메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

2022 SUMMER

NGỌN GIÓ LÀM TỪ NHỮNG NGÓN TAY

Seonjajang là tên gọi người lưu giữ kỹ thuật làm quạt truyền thống. Kim Dong-sik là nghệ nhân thế hệ thứ tư kế nghiệp gia truyền làm quạt của một gia đình ở Jeonju, tỉnh Jeollabuk. Trải qua hơn 60 năm làm nghề truyền thống, ông đã được công nhận là Seonjajang, Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2015.

Quạt giấy là một vật dụng sinh hoạt thiết yếu mùa hè ở thời mà chưa có điều hoà và quạt điện. Ngoài chức năng tạo gió, nó còn là một loại phục sức tùy thân thể hiện địa vị của người mang và sử dụng trong những nghi lễ quan trọng như hôn lễ hay tang lễ. Quý tộc thời Joseon thích quạt gấp hơn quạt tròn, và đặc biệt là quạt hapjuk (hợp trúc phiến). Thật thú vị khi ta xòe quạt ra phất lên tiếng gió phần phật khí khái rồi trong chớp mắt gấp soạt lại cất vào tay áo. Người ta vẽ các bức họa trên mặt quạt và mang theo bên mình như tranh trang trí, khi cần thì quạt làm cây gãi ngứa lưng, lúc cấp bách thì trở thành vũ khí. Nó cũng là một vật thiết yếu để che mặt khi nam nữ âm thầm gặp nhau.

Quạt giấy Hàn Quốc dựa theo hình dáng được phân loại thành quạt hình tròn (đoàn phiến) và quạt gấp có thể kéo ra và thu lại (tiếp phiến). Từ trọng tâm của quạt là phần tay cầm, các đường cố định nan quạt nối với các nan quạt tỏa ra thành hình mạng nhện. Quạt gấp đa dạng các chủng loại tuỳ thuộc vào số lượng nan quạt cũng như chất liệu, kiểu cách trang trí đế quạt, phụ kiện trang trí. Trong đó, quạt hapjuk, loại quạt được ghép thủ công bởi các vật liệu như như xà cừ, kim loại, sơn mài và ngọc bích, đã được phát triển như một sản phẩm ngoại giao tiêu biểu từ triều đại Goryeo.

Vào triều đại Joseon, số lượng nan quạt cũng được giới hạn tuỳ theo địa vị của người mang. Phải là trực hệ của hoàng thất mới có thể dùng quạt 50 nan, giới quý tộc sử dụng quạt 40 nan, tầng lớp thấp hơn và dân thường sử dụng quạt ít nan hơn. Theo tuyển tập các phong tục ngày lễ tết “Đông quốc tuế thì ký” do Hong Seok-mo (Hồng Tích Mưu, 1781-1857) biên soạn, đã ghi chép lại rằng “Vào Tết Đoan Ngọ (ngày 5/5 âm lịch) nếu làm quạt Đoan Ngọ dâng tiến thì vua sẽ chia cho tể tướng và các cận thần”. Thời đó, đất nước có một cơ quan là Seonjacheong (Phiến tử sảnh) để quản lý và giám sát việc làm quạt, và Jeollagamyeong (trụ sở tỉnh Jeolla cũ) là địa phương tập hợp quạt giấy được làm ở khắp nơi về để tiến vua.


Công đoạn gian nan
Đang miệt mài làm việc trong nhà xưởng đầy những mảnh tre lớn nhỏ, nghệ nhân Kim Dong-sik cầm ra một đoạn tre đã được vót mỏng.

“Quạt Hapjuk là quạt được làm bằng cách đính hai thanh vỏ tre đã được vót mỏng vào nhau. Quạt hapjuk rất chắc chắn nên có thể sử dụng gần như vĩnh viễn, không giống như các loại nan quạt của Trung Quốc và Nhật Bản chỉ sử dụng nan vót từ thân trong cây tre. Đây chính là đặc điểm chỉ có ở quạt truyền thống của chúng tôi”

Để làm một cây quạt hapjuk phải trải qua 140 - 150 công đoạn. Đầu tiên phải tìm được loại tre thích hợp. Cây tre trong năm đầu tiên sẽ lớn hết cỡ, sau đó chỉ phát triển bên trong thân, do đó tre phải đủ ba năm mới có độ cứng cáp thích hợp.

“Tre mới trồng nhìn rất đẹp, nhưng khi chẻ ra thì bên trong mềm nhũn nên không thể sử dụng được. Cây tre ba năm tuổi là loại thích hợp nhất. Khi độ ẩm cao sẽ bị nhậy nên cần chuẩn bị nguyên liệu cho cả một năm vào mùa khô ráo từ tháng 12 đến tháng 1. Điều này cũng giống như việc khi xây nhà cần sử dụng loại gỗ được khai thác vào mùa đông”.

