메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

null > 상세화면

2023 SPRING

KHẮC MÃI GIẤC MỘNG HOÀNG KIM

Có nhiều cơ sở nghề truyền thống tọa lạc trong các con hẻm khắp phường Gahoe, Seoul, nơi tập trung nhiều nhà hanok. Cơ sở Kum Bak Yeon, có nghĩa là “buổi tiệc vàng lá”, cũng nằm ở đây. Đây là xưởng được quản lý bởi Kim Gi-ho, người nắm giữ và thực hành di sản văn hóa phi vật thể thứ 119 của Hàn Quốc. Ông là nghệ nhân đời thứ năm kế tục nghề thủ công dát vàng duy nhất ở Hàn Quốc.

Nghệ nhân Kim Gi-ho đang hoàn thiện công đoạn loại bỏ phần vàng thừa sau khi dát những lá vàng vào gấu váy hanbok. Nghề thủ công dát vàng có quy trình chế tác tương đối đơn giản nhưng đòi hỏi kỹ năng tay nghề tinh tế và sự tập trung cao độ.

Xưởng thủ công của nghệ nhân Kim Gi-ho cũng giống một phòng triển lãm nhỏ, ở đó ta có thể nhìn thấy toàn bộ quá khứ và hiện tại của nghề thủ công dát vàng lá. Chúng ta có dịp ngắm nhìn những phục sức truyền thống lộng lẫy từ lễ phục cung đình cho đến daenggi (dải băng buộc tóc), jokduri (mấn đội đầu), bokjumeoni (túi may mắn),... đồng thời có thể nhìn thấy sự xuất hiện của vàng lá trên các vật phẩm hiện đại như cà vạt, hộp trang sức hay ghim cài áo.

“Từ xa xưa, vàng thể hiện quyền uy tối thượng vì nó không đổi màu và rất quý. Hoàng thất Joseon (1392-1910) cũng chỉ sử dụng vàng một cách hạn chế. Không phải ai cũng có thể mặc quần áo có hoa văn dát vàng trên đó.”

Ông Kim vừa nói vừa chỉ vào chiếc nokwonsam (áo choàng lễ phục nữ nhân cung đình màu xanh lá) treo trên tường. Chiếc áo này được ông Kim trực tiếp tái hiện từ chiếc wonsam mà công chúa Deogon (Đức Uẩn, 1822-1844), con gái thứ ba của vua Sunjo (Thuần Tổ, tại vị 1800-1834), đã mặc trong lễ cưới. Như ông nói, vàng lá chỉ được sử dụng cho phục sức hoàng gia để thể hiện sự uy nghiêm và thêm phần lộng lẫy, và ngay cả trong hoàng tộc, các hoa văn như rồng, phượng, hoa cũng được sử dụng khác nhau tùy theo địa vị của họ. Tuy nhiên, khi những quy định này được nới lỏng vào cuối triều đại Joseon, các hộ gia đình thường dân cũng có thể mặc quần áo họa tiết dát vàng vào những dịp đặc biệt trong đời như hôn lễ, lễ mừng thọ 60 tuổi hay tiệc thôi nôi.

Kỹ thuật và sự sáng tạo

 

Nghệ nhân Kim chạm nổi hoa văn được vẽ trên một bản khắc gỗ. Ông sử dụng gỗ lê rừng đã được phơi kỹ hơn năm năm để làm ván hoa văn vì gỗ cứng và cho hoa văn chạm trổ tinh xảo.

Vàng lá chỉ loại vật liệu được làm mỏng như giấy bằng cách dùng búa đập vào một miếng vàng khối. Vào thời Joseon, người ta phân biệt cụ thể những người thợ sản xuất vàng lá được gọi là geumbakjang, còn nghệ nhân dát vàng lên hoa văn được gọi dodaikjang hoặc bugeumjang. Tuy nhiên, sau thời cận đại, từ lúc vàng lá được tạo ra bằng máy móc, nghề này dần mai một. Khi công chúng chấp nhận “vàng lá” và “hoa văn dát vàng” là cùng một nghĩa, giờ đây những người có kỹ thuật trang trí vải với hoa văn bằng vàng lá được gọi là geumbakjang.

Thoạt nhìn, trang trí bằng vàng lá là một quá trình rất đơn giản. Phết keo lên bản gỗ khắc sẵn hoa văn, ấn nó lên vải, sau đó đặt lá vàng lên vùng dính keo là được. Tuy nhiên, mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự kiên nhẫn và tập trung cao độ. Trước hết, tấm ván dùng để khắc hoa văn phải là gỗ phơi khô ít nhất năm năm nhằm chống cong vênh. Nghệ nhân Kim sử dụng gỗ lê rừng, một loại gỗ cứng và cho hoa văn chạm trổ tinh xảo. Cho dầu đậu nành vào nước sôi, ngâm tấm ván trong khoảng hai phút, vớt ra, phơi ở nơi râm mát, thoáng gió. Quá trình này phải được lặp đi lặp lại nhiều lần để đảm bảo rằng tấm ván không bị cong vênh và có thể sử dụng gần như vĩnh viễn. Sau đấy, làm phẳng bề mặt gỗ bằng cái bào gỗ và giấy nhám.

