메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

2022 AUTUMN

SỨC MẠNH VÀ SỰ LÔI CUỐN CỦA NHỮNG CÂU CHUYỆN HÀN QUỐC

Trải qua những khúc quanh lịch sử phức tạp, Hàn Quốc đã trở thành một trong số ít những quốc gia mà tính năng động và những khát vọng trong mình luôn hừng hực cháy như lò luyện kim nóng chảy. Gần đây, bằng nhiều con đường khác nhau, lịch sử và những câu chuyện đậm chất Hàn Quốc đã phát huy sức mạnh, nhận được sự chú ý của nhiều người trên thế giới.

“Khát vọng đổi đời” (2020) ⓒApple TV+ / “Pachinko” (2022) ⓒA24 /“Người bản ngữ” (1995) ⓒRiverhead Books



“Về nhà lần nữa” (Coming Home Again, 2019) của đạo diễn Wayne Wang được chuyển thể từ nguyên tác tự truyện cùng tên của tiểu thuyết gia Lee Chang-rae đăng trên The New Yorker ngày 16 tháng 10 năm 1995. “Về nhà lần nữa” kể về thời kỳ gian khổ mà những người nhập cư thế hệ đầu tiên phải trải qua dưới góc nhìn của người con trai khi chăm sóc người mẹ bị ung thư di căn chỉ còn chờ chết.


 

Trong “Khát vọng đổi đời” - bộ phim khắc họa những thách thức mà những người nhập cư Hàn Quốc phải đối mặt để theo đuổi giấc mơ Mỹ, Jacob - nhân vật người cha bắt đầu làm trang trại của riêng mình với mong muốn cho gia đình thấy anh có thể làm được điều gì khi rời quê hương đến nước Mỹ xa lạ.
ⓒA24

Một gia đình cần người thay họ chăm sóc con cái vì cả bố và mẹ đi làm nên đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của Sunja - mẹ của Monica ở Hàn Quốc. Người con út nghịch ngợm David luôn tỏ thái độ khó chịu với Sunja khi bà không giống với những người bà thông thường khác.
ⓒA24

Mở đầu của câu chuyện bước lên vũ đài thế giới
Ký ức của tác giả vẫn còn lưu giữ hình ảnh mẹ cặm cụi trong bếp chuẩn bị thịt sườn, giữ cho lớp màng gân quanh xương còn nguyên vẹn để nấu sườn bò đúng chuẩn món Hàn. Mẹ thậm chí không cho con trai bén mảng vào bếp. Bà muốn anh chỉ dồn tâm sức vào việc học, ước mong sau này trưởng thành, anh được xã hội công nhận. Bà hoàn toàn là mẫu người châu Á tảo tần khi nhắc đến hình ảnh người Hàn Quốc nhập cư ở xã hội Mỹ.

Bóng dáng người mẹ được miêu tả trong tự truyện làm tôi nhớ đến nhân vật người bà trong bộ phim “Khát vọng đổi đời” (Minari, 2020) của đạo diễn Lee Isaac Chung. Đó là một người mẹ Hàn Quốc có nghị lực sống mãnh liệt, lòng yêu thương gắn bó với con cái cách riêng và hơn hết là có ý chí sống mạnh mẽ.

Đúng theo ước nguyện của mẹ, Lee Chang-rae tốt nghiệp Đại học Yale và khi đang làm nhà phân tích chứng khoán ở Phố Wall, ông viết cuốn tiểu thuyết đầu tay “Người bản ngữ” (Native speaker). Nhờ tác phẩm này, tác giả ngay lập tức được chú ý khi giành sáu giải thưởng lớn của giới văn học Mỹ trong đó có Giải thưởng PEN/Quỹ Hemingway (Hemingway Foundation/PEN Award, giải thưởng hàng năm dành cho trao cho các tác giả người Mỹ có tác phẩm tiểu thuyết hoặc truyện ngắn đầu tay xuất sắc - chú thích của người dịch) và Giải thưởng Sách của Mỹ (American Book Award), v.v. Là một người nhập cư Hàn Quốc đúng nghĩa thế hệ 1.5 (thế hệ được sinh ra ở Hàn Quốc và theo cha mẹ nhập cư trước tuổi vị thành niên - chú thích của người dịch), tác giả đã để lại dấu ấn cùng thành tích sáng chói và được chú ý với tư cách ứng cử viên triển vọng cho giải Nobel, nhưng tiếc rằng ông không được công chúng biết đến rộng rãi. Điều này có lẽ do sức ảnh hưởng của văn hóa đại chúng thông qua nghe nhìn lớn hơn so với văn chương.

