Chợ truyền thống của Hàn Quốc đã phát triển một cách tự nhiên khi thương mại phát triển từ sau thế kỷ XVII. Trong quá khứ, chợ thường chỉ họp vào một vài thời điểm nhất định. Tuy nhiên, trong quá trình hiện đại hóa, chợ họp thường xuyên như hiện nay đã trở nên phổ biến hơn. Bài viết này giới thiệu về chợ truyền thống của Hàn Quốc - một hình thức họp chợ đặc trưng vẫn còn tồn tại đến ngày nay và đã có lịch sử lâu đời, từ vài chục năm đến vài trăm năm.
Hình ảnh chợ Jagalchi chợ hải sản lớn nhất trong nước. Chợ bán các loại hải sản bao gồm cả cá sống. Đặc biệt, ở đây nổi tiếng với con đường ẩm thực cá chình biển nướng là món cá chình biển được nướng trên vỉ ướp gia vị bột ớt cay nồng, nhờ được ưa chuộng món ăn này đã có mặt ở các sạp bán rong đồ ăn trên cả nước.
ⓒ Tổng Cục Du lịch Hàn Quốc
Trước đây, mỗi chợ có một tên gọi khác nhau tùy theo nơi họp chợ ở nơi có quan trường, ở thủ đô hay ở tỉnh. Ngoài ra, người ta còn phân chia các loại chợ theo thời gian họp chợ, ví dụ như chợ họp thường xuyên và chợ họp định kỳ theo thời gian đã ấn định.Trong xã hội nông nghiệp tự cung tự cấp, nhu cầu về hàng hóa không nhiều nên chợ họp định kỳ (hay chợ phiên) phổ biến hơn chợ họp thường xuyên , trong đó chợ họp năm ngày một lần là phổ biến nhất.
Mặt khác, hầu hết ở chợ chợ không giới hạn loại hàng hóa, nhưng người ta chủ yếu mua bán các sản phẩm đặc trưng như gia súc, ngũ cốc, chất đốt và dược liệu. Trong đó, Daegu Yangryeongsi được thành lập vào thế kỷ XVII là khu chợ nổi tiếng vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, trở thành một biểu tượng cho vùng này.
Hiện ta vẫn chưa biết được chính xác thời điểm khu chợ đầu tiên xuất hiện tại Hàn Quốc. Bộ “Samguksagi” (Tam Quốc sử ký) năm 1145 có ghi chép về sự ra đời của một khu chợ họp thường xuyên tại thủ đô Gyeongju vào năm 490 theo mệnh lệnh của vua Soji (Chiếu Trí), vị vua thứ 21 của triều đại Silla. Điều này cho thấy chợ đã tồn tại trong khoảng thời gian đó hoặc từ trước thời gian đó. Thời kì đầu triều đại Joseon (1392- 1910) chợ không phát triển do chính sách hạn chế thương mại.. Tuy nhiên, vào thế kỷ XVII, khi tiền tệ được lưu thông trên toàn quốc, thương mại công nghiệp phát triển, chợ cũng bắt đầu được hồi sinh. Theo học giả Seo Yoo-gu (Từ Hữu Củ, 1764-1845) người soạn “Bách khoa Toàn thưImwonkyeongjeji” (Lâm viên kinh tế chí), vào đầu thế kỷ XIX đã có khoảng hơn 1.000 khu chợ họp thường xuyên trên toàn quốc.
Từ đó, thông qua quá trình hiện đại hóa, số lượng chợ họp thường xuyên đã mở rộng ra toàn quốc và vào cuối những năm 1970, đã có hơn 700 khu chợ họp thường xuyên thay thế vai trò cho những khu chợ phiên do sự gia tăng thu nhập của người dân. Theo báo cáo “Tình hình chợ truyền thống toàn quốc” công bố năm 2022 của Cục Xúc tiến Tiểu thương và Dịch vụ chợ, hiện cả nước có khoảng 1.400 khu chợ truyền thống bao gồm cả chợ họp thường xuyên và chợ năm ngày. Chợ truyền thống của Hàn Quốc đã mất khả năng cạnh tranh do sự ra đời của các trung tâm mua sắm trực tuyến và các đại siêu thị nhưng họ đang tìm lối thoát bằng cách hiện đại hóa cơ sở vật chất và áp dụng các phương thức vận hành phù hợp với thời đại.
