Hàng chục năm trước đây, nghệ thuật truyền thông vẫn còn nằm ngoài phạm vi của lĩnh vực nghệ thuật như một khái niệm xa lạ cần được giải thích xem đó là gì. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ, nghệ thuật truyền thông bỗng chốc đã trở thành trung tâm của văn hóa nghệ thuật. Để loại hình này trở thành xu hướng chủ đạo như hiện nay, không phải chỉ cần mỗi công nghệ tiên tiến là đủ. Chính những nỗ lực của mọi tầng lớp xã hội trong việc khám phá tiềm năng của nghệ thuật truyền thông như một góc nhìn mới để hiểu về thế giới đã tạo nên nền nghệ thuật truyền thông của Hàn Quốc ngày hôm nay.
Quả cầu của vũ công giao hàng. Kim A-young. 2022. Video đơn kênh. 25 phút.Nội dung câu chuyện kể về một người phụ nữ làm việc tại một công ty dịch vụ giao hàng tận nơi đã gặp gỡ bản thể khác của chính mình. Kim A-young là nghệ sĩ truyền thông chuyên khai phá những chủ đề về sự di cư, người tị nạn và những mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản thông qua các phương tiện truyền thông đa dạng như video, VR, trình diễn.
ⓒ Kim Ayoung
Tháng 6 năm nay, một tin vui đã đến từ nước Áo. Tại Ars Electronica, một lễ hội có độ nhận diện và tầm ảnh hưởng cao trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thông, nghệ sĩ Ayoung Kim đã nhận giải thưởng Golden Nica với tác phẩm “Quả cầu của vũ công giao hàng” (Delivery Dancer’s Sphere). Giải thưởng này còn có ý nghĩa hơn cả khi đánh dấu lần đầu tiên một người Hàn Quốc nhận được giải đặc biệt của “Prix Ars Electronica” – một cuộc thi quốc tế được tổ chức từ năm 1987.
Cùng thời điểm đó, nghệ sĩ Yiyun Kang cũng được chọn vào dự án “Made of Makers” do Jaeger-LeCoultre điều hành. Đây là chương trình hợp tác giữa các nhà sáng tạo và nghệ nhân nổi tiếng của Jaeger-LeCoultre - thương hiệu đồng hồ có lịch sử 190 năm. Với chủ đề “Tỉ lệ vàng” năm nay, cô đã dự thi bằng tác phẩm mang tên “Khởi nguồn” (Origin), và đây cũng là lần đầu tiên một tác giả châu Á được lựa chọn.
Dạo gần đây, ngày càng nhiều trường hợp các nghệ sĩ nghệ thuật truyền thông của Hàn Quốc nhận được sự chú ý trên toàn thế giới. Đây không phải là chuyện xảy ra sau một đêm. Sở dĩ có được điều này là nhờ vào những người đã tiên phong khai phá nghệ thuật truyền thông - một lĩnh vực vốn rất xa lạ, cùng những trợ thủ đắc lực đã hỗ trợ cho các nhà sáng tạo một cách có hệ thống. Tiền đề mà họ xây dựng nên vừa là nguồn cảm hứng, vừa là nền tảng sáng tạo cho các nghệ sĩ trẻ ngày nay.
Những người tiên phong
Không tên (Tháp đá TV). Park Hyun-ki. 1980. TV, 17 mẩu đá. Kích thước ngẫu nhiên.Đây là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Park Hyun-ki, nghệ sĩ được mệnh danh là “người tiên phong trong nghệ thuật video Hàn Quốc”. Tác phẩm đã tổng thể hóa nên những ranh giới phân chia giữa tự nhiên và nhân tạo, giữa thế giới thực tại và hư cấu.
Cung cấp bởi Bảo tàng Nghệ thuật Busan
Sự trở lại của Thành Cát Tư Hãn. Nam June Paik. 1993. 1 màn hình TV CRT, 10 vỏ TV bọc thép, ống neon, xe đạp, mũ lặn, trụ bơm xăng, ống nhựa, áo choàng, dây thừng, video đơn kênh, màu sắc, chế độ im lặng, LD. 217 × 110 × 211cm.Tác phẩm này tượng trưng cho thực trạng Con đường tơ lụa nối liền phương Đông và phương Tây trong quá khứ đã được thay thế bằng đường cao tốc điện tử băng thông rộng ở thời hiện đại.
