Một người ăn thịt sao có thể được gọi là người ăn chay? Thế nhưng quy tắc mang tính linh hoạt này lại chính là đức tính thực tế của lối sống “ăn chay bền vững” cần thiết nhất đối với con người ngày nay. Giống như câu nói: “Thế giới cần mười người ăn chay không thuần hơn là một người ăn thuần chay”, giờ đây những suy nghĩ và hành động nhỏ của mọi người đang tập hợp lại để tạo ra sự cộng sinh lành mạnh với Trái Đất.
Kim Yong-sub, Giám đốc Trung tâm Dự báo Xu hướng Trend Insight & Business Creativity, đã dự đoán chế độ ăn chay sẽ trở thành thị hiếu của nhiều người trong cuốn sách “Life Trend 2017” (tạm dịch Xu hướng cuộc sống 2017). “Trước đây, người ăn chay thường được xem là những người khó tính vô cớ nhưng hiện nay ở Hàn Quốc, chủ nghĩa ăn chay đã và đang được coi trọng như một khẩu vị thời thượng”, ông cho biết. “Điều này có nghĩa việc ăn chay được xem là tiêu chuẩn ăn uống của mỗi cá nhân.”
Một số người sẵn sàng ăn chay vì sức khỏe bản thân, một số khác vì môi trường hay phúc lợi động vật. Việc ăn chay không phải là một hành vi khác thường mà được xem như một nét văn hóa khi càng ngày càng có nhiều người đi theo chế độ ăn uống này.
ⓒ TongRo Images
Ăn chay không thuần vẫn tốt
Chúng ta thường đánh đồng những người ăn chay đều là “thuần chay” (vegan). Thế nhưng, đây cũng chỉ là một tên gọi thông thường. Nếu phân biệt một cách chính xác thì chế độ ăn uống này có nhiều mức độ khác nhau, một trong số đó là thuần chay - chế độ ăn chay hoàn toàn, chỉ sử dụng thực phẩm từ rau củ và trái cây. Không chỉ có thịt, những người thuần chay cũng loại bỏ các sản phẩm từ sữa như sữa tươi, phô mài và kể cả trứng ra khỏi bữa ăn. Lacto vegetarian là chế độ ăn chay có sữa, sản phẩm từ sữa và mật ong. Lacto-ovo vegetarian được dùng thêm cả trứng. Người theo chế độ ăn chay bao gồm các loại cá, hải sản và động vật có vỏ gọi là pescatarian, nếu có thịt gia cầm thì gọi là pollotarian. Và chế độ cuối cùng là ăn chay linh hoạt (flexitarian hay semi-vegetarian) là chế độ thỉnh thoảng được sử dụng các loại thịt đỏ như thịt lợn và bò.
Dẫn đầu xu hướng ăn chay trong văn hóa ẩm thực Hàn Quốc hiện nay chính là những người ăn chay linh hoạt. Tuy ngày thường theo chế độ ăn chay nhưng thỉnh thoảng họ vẫn ăn thịt, vì thế họ còn được gọi là “những người ăn chay không liên tục”. Những lúc mà họ ăn thịt thường là tiệc liên hoan sau giờ làm. Lý do là vì họ không muốn chỉ vì bản thân mà đầu bếp phải chuẩn bị thực đơn khác hoặc gây rắc rối, khó xử cho những người đi cùng.
Dược sĩ Đông y Lee Hyun-joo, tác giả cuốn sách “30 ngày ăn chay linh hoạt”, đồng thời là người phát động chiến dịch “Ngày thứ Hai không thịt” (Meatless Monday) từ năm 2010, cho biết: “Việc tiêu thụ thịt gây ra nhiều vấn đề về biến đổi khí hậu, an toàn thực phẩm, phúc lợi động vật, sức khỏe..., do đó đã có nhiều người muốn ăn chay hơn nhưng việc loại bỏ thịt hoàn toàn ra khỏi khẩu phần ăn là điều không hề dễ dàng.” Ông cũng nói thêm “Nếu có nhiều người theo chế độ ăn chay linh hoạt thì lượng thịt tiêu thụ sẽ giảm đi, góp phần bảo vệ trái đất, con người và động vật. Điều này thậm chí còn có hiệu quả tốt hơn so với việc có một người ăn thuần chay.”
Chắc hẳn nhiều người sẽ thắc mắc, mỗi tuần chỉ ăn chay một ngày thì sẽ tạo nên khác biệt gì, thế nhưng nếu như 1.830 nhân viên của tòa thị chính Seoul đều ăn 3 bữa/ngày trong 365 ngày (tổng 1.095 bữa), trong đó ăn chay 1 lần/ tuần (tổng 52 bữa) thì nó sẽ mang lại hiệu quả giống như việc trồng 70 nghìn cây thông 30 năm tuổi hoặc giảm 8% lượng điện tiêu thụ trong năm tại trụ sở tòa chị chính.
