메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

KF Activities

2022 AUTUMN

NHỮNG PHÒNG TRƯNG BÀY NGHỆ THUẬT CÓ KIẾN TRÚC ĐẸP

Phòng trưng bày nghệ thuật là một cái bát khổng lồ để lưu giữ và trưng bày các tác phẩm nghệ thuật. Bản thân những phòng trưng bày được hoàn thành với tài năng của các kiến trúc sư đẳng cấp thế giới cũng chính là các tác phẩm nghệ thuật. Các công trình kiến trúc đương nhiên được thiết kế theo môi trường xung quanh và cũng là công cụ truyền tải thông điệp mà phòng trưng bày muốn nói lên.

Tọa lạc tại thành phố xuất bản Paju, Phòng Trưng bày Nghệ thuật Mimesis được kiến trúc sư người Bồ Đào Nha Álvaro Siza thiết kế và hoàn thành vào năm 2009. Không gian triển lãm được tạo thành từ nhiều bề mặt cong khác nhau đã loại trừ tối đa ánh sáng nhân tạo, thu hút ánh sáng tự nhiên giúp bạn có thể cảm nhận được bữa tiệc ánh sáng thay đổi theo từng thời khắc.
(=> Cung cấp bởi Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Quốc gia Hàn Quốc, ảnh bởi Myung Yi-shick)

Nếu bảo tàng là một cuộc hành trình đi về quá khứ thì phòng trưng bày nghệ thuật là một cuộc hành trình đi vào hiện tại. Đó là vì nếu các bảo tàng chủ yếu trưng bày những gì xưa cũ, dấu vết lịch sử văn hóa nhân loại trước thời cận đại thì các phòng trưng bày nghệ thuật trưng bày những điều tương đối mới. Bạn có thể trang trí một bảo tàng không chỉ với di sản văn hóa mà với tất cả mọi thứ tồn tại trên đời. Còn phòng trưng bày nghệ thuật - nơi chuyên tập hợp và trưng bày các tác phẩm nghệ thuật - cũng là một nhánh của bảo tàng theo nghĩa rộng.

Bảo tàng và phòng trưng bày nghệ thuật tuy có vẻ giống nhau nhưng lại hơi khác về tính chất. Cả ở mặt kiến trúc cũng vậy. Bảo tàng có khi là những tòa nhà cũ được cải tạo, chẳng hạn như Bảo tàng Louvre ở Pháp, thế nhưng phòng trưng bày nghệ thuật nhiều khi phải xây mới cho phù hợp với chức năng và mục đích sử dụng, chẳng hạn như Bảo tàng Solomon R. Guggenheim ở New York do Frank Lloyd Wright thiết kế hay Bảo tàng Guggenheim Bilbao, Tây Ban Nha do Frank Gehry thiết kế. Đặc biệt, nhiều phòng trưng bày nghệ thuật do kiến trúc sư nổi tiếng thế giới thiết kế đã trở thành tài nguyên du lịch quan trọng không khác gì các địa danh nổi tiếng.

Với bề dày lịch sử và truyền thống hơn 5.000 năm, các thành phố của Hàn Quốc kết hợp hài hòa tuyệt diệu giữa nét truyền thống và hiện đại. Tương xứng với điều đó, có rất nhiều phòng trưng bày nghệ thuật lớn nhỏ trên khắp cả nước. Cũng có rất nhiều phòng trưng bày nghệ thuật được thiết kế bởi các kiến trúc sư nổi tiếng khắp thế giới, và bản thân những nơi này cũng không thua kém gì những tác phẩm độc lập.


Quy mô và đẳng cấp của Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Quốc gia Hàn Quốc
Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Quốc gia (MMCA, National Museum of Modern and Contemporary Art) trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc sở hữu các tác phẩm nghệ thuật từ thời cận đại đến thời hiện đại. Bảo tàng có quy mô lớn đến nỗi được chia thành tổng cộng bốn cơ sở. Cơ sở chính ở thành phố Gwacheon, tỉnh Gyeonggi, hai cơ sở ở Seoul và một cơ sở khác ở thành phố Cheongju tỉnh Chungcheongbuk cách Seoul khoảng 130km. Một trong hai cơ sở ở Seoul nằm bên trong cung điện Deoksu (Đức Thọ), nơi sinh sống của các vị vua triều đại Joseon.

