메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

2022 AUTUMN

BẢO TÀNG NGHỆ THUẬT, NƠI NGHỆ SĨ SỐNG MÃI

Các bảo tàng nghệ thuật mang tên nghệ sĩ thường được chính quyền địa phương hoặc các quỹ văn hóa lập nên để tưởng nhớ những nghệ sĩ từng để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử nghệ thuật Hàn Quốc, lưu giữ những thành tựu nghệ thuật mà họ theo đuổi suốt đời, và giúp hoàn thiện danh tiếng của nghệ sĩ đó.

Đây là lối vào tòa nhà chính của Bảo tàng Nghệ thuật Whanki nằm dưới chân núi Bugak ở Seoul. Được thiết kế với những đường cong mềm mại hòa hợp với cảnh vật xung quanh, phần dưới tòa nhà được làm bằng đá và phần mái hình bán nguyệt được hoàn thiện bằng các tấm đồng phủ chì. Tòa nhà này được xây dựng vào năm 1992 để tưởng nhớ thế giới nghệ thuật của Kim Whan-ki, đồng thời hỗ trợ cho các hoạt động sáng tác của các nghệ sĩ đương đại. Công trình này được trao Giải thưởng Kiến trúc Kim Swoo-geun vào năm 1994.
ⓒ Quỹ Whanki ‧ Bảo tàng Nghệ thuật Whanki

Có hai cách đặt tên cá nhân cho bảo tàng. Cách thứ nhất là đặt tên theo nhà bảo trợ cho bảo tàng, vốn là những nhà sưu tập, như trường hợp Bảo tàng Solomon R. Guggenheim (The Solomon R. Guggenheim Museum) hay Bảo tàng Nghệ thuật Hoa Kỳ Whitney (Whitney Museum of American Art). Những bảo tàng này thú vị ở chỗ là chúng ta có thể thấy được triết lý sưu tập của người bảo trợ và khuynh hướng về lịch sử mỹ thuật của các bộ sưu tập. Cách thứ hai là đặt theo tên của nghệ sĩ, như trường hợp Bảo tàng Van Gogh (Van Gogh Museum), Bảo tàng Picasso Paris (Musée Picasso) và Bảo tàng Matisse (Musée Matisse), các bảo tàng này hấp dẫn ở chỗ là chúng giúp người xem hiểu về đặc trưng của từng nghệ sĩ từ nhiều góc độ khác nhau.

Ở Hàn Quốc, trong 10 năm qua, các bảo tàng được đặt tên theo tên nghệ sĩ tăng lên rõ rệt. Những bảo tàng này chủ yếu được xây dựng tại quê hương của họa sĩ hoặc ở những nơi có sự liên hệ nào đó với họ.

Bảo tàng nghệ thuật Park Nosoo ở quận Jongno và Bảo tàng Nghệ thuật Choi Man Lin ở quận Seongbuk vốn đều là những ngôi nhà mà hai nghệ sĩ này đã sống cả đời, sau đó trở nên nổi tiếng khi được chính quyền quận khai trương thành bảo tàng nghệ thuật. Park Nosoo (1927-2013) là chuyên gia về hội họa truyền thống Hàn Quốc với phong cách vẽ tranh tao nhã đầy chất thiền định, còn Choi Man Lin (1935-2020) là nghệ sĩ điêu khắc thế hệ thứ nhất, người đã khởi xướng trường phái điêu khắc trừu tượng của Hàn Quốc.

Ngoài ra còn có Bảo tàng Nghệ thuật Kim Chong Yung ở phường Pyeongchang chuyên tài trợ cho những nghệ sĩ điêu khắc thường bị gạt ra ngoài lề giới mỹ thuật, hoặc Bảo tàng Kimsechoong ở phường Hyochang, Seoul, mang phong cách cổ xưa đậm nét. Kim Chong Yung (1915-1982) là nghệ sĩ điêu khắc trừu tượng tiên phong của Hàn Quốc. Ông theo đuổi nghệ thuật tạo hình thuần túy tràn đầy sức sống dựa trên sự thấu tường của bản thân về tự nhiên và con người. Kim Se-choong (1928-1986) tập trung chủ yếu vào chủ đề tôn giáo. Những bảo tàng nghệ thuật kiểu này thường tổ chức nhiều buổi triển lãm đặc biệt cùng những chương trình giáo dục đa dạng nhằm tôn vinh cuộc đời và thế giới nghệ thuật của từng cá nhân nghệ sĩ, mang đến cơ hội tìm hiểu sâu sắc hơn về họ cho người thưởng lãm.