Thương hiệu thời trang thuần chay đầu tiên của Hàn Quốc Vegan Tiger đang tạo ra chu kỳ tiêu thụ mang tính cộng sinh và có đạo đức nhằm bảo vệ trái đất bằng việc sử dụng các vật liệu bền vững thay vì vật liệu từ động vật, bao gồm cả da lông.
ⓒ Vegan Tiger
Sức ảnh hưởng của thế hệ MZ
Việc phát triển thành xu hướng của cơn sốt ăn chay trong những năm gần đây chịu tác động của thế hệ MZ, những người có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến toàn thể xã hội ngày nay. Thế hệ MZ có những nguyên tắc riêng khác với thế hệ cũ về nhiều mặt, chú trọng sức khỏe và thực hiện “tiêu thụ theo khái niệm”. Là những người đã tạo ra các từ ngữ mới như “ohaun” (tập thể dục hôm nay), “healthy pleasure” (giải trí lành mạnh), thế hệ MZ rất quan tâm đến thực phẩm từ thực vật thay vì các loại thịt chứa nhiều cholesterol và chất béo bão hòa.
Lý do là vì họ yêu thích các loại thực phẩm bền vững, phản ánh quan điểm cho rằng con người, động vật và thực vật phải cùng sinh sống trên trái đất của thế hệ Meaning Out (nghĩa là “bộc lộ khái niệm” hay “sống theo khái niệm”, tên gọi khác của thế hệ MZ - chú thích của người dịch). Các ngành công nghiệp không còn cách nào khác ngoài việc chạy theo nhu cầu của người tiêu dùng.
Các sản phẩm thay thế thịt được mong đợi
Cơn sốt ăn chay cũng là lý do khiến cho không chỉ các công ty khởi nghiệp về công nghệ thực phẩm mà đến cả những doanh nghiệp thực phẩm truyền thống đều phải chạy theo xu hướng sản xuất các sản phẩm thay thế thịt - loại thực phẩm được xem là thức ăn của tương lai. Đó là những thực phẩm được chế biến từ nguyên liệu thực vật nhưng vẫn có hình dáng và cảm giác ăn vào giống như các loại thịt thông thường. Sự xuất hiện và phát triển của các sản phẩm thay thế thịt là kết quả từ nhiều nguyên nhân khác nhau như khí thải carbon, ô nhiễm môi trường, phúc lợi động vật...
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc (FAO), lượng khí nhà kính được tạo ra từ hoạt động chăn nuôi trên thế giới chiếm đến 14,5% toàn bộ lượng khí thải, trong đó khí nhà kính thải ra từ việc chăn nuôi bò chiếm 65%. Chỉ cần nhìn vào dấu chân carbon - tổng lượng khí nhà kính, trong đó chủ yếu là carbon dioxide, được tạo ra từ các hoạt động sinh hoạt, sản xuất và tiêu thụ hàng hóa của con người - có thể thấy thịt bò là loại thực phẩm gây ra nhiều khí thải carbon dioxide nhất (99,48kg carbon dioxide trên 1kg thịt bò). Nếu so sánh với các thực phẩm khác như gạo (4,45 kg), đậu phụ (3,16 kg), cà chua (2,09 kg) hay khoai tây (0,46 kg) thì sự khác biệt là rất rõ ràng. Thế hệ MZ - những người tích cực hoạt động vì môi trường - đã không chút ngần ngại khi tiếp cận các sản phẩm thay thế thịt, bởi lẽ họ nhận thức rõ được mức độ nghiêm trọng của sự phá hủy hệ sinh thái và hiện tượng nóng lên toàn cầu do quá trình sản xuất thịt gây ra.
Để thực hiện kinh doanh bền vững ESG (môi trường, xã hội và quản trị), các doanh nghiệp thực phẩm tại Hàn Quốc đang tăng tốc phát triển sản phẩm thay thế thịt nhằm chiếm lĩnh thị trường tuy còn nhỏ nhưng có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai này. Các công ty khởi nghiệp chuyên về sản phẩm thay thế thịt sau khi cho ra mắt những nhãn hiệu như UNLIMEAT, ALTIist, WEMEET đã và đang xuất khẩu chúng sang khu vực Mĩ và châu Á. Các doanh nghiệp thực phẩm truyền thống như Shinsegae Food, CJ CheiJedang, Pulmuone và Nongshim cũng đã bắt đầu tham gia vào thị trường sản phẩm thay thế thịt từ năm ngoái.
Do hệ sinh thái biển bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi kim loại nặng và hạt vi nhựa, mối quan tâm đối với sản phẩm thay thế hải sản được làm từ đậu và cà chua cũng ngày càng tăng. Giữa tháng 11 năm ngoái, chuỗi cửa hàng tiện lợi CU đã cho ra mắt hai loại gimbap hình tam giác và gimbap nhân cá ngừ chay xốt mayonnaise, lượng bán ra của sản phẩm này cao gấp bốn lần so với các thực phẩm chay hiện có.