Điện Seokjo (Thạch Tạo), một trong những điện chính của cung điện, là một tòa nhà kiểu Âu hoàn thành vào năm 1910 do kiến trúc sư người Anh John Reginald Harding thiết kế và được xây theo phong cách tân cổ điển. Ban đầu nó được xây dựng làm nơi sinh hoạt (pyeonjeon - tiện điện) và ngủ (chimjeon - tẩm điện) của Hoàng đế Gojong (Cao Tông) nhưng vào năm 1933, trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng, cung điện đã được chuyển thành bảo tàng và mở cửa đón công chúng. Sau khi trải qua những thăng trầm lịch sử, tòa nhà này hiện đang là Bảo tàng Lịch sử Đại Hàn Đế quốc từ năm 2014. Còn tòa nhà hiện được sử dụng làm cơ sở phụ của Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Quốc gia là Tây quán - tòa nhà phía Tây của điện Seokjo, được thiết kế bởi một kiến trúc sư người Nhật và xây mới vào năm 1938. Đây là tòa nhà đầu tiên ở Hàn Quốc được xây dựng với mục đích dùng làm phòng trưng bày nghệ thuật ngay từ đầu và có tên gọi là “Phòng trưng bày nghệ thuật Hoàng gia họ Lý (Lý Vương gia)” vào thời điểm xây dựng. Tại đây chủ yếu trưng bày các tác phẩm nghệ thuật cận đại.

Mặt khác, cơ sở Seoul nằm ở khu vực trung tâm của Seoul lại được khai trương tương đối gần đây vào năm 2013. Được thiết kế bởi Mihn Hyun-jun, giáo sư Khoa Kiến trúc của Đại học Hongik, tòa nhà nằm ngay bên cạnh cung Gyeongbok (Cảnh Phúc), cung điện hoàng gia triều đại Joseon, và xung quanh cũng có nhiều di tích lịch sử khác. Do bị giới hạn chiều cao công trình ở khu trung tâm nên không gian triển lãm được đặt dưới lòng đất và tuy bề ngoài không hoa lệ nhưng tòa nhà lại có đủ các cơ sở vật chất hiện đại nhất. Tại đây có các không gian triển lãm với quy mô và chức năng khác nhau như phòng triển lãm theo dự án, rạp chiếu phim và cửa hàng nghệ thuật... Nơi đây chủ yếu trưng bày các tác phẩm nghệ thuật đương đại của các nghệ sĩ đang hoạt động sôi nổi trong và ngoài nước.

Cơ sở ở Gwacheon của bảo tàng này cách trung tâm thành phố Seoul một giờ đi tàu điện ngầm là một phòng trưng bày nghệ thuật thân thiện với thiên nhiên. Đặc biệt, nó nổi tiếng với “The More, The Better” (tạm dịch “Càng nhiều càng tốt”, 1986-1988) - tác phẩm tiêu biểu của nghệ sĩ truyền thông Paik Nam-june được lắp đặt ở sảnh chính. Khu vực ngoài trời của bảo tàng là một công viên điêu khắc được bao quanh bởi khu rừng rậm rạp. Vườn bách thú và công viên giải trí rộng lớn nằm ngay cạnh bảo tàng nên có rất nhiều gia đình đến tham quan. Cuối cùng, cở sở tại Cheongju có chức năng lưu trữ và quản lý các bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Quốc gia, một phần trong số đó được trưng bày cho công chúng thưởng lãm tại một không gian trưng bày nghệ thuật mở được cải tạo từ một nhà máy sản xuất thuốc lá.