Kim Whan-ki đã tạo dựng nên một thế giới nghệ thuật độc đáo bằng cách kết hợp chủ nghĩa hiện đại phương Tây vào chất trữ tình đậm bản sắc Hàn Quốc.
ⓒ Quỹ Whanki ‧ Bảo tàng Nghệ thuật Whanki

Bảo tàng Nghệ thuật Whanki: hai con người - một tấm lòng
Kim Whan-ki (1913-1974) chắc chắn là một họa sĩ bậc nhất của Hàn Quốc. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông là “Vũ trụ 05-IV-71 #200” (Universe 05-IV-71 #200) đã đạt kỷ lục đấu giá với con số 88 triệu đô la Hồng Kông (khoảng 13,3 tỷ won) tại Nhà đấu giá Christie, Hồng Kông. Đây là mức giá cao nhất trong số các họa sĩ Hàn Quốc. Nhưng ông được tôn vinh là họa sĩ bậc nhất Hàn Quốc không chỉ nhờ thành tích kỷ lục này. Ông sớm trau dồi họa pháp phương Tây từ thời đi du học Nhật, và thành công trong việc diễn đạt một cách tinh tế về những tình cảm rất Hàn Quốc với những chất liệu về trăng, núi, biển, gốm trắng, hạc, hoa mai...

Đây là quang cảnh bên trong của tòa nhà triển lãm, nơi có thể chiêm ngưỡng những bức tranh theo phong cách “toàn diện điểm hoạ” đa dạng mà ông đã thử nghiệm vào thập niên 1970.
ⓒ Quỹ Whanki ‧ Bảo tàng Nghệ thuật Whanki

Khi tiền đồ họa sĩ đang mênh mông, Kim Whan-ki bỏ lại phía sau danh thế và một cuộc sống ổn định để lên đường sang New York năm 1963. Ở đây, ông tiếp xúc chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng của Mỹ và hoàn thành nên những tác phẩm nghệ thuật trừu tượng mang đậm màu sắc Hàn Quốc dạt dào chất trữ tình. Điều đó chứng tỏ ông là một họa sĩ đã biết từ bỏ bản thân trong quá khứ và chiến thắng chính mình. Đây chính là lý do ông được tôn vinh. Trong toàn cảnh bức tranh theo phong cách toàn diện điểm hoạch của ông, với hàng ngàn điểm được chấm lặp lại, trong vô số các dấu chấm loang mực và trùng lên nhau không có một chấm nào giống chấm nào. Chúng da diết như con mắt của người thương nhớ.

Tọa lạc ở phường Buam, Seoul, Bảo tàng Nghệ thuật Whan-ki được thiết kế len lỏi trong khu phố bên sườn đồi, với núi Bugak trải dài phía sau, khiến toàn cảnh bảo tàng trông như một bức tranh. Sau khi Kim Whan-ki qua đời vào năm 1974, bảo tàng được khai trương vào năm 1992 sau rất nhiều nỗ lực và tặng tranh của phu nhân của ông là bà Kim Hyang-an (1916-2004). Bảo tàng Nghệ thuật Whan-ki là nơi sở hữu bộ sưu tập tranh điểm chấm có số lượng lớn nhất, trị giá lên đến hàng chục tỷ won.

