메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

2023 SUMMER

CÁC NHÓM NHẠC K-POP THẾ HỆ 4

Các nội dung văn hóa do Hàn Quốc sáng tạo mà trọng tâm là K-pop đang nhận được sự chú ý trên toàn cầu ở một mức độ chưa từng có. Hiện nay, chúng ta gọi những người đang tiếp tục công việc chính của họ là các nhóm nhạc K-pop thế hệ 4. Những nhóm này có thay đổi gì so với thế hệ trước, và văn hóa K-pop họ tạo ra có gì khác biệt?

Nhóm nhạc tám thành viên ATEEZ. Tên nhóm có nghĩa là “mọi thứ về tuổi teen” (A to Z, A Teenager Z)
ⓒ KQ Entertainment

Thuyết thế hệ (lý thuyết tìm kiếm, xem xét các đặc điểm, vấn đề xã hội xuất hiện trong mỗi thế hệ và từ đó tìm ra động lực phát triển xã hội - chú thích của người dịch), dù ở thời đại và lĩnh vực nào đều là chủ đề phổ biến với những người hay hóng chuyện. Lý do là vì chỉ cần một thông báo “Đây chính là thế hệ mới” khi phát hiện ra điểm khác biệt nào đó, dù chỉ là một chút, so với thế hệ trước là công chúng sẽ đón nhận nó như một thứ mới mẻ và vô cùng quan tâm.

Đối với K-pop, không có tiêu chí hoặc quy tắc chính xác để phân chia các thế hệ; tuy nhiên, khi xuất hiện nhiều nhóm nhạc mới có những đặc điểm riêng biệt rõ ràng so với các nhóm đã ra mắt trước đó, chẳng hạn như đội hình, lĩnh vực hoạt động, ý tưởng chủ đạo... chúng ta sẽ xếp những nhóm này vào một thế hệ mới để phân biệt với thế hệ trước đó.


Các nhóm nhạc K-pop từ thế hệ 1 đến thế hệ 4
Một trong những nhóm nhạc K-pop thế hệ 1, đồng thời là nhóm nhạc thần tượng đầu tiên của Hàn Quốc chính là H.O.T, ra mắt vào năm 1996 dưới sự quản lý của công ty SM Entertainment. Sau đó, vào năm 1997, nhóm nhạc Sechs Kies, gồm sáu thành viên, ra mắt đã tạo ra thế cạnh tranh với H.O.T. Sự cạnh tranh này tiếp tục khi hai nhóm nhạc nữ, S.E.S và Fin.K.L, lần lượt ra mắt vào năm 1997 và 1998. Trước khi chuyển sang thế hệ 2, các nhóm nhạc hoặc ca sĩ thần tượng thuộc thế hệ 1,5 như Shinhwa, god, Jewelry, BoA xuất hiện mang tính chất thử nghiệm. Thời kỳ này đồng thời chứng kiến sự nổi tiếng của nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc ở một số nước khu vực Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản và cũng là giai đoạn mà khái niệm “Hallyu” (Hàn lưu) hay thuật ngữ “K-pop” bắt đầu được sử dụng một số phương tiện truyền thông Nhật Bản.

Kể từ đó, K-pop đã phát triển với tốc độ nhanh chóng. Khác với chủ nghĩa thần bí của thế hệ 1, các nhóm nhạc thế hệ 2 của K-pop theo đuổi hình ảnh gần gũi, thân thiện và hoạt động như những nghệ sĩ giải trí toàn năng thông qua việc xuất hiện trên nhiều chương trình giải trí đa dạng. Một số nhóm nhạc đại diện cho thế hệ 2 bao gồm BIGBANG, Super Junior, Girls' Generation và Wonder Girls. Thế hệ 2 của K-pop không chỉ tập trung vào thị trường nội địa mà còn xây dựng các fandom (cộng đồng người hâm mộ - chú thích của người dịch) đông đảo cả trong và ngoài nước thông qua việc tổ chức các chuyến lưu diễn toàn cầu.

