메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

2023 SUMMER

CUNG ĐIỆN, NƠI LÀM VIỆC CỦA NHỮNG NHÂN TÀI XUẤT CHÚNG

Cung điện là nơi ở của nhà vua - người nắm giữ quyền lực cao nhất, cũng là nơi làm việc của những nhân tài hàng đầu thời bấy giờ. Tất cả các loại vật dụng của nhà vua và hoàng gia đều do họ làm ra, hơn nữa các bộ phận chuyên trách phục vụ cho hoàng gia như cơ sở y tế, cơ quan giáo dục cũng một tay họ điều hành. Các bộ phim cổ trang lấy bối cảnh trong các cung điện cũng giúp ta hình dung được phần nào cuộc sống hàng ngày của những con người vốn chỉ còn tồn tại trong những ghi chép sử sách.

Tranh minh họa của họa sĩ Chang Sun-hwan được làm ra để phục vụ quảng bá cho lúc công chiếu bộ phim “Thợ may hoàng gia” vào năm 2014. Cuộc sống hàng ngày của những người làm trang phục hoàng gia ở Sanguiwon được thể hiện qua những nét vẽ thanh thoát.
ⓒ Chang Sun-hwan


Trong các bộ phim cổ trang lấy cung điện làm bối cảnh chính, câu chuyện thường xoay quanh nhà vua và hoàng gia. Các nhân vật phụ quan lại, hoạn quan, cung nữ được vẽ ra như để làm nền. Tuy nhiên, đôi khi cuộc sống những con người vốn chỉ là nhân vật phụ trong lịch sử cũng được khắc họa đậm nét. Bởi vì cung điện là nơi ở của vua và hoàng gia, nhưng đồng thời cũng là nơi làm việc của rất nhiều con người khác nữa.

“Thợ may hoàng gia” của đạo diễn Lee Won-suk đã dựng lại một cách thú vị các sự kiện diễn ra ở Sanguiwon - nơi làm ra các bộ y phục hoàng gia Joseon, đồng thời mang đến niềm vui khi xem những bộ trang phục rực rỡ.
ⓒ Bidangil Pictures

Công chiếu năm 2014, “Thợ may hoàng gia” của đạo diễn Lee Won-seok lấy bối cảnh chính là Sanguiwon (Thượng Y viện - cơ quan may y phục cho hoàng gia). Tác phẩm “Dạ điểu” năm 2022 của đạo diễn Ahn Tae-jin đề cập đến một loạt các sự kiện diễn ra ở Naeuiwon (Nội Y viện - nơi quản lý thuốc men trong cung). Ngoài ra, trong bộ phim truyền hình “Dưới bóng Trung Điện” của đài tvN vừa được khép lại vào tháng 12 năm 2022, có sự xuất hiện của Sigangwon (Thị Giảng viện) - nơi phụ trách đào tạo thế tử ở thời Joseon. Thông qua các nội dung văn hóa đại chúng này, người xem có thể có được cái nhìn khái quát về cuộc sống hàng ngày và công việc của những người lao động ở một nơi đặc biệt trong cung điện thời Joseon.
Cơ quan may trang phục hoàng gia

Theo cách nói ngày nay thì bộ phim “Thợ may hoàng gia” là câu chuyện về cuộc đọ sức giữa một nhà thiết kế chính với một thợ may dân thường xuất chúng. Nội dung chính là sự đối đầu giữa Lee Gong-jin (Go Soo thủ vai) - một con người có tài thiên phú với Cho Dol-seok (Han Seok-kyu thủ vai) - người giỏi nhất trong Sanguiwon, đã may trang phục hoàng gia trong suốt 30 năm. Thật thú vị khi bộ phim xây dựng nhân vật Lee Gong-jin như là người đã dẫn đầu xu hướng thời trang của Joseon, sau khi anh làm ra những trang phục chinh phục được trái tim của nhà vua và vương phi. Các nhân vật và câu chuyện trong phim là hư cấu, nhưng Sanguiwon - nơi diễn ra sự việc, là một nơi đã từng tồn tại trong thực tế. Sanguiwon của Joseon là cơ quan kế thừa Sangeuiguk (Thượng Y cục) của thời Goryeo, không chỉ làm ra quần áo mà còn quán xuyến cả việc chế tác bảo vật, ấn tín, kiệu hoàng gia.

Định Tông thực lục (1426) ghi chép rằng: “Sanguiwon là nội phủ (nơi cất giữ tài sản hoàng gia) của Điện hạ, quản lý toàn bộ quần áo và đồ trang sức. Thế nhưng chỉ vì giao cho một nhóm tiểu nhân xảo quyệt phụ trách, thành ra hoang phí vô độ. Nay cho tuyển một nho sĩ thanh liêm, chính trực để quản lý việc này”. Qua đó, ta có thể biết được nhiệm vụ chính của Sanguiwon. Ngoài ra, trong Thế Tông thực lục (1454) cũng có đoạn: “Ở điện Geunjeong (Cần Chính) - chính điện trong cung Gyeongbok (Cảnh Phúc), có tổ chức một bữa tiệc lớn, cắt cử Sanguiwon làm trang phục và giày dép cho những người tham gia sự kiện này”.