Kim Hyang-an tên thật là Byeon Dong-rim, là một phụ nữ cấp tiến. Bà kết hôn lần đầu tiên với nhà văn Lee Sang (1910-1937), một cây bút tiên phong trong nền văn học hiện đại Hàn Quốc, nhưng ông mắc bệnh phổi và qua đời khi còn rất trẻ, chỉ mấy tháng sau khi kết hôn. Bảy năm sau tang sự của chồng cũ, thông qua sự giới thiệu của người quen, Byeon Dong-rim gặp gỡ Kim Whan-ki, một người đàn ông cao kều đã góa vợ và đang nuôi ba đứa con. Bất chấp sự phản đối kịch liệt của gia đình, bà kết hôn với Kim Whan-ki và đổi tên mình thành Kim Hyang-an theo họa danh của ông là “Hyang-an”. Khi Kim Whan-ki cần một bước chuyển về nghệ thuật, bà đề nghị ông đổi chỗ ở đến Paris. Bà đến Paris trước một năm, chuẩn bị sẵn một phòng sáng tác rồi đưa chồng mình đến. Sau khi ông mất, bà lập Quỹ Whanki, mở bảo tàng mỹ thuật mang tên ông ở phường Buam, giữa một nơi gần gũi với thiên nhiên ngay trung tâm thành phố. Bà đã dành trọn phần đời còn lại của mình sống hết lòng và xứng đáng với cái tên của chồng.

Tòa nhà chính của Bảo tàng Nghệ thuật Whanki có đặc trưng là hai mái vòm hình bán nguyệt liền kề, khiến tòa nhà trông giống như hình ảnh hai người đứng cạnh bên nhau. Trong những bức tranh Kim Whan-ki vẽ cuối đời, chẳng hạn bức “Cặp đôi 22-IV-74#331” (Duet 22-IV-74#331) năm 1974, có hình ảnh trừu tượng dáng hai người đứng cạnh nhau, vẽ bằng đường thẳng và điểm chấm.

 

Bảo tàng Nghệ thuật Chang Ucchin của thành phố Yangju: nỗi lòng vẽ nên gia đình
Chang Uc-chin (1917-1990) là một họa sĩ vẽ về gia đình và thiên nhiên rất trong sáng. Năm 1963, ông mở một xưởng vẽ tại khu phố Deokso của Yangju, tỉnh Gyeonggi. Nơi này giúp ông thỏa mãn nhu cầu thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên, mà lại không quá xa Seoul, nơi gia đình ông sinh sống. Trong 12 năm ở Deokso, ông hoạt động rất sôi nổi, mở được triển lãm cá nhân đầu tiên của mình và tham gia nhiều triển lãm nhóm. Đối với ông, đó là quãng thời gian thử nghiệm tiếp nối thử thách.

Nhờ mối duyên đó, thành phố Yangju đã khánh thành Bảo tàng Nghệ thuật Chang Ucchin năm 2014. 260 tác phẩm do thân nhân họa sĩ quyên tặng tạo điều kiện cho bảo tàng này ra đời. Hai bức bích họa “Bàn ăn” (1963) và “Gia đình động vật” (1964) được dỡ ra khi xưởng vẽ Deokso bị phá bỏ đã trở thành tác phẩm được trưng bày vĩnh viễn ở bảo tàng. Bảo tàng này có màu trắng trang nhã giống với những tác phẩm của Chang Uc-chin, người vốn xem trọng sự giản dị và luôn hét lên rằng “Tôi đơn giản mà”. Kiến trúc sư Chae Song-hee và Laurent Pereira thuộc Công ty Kiến trúc Chae Pereira (Chae Pereira Architects) thiết kế ngôi bảo tàng này với mô-típ chủ đạo là bức “Hổ Thước Đồ” do Chang Uc-chin vẽ năm 1984.

Chang Uc-chin thích vẽ tranh cỡ nhỏ. Bức “Chân dung gia đình” (1972) chỉ vừa bằng bàn tay, vẽ một gia đình gồm người cha để râu quai nón, người mẹ mặc quần áo trắng và hai đứa con nắm hai bàn tay lại ngay ngắn chứa vừa vặn trong khung tranh. Có lẽ cả nhà đang ngắm hoàng hôn nên xung quang ngôi nhà tràn một màu đỏ. Hai cây cổ thụ ở hai bên nhà trông như đang bảo vệ cho gia đình này.