Không chờ đến khi có độ nhận diện trong nước cao để hoạt động ở nước ngoài như thế hệ trước, các nhóm thế hệ 3 của K-pop tìm kiếm sự phát triển đồng thời ở cả hai thị trường thông qua các nền tảng đa dạng. Ngoài ra, các chương trình sống còn (chương trình giải trí mang hình thức sinh tồn, theo đó tùy vào kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao mà người tham gia có thể đi tiếp hoặc bị loại - chú thích của người dịch) cũng được sử dụng như một cách xây dựng và đảm bảo lực lượng fandom vững chắc ngay cả trước khi nhóm ra mắt chính thức. Đây cũng là thời điểm mà chất lượng của K-pop phát triển một cách bùng nổ. Những nhóm nhạc đã góp phần dẫn đến sự phát triển này là EXO, BTS, Winner, Red Velvet và Mamamoo.

Bức ảnh nhóm trong album “OMG” được phát hành trong tháng 1 của NewJeans, nhóm nhạc hứa hẹn sẽ trở thành biểu tượng của thời đại giống như chiếc quần jean tiện lợi và không bao giờ cảm thấy chán khi mặc.
ⓒ ADOR

Album “I’ve IVE” của IVE được phát hành vào tháng 4 vừa qua. Kể từ khi ra mắt vào năm 2021, sản phẩm âm nhạc của IVE đều dựa trên tình yêu bản thân và truyền tải thông điệp đầy tự tin.



Kể từ khi ra mắt, các nhóm nhạc K-pop thuộc thế hệ 3 đã và đang hoạt động tích cực mà không bị ràng buộc bởi biên giới quốc gia hay châu lục, và không bị giới hạn bởi hình thức trực tiếp hay trực tuyến. Mỗi nhóm nhạc trong thế hệ này thể hiện cá tính và thế giới quan độc đáo của mình, chính thức đánh dấu sự khởi đầu của thế hệ 4 trong K-pop. Các nhóm nhạc tiêu biểu cho thế hệ 4 bao gồm ITZY với ca khúc “Dalla Dalla” thể hiện một cái tôi có gì đó khác biệt, TOMORROW X TOGETHER - nhóm nhạc đã định hình ranh giới rõ ràng với thế hệ trước khi đề cập đến khó khăn trong quá trình trưởng thành thông qua hình ảnh chiếc sừng mọc từ cơ thể, và NewJeans với phong cách âm nhạc mang đầy những hoài niệm của những người thuộc thế hệ Millennials (những người sinh từ 1981 đến 1996 - chú thích của người dịch).

Thông qua những lần phát hành album, TOMORROW X TOGETHER chia sẻ cảm xúc với các bạn trẻ tuổi đôi mươi bằng trí tưởng tượng và cách kể chuyện độc đáo của cổ tích, xây dựng lực lượng fandom vững chắc.
ⓒ BigHit Music

Từ khóa quan trọng của các nhóm K-pop thế hệ 4
Một trong những đặc trưng lớn nhất của các nhóm nhạc dẫn đầu thế hệ 4 của K-pop là hoạt động quốc tế. Trước khi BTS trở nên nổi tiếng toàn cầu, việc hoạt động tại nước ngoài không phải là điều dễ dàng đối với các nhóm nhạc K-pop. Ngoại trừ thị trường Nhật Bản, nơi mà một số nghệ sĩ tiền bối đã bỏ ra nhiều công sức để mở đường, như BoA đã cải biên ca khúc ra mắt “ID;Peace B” (2001) của mình sang tiếng Nhật để ra mắt tại Nhật Bản, các thị trường khác đối với các nghệ sĩ K-pop vẫn là nơi khó có thể tiếp cận. Một ví dụ khác là ca khúc “Gangnam Style” của PSY, mặc dù đã rất nổi tiếng tại Mỹ nhưng việc tiến vào thị trường quốc tế lại mang đến nhiều thách thức. Tương tự, thị trường Trung Quốc cũng đầy chật vật với lệnh cấm Hallyu của chính phủ nước này. Tuy nhiên, mọi thay đổi đã xảy ra kể từ khi BTS xuất hiện. Sự chú ý và quan tâm đối với các nhóm nhạc thần tượng và K-pop, hơn nữa là văn hóa đại chúng Hàn Quốc, đã gia tăng nhanh chóng.