Đây là hình ảnh Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Quốc gia tại Seoul được thiết kế bởi kiến trúc sư Mihn Hyun-jun và mở cửa vào năm 2013. Tòa nhà khá thấp này không làm tổn hại đến cảnh quan xung quanh với sân khắp nơi giúp ta cảm nhận được không gian mở. Ở phía xa đằng sau có thể nhìn thấy một phần của Jongchinbu (Tông Thân Phủ), nơi xử lý các công việc của thân tộc hoàng gia thời Joseon.
(Cung cấp bởi Openbooks, ảnh bởi Fernando Gera)

Đây là hình ảnh Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Quốc gia tại Seoul được thiết kế bởi kiến trúc sư Mihn Hyun-jun và mở cửa vào năm 2013. Tòa nhà khá thấp này không làm tổn hại đến cảnh quan xung quanh với sân khắp nơi giúp ta cảm nhận được không gian mở. Ở phía xa đằng sau có thể nhìn thấy một phần của Jongchinbu (Tông Thân Phủ), nơi xử lý các công việc của thân tộc hoàng gia thời Joseon.
(Cung cấp bởi Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Quốc gia Hàn Quốc, ảnh bởi Namgoong Sun)

Bảo tàng Nghệ thuật Leeum bao gồm ba tòa nhà được thiết kế bởi các kiến trúc sư nổi tiếng thế giới Mario Botta, Jean Nouvel và Rem Koolhaas. Trong ảnh là phòng triển lãm nghệ thuật cổ đại M1 do Mario Botta thiết kế trên cơ sở hình tượng hóa vẻ đẹp của gốm Hàn Quốc.
Ⓒ Bảo tàng Nghệ thuật Leeum

Cửa hàng Leeum nằm ngay ở sảnh Phòng Trưng bày Nghệ thuật Leeum mới mở cửa trở lại vào năm 2021 sau quá trình sửa chữa. Sau khi mở cửa trở lại, nơi đây được chuyển thành cửa hàng theo chủ đề thủ công mỹ nghệ, bán các tác phẩm của nghệ nhân thủ công Hàn Quốc.
Ⓒ Bảo tàng Nghệ thuật Leeum


Thiết kế của các kiến trúc sư nổi tiếng thế giới
Bảo tàng Nghệ thuật Leeum mở cửa vào năm 2004 là bảo tàng mỹ thuật tư nhân tiêu biểu của Hàn Quốc. Nằm trong khu dân cư cao cấp ở phường Hannam, Seoul, địa chỉ này là sự kết hợp của bảo tàng và phòng trưng bày nghệ thuật, nơi chúng ta có thể cùng lúc chiêm ngưỡng các di sản văn hóa quốc gia và các tác phẩm nghệ thuật hiện đại bậc nhất.

Là nơi trưng bày những bộ sưu tập hàng đầu Hàn Quốc, Bảo tàng Nghệ thuật Leeum cũng được đánh giá là công trình kiến trúc đẹp nhất. Nó bao gồm ba tòa nhà được thiết kế bởi ba kiến trúc sư nổi tiếng thế giới, mỗi tòa nhà thể hiện một cá tính khác nhau và cho thấy giá trị kiến trúc của bảo tàng. Cũng có một số người ví nơi này như món cơm trộn bibimbap, vì các tòa nhà mang những nét đặc sắc khác biệt hòa quyện vào nhau như món bibimbap với các nguyên liệu mang hương vị khác nhau được trộn lẫn.

Bảo tàng M1 là nơi trưng bày các tác phẩm mỹ thuật cổ, được thiết kế bởi kiến trúc sư người Thụy Sĩ Mario Botta - người đã thiết kế Tháp Kyobo ở Gangnam và Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại San Francisco (SF MOMA) ở San Francisco, Hoa Kỳ. Bảo tàng M2 là nơi trưng bày bộ sưu tập nghệ thuật đương đại của Leeum do kiến trúc sư người Pháp Jean Nouvel thiết kế. Các công trình tiêu biểu của ông bao gồm Trung tâm Văn hóa Ả Rập ở Paris, Bảo tàng Quốc gia Qatar và Louvre Abu Dhabi... Phòng triển lãm theo dự án còn được gọi là Black Box (Hộp Đen) do kiến trúc sư người Hà Lan Rem Koolhaas - người hiện được biết đến là một trong những kiến trúc sư nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất trên thế giới - thiết kế. Ông đã để lại nhiều công trình kiến trúc đặc sắc ở nhiều thành phố trên toàn thế giới như trụ sở chính Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV). Tại Hàn Quốc, Bảo tàng Nghệ thuật Đại học Quốc gia Seoul (MOA) tại Đại học Quốc gia Seoul cũng là công trình của ông.

