Woo Young Woo không nằm ở ga Yeoksam, việc đưa từ “Yeok-sam-yeok” vào phần tự giới thiệu sẽ rất bất hợp lý. Đối một người mắc chứng tự kỷ và có phạm vi sinh hoạt nhỏ hẹp như nhân vật chính, ga Yeoksam vừa là nơi làm việc, vừa là nơi cư trú và vô cùng quan trọng. Ngoài ra, nhà ga ấy tọa lạc tại phường Yeoksam thuộc khu vực Gangnam, vốn là nơi sinh sống của những người giàu có bậc nhất Seoul. Đây cũng là khu vực trung tâm thành phố tập trung dày đặc nhiều văn phòng chính yếu, bao gồm cả văn phòng luật. Hanbada, nơi nhân vật chính làm việc, được nhắc đến như một công ty luật lớn nhất nhì tại Hàn Quốc. Do đó, việc công ty đặt văn phòng tại ga Yeoksam thuộc khu Gangnam, Seoul là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Chi tiết tuy có vẻ nhỏ nhặt nhưng lại là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc tạo nên tính hiện thực cho bộ phim.

Càng ngày càng có nhiều bộ phim truyền hình Hàn Quốc được chú ý trên toàn thế giới, điều này đồng nghĩa với việc chuyển ngữ và truyền tải chính xác cuộc sống thường nhật, cũng như sắc thái trong lời nói của của người Hàn Quốc đã trở nên quan trọng hơn. Người ta bắt đầu đặt câu hỏi về phẩm tính và chất lượng của việc biên dịch văn hóa. Dịch thuật không chỉ đơn giản là quá trình phân tích, chuyển ngữ từ ngôn ngữ nguồn sang ngôn ngữ đích. Chẳng hạn như quá trình dịch tựa đề phim “Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo” cũng cho thấy được phần nào về biên dịch văn hóa. Từ “이상한 (i-sang-han)” trong tiếng Hàn có nhiều nghĩa như “không bình thường, khác biệt, đáng ngờ...” và thường được dịch sang tiếng Anh là “strange”. Tuy nhiên, khi liên tưởng đến loạt phim gốc đình đám của Netflix “Cậu bé mất tích” (Stranger Things) thì từ “strange” không phù hợp để mô tả nhân vật luật sư Woo Young Woo. Đây có lẽ là lý do mà trong phiên bản tiếng Anh của tựa đề, từ “이상한” đã được dịch thành “extraordinary”, nghĩa là “đặc biệt” với người Hàn Quốc.

Các diễn viên lồng tiếng đang thực hiện phiên bản tiếng Anh cho bộ phim “Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo” tại phòng thu Dubbing Brothers ở Burbank, California vào tháng 8 năm 2022. Để đảm bảo bám sát nguyên tác, người ta đã tuyển chọn các diễn viên người châu Á có hiểu biết về văn hóa Hàn Quốc.
© ASTORY

 



Sự đồng cảm và tính hiếu kỳ
“Trò chơi con mực” (Squid Game, 2021), loạt phim gốc trên Netflix của đạo diễn Hwang Dong-hyuk, là trường hợp mà trong đó sự khác biệt văn hóa tạo nên sức hút cho tác phẩm. Bộ phim kể về câu chuyện trớ trêu của những người lớn đánh đổi mạng sống của mình, tham gia vào các trò chơi đơn giản của trẻ con để giành lấy số tiền thưởng 45,6 tỷ won. Một số trò chơi trong phim vốn đã tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới với lối chơi tương tự, nhưng trò tách kẹo đường (“dalgona” hoặc “ppopgi” trong tiếng Hàn) đã khiến những người nước ngoài lần đầu tiên chứng kiến cảm thấy rất mới mẻ. Ngay cả trò chơi con mực xuất hiện trong tựa đề phim cũng cho thấy điều tương tự.

Tuy nhiên, có một chi tiết khiến nhiều người xem phải tò mò, chính là cửa hàng tiện lợi và “cái chai màu xanh lá” (hàm ý nhắc đến chai rượu soju - chú thích của người dịch). Nhân vật chính Seong Gi-hun (Lee Jung-jae thủ vai) ghé vào cửa hàng tiện lợi mua chai rượu soju cùng mì gói và ngồi ăn ở cái bàn phía trước. Cảnh nhân vật mua rượu bia trong cửa hàng tiện lợi và sau đó uống rượu cùng với đồ nhắm như bánh kẹo, mì gói thường xuyên xuất hiện trong các bộ phim điện ảnh hoặc phim truyền hình Hàn Quốc. Trên thực tế, đây cũng là hình ảnh quen thuộc với người Hàn. Thế nhưng, khán giả ở nước ngoài sẽ nhận thấy đây là một nét văn hóa rất độc đáo. Lý do là vì một số quốc gia có quy định về thời gian được phép mua rượu hoặc cấm sử dụng rượu bia ở không gian ngoài trời.