Chợ Namdaemun
Chợ Namdaemun nằm ở trung tâm Seoul trung bình có khoảng 30.000 khách mỗi ngày. Chợ có khoảng 10.000 sạp bán hơn 1.700 các mặt hàng như ẩm thực, tạp hóa, đồ nông thủy hải sản, hoa và thủ công mỹ nghệ. Trên hình là cửa hàng đồ dùng trong bếp tại chợ Namdaemun.
ⓒ Tổ chức Du lịch Seoul
Chợ Namdaemun là chợ tiêu biểu của Hàn Quốc nằm ở Namchang-dong, Seoul. Khu chợ này hình thành vào đầu thế kỷ XV, được triều đình quản lý, sau từ thế kỷ XVII được mở rộng thành chợ tự do buôn bán do có nhiều thương nhân địa phương tụ tập tại đây. Vào cuối thời đại Joseon, khu chợ này đã phát triển thành một trong ba khu chợ lớn nhất của Hanyang (Seoul ngày nay). Chợ Namdaemun là chợ có quy mô lớn nhất và có nhiều giao dịch nhất ở Hàn Quốc.
Bạn có thể mua tất cả các sản phẩm cần cho cuộc sống hàng ngày như dụng cụ nhà bếp, đồ thủ công, thực phẩm và tạp hóa..., và đặc biệt khu bán quần áo trẻ em tại chợ là một khu kinh doanh tầm cỡ toàn quốc. Chợ là một điểm đến không thể bỏ qua đối với khách du lịch nước ngoài.
Chợ Dongdaemun
Chợ Dongdaemun dần được hiện đại hóa với sự ra đời của các trung tâm mua sắm lớn như Doota Mall, Migliore hình thành từ những năm 1990. Năm 2002, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hàn Quốc chỉ định là đặc khu du lịch. Tại khu vực này số lượng người qua lại trong một ngày ước tính khoảng 100.000 người.
ⓒ Shutterstock
Nhìn chung, các chợ truyền thống và trung tâm mua sắm lớn trong đoạn đường 2km từ Jongro 5(o)-ga đến Jeonggye 8(pal)-ga được gọi chung là chợ Dongdaemun. Chợ Baeoke sầm uất ở thế kỷ XVIII là gốc tích của khu chợ này. Chợ Baeoke được hình thành bởi các thương nhân chợ trời đã chủ yếu mua bán các loại rau củ được trồng với mục đích thương mại trong những ngày đầu. Được biết trong thời kỳ chiến tranh Triều Tiên, nơi đây hình thành khu chợ quần áo do những người tha hương định cư ở khu vực này, may và bán quần áo từ đồ cứu trợ. Vào đầu những năm 1960, chợ Pyeonghwa chuyên kinh doanh hàng dệt may và quần áo được khai trương và vào năm 1970, chợ Tổng hợp Dongdaemun mở cửa bán các đồ dùng cho ngày Tết, nguyên phụ liệu may mặc, phụ kiện thời trang cho đến các đồ dùng cưới hỏi. Năm 2002, khu vực này được chỉ định là “Đặc khu Du lịch Mua sắm Thời trang Dongdaemun” và trở thành thánh địa thời trang nơi chợ truyền thống và trung tâm thương mại hiện đại cùng tồn tại.
Chợ đồ cũ Dongmyo
Chợ đồ cũ Dongmyo được hình thành từ khu buôn bán những năm 1980 bán các mặt hàng đa dạng như quần áo cứu trợ, đồ cổ, đồ nội thất cũ và sách cũ. Trên hình là cửa hàng đồ chơi ở chợ, ở đây bán đầy máy chơi game và mô hình đồ chơi cũ nơi mà thế hệ trẻ hoài cổ tìm đến.