ⓒ Di sản của Nam June Paik, cung cấp bởi Trung tâm Nghệ thuật Nam June Paik
Nếu chọn ra một nghệ sĩ với trí tưởng tượng mới mẻ và có tầm ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thông thì đó chắc chắn sẽ là Nam June Paik. Ông từng học triết học châu Âu và âm nhạc hiện đại tại Đức, bên cạnh đó ông cũng bắt đầu quan tâm đến nghệ thuật sử dụng phương tiện truyền thông mới trong quá trình giao lưu với các nhà nghệ thuật tiên phong cùng thời. Ông đã thể hiện điều này với thế giới thông qua “Triển lãm Âm nhạc – Truyền hình điện tử” (Exposition of Music — Electronic Television) (1963) tại Phòng trưng bày Parnas ở Wuppertal, Đức. Khởi đầu với buổi triển lãm này, ông đã chính thức theo đuổi con đường trở thành một nghệ sĩ truyền thông, và bằng việc tự mình sửa đổi lại những chiếc TV cũng như làm video, ông đã phá vỡ sự độc quyền của hệ thống phương tiện thông tin đại chúng chỉ phát đi và tiếp nhận thông tin mang tính một chiều.
Kể từ đó, ông đã kết hợp các cảnh quay video, điêu khắc và nghệ thuật sắp đặt, phát triển nên một cỗ máy phối lại những hình ảnh - video sáng tạo của riêng mình được gọi là bộ tổng hợp video (synthesiser). Đồng thời, ông cũng không ngừng phát huy hướng đi độc đáo của bản thân trong việc kết nối âm nhạc và trình diễn với cơ thể con người. Trong quá trình này, Paik đã mường tượng về một thế giới điều khiển học (cybernetic) nơi con người và máy móc cùng tồn tại và có quan hệ ảnh hưởng lẫn nhau. Ngoài ra, ông còn nghiên cứu về tình hình truyền thông kỹ thuật số nhằm thử nghiệm giao tiếp và kết nối đa phương. Bằng cách phát triển chúng thành những tác phẩm, ông đã tạo nên sự tồn tại song hành giữa tự nhiên và công nghệ, cũng như sự dung hòa giữa văn hóa phương Đông và phương Tây. Đó cũng chính là thời điểm ông cho phát sóng “Good Morning, Mr. Orwell” (tạm dịch Chào buổi sáng, ngài Orwell), một chương trình truyền hình vệ tinh trực tiếp kết nối New York và Paris, nhằm châm biếm những dự đoán tương lai mang tính chất phản địa đàng trong tác phẩm 1984 của George Orwell. Mặc dù những hoạt động và tuyên bố của ông chỉ là lời tiên tri, nhưng chúng vẫn được ghi nhớ và nhắc lại cho đến tận bây giờ vì đã tạo nên một sợi dây liên kết rõ ràng với tương lai.
Mặt khác, Park Hyun-ki, một trong những người tiên phong trong lĩnh vực video art (tạm dịch Chào nghệ thuật thu và phát hình ảnh động) ở Hàn Quốc vào những năm 1970, lại sử dụng TV theo một phương thức khác với Nam June Paik. Ông đã trình diễn những tác phẩm sắp đặt mà trong đó TV được xếp cùng với các vật thể tự nhiên như đá hoặc cây cối. Đá và cây được chiếu trên màn hình TV, tạo nên sự liên kết giữa thực tế và thế giới ảo. Thông qua đó, ông đã mở rộng nhận thức cũng như thị giác của chúng ta khi đặt ra câu hỏi “thực tại” là gì. Điểm đáng chú ý là ông đã đưa vào tác phẩm của mình phương pháp xây dựng truyền thống của Hàn Quốc có tên gọi “xếp chồng”, hay còn được hiểu là phương pháp luận kiến trúc. Việc thể hiện sự xung đột giữa văn minh và hoang dã trở thành một thủ pháp xuyên suốt nhằm mang lại tính mới mẻ và gợi mở. Quan điểm này vẫn còn hiện hữu trong nghệ thuật truyền thông ngày nay.
Sự xuất hiện của các cơ quan chuyên môn
Những tầng phổ quát. Zin Ki-jong, Cha Dong-hoon, Kang Ji-young. 2023. Video đơn kênh. Độ dài 6 phút 36 giây.Một trong những tác phẩm thuộc triển lãm “Pale Blue Dot” được tổ chức tại Phòng Trưng bày KF XR từ tháng 5 đến tháng 10 năm ngoái. Đây là tác phẩm khảo sát tính đa dạng sinh học và tính bền vững thông qua phương tiện máy in 3D ảo tiên tiến nhất và đồ gốm truyền thống. Triển lãm này được tổ chức để kỷ niệm ngày khai trương Phòng triển lãm KF XR, trưng bày nhiều nội dung khác nhau như VR, AR và nghệ thuật tương tác với chủ đề môi trường.
ⓒ Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc
Argos. Kim Yunchul. 2018. Ống Geiger Müller, thủy tinh, nhôm, vi điều khiển. 48 × 40 × 40cm.