Bây giờ đến công đoạn chạm khắc hoa văn. Hoạ tiết mẫu được vẽ lên tấm ván, sau đó chạm nổi bằng dụng cụ chuyên dụng. Mẹo nhỏ là nên khắc theo góc nghiêng để có thể dễ dàng loại bỏ keo lọt vào khe hở khi phết keo lên. Keo bong bóng cá được dùng để đính vàng lá. Loại keo này được tạo ra bằng cách đun sôi bong bóng cá đù phơi khô trong một thời gian dài. Do có độ bám dính tuyệt vời nên từ xa xưa nó được dùng làm chất kết dính tự nhiên cho lễ phục và đồ thủ công mỹ nghệ hoàng thất, cũng như thực phẩm cao cấp. Tiếp theo là khâu dùng cọ nhúng vào keo rồi bôi đều lên bản khắc hoa văn. Lúc này, độ đậm đặc của keo rất quan trọng. Nếu phết quá mạnh, lá vàng sẽ dính chặt khiến hoa văn vỡ vụn; nếu phết nhẹ tay, lá vàng không bám dính dẫn đến không in được hoa văn.

Khi phết keo xong, trải tấm vải lên bàn gia công và ấn mạnh tấm gỗ hoa văn vào vị trí mong muốn như thể đang đóng dấu. Sau đó, đặt lá vàng lên, đồng thời dùng ngón tay khô chạm nhẹ để dán dính lá vàng. Lúc này phải dán thật nhanh và chính xác trước khi keo khô hẳn. Sau khi keo đủ khô thì tỉa bỏ phần lá vàng vôi ra khỏi hoa văn là hoàn thiện. Nếu dát vàng là lĩnh vực kỹ thuật thì có thể nói việc thiết kế hoa văn và sắp xếp chúng một cách hài hòa là lĩnh vực của sự sáng tạo.“Ở Trung Quốc hay Nhật Bản, tính đối xứng trái - phải rất quan trọng. Họ tìm thấy vẻ đẹp trong tỉ lệ và sự cân xứng hoàn hảo. Trái lại, người Hàn chúng ta xem sự bất đối xứng mới là tự nhiên và thẩm mĩ. Tôi nghĩ điều này cũng giống như sự khác biệt giữa tín hiệu kỹ thuật số và tín hiệu analog.”

Trong quá trình làm việc, ông dành phần lớn thời gian để tạo ra các mẫu họa tiết. Ông cần suy tính trước họa tiết mẫu nào sẽ đặt ở đâu và xử lý khoảng trống như thế nào.

“Mẫu hoa văn thay đổi từng chút một theo thời gian và hoàn cảnh. Tôi nghĩ các mẫu cũng nên được định hình sao cho tương hợp với tâm thức người đương thời. Ngoài ra, cùng một mẫu có thể mang đến những cảm giác khác nhau tùy thuộc vào cách nó được khắc họa.

Kỹ thuật tiên tiến đến từ quá khứ

Nghệ nhân Kim là đời thứ năm kế thừa nghề dát vàng lá. Công việc kinh doanh của gia đình bắt đầu từ đời kị ông (ông sơ), người đã cung cấp vải cho hoàng thất dưới triều đại vua Cheoljong (Triết Tông, tại vị 1849-1863). Đương thời, vàng lá thường được đặt hàng từ Trung Quốc rồi sử dụng, nhưng tương truyền là khi hàng không đến kịp và gây ra nhiều rắc rối thì kị ông đã bắt đầu tự làm vàng lá. Kỹ thuật chế tác vàng lá được truyền lại đến đời ông nội của ông, nhưng đáng tiếc là hiện nay nó chỉ được truyền miệng.

“Tiếp nối kị ông và ông cố, ông nội tôi cũng làm việc trong hoàng cung. Tôi nghe nói ông nội cũng đã chế tác vàng lá để trang trí trang phục của Yeongchin Wangbi Yi Bangja (Anh Thân Vương Phi Lý Phương Tử) - thái tử phi cuối cùng của Đại Hàn Đế quốc và Deokhye Ongju (Đức Huệ Ông Chúa) - con gái duy nhất của hoàng đế Gojong (Cao Tông).”

Năm 1973, khi ông Kim mới năm tuổi, “nghệ nhân dát vàng” được ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, và ông nội của ông trở thành nghệ nhân dát vàng đầu tiên. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau ông nội ông qua đời do mắc bệnh mãn tính, từ đó danh mục nghệ nhân dát vàng bị đưa ra khỏi danh sách do người nắm giữ và thực hành di sản qua đời.