Phía trước bảo tàng có một dòng suối trong lành chảy qua. Vào mùa nóng có nhiều gia đình đến tham quan vui chơi dưới suối, vào mùa xuân và mùa thu nhiều người đến thưởng ngoạn cảnh hoa nở và lá phong thay màu. Chang Uc-chin vốn không ưa không gian đô hội nhộn nhịp, hẳn sẽ rất vừa ý ngôi bảo tàng được bao quanh bởi khung cảnh biến đổi theo mùa như thế này. Với một bố cục siêu thực và táo bạo, đây là một bảo tàng nghệ thuật giúp ta có thể cảm nhận được thế giới tác phẩm của ông, nơi mà thiên nhiên, động vật và con người cùng chung sống hòa bình với nhau.

Bảo tàng Nghệ thuật Chang Ucchin của thành phố Yangju được khánh thành vào năm 2014 để tưởng nhớ Chang Uc-chin, một trong những họa sĩ tiêu biểu của nghệ thuật hiện đại và đương đại Hàn Quốc. Cũng vào tháng 10 năm đó, BBC đã chọn đây là “một trong tám viện bảo tàng mới vĩ đại nhất”.
ⓒ Bảo tàng Nghệ thuật Chang Ucchin của thành phố Yangju

“Đứa trẻ.” 1980. Dầu trên vải. 33,4 × 19,2 cm.
Một trong những bức tranh Chang Uc-chin vẽ đầu thập niên 1980 khi sống ở Suanbo. Những tác phẩm thời kỳ này của ông theo khuynh hướng mang tính gợi hình của những bức tranh phong cảnh sơn thủy.
ⓒ Quỹ CHANGUCCHIN

“Chân dung gia đình.” 1972. Dầu trên vải. 7,5 x 14,8 cm.
Bức tranh này được vẽ vào khoảng cuối thời sống ở Deokso, có cấu trúc đối xứng đặc trưng điển hình trong các tác phẩm của ông.
ⓒ Quỹ CHANGUCCHIN

Chang Uc-chin chủ yếu vẽ các vật liệu thường thấy trong cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như nhà cửa, cây cối, trẻ em và chim chóc, thể hiện bản chất cơ bản vốn có trong các đồ vật một cách đơn giản và táo bạo.
ⓒ Kang Woon-gu

 

Park Soo-keun vốn thích vẽ hình ảnh thường dân trên canvas, sau này ông đạt được thẩm mỹ bản địa bằng cách đơn giản hóa bố cục và các đường nét vẽ và bố cục trên các chất liệu thô như đá granit.
© Moon Sun-ho

Bảo tàng Nghệ thuật Park Soo Keun quận Yanggu: quê hương trước sau như một
Họa sĩ Park Soo-keun (1914-1965) mà nhiều người Hàn yêu mến sinh ra ở Yanggu, tỉnh Gangwon. Năm ông 12 tuổi, ông bắt gặp tác phẩm “Hồi chuông chiều” (L'Angélus) của danh họa Jean-François Millet và ông quyết tâm trở thành một danh họa như Millet. Vì quá nghèo nên ông phải tự học vẽ, chứ không dám tơ tưởng du học. Đối với ông, thiên nhiên là người thầy và các giác quan là người cố vấn.

Sau chiến tranh Triều Tiên, Park Soo-keun từng làm nghề vẽ chân dung tại một trạm phân phối hàng hóa cho quân đội Hoa Kỳ. Có một giai thoại nổi tiếng rằng tiểu thuyết gia tiêu biểu của Hàn Quốc Park Wan-suh (1931-2011) - người đã khắc họa đậm nét mọi hình tượng đa dạng của xã hội Hàn Quốc như mặt trái của chủ nghĩa tư bản hay sự lỗi thời của thể chế gia đình - đã từng làm việc trong một căn tin thời đó và được Park Soo-keun truyền cảm hứng nên đã sáng tác nên tác phẩm đầu tay “Cây trụi lá”.