Chọn một cây tre có đều màu, cắt khúc vừa với kích thước của quạt, ngâm trong nước năm ngày cho nở ra. Sau đó, lớp vỏ xanh đặc trưng bên ngoài của nan quạt sẽ ngả thành màu vàng đặc trưng của nan quạt. Từ đây bắt đầu các bước trọng tâm. Ngâm phần vỏ ngoài của thanh tre trong nước sôi cho nở ra và vót mỏng thanh tre khoảng từ 0,3 đến 0,4mm. Đến công đoạn này thì lượng tre bị vót đi chỉ còn khoảng 2/3.

Công đoạn này là khó khăn nhất trong quá trình làm quạt hapjuk. Phải vót tre mỏng đến mức ánh sáng có thể xuyên qua được để quạt có thể gấp và mở thật mượt mà, mềm dẻo và tạo ra luồng gió mát mẻ hơn. Phần vỏ thân tre rất chắc chắn và không dễ bị mục nên nếu bảo quản tốt có thể giữ được tới 500 năm.

Dùng keo dán úp hai thanh tre đã vót mỏng vào nhau để tạo hình quạt và đem phơi trong khoảng một tuần. Lúc này, trộn theo tỉ lệ 4:6 keo bong bóng cá được nấu từ bong bóng cá đù phơi khô và keo a giao nấu từ xương, gân, da động vật. Phải làm như vậy thì quạt mới không bị bong ra và bền lâu. Khi đã tạo được khung xương quạt thì nghệ nhân dùng công cụ bằng sắt nung nóng khắc những họa tiết dơi, rồng, hoa mai... lên phần nan tre sẽ lộ ra sau khi dán giấy để tăng tính thẩm mỹ.

Bước tiếp theo là gọt tỉa vật liệu dùng làm tay cầm, thường là các loại gỗ như gỗ táo, gỗ mun, gỗ bạch dương, rồi hoàn thiện bằng cách đính tre đã vót mỏng lên hoặc trang trí bằng xà cừ và sơn mài. Thời xưa có khi người ta còn trang trí bằng cả ngà voi, xương bò hoặc mai rùa. Sau khi mài nhẵn bóng toàn bộ thì dùng keo phủ đều và dán giấy hanji đã cắt sẵn vào. Cuối cùng cố định phần tay cầm và cài các loại trang sức ở phần đuôi bằng vàng, bạc hoặc đồng, khi đó một chiếc quạt hapjuk đã được hoàn thành.

Đến tận những năm 1950, các bước này vẫn được chia thành sáu giai đoạn do sáu nghệ nhân khác nhau đảm nhiệm, vì thời xưa nhu cầu sử dụng quạt rất cao mà việc làm quạt lại công phu nên đòi hỏi nhiều nhân lực.

Seonjajang Kim Dong-sik - người nối nghiệp đời thứ tư, nói rằng: “Trong khâu làm quạt hapjuk thì việc vót tre sao cho mỏng là công đoạn khó nhất”.

Gia tộc làm quạt hapjuk lâu đời nhất
Sau khi hoàn thành việc tạo hình khung xương quạt thì việc trang trí quạt được thực hiện riêng biệt ở một nơi khác. Đó là căn phòng mà nghệ nhân Kim tá túc cả ngày chỉ trừ thời gian ăn uống. Những con dao và dụng cụ bằng sắt được sắp xếp gọn gàng trên một bức tường cùng với bàn làm việc nơi khó có thể đếm tính được thời gian, khiến ta có thể cảm nhận ngay được nội công đã trải qua hơn 60 năm.

“Thanh gang mỏng này vốn dĩ bản rộng, nhưng sau 20 năm dùng để khắc gọt đã bị mài mòn dần như một cây dũa. Nó do ông ngoại tôi chế tạo và truyền lại cho tôi.”

Một bức ảnh đen trắng bạc màu treo trên bức tường giữa kệ và khung cửa đập vào mắt tôi.

“Người ta nói rằng thời đó tay nghề của ông ấy tốt nhất nên được tiến dâng lên hoàng đế Gojong (Cao Tông) vào cuối triều đại Joseon. May mắn thay, tôi bắt đầu học nghề từ khi còn nhỏ, quan sát ông ngoại làm và thành thục dần mọi kỹ thuật từ cơ bản đến chi tiết.”

Gia đình nghệ nhân Kim có nghề gia truyền làm quạt hapjuk lâu nhất Hàn Quốc. Đời thứ nhất bắt đầu từ ông cố, đời thứ hai là ông ngoại Rah Hak-cheon trên bức hình đen trắng kia, đời thứ ba là cậu Rah Tae-sun, và nghệ nhân Kim là đời thứ tư. Ông bắt đầu học làm quạt hapjuk vào năm 1956 khi mới 14 tuổi. Sinh ra là anh cả trong gia đình có tám người con, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông từ bỏ việc học lên cao rồi gần như sống với gia đình nhà ngoại để học nghề. Thuở ấy, làng quê ngoại ông là nơi tụ họp và sinh sống của các nghệ nhân làm quạt, cũng là nơi dồi dào những nguyên liệu chính để làm quạt là tre và giấy hanji làm từ cây dâu tằm.