Ăn chay đi vào trong đời sống
Cơn sốt ăn chay không chỉ dừng lại ở thức ăn, các sản phẩm không chứa thành phần động vật đang trở nên phổ biến ở cả những mặt hàng tiêu dùng thông thường khác. Sự xuất hiện của các mỹ phẩm thuần chay chi sử dụng nguyên liệu thực vật tự nhiên có chứng chỉ thuần chay đã hình thành một danh mục mỹ phẩm mới mang tên “clean beauty” (tạm dịch mỹ phẩm sạch).
Ngày càng có nhiều nhãn hàng thời trang sử dụng da thuần chay được chế tạo từ nguyên liệu thực vật như vỏ dứa, tảo biển, xương rồng, ngô... nhằm bảo vệ các loài động vật bị giết hại để lấy da cũng như giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường từ quá trình thuộc da.
Với khẩu hiệu “cruelty-free” (tạm dịch nhân đạo), Vegan Tiger, thương hiệu thời trang thuần chay đầu tiên tại Hàn Quốc, đã trực tiếp chọn lọc các nguyên liệu 100% không chứa thành phần từ động vật và chế tạo thành phẩm bằng đôi tay của những người thợ trong nước. Bằng cách sử dụng sợi rayon thay cho tơ lụa, người ta có thể làm ra những chiếc áo da lông nhân tạo và nhiều kiểu dáng quần áo khác nhau mà không cần sử dụng bất kì nguyên liệu nào từ động vật, chấm dứt nỗi thống khổ của những con thú bị giết hại trong quá trình làm ra chiếc áo da lông. Nhãn hàng da thuần chay WICKED LOVER đã cho ra mắt giày dép và túi xách được làm từ “da xương rồng”, có độ co giãn, độ bền và lực đàn hồi tốt hơn các loại da thông thường, khả năng chống thấm nước tốt và trọng lượng nhẹ hơn.
Khái niệm “da thuộc thực vật” cũng đã xuất hiện trong ngành thời trang ở Hàn Quốc. Điều này phản ánh ý chí tập trung vào các nguyên tắc thân thiện với môi trường trong quá trình sản xuất, bất chấp việc không thể tránh khỏi sử dụng da động vật. Thuộc da là quy trình biến da động vật tự nhiên thành da thuộc (loại da có cấu trúc protein bị thay đổi, trở nên bền hơn và khó bị phân hủy - chú thích của người dịch) và là công đoạn cần thiết để da động vật có thể dùng được. Da thuộc thực vật là loại da được thuộc bằng hóa chất từ chiết xuất xơ thực vật thân thiện với môi trường thay vì hóa chất crôm chứa các kim loại nặng có hại.
Bắt đầu từ thị trường thực phẩm và lan rộng đến các nhu yếu phẩm đa dạng khác, cơn sốt thuần chay đang phản ánh thị hiếu của thế hệ MZ, những người muốn tham gia vào xu hướng “tiêu thụ có đạo đức” và “tiêu thụ theo khái niệm”. Điều đó cho thấy thay vì lợi ích và sự thỏa mãn cá nhân, thế hệ MZ cân nhắc lựa chọn những cách tiêu dùng có lợi cho xã hội, thậm chí xa hơn là cho thế hệ mai sau; họ nghiêm túc và quan tâm đến sức khỏe của bản thân lẫn trái đất. Mong rằng thành ý này sẽ không chỉ được các công ty sử dụng như một chiêu bài quảng bá, tiếp thị đơn thuần mà sẽ được hồi đáp bằng những nghiên cứu không ngừng nghỉ.
Nối tiếp sản phẩm giày dép và túi xách từ vỏ cây xương rồng gọi là “Cacty”, nhãn hàng WICKED LOVER tiếp tục cho ra mắt túi xách được sản xuất từ “HEMPY” - một vật liệu được phát triển để thay thế sợi bông. “HEMPY” được ghép từ chữ “hemp” (sợi thân cây gai dầu) và “recycled polyester” (vải sợi polyester được tái chế từ vỏ chai nhựa cũ), là vật liệu vừa hiệu quả vừa thân thiện với môi trường.
ⓒ WICKED LOVER
Melixir là thương hiệu mỹ phẩm thuần chay 100%, sử dụng các nguyên liệu từ thực vật của Hàn Quốc như tre, gạo và trà xanh. Ngoài ra, Melixir còn xem xét mọi thứ từ khâu sản xuất cho đến những hộp đựng sẽ bị vứt bỏ sau khi sử dụng sản phẩm, họ sản xuất hộp đựng bằng các vật liệu có khả năng tái sử dụng.
ⓒ Melixir Inc.