ⓒ Tổ chức Du lịch Seoul
Dongkwanwangmyo ở Sungil-dong, Seoul là một ngôi đền dành riêng cho Quan Vũ - vị tướng quân thời Tam Quốc ở Trung Quốc, và thường gọi ngắn gọn là Dongmyo. Chợ đồ cũ được hình thành dọc theo tường rào kinh doanh các mặt hàng đồ cũ như quần áo, giày dép, đồ đồng nát và tạp hóa. Trước đó chủ yếu chỉ có người già hay đến chợ này, tuy nhiên gần đây khu chợ này nổi lên như một địa điểm mới thu hút nhiều bạn trẻ theo đuổi phong cách thời trang độc đáo ghé thăm. Người ta nói rằng có một chợ nhỏ bán rau được hình thành tại đây vào thế kỷ XV - XVI. Diện mạo hiện tại được hình thành vào những năm 1980 và quy mô thậm chí còn lớn hơn vào đầu những năm 2000 khi các thương nhân của chợ trời Hwanghak-dong gần đó mất chỗ kinh doanh do công trình khôi phục lại Cheonggyecheon tập trung lại Dongmyo.
Chợ Tongil
Chợ Tongil nằm ở Seochon Seoul có khoảng 70 gian hàng là chợ truyền thống đặc trưng trong hẻm. Nơi được giới trẻ ưa chuộng được vận hành với dịch vụ thú vị có thể ăn uống tại chợ bằng yeopcheon.
ⓒ Tổng Cục Du lịch Hàn Quốc
Chợ Tongil nằm ở khu nhà dân gần cung Gyeongbuk (Cảnh Phúc), Seoul xuất phát từ khu chợ do chính quyền lập rathời kỳ đầu những năm 1940. Sau Chiến tranh Triều Tiên, khi dân số khu vực này tăng vọt, các quầy hàng và cửa hàng mở xung quanh khu vực chợ cũ tạo nên diện mạo của khu chợ này. Chợ Tongil nổi tiếng bởi “cơm hộp yeopjeon”. Đây là dịch vụ có thể mua và ăn uống đồ ăn ở chợ với yeopjeon được làm mô phỏng theo loại tiền xu được lưu thông dưới thời đại Joseon. Ngoài ra, ở đây còn nổi tiếng với món “teokbokki dầu”, món bánh gạo xào với dầu gia vị là nước tương và bột ớt.
Chợ Jagalchi
Chợ Jagalchi được xây dựng ở bờ biển phía nam Busan - thành phố vận chuyển hàng hải lớn nhất Hàn Quốc - và là điểm nhấn của khu vực này. Đây là chợ hải sản lớn nhất Hàn Quốc buôn bán các loại hải sản, cá tươi và hải sản khô. Trong khu chợ có thể thưởng thức cả các món cá sống tại các quán gỏi cá. Không có ghi chép nào cho biết chính xác thời gian hình thành nên chợ hải sản Jagalchi, tuy nhiên người ta kể lại rằng trước đây, ngư dân đã dựng sạp trên bãi đá cuội ở khu vực này để bán hải sản mà họ đánh bắt được. Khu chợ này được mở cố định vào đầu những năm 1920 và được khai trương chính thức vào những năm 1970. Khu chợ Jagalchi lúc nào cũng hoạt động đông đúc cũng là chủ đề yêu thích của các họa sĩ.
Chợ Seomun
Hiện tại chợ Seomun Daegu có khoảng 4.000 gian hàng từ lâu đã nổi tiếng là chợ vải. Gần đây, khu chợ đêm mở vào thứ sáu, thứ bảy và Chủ nhật từ bảy giờ đêm đến tối muộn và đang được nhiều người ưa thích.
ⓒ Văn phòng quận Jung-gu, thành phố Daegu
Chợ Seomun ở Daegu, tỉnh Gyeongsangbuk-do là một trong ba chợ lớn nhất bán đảo Triều Tiên cùng với Pyeongyang và Ganggyeong thời hậu kỳ Joseon. Thời kỳ đầu, đây là khu chợ định kỳ mở hai lần một tháng, tuy nhiên chợ được vận hành như khu chợ do chính quyền lập ra và được mở cố định vào năm 1920. Khu chợ này chuyên kinh doanh hàng dệt tơ lụa hoặc vải lanh, được đánh giá là nơi dẫn đầu cho sự phát triển của ngành dệt may trong nước. Gần đây khu này nổi tiếng với chợ đêm khai trương vào năm 2016. Khoảng 80 quầy hàng dọc theo con phố dài 350m bán nhiều loại thực phẩm và hàng hóa, có rất nhiều sản phẩm đa dạng để xem và ăn uống. Khung cảnh chợ đêm cũng xuất hiện trong bộ phim truyền hình “Thư ký Kim sao thế?” (2018) dựa trên tiểu thuyết cùng tên.