메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

2022 AUTUMN

TRẢI NGHIỆM NGHỆ THUẬT ĐƯỢC CÔNG NGHỆ HÓA

Ứng dụng công nghệ hiện đại đã góp phần thay đổi ý nghĩa của việc thưởng thức nghệ thuật từ “ngắm nhìn” sang “trải nghiệm”. Bên cạnh đó, công nghệ đã phá vỡ không gian giới hạn của phòng trưng bày truyền thống và mở rộng ra khắp thành phố. Công nghệ ngày nay một mặt giao tiếp với thời đại và tạo ra phương thức thưởng thức nghệ thuật mới, mặt khác thay đổi cả cách hiện hữu của phòng trưng bày nghệ thuật.

“Wave” (Sóng) là tác phẩm triển lãm nghệ thuật truyền thông tại Bảo tàng Arte ở Yeosu giúp người xem trải nghiệm những đợt sóng lớn ập đến. Tác phẩm sử dụng công nghệ anamorphic tạo ảo ảnh quang học ba chiều. Được khai trương vào tháng 8 năm 2021, bảo tàng trưng bày 12 tác phẩm về chủ đề đại dương, tôn lên đặc trưng của thành phố biển Yeosu.
ⓒ d’strict



Tháng 10 năm 2014, tại Khu tưởng niệm Chiến tranh Hàn Quốc ở Yongsan, Seoul đã tổ chức triển lãm đặc biệt. Với chủ đề “Van Gogh: Thước phim 10 năm”, triển lãm trưng bày các tác phẩm của họa sĩ người Hà Lan Vincent Van Gogh dưới dạng hình ảnh, không phải tranh gốc. Khách tham quan bày tỏ sự thán phục khi thấy các nhân vật trong tranh chuyển động, cây bách đung đưa trong gió và hình ảnh ngôi nhà nơi Van Gogh từng sống trở nên sống động trong không gian ba chiều. Khác với triển lãm nghệ thuật phẳng trước đây, triển lãm trải nghiệm này được hưởng ứng nồng nhiệt đến mức đã kéo dài thời gian trưng bày thêm một tháng.

Lý do khiến khách tham quan có cảm giác đắm chìm trong phòng triển lãm chính là nhờ việc sử dụng các công nghệ hiện đại như công nghệ đồ họa chuyển động, công nghệ trình chiếu 3D Mapping... Đồ họa chuyển động là công nghệ sử dụng chương trình máy tính để tạo hình ảnh động; 3D Mapping là công nghệ chiếu hình ảnh bằng ánh sáng lên bề mặt nào đó như mặt tường tòa nhà hoặc bề mặt các vật thể. Công nghệ này cũng được sử dụng đa dạng trong cả nghệ thuật biểu diễn như hòa nhạc, sân khấu nhạc kịch; công nghệ này đã từng thu hút sự chú ý của khán giả khi được sử dụng trong lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018.


Trải nghiệm nghệ thuật mới
Nghệ thuật truyền thông nhập vai (immersive media art) đang được ưa thích gần đây được tiếp sức lớn từ sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số. Nghệ thuật truyền thông nhập vai sử dụng nhiều máy chiếu để chiếu hình ảnh lên bề mặt tường, cột và sàn nhà của không gian triển lãm. Trước đây, để thưởng thức tác phẩm trưng bày, khách tham quan thường đứng lùi lại hoặc nhìn từ xa. Thế nhưng, tại khu trưng bày nghệ thuật truyền thông nhập vai, toàn bộ không gian đóng vai trò là bức canvas mang đến cho khách tham quan trải nghiệm ảo giác như thể bị cuốn vào tác phẩm và trở thành một phần trong đó. Trải nghiệm trực quan được mở rộng từ mặt phẳng hai chiều sang không gian ba chiều. Bằng cách này, nghệ thuật truyền thông nhập vai đã thay đổi cách thưởng thức tác phẩm trong phòng triển lãm sang một tầm cao mới.