Park Soo-keun rất thích vẽ cây cối trụi lá. Hình ảnh thân cây trơ trọi ngụ ý sự chờ đợi mùa xuân với những chồi non và những nụ hoa còn đang ẩn giấu. Những bức tranh đơn sơ và hiu quạnh của ông thì thầm niềm mong ngóng, hy vọng. Ông sử dụng kỹ thuật vẽ độc đáo bằng cách lặp đi lặp lại nhiều lần thao tác vẽ màu rồi lại phơi khô, tạo nên nhiều lớp màu sần sùi khiến bức tranh khi hoàn thiện trông giống như tượng được tạc trên đá. Mang đường nét khuôn mặt đơn giản mà mờ ảo, các nhân vật trong tranh của ông trở thành hình ảnh phổ quát của thời đại thay vì chỉ mô phỏng biểu cảm chi tiết của một cá nhân cụ thể nào đó. Người mẹ trong tranh có thể hiểu là mẹ tôi, nhưng cũng đồng thời là mẹ của mọi người. Dáng vóc của các nhân vật được vẽ bằng những đường nét tối giản, khiến họ trông cao quý như những bức họa thiêng thời trung cổ.

Bảo tàng Nghệ thuật Park Soo-keun được huyện Yanggu khánh thành vào năm 2002 tại nơi sinh của ông - làng Jeongrim, ấp Yanggu, tỉnh Gangwon. Từ ý tưởng của kiến trúc sư Lee Jong-ho, người phụ trách thiết kế công trình này, bảo tàng được xây dựng như thể được chạm khắc lên vùng đất rộng, tương tự như những bức tranh của Park Soo-keun. Công trình này mang một vẻ yên ả vô hạn giữa lòng thiên nhiên. Được gia đình và các nhà tài trợ đóng góp dần qua nhiều năm, bộ sưu tập của bảo tàng đến nay đã lên đến hơn 235 tác phẩm. Cựu chủ tịch tập đoàn Samsung, ông Lee Kun-hee (1942-2020) nổi tiếng là một nhà sưu tập tranh, cũng yêu thích các tác phẩm của Park Soo-keun. Ông đã mua lại được bức “Hàn-Nhật” (1959) từ một người nước ngoài tại một cuộc đấu giá Christie ở New York vào năm 2003. Gia đình Samsung đã tặng lại cho bảo tàng tác phẩm này cùng bốn bức tranh sơn dầu và 14 bức vẽ phác thảo vào năm 2021. Những bức tranh đậm đà sắc quê của ông nay đã về với quê hương.

Đây là toàn cảnh tòa nhà Pavilion Park Soo-keun nằm bên trong khu Bảo tàng Nghệ thuật Park Soo Keun quận Yanggu. Tòa này này được Nó được xây dựng vào năm 2014 nhân dịp để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của họa sĩ Park Soo-keun, và dùng để trưng bày các tác phẩm do các nhà tài trợ quyên góp.
ⓒ Bảo tàng Nghệ thuật Park Soo Keun quận Yanggu

 

Được xây dựng vào năm 2002 tại nơi sinh của họa sĩ Park Soo-keun, bằng cách xếp chồng lên nhau những viên đá granit không đồng đều, Bảo tàng Nghệ thuật Park Soo Keun quận Yanggu thể hiện lại kết cấu thô ráp mà ta có thể cảm nhận được trong các tác phẩm của ông. Do tranh của ông có giá cao trên thị trường mỹ thuật nên bảo tàng có ít tranh trưng bày vào những ngày đầu xây dựng, nhưng nay đã sở hữu được 235 bức thông qua các đợt quyên góp và sưu tập đều đặn.
ⓒ Tổng cục Du lịch Hàn Quốc