Một trong những câu thoại thường xuyên xuất hiện trong phim là: “Cho Sang-woo, niềm tự hào của phường Ssangmun, thiên tài sinh ra và lớn lên ở phường Ssangmun, thủ khoa đầu vào Khoa Quản trị Kinh doanh Đại học Quốc gia Seoul”. Phường Ssangmun ở Gangbuk, Seoul là một khu phố tương đối bình thường so với Gangnam. Bối cảnh cậu con trai được học tại ngôi trường đại học hàng đầu Hàn Quốc nhờ có người mẹ làm việc vất vả ở một cửa hàng bán cá trong chợ truyền thống là lời giải thích rất quan trọng đối với nhân vật Cho Sang-woo này. Chỉ một câu thoại nhưng chứa đựng bên trong là nhiều vấn đề xã hội nhức nhối của Hàn Quốc, chẳng hạn như hoàn cảnh khó khăn của các thương nhân chợ truyền thống đang mất thế cạnh tranh so với những siêu thị lớn, định kiến xã hội về việc theo học tại trường đại học hàng đầu là cơ hội thăng quan tiến chức, hay sự phân cực gay gắt trong thị trường bất động sản giữa Gangnam và Gangbuk. Những sắc thái, ẩn ý mà người Hàn Quốc cảm nhận qua câu thoại này có lẽ đã không được truyền tải hoàn toàn đến khán giả nước ngoài.

Loạt phim “Nhật ký tự do của tôi” (My Liberation Notes, 2022) của đài JTBC kể về câu chuyện của những người mong muốn thoát khỏi cuộc sống đơn điệu của mình. Xuyên suốt phim là những cảnh uống rượu soju cùng gia đình hoặc bè bạn. Hình ảnh loại rượu không màu được đựng trong những cái chai màu xanh lá này là phép ẩn dụ phổ biến trong phim Hàn cho cuộc sống bình thường của con người bình thường.
ⓒ JTBC



Nhìn thẳng vào vấn đề xã hội
Có một cảnh trong phim “Bản án từ địa ngục” (Hellbound, 2021) của đạo diễn Yeon Sang-ho như sau. Nhân vật Jeong Jin-soo (Yoo Ah-in thủ vai) là người đứng đầu một tôn giáo “buôn thần bán thánh” có rất nhiều tín đồ. Dù nhận được sự ủng hộ và tài trợ tích cực từ các tín đồ, Jin-soo vẫn sống qua ngày tại một gosiwon (phòng trọ trả tiền hàng tháng để học và ngủ nhằm chuẩn bị dự kỳ thi tuyển viên chức tư pháp, công chức, giáo viên - chú thích của người dịch) tồi tàn, cũ kĩ. Khi Jin-soo về nhà cùng với các cảnh sát, chỉ vào một gosiwon xập xệ và nói rằng đó là nhà của mình, các khán giả Hàn Quốc cảm nhận được hiệu ứng đảo ngược dữ dội. Lý do là vì một kẻ đứng đầu tôn giáo tích lũy được khối tài sản to lớn lại không hề sở hữu một căn nhà đã là chuyện cực kỳ hiếm, chưa kể đến việc sống trong gosiwon.

Ở Hàn Quốc, gosiwon là kiểu nhà ở có tiêu chuẩn và chi phí ở mức thấp nhất. Nơi này vốn dĩ là phòng đọc sách dành cho thí sinh tá túc và ôn thi kỳ thi công chức cấp cao, dần dà nó biến thành nơi ở của những người nghèo khổ và không chốn dung thân. Hầu hết các phòng chỉ rộng khoảng 2 pyeong (tương đương 6,6m2) và không hề có cửa sổ; nhà bếp và phòng vệ sinh, phòng tắm đều dùng chung với những người thuê khác. Nếu gọi đây là nhà ở thì môi trường này quả thật quá tồi tàn. Khi gosiwon được dịch thành “there” trong tiếng Anh, mọi sắc thái, ẩn ý về không gian này đều bị biến mất. Tùy vào vùng văn hóa mà gosiwon cũng có thể được dịch là ký túc xá học sinh, thế nhưng không phải học sinh mà chính những lao động có thu nhập thấp mới là người sống tại gosiwon.

Trong phim “Ngôi trường xác sống” (All of Us are Dead, 2022), các học sinh thay vì gọi nhau bằng tên thì lại dùng cách xưng hô là “hạng nhất” hay “lớp trưởng”. Đây cũng là chuyện bình thường trong thực tế. Thậm chí có những học sinh thuộc tầng lớp giàu có gọi bạn cùng lớp là “gisaengsu” (người hưởng trợ cấp sinh hoạt cơ bản - chú thích của người dịch). Môi trường sinh hoạt ở trường cấp ba cũng khốc liệt và đầy cạnh tranh giống như việc chạy trốn, sinh tồn trong một thảm họa xác sống xảy ra bất ngờ vậy.

Có lẽ tính mới mẻ và sức mạnh của phim truyền hình Hàn Quốc bắt nguồn từ sự dũng cảm đối diện với những mâu thuẫn xã hội như thế này. Việc phơi bày chúng một cách trần trụi đòi hỏi kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm. Nếu những chi tiết đánh trực diện vào xã hội này được dịch thuật và truyền tải chính xác thì chắc hẳn việc thưởng thức phim truyền hình Hàn Quốc của khán giả sẽ được nâng lên tầm cao mới và phong phú hơn.

Một cảnh trong phim “Ông chú của tôi” (My Mister) phát sóng trên đài tvN năm 2018 khi nữ chính tan làm bằng tàu điện ngầm sau một ngày làm việc mệt mỏi. Ga tàu điện ngầm là bối cảnh thường xuất hiện trong phim truyền hình Hàn Quốc đến mức theo thống kê của Tổng công ty Giao thông Seoul, tính đến trước khi đại dịch COVID-19 diễn ra, mỗi ngày đều có một cảnh quay phim về tàu điện ngầm hay tại ga tàu điện ngầm.
Ảnh được cung cấp bởi STUDIO DRAGON.

Kang Yu-jungiáo sư Khoa Nội dung Văn hóa Hàn - Anh, Đại học Gangnam; nhà phê bình văn hóa đại chúng
Dịch. Trần Công Danh

전체메뉴

전체메뉴 닫기