메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

null > 상세화면

2022 WINTER

GIẤC MƠ VỀ MỘT TƯƠNG LAI XA XƯA

Việc chế tác giày truyền thống Hàn Quốc phải trải qua hàng chục công đoạn, đòi hỏi kỹ thuật tinh xảo cùng tay nghề điêu luyện. Tuy có nhiều loại cũng như tên gọi khác nhau theo từng tầng lớp xã hội, giới tính và độ tuổi, nhưng độc đáo nhất vẫn là giày truyền thống sẽ hoàn thiện hình dạng phù hợp theo dáng của bàn chân người. Ông Hwang Duck-sung là người kế nghiệp cha mình, vốn là một hwahyejang, tiếp tục công việc đóng giày truyền thống của gia đình đã tồn tại qua sáu thế hệ.

Sinh ra trong một gia đình đóng giày truyền thống qua nhiều thế hệ, ông Hwang Duck-sung là người kế nghiệp đời thứ sáu, nối tiếp cha mình, một nghệ nhân bậc thầy trong nghề đóng giày truyền thống.

Tính thẩm mỹ của những đôi giày truyền thống Hàn Quốc nằm ở vẻ đẹp đường cong. Tựa như đường cong của mái ngói hanok, ta có thể cảm nhận được nét đẹp toát lên ở mũi giày kéo thẳng xuống một cách mạnh mẽ rồi vẽ thành đường cong nhẹ đi lên. Vẻ đẹp đường cong đặc trưng này còn được nhân đôi khi mang cùng với beoseon (tất trắng). Phần mũi thanh thoát của beoseon càng làm tăng thêm phong cách cho đôi giày. Không phân biệt chiếc bên trái hay bên phải cũng là một nét độc đáo của giày truyền thống. Khi mang một thời gian, đôi giày sẽ định hình theo dáng từng bàn chân, tự khắc chiếc bên trái và bên phải sẽ được phân biệt rõ, tăng sự thoải mái cho đôi chân.

Giày truyền thống của Hàn Quốc được gọi là “hwahye (ngoa hài)”. “Hwa (ngoa)” để chỉ giày cổ cao, “hye (hài)” là giày cổ thấp. Thợ đóng giày được gọi là hwahyejang, và thường thao tác với đồ da nên họ còn được gọi là gatbachi (thợ đóng giày da). Gatbachi thường xuất hiện trong các bộ phim điện ảnh và truyền hình lấy bối cảnh triều đại Joseon (1392-1910). Theo “Kinh quốc đại điển” (1485), bộ pháp điển đã trở thành nền tảng cai trị của triều đại Joseon, hàng chục hwahyejang được chiêu mộ và làm việc trong chính quyền trung ương. Điều này cho thấy nhu cầu sử dụng giày rất cao và quy trình sản xuất cũng được chuyên môn hóa.

Theo “Miam nhật ký” được viết bởi Yu Hee-chun (Liễu Hy Xuân), một văn thần vào trung kỳ Joseon, ngày xưa, ngoài mang giày cho phù hợp với từng nghi lễ như quan hôn tang tế (lễ trưởng thành, hôn nhân, tang chế, tế lễ - chú thích của người dịch), chất liệu, hình dạng, màu sắc... giày còn phụ thuộc vào địa vị xã hội của người đi giày. Đến cả độ tuổi của người mang cũng có sự khác biệt về màu sắc và phối màu riêng. Bên cạnh đồ da, còn có nhiều chất liệu khác nhau nữa như lụa, vải xô, vải gai, giấy, gỗ, rơm... Ngày nay, hwahye được sử dụng như một phần hình thức vào dịp đặc biệt đám cưới hay tế lễ.

Không phải lựa chọn mà là định mệnh

“Lúc tôi còn bé, bố phải làm thêm nghề giao hàng vì cuộc sống khó khăn. Nhu cầu sử dụng giày truyền thống hầu như không có nên chỉ với nghề làm hwahye thôi thì không đủ để kiếm sống. Không mấy mặn mà với điều đó nên sau khi ra trường, tôi đã làm công việc văn phòng một thời gian, nhưng rồi vỡ lẽ ra nó không hợp với bản thân mình. Vừa hay, cha tôi lại phục chế thành công đôi giày, vốn là dự định tâm huyết của ông. Dõi theo quá trình này, tôi chợt nhận ra việc khôi phục lại một thứ gần như bị lãng quên trên cõi đời này thật có ý nghĩa biết bao. Đó là bước ngoặt mang tính quyết định để tôi chấp nhận rằng theo nghề gia đình chính là định mệnh của mình.”