Ở cái thời mà quạt là vật thiết yếu thì chỉ cần chăm chỉ học nghề cũng đủ sống. Ban đầu tôi chỉ làm những việc phụ và học lỏm. Người lớn thấy có vẻ tôi cũng khéo tay, chẻ tre đẹp mà không tốn sức nên đã chính thức dạy nghề cho tôi. Tính tôi thật thà lại làm theo khá tốt những gì đã học nên hay được khen. Nhờ vậy mà tôi học được rất nhiều.

Điểm khác biệt giữa một người thợ bình thường và một nghệ nhân có lẽ là “sự quyết tâm”. Ông đã quyết chí: “một khi bắt đầu vào nghề thì phải tạo ra tác phẩm tuyệt mỹ” và mong muốn tái hiện lại cách chế tác tinh xảo học từ ông ngoại và tạo ra quạt của riêng mình. Chiếc quạt của ông khi cầm trên tay, gấp lại thì nhẹ nhàng, mở ra thì thành hình bán nguyệt đối xứng chính xác với nan quạt. Đây là lý do tại sao quạt hapjuk ông làm lại đặc biệt thanh lịch và phong nhã.

Tuy nhiên, cũng đã có lúc ông gần như bỏ cuộc vì khó khăn về tài chính. Một lần, ông mắc sai sót khi đứng ra làm bảo lãnh, nên trong tay không còn tiền mua nguyên liệu, thậm chí cả tiền mua cơm mua nước cũng không có. Một người bạn sẵn sàng cho ông mượn tiền và nói một câu mà cả đời này ông chẳng thể quên.

“Cậu là người có năng khiếu làm quạt, đừng bao giờ đánh mất nó”. “Lời nói đó khắc sâu trong tim tôi và có lẽ nhờ vậy tôi đã không bỏ cuộc cho dù có khó khăn thế nào đi nữa ”.

Kim Dae-sung - con trai nghệ nhân Kim đã hoàn thành nghề vào năm 2019 và bước đi trên con đường như cha mình, kế nghiệp nghề làm quạt truyền thống.

 

Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia
Nghệ nhân Kim đang tự tay thực hiện tất cả các công đoạn làm quạt hapjuk. Ông đã cầm cự nhờ lòng tự hào khi làm ra sản phẩm mỹ nghệ, nhưng lại không thể thoát khỏi những lo âu trước sự khủng hoảng về kinh tế.

“Nghề làm quạt không đủ sống nên thế hện trẻ không có ý định theo đuổi công việc này. Nói vậy nhưng tôi không thể kết thúc nghề truyền thống này kết thúc ở đời ở của mình được, nên dù con trai đang làm ngành nghề khác thì tôi cũng đã ngầm hỏi con về dự đự định tương lai. Thật may cháu đã nói sẽ sẵn sàng thử sức”.

Kim Dae-sung - con trai của nghệ nhân Kim bắt đầu bước trên con đường của thế hệ thứ năm từ năm 2007 với một khởi đầu tuy muộn nhưng có lẽ do tiếp xúc từ lúc mới sinh ra nên anh học rất nhanh. Nghệ nhân vừa theo dõi quá trình trưởng thành của con trai đang nối nghiệp, đồng thời đăng ký di sản văn hóa để được công nhận một cách chính thức cho kỹ thuật nghề độc đáo của của Hàn Quốc. Sau ba năm chuẩn bị các hồ sơ liên quan và hệ thống hóa công đoạn chế tạo, cuối cùng ông đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Seonjajang thứ nhất” vào năm 2015. Khi trở thành nghệ nhân làm quạt đầu tiên được công nhận thuộc di sản văn hóa phi vật thể, ông trở thành động lực cho số ít nghệ nhân tiếp nối nghề làm quạt truyền thống. Tiếp đó, con trai ông cũng hoàn tất nghề vào năm 2019.

Lúc cuộc phỏng vấn sắp kết thúc, một thanh niên vót tre trong phòng hoàn thành công việc và ra chào hỏi. Cậu là cháu của nghệ nhân Kim, con trai của Kim Dae-sung.

“Vừa vào đại học, cháu trai tôi đã nói muốn làm thử quạt, nhưng hoàn cảnh của tôi không thể khuyên cháu nên theo hay không.”

Tâm tư người nghệ nhân vừa có sự tự hào về cháu trai, nhưng vẫn có nét buồn tiếc bởi ngoài con cháu của ông, chẳng có ai đến học làm quạt hapjuk.



Lee Gi-sookCộng tác viên tự do
Dịch Phạm Hương Giang

전체메뉴

전체메뉴 닫기