“Ngày nhàn nhã.” 1959. Dầu trên vải. 33 x 53 cm.
Tác phẩm này đã được nghệ sĩ trưng bày tại Triển lãm Nghệ thuật Hàn Quốc lần thứ 8 năm 1959. Ông Lee Kun-hee, cố Chủ tịch Tập đoàn Samsung đã mua nó trong cuộc đấu giá của Christie ở New York vào năm 2003 và gia đình ông đã tặng bức này cho Bảo tàng Park Soo Keun vào năm 2021.
ⓒ Bảo tàng Nghệ thuật Park Soo Keun quận Yanggu

 

“Cây và hai người phụ nữ.” 1956. Dầu trên ván cứng. 27 x 19,5 cm.
Đây là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Park Soo-keun, một cái cây trơ trụi tượng trưng cho hình ảnh người Hàn sau Chiến tranh Triều Tiên, họ vẫn giữ niềm hy vọng dù sống trong đau thương. Bức tranh này trở thành mô típ cho cuốn tiểu thuyết đầu tay của Park Wansuh là “Cây trụi lá” (1970).
ⓒ Bảo tàng Nghệ thuật Park Soo Keun quận Yanggu

Bảo tàng Nghệ thuật Kim Tschang-Yeul của đảo Jeju: Sự bắt đầu hướng về cội nguồn
Nơi có thể xem được những bức tranh vẽ giọt nước đầu tiên của của “Danh họa giọt nước” Kim Tschang-yeul (1929 - 2021) là Bảo tàng Nghệ thuật Kim Tschang-Yeul do tỉnh Jeju lập ra ở huyện Hallim thuộc Jeju. Ông sinh năm 1929 tại Maengsan, tỉnh Pyongannam, nay thuộc Bắc Triều Tiên. Có lời đồn là từ nhỏ ông không chỉ rất thông minh, đến độ ông học được “Thiên tự văn” (quyển sách viết về các hiện tượng tự nhiên và đạo đức nhân loại - chú thích của người dịch) từ ông nội, mà còn có tài vẽ tranh. Năm 17 tuổi, Kim Tschang-yeul bị tình nghi chống cộng, nên đã một mình đi bộ vượt qua vĩ tuyến 38. Sau đó, trong sáu tháng sống ở trại tị nạn tại Seoul, như một kỳ tích, ông đã gặp lại cha mình. Thương cho đứa con trai vượt khó trong sinh tử, cha ông đã cho phép ông vẽ tranh, điều mà trước đây cha ông kịch liệt phản đối. Thế là Kim Tschang-yeul vào Trường Đại học Mỹ thuật của Đại học Quốc gia Seoul. Khi nội chiến nổ ra, thay vì đi quân dịch, ông chọn trường cảnh sát, sau khi tốt nghiệp cao đẳng cảnh sát, ông đi làm việc ở Jeju một năm. Đây cũng chính là mối nhân duyên khiến bảo tàng nghệ thuật mang tên ông có mặt ở Jeju.

Bảo tàng Nghệ thuật Kim Chang-Yeul tỉnh Jeju được mở cửa vào năm 2016 với mục đích tưởng nhớ những thành tựu và tinh thần của Kim Chang-yeul, một họa sĩ đại diện cho nền mỹ thuật hiện đại Hàn Quốc. Tòa nhà của bảo tàng được lấy cảm hứng từ những giọt nước của người nghệ sĩ, nơi ánh sáng và bóng tối cùng tồn tại. Ngoài các cuộc triển lãm theo kế hoạch về các chuyên đề khác nhau, nơi đây còn tổ chức các chương trình giáo dục cho người dân Jeju.
ⓒ Bảo tàng Nghệ thuật Kim Tschang-Yeul tỉnh Jeju