Sanguiwon phụ trách nhiệm vụ quan trọng như vậy nên có vị thế và quy mô khá lớn. Số viên quan làm việc ở Sanguiwon được ghi lại trong Kinh quốc đại điển (1466) - hiến pháp của Joseon có tổng cộng chính thức 11 người, bao gồm hai Jejo (Đề điều, một chức sắc quản lý toàn bộ sự vụ trong cung điện) chịu trách nhiệm chung, trong đó Seungji (Thừa chỉ) của viện Seungjeongwon (Thừa Chính viện) - ban thư ký của vua, kiêm chức Jejo và Bujejo (Phó Đề điều). Qua đó, có thể thấy người phụ trách cao nhất thực chất của Sanguiwon là một chức quan cao thuộc hàng chính phẩm trong hệ thống chức vụ thời Joseon. Ngoài các vị trí chính thức này, một số lượng lớn nhân lực hỗ trợ được sắp xếp làm Japjik (Tạp chức, chỉ chức tá hay chức phó trong quan lại).

Để làm ra trang phục hoàng gia đầy uy nghiêm và quyền lực, các nghệ nhân giỏi nhất trong mỗi lĩnh vực đã làm việc ở đây. Kinh quốc đại điển nói rằng có 597 nghệ nhân ở 68 lĩnh vực thuộc Sanguiwon, trong đó, 105 thợ dệt lụa là chiếm số lượng đông nhất. Ngoài ra, còn có 75 thợ tẩy chỉ, 40 thợ may, 20 thợ dệt vải, 10 thợ làm nón rơm, 8 thợ làm áo lông, 10 thợ làm ngọc và phần lớn thợ thủ công khác được bố trí làm bạc, mạ vàng. Như vậy, Sanguiwon không chỉ phụ trách y phục mà còn làm cả các vật dụng khác như ngọc, bạc, mũi tên, thế nên đây là cơ quan phù hợp nhất để các quan lại có tài nghệ xuất chúng làm việc. Có lẽ vì lý do đó mà vua Sejong (Thế Tông, trị vì 1418-1450) bổ nhiệm Jang Yeong-sil (Tưởng Anh Thực) - một nhà khoa học tiêu biểu của Joseon, làm Byeoljwa (Biệt tọa, chức quan Tòng Ngũ phẩm) Sanguiwon.

Cơ quan chăm sóc sức khỏe hoàng gia

“Dạ điểu” là tác phẩm kể về vụ đầu độc Thế tử Sohyeon (Chiêu Hiến) - người bị nhà Thanh bắt làm con tin trong Bính Tý Hồ loạn (cuộc xâm lược Triều Tiên lần thứ hai của Mãn Châu - chú thích của người dịch). Rời Thẩm Dương nhà Thanh sau tám năm, Thế tử Sohyeon - con trai của vua Injo (Nhân Tổ, trị vì 1623-1649) đột ngột qua đời khi mới về nước được hai tháng. Bộ phim đã nêu ra những nghi vấn xung quanh cái chết này. Mắc chứng mù ban ngày - một căn bệnh không có khả năng nhìn rõ sự vật vào ban ngày nhưng lại sáng tỏ vào ban đêm, nhân vật chính Chun Kyung-soo (Ryu Jun-yeol thủ vai) nhập cung khi được Lee Hyung-ik (Choi Moo-seong thủ vai) - ngự y của Naeuiwon công nhận tài năng y thuật vượt trội. Vai chính là một nhân vật hư cấu, nhưng Lee Hyung-ik là nhân vật có thật, bị tình nghi có liên quan đến vụ đầu độc Thế tử Sohyeon khi bày mưu tính kế với Quý nhân họ Jo (Triệu) - hậu cung của vua Injo.

Bối cảnh chính của bộ phim này là Naeuiwon - một trong những cơ quan chăm sóc sức khỏe thời Joseon. Ở Joseon, có các cơ quan y tế như Naeuiwon, Jeonuigam (Điển Y giám), Hyeminseo (Huệ Dân thự), mỗi cơ quan có đối tượng thăm khám khác nhau. Naeuiwon phụ trách thăm khám và điều trị cho vua và các thành viên trong hoàng tộc. Jeonuigam là cơ quan điều trị cho thân tộc của nhà vua và quan lại, Hyeminseo là nơi chăm sóc sức khỏe cho thường dân. Ngoài các viên quan chính thức, trên thực tế Naeuiwon còn bố trí các thầy thuốc và ngự y nữ thực hiện các hoạt động y tế, chẳng hạn như nữ ngự y Seo Jang-geum (Từ Trường Kim) trong bộ phim truyền hình “Dae Jang-geum” (2003-2004) chủ yếu phụ trách chữa bệnh và việc sinh nở của các nữ nhân trong hoàng tộc.

