메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

2022 SUMMER

TIẾNG ĐỘNG CƠ RỀN VANG

Đảo Geoje nằm ở phía Nam bán đảo Triều Tiên là hòn đảo lớn thứ hai ở Hàn Quốc chỉ sau đảo Jeju. Đây là nơi lưu lại nguyên vẹn những dấu ấn lịch sử đau thương của cuộc chiến tranh Nhâm Thìn hay chiến tranh Triều Tiên đồng thời đây cũng là nơi ôm trọn trong mình phong cảnh với bờ biển vô cùng tươi đẹp cùng những người nghệ sĩ tài ba của thời đại.

© GEOJE CITY

Mùa xuân năm ngoái, trái tim vốn đóng băng suốt mùa đông của tôi đã tự tan chảy khi nghe dự báo thời tiết rằng hoa anh đào đang nở rộ ở phía Nam. Và con đường ven biển nào đó ở đảo Geoje thẳm sâu trong ký ức tôi lại hiện lên rõ mồn một. Nếu bỏ lỡ thời điểm này, tôi sẽ chẳng thể thấy được những vòm hoa nở rực rỡ đổ bóng trên mặt đất thành những chùm bóng râm lung linh. Nghĩ thế nên tôi vội vàng thu xếp hành lý và lên xe trước khi mặt trời mọc. Thiết bị định vị thông báo sẽ mất khoảng bốn tiếng rưỡi để đi từ Seoul đến đảo Geoje nhưng nếu tôi đi thong thả sáu tiếng chắc có lẽ là đủ. Thật may vì tôi đã chọn đủ nhạc hay để nghe ở trong xe. “Gran Torino” là một ca khúc mà tôi đặc biệt yêu thích trong danh sách nhạc của mình. Nội dung của ca khúc nói về việc lái chiếc xe Gran Torino, một dòng xe “cơ bắp” cũ kỹ nhưng vẫn rất tuyệt vời để xoa dịu tâm trạng mệt mỏi và cô đơn.

Engines hum and bitter dreams grow
Heart locked in a Gran Torino
It beats a lonely rhythm all night long”

Tạm dịch:
(Độngcơ rền vang và những ký ức đau buồn lại hiện lên
Trái tim tôi bị nhốt trong chiếc Gran Torino
Nó đập những nhịp cô đơn suốt đêm dài)

Bài hát là một trong những ca khúc được sử dụng trong bộ phim cùng tên. Khi nghe nó, tôi có cảm giác chiếc xe của mình như một chiếc Gran Torino giúp vỗ về an ủi tâm hồn tôi vậy.
Trong bộ phim, nhân vật Walt Kowalski do diễn viên Clint Eastwood thủ vai là một cựu chiến binh trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Ông ấy là một người bảo thủ và độc đoán, bởi những tổn thương tinh thần gây ra sau khi trở về từ chiến tranh, ông ấy đã không thể gần gũi với mọi người. Liệu ông ấy có biết đảo Geoje không nhỉ?


 

Cầu Geoga được xây dựng đã thu hẹp khoảng cách giữa Busan và Geoje từ 140km xuống còn 60km, thời gian di chuyển vốn dĩ là 2 giờ 30 phút đã được rút ngắn đáng kể xuống chỉ còn 30 - 40 phút.
© gettyimagesKOREA

Công viên di tích trại tù binh
Đảo Geoje nằm ở phía đông của thành phố Busan và phía tây của thành phố Tongyeong. Mặc dù là một hòn đảo nhưng từ xưa người ta đã không cần đi thuyền mà vẫn có thể đến được nơi này, bởi ở phía tây thành phố Tongyeong có cây cầu Geoje được khánh thành vào năm 1971 và song song đó cây cầu mới Geoje cũng được đưa vào sử dụng năm 1999. Năm 2010, cầu Geoga được hoàn thành tạo thành một con đường bộ nối đến Busan.

Eo biển chỗ hai cây cầu nối đảo Geoje với thành phố Tongyeong nổi tiếng có những dòng nước chảy xiết do thủy lưu hẹp lại có nhiều đá ngầm. Trong cuộc chiến tranh Nhâm Thìn (còn gọi là chiến tranh Nhật Bản - Triều Tiên - chú thích của người dịch) năm 1952, tướng quân Yi Sun-shin (Lý Thuấn Thần, 1545-1598) đã dụ tàu địch đến đây và và dàn một trận pháp hình cánh hạc ở ngoài khơi đảo Hansan nhằm tiêu diệt toàn bộ quân địch. Đây là trận chiến đảo Hansan, một trong ba thắng lợi vĩ đại của cuộc chiến tranh Nhâm Thìn. Thế nhưng cuộc chiến cho dù có vang dội đến đâu thì rốt cuộc cũng vẫn chỉ là chiến tranh thôi. Do đó, nhắc đến lịch sử chiến tranh được ghi dấu trên đảo Geoje thì chúng ta không thể bỏ qua việc xây dựng và vận hành một trại tù binh quy mô lớn trong chiến tranh Triều Tiên.