Ngoài ra còn có rất nhiều phòng trưng bày nghệ thuật đáng chú ý về kiến trúc ở Seoul. Dongdaemun Design Plaza - biểu tượng của Seoul - là một trong số đó, đến mức nhiều người nghiên cứu về kiến trúc từ khắp nơi trên thế giới đến Seoul để xem địa điểm này. Zaha Hadid, kiến trúc sư quá cố người Iraq (mất năm 2016) đã thiết kế công trình này. Bề ngoài của công trình vô cùng ấn tượng vì được xử lý bằng những đường cong mềm mại và không có bất cứ đường thẳng nào. Không giống với những công trình kiến trúc thường thấy, tòa nhà này không có mặt chính và cũng không thể đếm được số tầng, vì vậy có nhận xét cho rằng hình dáng tòa nhà giống con tàu vũ trụ trong phim không tưởng. Tòa nhà cũng thường được so sánh với những tòa nhà cao tầng chọc trời xung quanh vì thiết kế trải rộng đều sang hai bên. Mặc dù không phải là bảo tàng hay phòng trưng bày nghệ thuật chính thức, nhưng đây là một không gian văn hóa phức hợp, thường xuyên tổ chức các sự kiện đa dạng như trình diễn thời trang...

Trong khi đó, thành phố Paju thuộc tỉnh Gyeonggi nằm ở phía tây bắc của Seoul là một đô thị đặc biệt tập trung các khu xuất bản. Ở đây có Bảo tàng Nghệ thuật Mimesis quản lý bởi một nhà xuất bản chuyên về mỹ thuật do kiến trúc sư người Bồ Đào Nha Álvaro Siza thiết kế. Bên ngoài bảo tàng được sơn màu trắng và hoàn thiện với những đường cong mềm mại như từng làn sóng xô khiến nó có thể dễ dàng được nhận ra ngay từ xa. Đúng chất của một bảo tàng mỹ thuật do nhà xuất bản quản lý, ở tầng một là hiệu sách và các không gian triển lãm quy mô khác nhau trong một khối tổng thể.

Dongdaemun Design Plaza do kiến trúc sư người Iraq Zaha Hadid thiết kế được biết đến rộng rãi đến mức những nhà nghiên cứu kiến trúc từ khắp nơi trên thế giới đến Seoul để tham quan. Đây là một không gian văn hóa phức hợp tổ chức nhiều sự kiện đa dạng như thời trang, thiết kế và triển lãm mỹ thuật.
Ⓒ TongRo Images

Phòng trưng bày nghệ thuật trong lòng phong cảnh
Bảo tàng SAN nằm trong Khu nghỉ dưỡng Thung lũng Oak thuộc thành phố Wonju, tỉnh Gangwon do Tadao Ando phụ trách phần kiến trúc và mở cửa vào tháng 5 năm 2013. Bảo tàng đặc biệt nổi tiếng hơn vì được xây dựng để trưng bày các tác phẩm của nghệ sĩ sắp đặt James Turrell, người được biết đến như một nghệ sĩ của ánh sáng và không gian. Đây là không gian văn hóa nghệ thuật tổng hợp quy mô lớn với tổng chiều dài di chuyển để thưởng lãm hơn 2 km. Vào năm 2014, tờ Financial Times của Anh đã trích lời Tadao Ando giới thiệu đó là “một bảo tàng trong mơ không nơi đâu có” (“I wanted to create a garden museum in the sky, a dreamlike museum like no other”). Năm 2016, tạp chí nghệ thuật Singapore “The Artling” đã giới thiệu đây là một “bảo tàng ở châu Á bạn phải đến trước khi chết”. Ẩn mình trong núi, bảo tàng giữ nguyên vẹn cảnh quan xung quanh và có cấu trúc gồm các tòa nhà nối tiếp nhau dọc theo một con đường nhỏ dài 700m từ lối vào đến James Turrell Hall. Nơi này mang đến cho bạn trải nghiệm cùng lúc cả mỹ thuật hiện đại và kiến trúc hiện đại.