Với ý nghĩa đó, phim “Khát vọng đổi đời” của đạo diễn Lee Isaac Chung và “Pachinko” của nhà văn Lee Min-jin cho thấy tầm ảnh hưởng và sức lan toả cực lớn. “Khát vọng đổi đời” của đạo diễn Chung được đề cử hạng mục chính của giải Oscar và giành giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất, chứng tỏ tiếng Hàn và các diễn viên Hàn Quốc có thể phá vỡ thành trì kiên cố của dòng văn hóa chủ lưu tinh hoa (elitist mainstream culture).

Câu chuyện đậm chất Hàn Quốc nhất
“Khát vọng đổi đời” tuy là câu chuyện về người di cư Hàn Quốc, nhưng tác phẩm cũng chỉ ra điểm cốt lõi của Mỹ - một đất nước được tạo thành từ người nhập cư. Gia đình trong phim “Khát vọng đổi đời” rời Hàn Quốc vào thập niên 1980, một thời kỳ đầy biến động cả về kinh tế lẫn chính trị để đến Mỹ định cư, bắt đầu một cuộc sống mới. Người cha và người mẹ trong “Khát vọng đổi đời” được khắc họa là những nhân vật tay không lao vào cuộc sống trên nước Mỹ xa lạ. Hình ảnh của những người nhập cư này khác hẳn với kiểu hài hước và vui nhộn của người Hàn Quốc di cư trong bộ phim truyền hình Canada “Cửa hàng tiện lợi nhà Kim” (Kim’s Convenience).

Đôi vợ chồng trẻ trong “Khát vọng đổi đời” chọn lập nghiệp ở một làng quê Mỹ, nơi mà ngay cả từ phân biệt chủng tộc cũng không được nhắc tới, dân làng không biết đến đất nước gọi là Hàn Quốc. Ở một khía cạnh nào đó, đôi vợ chồng cũng tượng trưng cho bản chất tinh thần và bản sắc của nước Mỹ - một quốc gia được hình thành từ những người nhập cư. Đó chính là hình ảnh về một nước Mỹ đem đến cơ hội và khả năng, chỉ cần con người biết ước mơ và hy vọng, có nhiệt huyết và sức trẻ.

Thành công của “Khát vọng đổi đời” năm 2021 một phần được xây dựng từ những thành tựu của đạo diễn Bong Joon-ho năm 2020. Bộ phim “Ký sinh trùng” (Parasite) đã chứng minh tính năng động và tinh tế của những câu chuyện Hàn Quốc có thể đáp ứng kì vọng, chinh phục được bức tường thành Cannes và Oscars. Tiếp đó, vào năm 2021, khi “Khát vọng đổi đời” - câu chuyện Hàn Quốc một lần nữa vượt qua ngưỡng cửa Hoa Kỳ, phim Hàn càng được chú ý hơn, qua đó cũng cho thấy những câu chuyện Hàn Quốc được công nhận là nhờ thực lực chứ không phải ngẫu nhiên.

“Khát vọng đổi đời” đã khơi lên sự quan tâm của khán giả về nữ diễn viên Hàn Quốc Youn Yuh-jung, gợi sự hiếu kì tích cực về những người nhập cư Hàn Quốc, và cuối cùng đạt tới đỉnh điểm là bộ phim “Trò chơi con mực” (Squid Game) - tác phẩm thành công vang dội nhất và là tiêu điểm được chú ý trên nền tảng phát trực tuyến Netflix vào năm 2021. Chỉ một năm sau khi đạo diễn Bong Joon-ho kêu gọi người dùng tiếng Anh vượt qua rào cản một inch của phụ đề, một chương trình truyền hình Hàn Quốc được chế tác bằng tiếng Hàn với sự tham gia diễn xuất của các diễn viên Hàn Quốc dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Hàn Quốc đã trở thành tâm điểm của ngành công nghiệp chuyện kể thế giới.

Có thể nói yếu tố tiên quyết làm nên thành công của phim “Trò chơi con mực” là những điều đậm chất Hàn Quốc. Hàn Quốc với dân số 50 triệu, trong đó hơn 10 triệu người sống chen chúc tại thành phố lớn Seoul, là nơi vừa rất năng động nhưng xung đột cũng nhiều không kém. Trong tình cảnh toàn thế giới bị cô lập bởi đại dịch COVID-19, những tham vọng khác nhau về món giải thưởng lớn 45,6 tỷ won cùng những mâu thuẫn của mỗi cá nhân đã khơi dậy sự đồng cảm của mọi người. Những trò chơi kỳ dị và trẻ con được đưa ra trong quá trình tranh đấu cũng cuốn hút. Rõ ràng, những nội dung, câu chuyện và cách kể chuyện kiểu Hàn Quốc đã thu hút sự chú ý của mọi người bằng những lời thoại hợp thời đầy kích thích và sáng tạo.