Với những thay đổi đó, đối với các nhóm nhạc thế hệ 4 ra mắt vào khoảng năm 2020, “nước ngoài” trở thành từ khóa quan trọng hơn hết trong việc lập kế hoạch và tiếp thị. Yếu tố cơ bản của nhóm hoạt động này là cần có thành viên thông thạo ngôn ngữ của các quốc gia khác nhau, đồng thời tạo ra được sự đồng điệu trong các nội dung K-pop, bao gồm âm nhạc và trình diễn để khán giả ở đâu cũng có thể thưởng thức chứ không chỉ giới hạn ở Hàn Quốc. Quan điểm trước đây cho rằng hoạt động của các nhóm nhạc K-pop phải tập trung ở Hàn Quốc đã trở nên mềm dẻo hơn và ngày càng có nhiều người đồng ý rằng K-pop vẫn sẽ là K-pop dù trong nhóm không có thành viên người Hàn.

Các nhóm nhạc thần tượng K-pop thế hệ 4 cũng đã bình thường hóa việc bắt đầu quảng bá album mới thông qua truyền thông nước ngoài. Một số trường hợp đáng chú ý như nhóm nhạc ATEEZ đã tổ chức chuyến lưu diễn tại Bắc Mỹ chỉ sau 100 ngày ra mắt, và đã xây dựng một đội ngũ fandom vững mạnh ở nước ngoài trước khi chính thức tấn công thị trường trong nước. Kết quả, họ đã thu được nhiều thành công đáng kể và có ý nghĩa.

Cá tính riêng biệt
Một đặc điểm khác của những nhóm nhạc thế hệ 4 đó là sự xuất hiện của các nhóm chia sẻ tinh thần thời đại với thế hệ Gen Z (thế thệ Z, gồm những người sinh từ năm 1997 đến 2012 - chú thích của người dịch). Chẳng hạn như TOMORROW X TOGETHER, vào thời điểm ra mắt, nhóm đã thu hút sự chú ý nhờ cách kể lại câu chuyện bằng trí tưởng tượng cổ tích độc đáo, giúp giải tỏa nỗi buồn phảng phất của cả thế hệ hiện tại. Các bài hát như “CROWN”, “Blue Hour”, “Run Away” tạo cảm giác mơ hồ ngay từ tiêu đề. Bằng cách tập trung vào ngôn ngữ và cảm xúc đặc trưng, giống như những bí ẩn của riêng giới trẻ mà người lớn không biết được, nhóm dần thu hút được lượng fan hâm mộ chủ yếu ở độ tuổi đôi mươi với một khía cạnh độc đáo.

Bên cạnh sự xuất hiện của các nhóm nhạc mang cá tính riêng biệt, sự nổi bật mạnh mẽ của những nhóm nhạc nữ so với thế hệ trước cũng là điều đáng chú ý. Đầu tiên có thể kể đến IVE, nhóm nhạc ra mắt vào tháng 12 năm 2021 và luôn tập trung vào “cái tôi” trong âm nhạc. Với ca từ về chủ nghĩa ái kỷ - sự yêu thương bản thân đến mức rơi vào tình cảm với chính mình, thông điệp của nhóm hoàn toàn phù hợp với màu sắc, thần thái sang trọng và phong cách mạnh mẽ của mình. Sự kết hợp xuất sắc này đã giúp IVE có được ba đĩa đơn “hit” liên tiếp là “Eleven” (2021), “Love Dive” (2022), “After Like” (2022) và đạt được danh hiệu nhóm nhạc tân binh xuất sắc nhất năm 2022, đồng thời đội chiếc vương miện vinh quang trở thành nhóm nhạc được nhắc đến đầu tiên mỗi khi nói về các nhóm nhạc K-pop thế hệ 4.