Ngôi nhà của Lee Ung-no (Memorial Hall of the House of Goam Lee Ung-no) là một phòng trưng bày nghệ thuật nhỏ được xây dựng vào năm 2011 ở Hongseong - ngôi làng nơi Lee Ung-no sinh ra và lớn lên - nhằm tưởng nhớ các nhà nghệ thuật đã để lại dấu ấn trong lịch sử mỹ thuật Hàn Quốc. Lee Ung-no (1904-1989) là một họa sĩ theo phong cách nghệ thuật truyền thống. Từng có cuộc sống ổn định của một giáo sư trường đại học mỹ thuật từ khi còn trẻ, nhưng ở tuổi 50, ông đã có một sự thử sức mới. Ông từ bỏ sự nghiệp huy hoàng của mình ở quê nhà và chuyển đến Paris, Pháp, nơi không có bất kỳ mối liên hệ nào. Tại đây, ông đã nhận được sự chú ý của giới nghệ thuật châu Âu với phong cách hội họa giao thoa giữa nghệ thuật phương Đông và phương Tây độc đáo như loạt tác phẩm “Chữ viết trừu tượng” (Abstract Letter) và “Đám đông” (Crowd).

Ngôi nhà tưởng niệm này do kiến trúc sư lão thành người Hàn Quốc Joh Sung-yong thiết kế, giản dị và thanh tao như các tác phẩm của Lee Ung-no với thiên nhiên và con người kết hợp hài hòa. Ngôi nhà của Lee Ung-no có hồ sen hoa nở và cảnh quan sân vườn trước đẹp không kém tòa nhà chính của bảo tàng. Đây là nơi bạn có thể trải nghiệm khung cảnh sinh thái và thân thiện với thiên nhiên, điều không thể cảm nhận được tại các bảo tàng mỹ thuật khổng lồ với quy mô hoành tráng. Các công trình tiêu biểu khác của Jo Sung-yong bao gồm Phòng trưng bày Nghệ thuật Uijae ở Gwangju, Phòng trưng bày Nghệ thuật Soma ở công viên Olympic Seoul và công viên Seonyudo trên sông Hán.

Trong số đó, Phòng trưng bày Nghệ thuật Uijae được xây dựng dưới chân núi Mudeung ở Gwangju vào năm 2001 để tưởng nhớ tinh thần và thành tựu nghệ thuật của Heo Baek-ryeon (1891-1977). Heo Baek-ryeon kế thừa kỹ thuật và tinh thần của hội họa truyền thống, khác với những nghệ sĩ trẻ nổi bật cùng thế hệ với ông hoạt động tại Seoul và theo đuổi phong cách hội họa hiện đại. Không chỉ là một họa sĩ, ông còn thành lập trường kỹ thuật nông nghiệp và có nhiều hoạt động đa dạng như chăm sóc vườn chè. Hòa mình vào cảnh quan nhờ giữ nguyên điều kiện địa hình của con đường mòn leo núi Mudeung, phòng trưng bày nghệ thuật này được đánh giá giống như một bức thủy mặc. Vào năm 2013, núi Mudeung được nâng hạng lên thành công viên quốc gia khiến nơi đây trở thành phòng trưng bày nghệ thuật tư nhân duy nhất nằm trong vườn quốc gia.

Toàn cảnh của tòa nhà James Turrell ở Bảo tàng SAN. Ẩn mình sâu trong những ngọn núi ở Wonju thuộc tỉnh Gangwon, bảo tàng này được kiến trúc sư người Nhật Bản Tadao Ando thiết kế và mở cửa vào tháng 5 năm 2013.
Ⓒ Bảo tàng SAN

Tòa nhà chính của Bảo tàng SAN là tòa nhà chứa đựng triết lý của kiến trúc sư muốn kết nối trái đất, bầu trời và con người làm một. Khu vườn Nước hướng dẫn du khách đến lối vào của tòa nhà chính tạo ra ảo giác bảo tàng đang nổi trên mặt nước.
Ⓒ Bảo tàng SAN

Lee Jun-heeGiáo sư Khoa Mỹ thuật Hiện đại, Trường Đại học Konkuk
Dịch. Nguyễn Thị Phương Mai

전체메뉴

전체메뉴 닫기