 

“Pachinko” là câu chuyện về ước mơ và hy vọng của bốn thế hệ gia đình nhập cư Hàn Quốc rời quê hương, cố gắng hòa nhập và tìm kiếm vinh hoa trên đất Nhật. Trong phim, Hansu và Sunja có một tình yêu bí mật, nhưng cô đã rời xa anh khi phát hiện Hansu đã có gia đình.
ⓒApple TV+

Cuộc đời của Sunja được khắc họa theo từng giai đoạn, từ lúc cô còn nhỏ thời kỳ Nhật Bản đô hộ Hàn Quốc đến khi về già vào năm 1989, qua đó phản ánh cuộc đời của người phụ nữ với những nỗ lực, hy sinh và vai trò của học trong suốt một giai đoạn lịch sử đau thương.
ⓒApple TV+

Thay đổi nền tảng phát trực tuyến và nội dung mang tính cạnh tranh
Cũng cần chú ý đến sự thay đổi của thị trường nền tảng phát trực tuyến đã phát triển nhanh chóng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vừa qua. Trong quá trình thành công của Netflix, các câu chuyện kể của Hàn Quốc đóng vai trò đầu tàu trong việc đảm bảo thị phần. Với mô hình nội dung có tính cạnh tranh của nền tảng OTT (Over the Top, nền tảng dịch vụ truyền thông cung cấp trực tiếp đến người xem - chú thích của người dịch), truyện kể Hàn Quốc bắt đầu được săn tìm. Cũng không phải tự nhiên mà Apple TV+ đã chuyển thể tiểu thuyết “Pachinko” của tác giả Lee Min-jin thành phim truyền hình.

Điều thú vị là “Pachinko” - tác phẩm đánh dấu sự nghiệp của Lee Min-jin không phải câu chuyện tự thuật của thế hệ 1.5 di cư sang Mỹ, mà là câu chuyện kể về tích truyện và lịch sử Hàn Quốc thời kỳ Nhật chiếm đóng cách đây 100 năm.

Tác phẩm của đạo diễn đoạt giải Cannes Park Chan-wook hay của đạo diễn Bong Joon-ho, hoặc những phim thu hút khán giả trên Netflix như “Trò chơi con mực”, “Bản án từ địa ngục” (Hellbound, 2021) đều là những câu chuyện hư cấu lấy bối cảnh thời hiện đại. Nhưng tiểu thuyết “Pachinko” của Lee Min-jin và phim “Pachinko” của Apple TV+ có bối cảnh kéo dài từ thời kỳ Nhật Bản đô hộ Hàn Quốc bắt đầu vào giữa những năm 1910 cho đến tận thập niên 1980, giai đoạn có thể nói là nhạy cảm nhất trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Thu hút sự chú ý vì được đưa vào danh mục sách cần đọc trong kỳ nghỉ của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, tiểu thuyết “Pachinko” khi chế tác thành phim truyền hình không chỉ là câu chuyện của Zainichi (những người Triều Tiên di cư đến Nhật Bản vào đầu thế kỷ XX - chú thích của người dịch) mà còn mở rộng đến việc thể hiện nền móng và cội nguồn cuộc sống, những thống khổ, nghịch cảnh mà người nhập cư phải chịu trong kiếp sống tha hương, và cả giá trị của tình yêu đơm hoa kết trái giữa sóng gió thời cuộc. Câu chuyện dẫn dắt chúng ta đến những vấn đề của người nhập cư ngày nay. “Pachinko” cho thấy quê hương không phải chỉ là nơi sinh ra mà là nơi con người định cư sinh sống, kiến tạo tương lai và thế hệ mai sau.

Thế hệ 1.5 và thế hệ thứ hai của những người nhập cư từ Hàn Quốc tuy có quyền công dân trên đất nước họ nhập cư, nhưng về huyết thống và lịch sử, họ không thể gột bỏ tình cảm quê hương, nguồn cội nơi họ đã ra đi. Các nhà văn, đạo diễn, diễn viên nhập cư người Hàn Quốc đang khắc họa những cảm xúc và lịch sử phức tạp, đa dạng qua tác phẩm bằng những góc nhìn và ngôn ngữ độc đáo của riêng họ.

Những câu chuyện về người Hàn Quốc có sức mạnh bởi cuối cùng từng câu chuyện cụ thể đều phản ánh một cách rõ ràng sinh động nhất về thời cuộc, đồng thời cũng chứa đựng những khát vọng và cuộc sống của con người nói chung.

Isak, một mục sư đến từ Bình Nhưỡng, đổ bệnh trên đường sang Nhật, nhờ Sunja và mẹ cô chăm sóc mà đã phục hồi sức khỏe. Sau khi chia tay với Hansu, Sunja cùng Isak sang Nhật và họ nên duyên vợ chồng.
ⓒApple TV+

 

Kang Yu-jungNhà phê bình phim, Giáo sư
Dịch. Mai Kim Chi

전체메뉴

전체메뉴 닫기