Nếu xem “Đông Khuyết đồ” - bức tranh vẽ cảnh cung điện Changdeok (Xương Đức) và cung Changgyeong (Xương Khánh) năm 1830, ta có thể thấy rằng Naeuiwon nằm ở phía tây của điện Injeong (Nhân Chính) - sảnh chính của cung Changdeok. Vào đầu thế kỷ XX, Naeuiwon được dời đến Seongjeong-gak (Thành Chính các) - nơi ở của thế tử. Tấm biển hiện đang treo ở nơi này là được vua Yeongjo (Anh Tổ, trị vì 1724-1776) ban tặng, có nghĩa là “Bào chế thuốc cho vua dùng, bảo vệ long thể.” (Tạo hóa ngự dược bảo hộ thánh cung).

Yeongjo là vị vua thường xuyên lui tới thăm khám nhiều nhất ở Nội Y viện. Khi thống kê các ghi chép trong Thừa Chính viện nhật ký (1623-1894) về việc vua Yeongjo đến Nội Y viện, ta có thể biết được nhà vua thăm khám ba ngày một lần, bình quân 11,3 lần một tháng. Chẳng phải việc kiểm tra sức khỏe kỹ lưỡng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc Yeongjo trở thành vị quốc vương thọ nhất thời Joseon ở tuổi 83 hay sao?

Cơ quan giáo dưỡng thế tử

Nếu “Thợ may hoàng gia” “Dạ điểu” là câu chuyện hư cấu dựa trên sự thật lịch sử thì “Dưới bóng Trung điện” vừa khép lại vào cuối năm ngoái, là bộ phim cổ trang hư cấu về một vương phi lao vào cuộc chiến dạy dỗ của hoàng gia khốc liệt dành cho các hoàng tử hay gây rối. Là một nhân vật hư cấu, hình ảnh vị Vương phi (Kim Hye-soo thủ vai) không quản ngại nắng mưa vì chuyện học hành của con cái dường như phản ánh tình hình xã hội ngày nay. Nhan đề tiếng Hàn “Shrup” là một từ cũ để chỉ chiếc ô, ngụ ý rằng người mẹ trở thành chiếc ô cho con cái của mình.

Phát sóng vào năm 2022, “Dưới bóng Trung điện” - bộ phim cổ trang gồm 16 tập của đài tvN mở ra một câu chuyện hư cấu có phần khẩn trương về một Trung điện lao vào việc dạy dỗ hoàng gia khốc liệt dành cho các hoàng tử.
ⓒ Studio Dragon

Không hoàn toàn giống như bộ phim truyền hình này miêu tả, nhưng với vai trò là người thừa kế ngai vàng, Hoàng thế tử đã được dạy dỗ rất kỹ lưỡng. Vương triều Joseon đã thành lập Sigangwon như một cơ quan giáo dục đặc biệt dành riêng cho các thế tử, dạy về kinh điển Nho giáo, sách lịch sử, lễ nghi phép tắc... Tuy là một chức kiêm nhiệm nhưng Yeonguijeong (Lãnh Nghị Chính) là người chịu trách nhiệm cao nhất, tương đương với Thủ tướng chính phủ bây giờ. Thành phần quan viên tại Sigangwon khá hùng hậu với sự bố trí hơn 10 thầy dạy học chính thức có năng lực cao nhất trong từng lĩnh vực.

Chỗ để thế tử và thầy cùng nhau nói chuyện học vấn được gọi là Seoyeon (Thư diên). Thông qua Seoyeon, Sigangwon vốn là một không gian trù bị cho việc lên ngôi. Trong số các thế tử của Joseon, nhân vật khiến các thầy dạy học bối rối nhất là Yang Nyeong Daegun (Nhượng Ninh Đại quân) - con trai cả của vua Taejong (Thái Tông, trị vì 1400-1418). Được sắc phong làm thế tử từ khi mới 11 tuổi, ông không mấy mặn mà với việc học và thường trốn tiết. Trước người thầy luôn động viên bản thân chuyên tâm vào việc học, Yang Nyeong rùng mình ca thán rằng: “Chỉ cần thấy thầy thôi là đầu ta choáng váng, tâm trạng rối bời. Còn hễ thấy thầy trong mơ thì chắc chắn ngày hôm đó ta sẽ bị ốm.” Tình hình nghiêm trọng đến mức trong Thái Tông thực lục (1431) có ghi chép rằng một hoạn quan theo hầu Yang Nyeong đã thay ông chịu đòn roi vì bỏ bê việc học. Dù vậy Yang Nyeong Daegun vẫn tiếp tục làm những hành động trái khoáy, chẳng hạn như gần gũi với các kỹ nữ, cuối cùng bị phế truất khỏi ngôi vị thế tử sau 14 năm.

Tất nhiên, việc học hành của thế tử trong bộ phim truyền hình này là tình huống hư cấu, nhưng nếu xét về sự thật lịch sử, khi có vị thế tử sao nhãng việc học, bị phế truất khỏi ngôi vị như Yang Nyeong thì việc xây dựng một nhân vật Vương phi hết lòng với việc học của thế tử là có thể hiểu được.

Shin Byung-ju Giáo sư Khoa Lịch sử, Đại học Konkuk
Dịch. Lê Thị Phương Thủy

전체메뉴

전체메뉴 닫기