Một trong những tác phẩm tại triển lãm “Cabinet of the Ephemeral - Collecting Media Art” do Trung tâm Nghệ thuật Nabi tổ chức vào tháng 9 năm 2023 với mục đích tập hợp những tác phẩm nghệ thuật truyền thông. Công trình này là một cỗ máy dò hạt phân tử muon gồm 41 kênh, thể hiện phản ứng bằng cách nhấp nháy đèn flash bất cứ khi nào phát hiện hạt muon phóng ra trong vũ trụ. Kim Yuncheol là một nghệ sĩ chuyên khai phá tiềm năng nghệ thuật của cơ học chất lưu và siêu vật liệu.
Cung cấp bởi Trung tâm Nghệ thuật Nabi; Ảnh của Hiệp hội Bảo tàng Nghệ thuật Thành phố Seoul
Năm 2000 là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử nghệ thuật truyền thông Hàn Quốc. Bởi lẽ đây là năm có sự góp mặt của triển lãm lưỡng niên Seoul Mediacity (Biennale: mô hình triển lãm lưỡng niên – chú thích của người dịch) tại Bảo tàng Nghệ thuật Seoul, Trung tâm Nghệ thuật Nabi – tiền thân là Bảo tàng Nghệ thuật SK Walkerhill, và Ilju Art House nằm trong tòa nhà Bảo hiểm Nhân thọ Heungkuk ở Gwanghwamun, Seoul.
Triển lãm lưỡng niên Seoul Mediacity, khởi đầu với tên gọi “Media_City Seoul”, đã được tổ chức 12 lần tính đến năm nay. Đây là một sự kiện cộng đồng hiện vẫn đang được duy trì, tập trung vào tính đương đại cũng như tính thực nghiệm của nghệ thuật giữa bối cảnh truyền thông có nhiều biến động. Vào thời điểm tổ chức, mặc dù nảy sinh một số tranh cãi liên quan đến mục tiêu chính sách của Chính phủ trong việc quảng bá sự phát triển công nghệ nhanh chóng và nền công nghệ thông tin truyền thông của Hàn Quốc, thế nhưng triển lãm đã góp phần nâng cao nhận thức của công chúng về ý nghĩa và lịch sử phát triển của một lĩnh vực nghệ thuật hiện đại như nghệ thuật truyền thông.
Bảo tàng nghệ thuật Walkerhill vốn chú trọng vào những loại hình nghệ thuật truyền thống, trong cùng năm đó đã được tái cơ cấu lại thành một cơ quan chuyên trách về nghệ thuật truyền thông với tên gọi Trung tâm Nghệ thuật Nabi. Trung tâm hỗ trợ người sáng tạo bằng cách xem xét các công nghệ tân tiến nhất dưới góc nhìn phản biện. Vào đầu thế kỷ 21 khi nghệ thuật truyền thông vẫn còn xa lạ, trung tâm đã giữ vị trí quan trọng như một mạng lưới kết nối những người tiên phong theo đuổi sự mới lạ để nhận biết sự tồn tại của nhau, được tiếp thêm sức mạnh và triển khai các hoạt động đa dạng. Đặc biệt, cộng đồng nghệ thuật truyền thông INP (Interactivity & Practice) được thành lập dưới sự hỗ trợ của trung tâm này vào đầu những năm 2000 đang ở giai đoạn có khá nhiều nghệ sĩ trụ cột hoạt động rất sôi nổi hiện nay đến gia nhập. Có thể nói đây là cơ sở quan trọng đặt nền móng cho tính đa dạng của nghệ thuật truyền thông ngày nay.
Ilju Art House được mở cửa trong cùng năm là một tổ chức tương tự như Trung tâm Nghệ thuật Nabi, cung cấp nguồn lực và mạng lưới cho lĩnh vực nghệ thuật truyền thông vốn còn thiếu nền tảng và hiểu biết vào thời điểm đó. Nó bao gồm một thư viện truyền thông trưng bày các phân tích về văn hóa kỹ thuật số, một kho lưu trữ để thu thập và cho phép tham khảo các tài liệu video cũng như ấn phẩm liên quan đến nghệ thuật truyền thông, một studio hỗ trợ các thiết bị truyền thông mà các cá nhân khó sở hữu, đồng thời vận hành các chương trình đào tạo về công nghệ tương ứng. Cho đến trước khi đóng cửa vào năm 2006, nơi này đã tập trung nguồn lực vào việc khám phá tiềm năng cộng đồng của nghệ thuật truyền thông và tiến hành hỗ trợ thực tế cho các nhà sáng tạo. Chương trình “Media Raiders” nhằm tìm kiếm và hỗ trợ các tác giả mới nổi hoạt động tại đây đã chắp cánh cho những người có năng lực.