“Lúc đó, bố tôi đang chuyên tâm làm việc ở một công ty, nhưng sau khi ông nội mất, bố lập tức nghỉ việc và dành toàn tâm toàn ý cho nghề mạ vàng lá. Tôi cũng từng làm việc ở công ty, nhưng vì lý do sức khỏe bố tôi giảm sút, tôi đã xin nghỉ việc và cống hiến hết mình cho nghề này. Có lẽ đây là sự kế thừa.”

Bố của ông, Kim Deok-hwan, được công nhận là người đầu tiên nắm giữ nghệ thuật dát vàng, thuộc di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, lại được ghi danh vào năm 2006, sau 33 năm bị đưa ra khỏi danh sách di sản. Năm 2018, ngay trước khi bố qua đời, nghệ nhân Kim được công nhận là người nắm giữ kế tiếp. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông làm kỹ sư thiết kế rô-bốt trong bốn năm tại Samsung Electronics. Dù ông cảm nhận được sứ mệnh cao cả của mình, nhưng quyết định rời khỏi công ty dường như cũng không mấy dễ dàng đối với ông.

“Quyết định nghỉ việc không mấy khó khăn, bởi đó cũng là lúc tôi cảm thấy đời sống quy củ của công ty không còn phù hợp với mình. Công việc của công ty có thể được thay thế bởi những người tài năng khác, nhưng nghề gia truyền sẽ mai một nếu không có tôi. Tôi tin chắc rằng sự nghiệp tương lai với nghề truyền thống sẽ rất khả quan. Khi chính thức bắt đầu công việc này, tôi nhận ra rằng việc thiết kế rô-bốt và việc đánh vật với lá vàng có độ dày tính bằng đơn vị micrômét (μm, tương đương 1/10.000 milimét) cũng không khác nhau lắm. Một miếng vàng lá có kích thước khoảng 0,1 μm. Kỹ thuật làm vàng lá cũng là một loại công nghệ cao, điều đó có nghĩa là người xưa đã sở hữu trình độ công nghệ cao rồi.”

Việc đầu tiên ông đã làm sau khi rời công ty là tạo một trang web. Ông ấy đã đi trước thời đại khi internet mới trở nên phổ biến ở Hàn Quốc vào năm 1997. Với ý định bán hàng trực tuyến, ông cũng đã nghĩ đến việc quảng bá ra nước ngoài, nhưng thật không may, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra vào năm đó.

“Tôi đã không có một xu thu nhập trong ba tháng. May mắn thay, chúng tôi đã có thể cầm cự được vì những khách hàng lâu năm đều đặn đặt hàng cho con cháu của họ ở nước ngoài. Giờ đây, ngoài các đơn hàng dát vàng cho các sản phẩm, chúng tôi còn làm và bán các sản phẩm văn hóa mang thương hiệu xưởng mình.”

Gia đình nghệ nhân

 

Các mẫu hoa văn có tính biểu tượng bên cạnh chức năng thẩm mỹ. Các hoa văn cát tường thường hay được sử dụng bao gồm chữ “thọ (壽)” với ý nghĩa là trường thọ hoặc chữ “phúc (福)” thể hiện mong muốn một cuộc sống hạnh phúc, cũng như quả lựu tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở hay mẫu đơn đại diện cho vinh hoa phú quý.

Trong trường hợp nghề truyền thống của gia đình mang tính chất thủ công nghiệp, thông thường, các thành viên trong gia đình đều phải tham gia làm nghề. Đó là bởi khó ai có thể một mình đảm nhiệm được tất cả các khâu từ đầu đến cuối.

“Thiết nghĩ, tôi có thể tiếp nối và phát triển nghề truyền thống của gia đình là nhờ có những nghệ nhân khác luôn ở cạnh tôi, chẳng hạn như bà và mẹ. Còn vợ cũng luôn đồng hành cùng tôi.”

Bà Park Soo-young, người vợ bằng tuổi ông, được công nhận là người hoàn thành khóa thực hành di sản vào năm 2009. Con trai học chuyên ngành hoạt hình cũng đang giúp đỡ ông. Năm 2022, bà Park được Quỹ YÉOL bình chọn là “Nghệ nhân của năm” và các sản phẩm của bà được đánh giá cao trong một dự án triển lãm của YÉOL và Chanel. YÉOL là đơn vị chuyên tổ chức các hoạt động hỗ trợ những nghệ nhân thành danh cũng như những thợ thủ công mỹ nghệ trẻ của Hàn Quốc.

“Khi vẻ đẹp truyền thống hài hòa với cảm quan hiện đại, mối quan tâm của xã hội đến việc dát vàng ngày càng tăng. Tôi nghĩ vàng lá là một giấc mơ, giấc mơ được dát bằng những điều mà ai cũng hoài mong như danh dự, sự giàu có và tình yêu.”

Dạo gần đây nghệ nhân Kim đắm chìm hơn vào công việc của mình cũng bởi một lẽ, xây dựng bảo tàng nghề vàng lá là mong ước lớn nhất của ông.

Lee Gi-sookTác giả tự do

 

Ảnh. Han Jung-hyun

Dịch. Nguyễn Trung Hiệp

전체메뉴

전체메뉴 닫기