Đặc biệt, nghệ thuật truyền thông nhập vai càng được chú ý hơn nhờ đáp ứng nhu cầu của thế hệ MZ là muốn trở thành chủ thể trong tác phẩm nghệ thuật thay vì chỉ là khách thể tham quan. Do đó, số lượng phòng nghệ thuật trưng bày các tác phẩm sáng tạo nghệ thuật truyền thông nhập vai đang tăng lên; đồng thời, không gian chuyên phục vụ thường trực nội dung trưng bày cũng đang dần xuất hiện. Công nghệ đang làm thay đổi không chỉ cách thưởng thức mà cả không gian trải nghiệm nghệ thuật.

Các không gian chuyên trưng bày nghệ thuật truyền thông nhập vai đang tiên phong trong việc đại chúng hóa các phòng triển lãm nghệ thuật hạng I. Nơi đầu tiên mở cửa đón khách là không gian triển lãm Bunker des Lumières (tạm dịch Hầm ánh sáng) được khai trương tại huyện Seongsan, thành phố Seogwipo, tỉnh Jeju vào tháng 11 năm 2018. Nơi này vốn do công ty viễn thông Korea Telecom (nay là KT) xây dựng năm 1990 để vận hành mạng cáp quang biển nhưng đã dần bị lãng quên từ thập niên 2000 khi thời đại di động mở ra. Sau đó, Công ty Giải pháp Thanh toán Di động TMONET đã sửa sang nơi này thành phòng triển lãm sử dụng công nghệ AMIEX (Art & Music Immersive Experience: trải nghiệm nhập vai nghệ thuật và âm nhạc) và ra mắt công chúng với cái tên “Bunker des Lumières”.

AMIEX là công nghệ chiếu hình ảnh triển lãm bằng cách thêm âm thanh vào công nghệ projection mapping (kỹ thuật dùng ánh sáng, màu sắc để trình chiếu các hình ảnh lên các hình dạng bất thường và các bề mặt không phẳng nhằm tạo các khối hình ảnh tương tác - chú thích của người dịch). Gần 100 máy chiếu được sử dụng để phóng chiếu các hình ảnh lên bề mặt tường, trần, sàn nhà, kết hợp với hàng chục loa phát những bản nhạc hào hùng tạo cảm giác đắm chìm cho khán giả. Triển lãm đầu tiên trong lễ khai trương được trang trí bằng các tác phẩm của danh họa người Áo Gustav Klimt. Nhờ đặc trưng không gian của hầm có đặt trưng chắn sáng và cách âm hoàn toàn giúp khán giả tập trung sâu vào hình ảnh và âm thanh trong hầm. Công ty TMONET cũng cải tạo nhà hát lớn dưới lòng đất Grand Walkerhill Seoul và tổ chức một triển lãm nghệ thuật nhập vai khác là Théâtre des Lumières (tạm dịch Nhà hát ánh sáng) từ tháng 5 năm nay. Nếu Bunker des Lumières xây dựng nội dung chú ý đến kết cấu không gian trải rộng theo chiều ngang, thì Théâtre des Lumières đặt trọng tâm vào việc khai thác hiệu quả chiều cao trên 20m.

“Blue Room” (Phòng xanh), được trưng bày từ tháng 6 năm 2021 đến tháng 2 năm 2022 tại không gian chuyên triển lãm nghệ thuật truyền thông GROUNDSEESAW MYEONGDONG. Được sản xuất bởi studio nghệ thuật truyền thông HABITANT, triển lãm này sử dụng màu xanh dương huyền bí và màu đỏ mạnh mẽ để tạo ra trải nghiệm nghe nhìn mới.
ⓒ MEDIA & ART

“Wormhole” (Lỗ sâu) trưng bày tại Bảo tàng ARTE ở Jeju và Yeosu, mang đến trải nghiệm đắm chìm trong ảo giác như thể đang du hành xuyên không - thời gian, thu hút sự chú ý của khách tham quan.
ⓒ d’strict