Các dự án hỗ trợ đa dạng
Drawing Suit 02. Lee Inkang. 2022. Bộ đồ vẽ truyền động đa phương từ xa sử dụng công nghệ khung xương ngoài dạng đeo, trình diễn, video ba kênh. 15 phút.Lee In-kang, cũng là một võ sĩ quyền anh nghiệp dư, đang không ngừng thử nghiệm để mở rộng tiềm năng cơ thể con người bằng cách kết hợp với các máy móc dựa trên trải nghiệm bị chấn thương mà chính anh đã từng trải qua. Bức ảnh là một tác phẩm triển lãm từ lễ hội “Unfold X 2022” do Quỹ Văn hóa Seoul tổ chức, cho thấy thực trạng sáng tạo nghệ thuật mới dựa trên công nghệ tiên tiến. Đây là tác phẩm mã hóa dữ liệu các chuyển động để tạo ra một bản vẽ mới thông qua sự phối hợp giữa nghệ sĩ và người tham gia.
ⓒ Quỹ Văn hóa Seoul
Trung tâm Văn hóa châu Á Quốc gia (Asia Culture Research Center) được khai trương tại Gwangju, Jeollanam-do vào năm 2015 với mục đích giao lưu và kết nối văn hóa châu Á, hiện đang vận hành một cơ quan sáng tạo phức hợp mang tên Trung tâm Sáng tạo và Sản xuất Nghệ thuật (Arts & Creative Technology Center) thuộc Viện Sáng tạo Văn hóa. Nơi đây nghiên cứu, chế tác, trưng bày và phân phối các nội dung văn hóa nghệ thuật được thể hiện và tích hợp một cách sáng tạo các công nghệ tiên tiến, tính đa dạng văn hóa và truyền thống Á châu. Nó còn hoạt động như một nền tảng để các nhà nghệ thuật, nhà thiết kế, kỹ sư và nhà nghiên cứu có thể phát triển ý tưởng của họ.
Mặt khác, “Cuộc thi ý tưởng Da Vinci” đã được khởi động vào năm 2010 tại Xưởng nghệ thuật Geumcheon (Seoul Art Space Geumcheon), một trong những không gian sáng tạo nghệ thuật do Quỹ Văn hóa Seoul điều hành. Đây là dự án hỗ trợ ý tưởng sáng tạo dựa trên công nghệ, và không giống như những dự án hỗ trợ của các tổ chức khác, dự án này độc đáo ở chỗ tuyển chọn các ý tưởng công nghệ có khả năng công nghiệp hóa. Kể từ năm 2014, nơi đây đã chủ trương ủng hộ các lễ hội nghệ thuật truyền thông và tổ chức nhiều chương trình đa dạng, bao gồm các bài giảng, sự kiện khai mạc, workshop cũng như mời các nghệ sĩ nước ngoài. Hiện tại, nhằm quảng bá về thực trạng sáng tạo nghệ thuật áp dụng công nghệ tiên tiến, dự án không chỉ tiến hành trong nội bộ Xưởng nghệ thuật Geumcheon mà đã được Quỹ Văn hóa Seoul tiếp nhận và tái cơ cấu thành dự án “Unfold X”, có chức năng như một nền tảng nghệ thuật tổng hợp.
Ngoài ra, Trung tâm nghệ thuật Nam June Paik, Zer01ne Day của Doanh nghiệp xe hơi Hyundai và Phòng thí nghiệm Nghệ thuật Paradise (Paradise Art Lab) thuộc Quỹ Văn hóa Paradise cũng đang góp phần làm phong phú thêm nền nghệ thuật truyền thông Hàn Quốc.
Sự mở rộng nhanh chóng về quy mô của nghệ thuật truyền thông như hiện nay đã làm dấy nên những mối lo ngại về tình trạng xuất hiện hàng loạt những tác phẩm chạy theo xu hướng nhất thời hoặc tác phẩm kitsch (một khái niệm đề cập đến những thứ kỳ quái, sao chép, thô sượng, sáo rỗng hay cường điệu thái quá – chú thích của người dịch). Tuy nhiên, điều quan trọng là phải khám phá ra được ý nghĩa thực tế, tiềm năng cũng như nguy cơ của công nghệ thời hiện đại và ảnh hưởng sâu rộng của chúng đối với cuộc sống thường nhật của chúng ta. Nghệ thuật truyền thông vẫn có ý nghĩa như một hoạt động nghệ thuật trực quan hóa quá trình khám phá đó và những thành quả của nó. Nghệ thuật truyền thông đã và vẫn đang đi đầu trong nghệ thuật. Và nơi mà nó đang thực hiện chức năng một cách chặt chẽ chính là Hàn Quốc.