Tên nhóm ITZY có nghĩa “Bạn đã có mọi thứ mình muốn chưa? Có rồi!”. Với bài hát đầu tiên “Dalla Dalla” năm 2019, ITZY đã trở thành chủ đề bàn tán khi trở thành nhóm nhạc nữ đạt hạng nhất trên chương trình âm nhạc trong thời gian ngắn nhất, chỉ chín ngày sau khi ra mắt.
ⓒ JYP Entertainment



LE SSERAFIM là nhóm nhạc nổi bật với những thông điệp mang tính khẳng định, quyết liệt xuyên suốt các sản phẩm âm nhạc. Ra mắt vào đầu năm 2022 với câu chuyện về tham vọng và thử thách của chủ thể “tôi”, LE SSERAFIM đã trở lại vào tháng 5 vừa qua, phát triển thông điệp của nhóm lên một bậc thành câu chuyện về “chúng tôi”, vừa tiếp nối chủ đề của nhóm kể từ khi ra mắt vừa tiếp tục khẳng định giá trị tồn tại của mình.

NewJeans, với ý tưởng chủ đạo, bài hát mang phong cách retro (hoài cổ), vũ đạo và tài năng, đã trở thành chủ đề bàn luận ngay từ khi nhóm ra mắt, mang hoài bão trở thành biểu tượng của thời đại như chiếc quần jean tiện lợi và mặc không bao giờ chán. Ca khúc đầu tay “Attention” và sau đó là “Hype Boy” đều lọt vào bảng xếp hạng Billboard, gây sốt trong lòng công chúng nhờ ý tưởng về sự tươi trẻ và vô tư thời niên thiếu. Sự phổ biến của nhóm đã lan rộng đến giới thương mại và giúp nhóm chiếm lĩnh thị trường quảng cáo cả trong nước và quốc tế.

K-pop thời kỳ hậu COVID-19

Nhóm æspa sở hữu lối kể chuyện mà trong đó, các thành viên nghệ sĩ sống trong thế giới thực và các thành viên đại diện (avatar) tồn tại trong thế giới ảo cùng giao tiếp, đồng cảm và trưởng thành thông qua thế giới kỹ thuật số - nơi giao thoa của hiện thực và giả tưởng.
ⓒ SM Entertainment

Những cuộc thảo luận xoay quanh không gian ảo bùng lên trong giai đoạn đầu của K-pop thế hệ 4 nay đã giảm nhiệt đáng kể, trong đó vũ trụ ảo (metaverse) đã từng thường xuyên được nhắc đến như một từ khóa quan trọng. Trước đó, æspa là nhóm nhạc thường xuất hiện trong các cuộc thảo luận về không gian ảo, đặc biệt là với việc tạo ra những nhân vật đại diện (avatar). Tuy nhiên hiện tại, nhóm được nhìn nhận nhiều hơn với vai trò là những nghệ sĩ kế thừa và tái tạo lại SMP (SM Performance) - giá trị cốt lõi của công ty SM Entertainment.

Trong thời gian xảy ra đại dịch, khi con người không thể biết sự sống chết của người khác, K-pop nhận thức sâu sắc được tầm quan trọng của việc sử dụng công nghệ để đưa mọi người lại gần nhau hơn. Chúng ta có thể rút ra kết luận này chỉ bằng việc nhìn vào hoạt động kinh doanh sôi nổi nhất của K-pop, đó chính là các nền tảng đa dạng để ca sĩ và người hâm mộ kết nối tình cảm sâu sắc hơn.

Những đường nét của âm nhạc K-pop thế hệ 4, vốn đang trải qua thời kỳ sóng gió hơn bao giờ hết, nay cuối cùng đã lộ diện. Giờ đây, một bản đồ địa hình của K-pop thời đại mới, được dẫn dắt bởi thế hệ mới, đã bắt đầu được vẽ ra.



Kim Yoon-haNhà phê bình văn hóa đại chúng
Dịch. Trần Công Danh

전체메뉴

전체메뉴 닫기