Ông Hwang Duck-sung là một nghệ nhân được định sẵn từ khi mới sinh ra. Dòng họ ông vốn có tiếng về nghề đóng giày, cũng là dân gốc ở Insa-dong, Seoul, nơi các nghệ nhân cung đình tập trung sinh sống từ xưa. Sau khi thợ đóng giày hwajang và hyejang được ghi danh là nghề truyền thống thuộc di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, năm 1971, ông cố của ông, Hwang Han-gap, đã được công nhận là hwajang đầu tiên. Đến năm 2004, cha của ông, Hwang Hae-bong, cũng được phong là người nắm giữ, thực hành và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia dưới cái tên hwahyejang (là cách gọi sáp nhập của hwajang và hyejang). Nếu lật ngược gia phả của nhà ông thì ông tổ Hwang Jong-soo chính là người đã bắt đầu cung cấp giày da cho triều đình dưới thời vua Cheoljong (Triết Tông, 1849-1863). Hiện tại, ông Hwang Duck-sung đã hoàn thành khóa thực hành di sản, trở thành nghệ nhân đóng giày thế hệ thứ sáu của gia đình vào năm 2016.

“Từ thời ông nội của cố, gia đình đã đóng giày dâng vào cung. Ông cố là hwajang cung đình cuối cùng của triều đại Joseon, người đóng đôi xích tích (giày vua) của hoàng đế Gojong (Cao Tông). Rất tiếc là giờ chỉ còn lại ghi chép chứ không có hiện vật. Ông cố tôi qua đời năm 1982, khi cha tôi 30 tuổi, còn tôi vừa lên ba. Ông nội tôi đã mất trước đó hai năm nên gia nghiệp cũng suýt thất truyền, nhưng may mắn thay, cha tôi đã phục chế thành công xích tích và thanh tích (giày hoàng hậu) nên đời sau mới lại được nối nghề.”

Ông lấy ra một chiếc hộp ở trên cùng của tủ trưng bày. Đó là “tích” mà vua và hoàng hậu sử dụng. Giày màu đỏ được nhà vua hoặc thái tử mang với trang phục tế lễ khi tiến hành các nghi lễ hoàng thất, giày màu xanh được hoàng hậu hoặc hoàng thế tử phi mang cùng với lễ phục. Trước khi được phục chế thì chúng chỉ được ghi chép trong tư liệu cổ. Cha của ông đã tái hiện lại chúng dựa trên nghiên cứu của các học giả có liên quan.

Hình ảnh ông Hwang Duck-sung đặt miếng vải lên bàn đo cắt để làm lớp lót, một trong những bước đầu tiên chế tác giày. Giày truyền thống được hoàn thành sau khi trải qua hơn 70 công đoạn, dưới bàn tay của nghệ nhân lành nghề.

Đôi giày vừa vặn với người mang

Thường mất từ bốn đến 10 ngày tùy theo từng loại giày để làm ra một đôi “hye”, hay còn gọi là “giày hoa”. Do giày được hoàn thành qua hơn 70 công đoạn, dưới bàn tay của những nghệ nhân lành nghề. Trước tiên phải kể đến khâu làm thân giày, tức phần mặt bên của giày. Để tiến hành bước này, trước hết cần lớp lót. Bước đầu tiên để làm bất kỳ loại giày truyền thống nào chính là đặt lớp lót vào bên trong thân giày. Sau khi dùng loại keo dán được làm từ cơm để gắn các lớp vải xô, vải gai vào vải cotton thì đem chúng phơi khô nơi thoáng mát vài ngày. Rồi gắn thêm mảnh lụa đã được đo cắt sẵn bằng loại keo dán từ cơm nghiền nhuyễn, hoàn thành bước làm thân giày. Thân giày được đặt vào vại có lót khăn thấm nước để nó không bị cứng lại khi bôi keo dán, quá trình này được lặp đi lặp lại. Điều quan trọng không chỉ là đòi hỏi kỹ năng thuần thục ở mỗi bước mà còn phải biết chờ đợi đến trạng thái thích hợp nhất.

Kế đến là nối hai mảnh thân giày với nhau bằng lông lợn và chỉ bông phủ sáp ong. Lúc này sẽ khâu phần gót trước, phần mũi giày sau. Bước tiếp theo sẽ làm phần đế bằng da bò, rồi khâu phần đế và thân giày lại với nhau, cuối cùng là đặt khuôn giày bằng gỗ vào để tạo hình cho đôi giày.

“Theo cách truyền thống, chúng tôi sử dụng bờm sau gáy lợn rừng làm chỉ khâu để tránh làm hư mảnh lụa. Bờm của lợn rừng già vừa cứng, lại dễ uốn cong nên rất phù hợp để khâu đồ da và lụa. Khi gắn lụa vào lớp lót cần dùng tay để thoa keo dán. Keo dán khô lại cứng như đá, giữ nguyên hình dạng của đôi giày.”