Tranh vẽ của Kim Tschang-yeul trong thập niên 1960 đều tăm tối và dấp dính. Những bức tranh này được xếp vào “chủ nghĩa không chính thức” (Art Informel), diễn tả chủ nghĩa hiện sinh thời hậu chiến bằng một thứ cảm xúc mãnh liệt không rõ hình thù. Cục sơn màu giống như cục nghẹn trong lồng ngực, biến dần thành loại chất lỏng dinh dính rò rỉ ra ngoài từ một lỗ hổng. Trông chúng giống như những giọt nước mắt máu của người đang âm thầm khóc không thành tiếng vì vết thương chiến tranh. Sau khi được liên tục mời đi các triển lãm ở nước ngoài, ông dọn đến New York rồi sau đó chuyển đến định cư hẳn ở Paris từ năm 1969. Thời đó còn nghèo khó, ông lấy chuồng ngựa làm xưởng vẽ. Vì thiếu nguyên liệu, ông tái sử dụng tấm canvas bằng cách lật mặt sau lên, thấm nước lên đó để tẩy màu đi. Một sáng nọ, ông bắt được khoảnh khắc nghệ thuật khi thấy những giọt nước lấp lánh treo thân sáng rạng trên bề mặt tấm canvas.

Những giọt nước được vẽ trên vải bố trông chân thực đến độ chúng như thể sẽ chảy xuống nếu có người rung lắc bức tranh. Thật ra, đó chỉ là hiện tượng ảo ảnh được tạo nên từ sự hài hòa giữa phần không vẽ và phần đổ bóng, giữa màu trắng và màu vàng. Những giọt nước long lanh ấy tồn tại trong sự dồn ép giữa lực căng mọng và trọng lực chảy, tựa như nghịch lý của một không gian trống rỗng dồi dào. Một bức họa trông dễ dàng nhưng không hề đơn giản chính là lý do khiến ông được vừa được công chúng yêu thích vừa được giới nghệ thuật tôn vinh.

Tòa nhà bảo tàng nghệ thuật này được xây dựng nên theo hình chữ “hồi” (回), với kết câu hình vuông nhỏ chứa trong hình vuông lớn hơn. Ông đã bắt đầu vẽ giọt nước trên “Thiên tự văn” từ năm ông 60 tuổi với liên tác “Hồi quy”. Điều này ngụ ý về sự quay trở về nguồn cội của mình, kể từ thời khắc đầu tiên khi ông cầm cọ vẽ. Trong ngày khai trương Bảo tàng Nghệ thuật Kim Tschang-Yeul vào tháng 9 năm 2016, ông nói rằng: “Tôi sinh ra ở Meongsan và đến được Jeju này mà không bị hổ ăn thịt. Nếu tôi không bị cá mập ăn thịt thì tôi có ước mơ sống phần đời còn lại của mình ở đây”. Sau khi ông qua đời, hài cốt ông được chôn dưới gốc cây bên cạnh bảo tàng như di nguyện của ông, tuy không thể trở về phương Bắc nhưng ông vẫn được ở lại Jeju, quê hương thứ hai của mình. Ông sống đời đời cùng với bảo tàng nghệ thuật mang danh ông.

 

Bảo tàng Nghệ thuật Kim Chang-Yeul tỉnh Jeju được mở cửa vào năm 2016 với mục đích tưởng nhớ những thành tựu và tinh thần của Kim Chang-yeul, một họa sĩ đại diện cho nền mỹ thuật hiện đại Hàn Quốc. Tòa nhà của bảo tàng được lấy cảm hứng từ những giọt nước của người nghệ sĩ, nơi ánh sáng và bóng tối cùng tồn tại. Ngoài các cuộc triển lãm theo kế hoạch về các chuyên đề khác nhau, nơi đây còn tổ chức các chương trình giáo dục cho người dân Jeju.
ⓒ Bảo tàng Nghệ thuật Kim Tschang-Yeul tỉnh Jeju

“Hồi quy.” 2012. Màu acrylic trên vải gai dầu. 195 x 300 cm.Từ giữa thập niên 1980, họa sĩ cho ra mắt một loạt tranh chủ đề “Hồi quy” với nền là sách “Thiên tự văn”, thể hiện triết học và tâm linh phương Đông.
© Kim Simon

Cho Sang-inPhóng viên báo Kinh tế Seoul
Dịch. Bùi Phan Anh Thư

전체메뉴

전체메뉴 닫기