Điểm đến nổi tiếng của địa phương
Sau thành công của Bunker des Lumières, một không gian triển lãm nghệ thuật nhập vai thường trực khác đã mở cửa ở Jeju. Tháng 9 năm 2020, Công ty Thiết kế Truyền thông Kỹ thuật số d’strict khai trương Bảo tàng ARTE, bổ sung thêm không gian nhập vai hấp dẫn khác tại địa phương. Được cải tạo từ xưởng sản xuất loa, đây là bảo tàng nổi tiếng có quy mô lớn nhất ở Hàn Quốc cho đến nay, với diện tích sàn 1,400 pyeong (tương đương 4,268m2) và chiều cao tối đa 10m. 11 không gian trong bảo tàng trưng bày triển lãm nghệ thuật truyền thông được xây dựng theo chủ đề “đảo”.

d’strict đã khai trương phòng triển lãm thường trực thứ hai với chủ đề về biển trong khu trưng bày quốc tế tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Yeosu (Yeosu World Expo), tỉnh Jeollanam vào tháng 8 năm 2021, và khai trương khu trưng bày thứ ba gần hồ Gyeongpo, thành phố Gangneung, tỉnh Gangwon vào tháng 12 năm 2021. Nơi đây đã tổ chức triển lãm phản ánh đặc điểm địa hình của tỉnh Gangwon và thành phố Gangneung - xương sống của dãy núi Baekdu. Trái ngược với Bunker des Lumières là không gian nhập vai tập trung vào họa sĩ, Bảo tàng ARTE lấy “thiên nhiên” làm chủ đề - điều mà bất cứ ai cũng có thể dễ dàng hiểu và thấu cảm.

Triển lãm của Bảo tàng ARTE kết hợp công nghệ projection mapping với công nghệ theo dõi chuyển động (motion tracking) làm thay đổi tác phẩm trưng bày theo mỗi chuyển động của khách tham quan được cảm biến thông minh ghi nhận. Công nghệ tái hiện cảm giác thực kết hợp hình ảnh với gió, mùi hương, ánh sáng... kích thích cùng lúc nhiều cảm giác, mang đến trải nghiệm tuyệt vời khi xóa mờ ranh giới giữa hiện thực và không gian ảo. Đây là lý do giúp các phòng triển lãm này trở thành “điểm nóng” của khu vực.

Triển lãm nghệ thuật truyền thông động học kết hợp hai tác phẩm tiêu biểu của studio nghệ thuật truyền thông tương tác SILO Lab là “Phong Hỏa” và “Diệu Hỏa”. Ánh sáng của đèn lồng nhấp nháy theo điệu nhạc và bóng đèn sợi đốt gắn trên tường phản chiếu sự chuyển động của khách tham quan. Triển lãm đã đi khắp Hàn Quốc kể từ khi ra mắt vào năm 2019.
ⓒ SILO Lab

Tọa lạc tại quận Yongsan, Seoul, HYBE INSIGHT là khu phức hợp đa năng do công ty nền tảng phong cách sống và giải trí HYBE quản lý mang đến trải nghiệm nghệ thuật đa dạng cho khách tham quan. Đặc biệt, nơi đây được thiết kế một cách bài bản từ những xu hướng triển lãm và cách thức quan sát tân tiến, áp dụng công nghệ hiện đại. Triển lãm trong hình là bức tường cúp cỡ lớn cao 8,5m bao gồm hình ảnh các nghệ sĩ trực thuộc HYBE cũng như cúp giải thưởng mà họ đã đạt được.
ⓒ HYBE

Phòng trưng bày nghệ thuật lan tỏa khắp thành phố
d’strict cùng với Khoa Công nghệ Thông tin và Văn hóa của Đại học Quốc gia Seoul đã gây ấn tượng mạnh với dự án projection mapping trên tường tòa nhà trung tâm văn hóa của trường vào tháng 12 năm 2009. Có thể nói dự án hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học này là thí dụ đầu tiên chính thức giới thiệu công nghệ projection mapping tại Hàn Quốc. Dự án đã dùng công nghệ 3D quét các bức tường của tòa nhà và dùng máy chiếu trình chiếu hình ảnh nhằm truyền tải hiệu quả thông điệp rằng toàn bộ thành phố có thể bị nhấn chìm nếu mực nước biển dâng cao do hiện tượng trái đất nóng lên.