Khi được hỏi trong vai trò người chế tác, ông cảm nhận vẻ đẹp của hye ở bộ phận nào, nghệ nhân trả lời đó chính là phần mũi giày cong thanh thoát. Đường cong ở mũi giày còn có chức năng giữ cho đôi giày vốn bằng phẳng không bị tuột ra khi di chuyển.

“Giày truyền thống khi làm ra sẽ không có sự khác nhau giữa chân trái hay chân phải, thế nhưng theo thời gian sử dụng, hình dạng giày sẽ được hoàn thiện, đồng thời tự khắc sẽ phân biệt được hai bên với nhau. Nét độc đáo của những đôi giày truyền thống Hàn Quốc chính là nó sẽ dần thay đổi để vừa vặn theo dáng của bàn chân, chứ không buộc người mang phải ướm vừa đôi giày.”

Suhye (tú hài) thêu hoa văn thập trường sinh cầu mong sự trường thọ, được đặt ngay ngắn trên hàng hiên. Giày truyền thống được chia thành nhiều loại theo hình dạng, chất liệu, công dụng, đồng thời tên gọi cũng khác nhau. Trong đó, suhye thêu lụa còn thường gọi là “giày hoa”, hay được phụ nữ tầng lớp quý tộc sử dụng.

Lời kêu gọi tái hiện lại truyền thống

Đã có lúc nghệ nhân Hwang quan tâm đến việc cách tân giày truyền thống để tăng nhu cầu tiêu thụ. Nhưng vấn đề là mọi người lại nhầm tưởng những đôi giày hoa được sản xuất hàng loạt tại xưởng là giày truyền thống.

“Giống như hanbok được cải tiến, việc thay đổi hiện đại cho phù hợp với chức năng, thị hiếu và cuộc sống hàng ngày của con người ngày nay rất có ý nghĩa. Tôi cũng hào hứng với những thử thách thay đổi đó. Tuy nhiên cũng có người cho rằng phải giữ gìn cách làm truyền thống. Cũng giống như cha tôi đã phục chế và trưng bày di vật của tổ tiên, còn tôi thì có sứ mệnh truyền lại nguyên vẹn truyền thống cho thế hệ sau.”

Triển lãm của nghệ nhân nắm giữ, thực hành và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được tổ chức vào tháng bảy năm nay tại phòng trưng bày của Viện Chấn hưng Văn hóa Thiết kế & Nghề thủ công Hàn Quốc ở Insa-dong, Seoul, đã trở thành bước ngoặt đối với các nghệ nhân trẻ. Triển lãm được mở lại sau ba năm trì hoãn do đại dịch COVID-19, không chỉ trưng bày tác phẩm mà còn tổ chức các lớp học trải nghiệm, nhưng số lượng người đăng ký quá đông nên ngay cả khi kết thúc triển lãm rồi mà lớp học bổ sung còn tiếp diễn.

“Thật vui khi hầu hết thành phần tham gia đều là người trẻ tuổi. Họ rất ngạc nhiên trước vẻ đẹp tinh tế, vững bền của đôi giày truyền thống, thấy vui khi có cơ hội tự tay làm ra chúng. Tôi đã nhận ra rằng đừng mãi suy nghĩ về hiện đại hóa mà việc quảng bá trọn vẹn truyền thống thông qua bài giảng hay trình diễn thử cũng rất quan trọng.”

Khi các yêu cầu mở lớp liên tục nối tiếp nhau, ông đã lên kế hoạch tổ chức lớp học trải nghiệm hwahye định kỳ, trực tiếp gặp gỡ các đối tượng khách hàng phổ biến.

“Tôi đang tìm cách đơn giản hóa vật liệu và kỹ thuật trong khi vẫn giữ nguyên quy trình chính. Trên thực tế chúng tôi không có người học việc nên thật khó khi chỉ có mình cha và tôi đảm đương việc này. Thế nhưng tôi lại có người vợ đang hỗ trợ mình rất nhiều. Giống như cách mẹ tôi đã ở cạnh tiếp sức cho cha suốt cả cuộc đời. Hai đứa con trai của tôi tuy còn nhỏ nhưng luôn khiến tôi thấy yên tâm.”

Con đường của những nghệ nhân thủ công truyền thống chắc chắn luôn cô đơn khi phải đối mặt với nguy cơ thất truyền. Trường hợp của nghệ nhân Hwang Duck-sung cũng không ngoại lệ, nhưng bằng cách nào đó, ở ông lại toát lên sự an yên đến lạ.

Lee Gi-sookTác giả tự do
Ảnh. Lee Min-hee
Dịch. Lê Thị Phương Thủy

전체메뉴

전체메뉴 닫기