Điều khiến d’strict ghi dấu trong lòng công chúng là những bữa tiệc sóng khổng lồ mở ra trên bức tường ngoài của SMTown Coex Artium ở phường Samseong, Seoul năm 2020. Mặt tiền truyền thông này được gọi là Nghệ thuật Truyền thông Công cộng “WAVE” (Sóng), mang lại trải nghiệm trực quan mãnh liệt cho người qua đường. Có thể nói dự án này là một thí dụ về việc sử dụng công nghệ để đưa phòng trưng bày nghệ thuật ra đường phố. Trên cơ sở kinh nghiệp của mình, d’strict đã lập đơn vị nghệ sĩ truyền thông mang tên “a'strict” và ra mắt triển lãm đầu tiên “Biển đầy sao” (Starry Beach) tại Phòng Triển lãm Quốc tế phường Sogyeok, Seoul từ tháng 8 đến tháng 9 năm 2020. a'strict ra mắt công chúng công trình lắp đặt đa phương tiện quy mô lớn và xuất hiện với hình ảnh là một đơn vị sáng tạo nghệ thuật.

Trong khi đó, MEDIA & ART - đơn vị lên kế hoạch và tổ chức triển lãm “Van Gogh: Thước phim 10 năm” - đã khai trương không gian văn hóa phức hợp GROUNDSEESAW và sử dụng chi nhánh Myeongdong, Seoul làm khu dành riêng cho trưng bày nghệ thuật truyền thông từ tháng 4 năm 2021. Không thể không kể đến Bảo tàng M1 do Công ty Thiết kế Nội dung Nghệ thuật KUNST1 quản lý. Tọa lạc tại thành phố Centum, Busan, bảo tàng có tiền thân là phòng trưng bày nghệ thuật hiện đại chuyên về truyền thông do KUNST1 thành lập, sau đó đổi tên và khai trương lại vào tháng 3 năm nay. Được xây dựng nhiều tầng với tổng diện tích khoảng 700 pyeong (tương đương 2.314m2), phòng trưng bày này được lắp đặt 80 triệu đèn LED trên sàn, trần và tường để dẫn dắt khách tham quan vào trải nghiệm siêu thực.

Gần đây, tác phẩm của những nhà sáng tạo trong nước thể hiện nghệ thuật truyền thông nhập vai đang thu hút sự chú ý. Vượt ra khỏi không gian của phòng trưng bày, họ ra mắt tác phẩm trong các quán cà phê, cửa hàng bán lẻ pop-up (loại cửa hàng chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn, tại những địa điểm đặc biệt và bất ngờ - chú thích của người dịch), gian hàng flagship (gian hàng của các nhãn hàng và nhà bán lẻ được tuyển chọn, chỉ xuất hiện ở những thị trường trọng điểm nhằm chuyển tải hình ảnh và các giá trị nguyên bản của thương hiệu - chú thích của người dịch)... và lan tỏa nghệ thuật ra không gian xã hội.

Triển lãm nghệ thuật truyền thông “Moon” (Mặt Trăng) đang trưng bày tại Bảo tàng ARTE ở Jeju và Yeosu là điểm chụp ảnh thu hút khách tham quan. Mô hình chú thỏ cao 4m được phóng to vô tận qua gương tạo cảm giác trực quan mới lạ.
ⓒ d’strict



Heo Dae-chanHeo Dae-chanTổng Biên tập Kênh Văn hóa Nghệ thuật Đa phương tiện AliceOnDịch.Lê Hoàng Bảo Trâm
Dịch. Lê Hoàng Bảo Trâm

전체메뉴

전체메뉴 닫기