Tháng 9 năm 1950, quân đội Liên hợp quốc dưới sự chỉ huy của tướng Douglas MacArthur đã đổ bộ vào Incheon để tiêu diệt lực lượng quân đội Triều Tiên đang tiến về phía nam. Với thành công của chiến dịch này, thế trận đã bị đảo ngược và ngay sau đó đã xuất hiện một số lượng lớn các tù binh. Và để giam giữ họ, một trại tù binh đã được xây dựng trên khu đất rộng 12 triệu mét vuông, tập trung ở khu vực Gohyeon và Suwol thuộc đảo Geoje. Vào tháng 2 năm 1951, trại tù binh này đi vào hoạt động và tiến hành giam giữ 150.000 lính Triều Tiên, 20.000 lính Trung Quốc, 3.000 quân tình nguyện trong đó có khoảng 300 người là tù nhân nữ.

Những tư liệu và bản ghi sống động về đời sống sinh hoạt của tù binh, doanh trại, trang phục… chính là chất liệu biến Công viên Lịch sử của Trại giam Geoje thành địa điểm lý tưởng để giáo dục về lịch sử chiến tranh, đồng thời cũng là địa điểm du lịch nổi tiếng.

Lấy bối cảnh là chiến tranh Triều Tiên năm 1951, bộ phim “Nhóm nhảy nhà tù” khắc họa câu chuyện về một nhóm nhảy được tập hợp bởi các tù binh tại trại giam Geoje - nhà tù có quy mô lớn nhất lúc bấy giờ.
© NEW

Ngay khi bước vào công viên di tích trại tù binh Geoje, chúng ta sẽ nhìn thấy Công ước Geneva. Đây là công ước quốc tế đặt ra các tiêu chuẩn về đối xử nhân đạo trong chiến tranh. Đặc biệt công ước Geneva thứ 4 được thông qua vào năm 1949 liên quan sâu sắc đến nhân quyền của các tù nhân. Công ước này được áp dụng lần đầu tiên là trong chiến tranh Triều Tiên. Tại phòng trưng bày nằm ở lối vào của công viên di tích, có nhiều cảnh tượng cho thấy các trại tù binh đã nỗ lực vì nhân quyền của các tù nhân. Đặc biệt, người ta nói rằng việc phân phát thức ăn trong trại tốt hơn nhiều khi so với thực trạng cung cấp thức ăn cho những binh sĩ ngoài chiến tuyến. Tuy nhiên, cho dù các tù nhân được chăm sóc tốt đến thế nào thì một điều rõ ràng rằng họ vẫn đang ở trong cuộc chiến tranh. Họ bị cô lập trên một hòn đảo, nơi mà không biết cách quê hương họ bao xa, và trải qua những ngày tháng bị cưỡng bức lao động trong sự kiểm soát nghiêm ngặt. Đôi khi họ còn bị ép buộc thể hiện một hình ảnh vui vẻ, hoà bình nhằm mục đích tuyên truyền đối ngoại.

Sau khi xem được những hình ảnh các tù nhân của trại tù binh Geoje nhảy điệu square dance (điệu nhảy có bốn đôi cùng nhảy ở bốn phía, mặt hướng về phía trong lúc bắt đầu - chú thích của người dịch), tiểu thuyết gia Choi Su-chol đã viết nên tác phẩm “Điệu nhảy của tù binh” (2016). Đạo diễn Kim Tae-hyung cùng một chất liệu đã mang lên sân khấu vở nhạc kịch “Rho Kisoo” (2015). Và đạo diễn phim điện ảnh Kang Hyoung-chul đã chuyển thể vở nhạc kịch này thành phim “Swing Kids” (Nhóm nhảy nhà tù) (2018). Liệu những người cộng sản bị bắt trong chiến tranh có tự nguyện luyện tập và biểu diễn điệu nhảy dân tộc của nước thù địch hay không? Trong một bức ảnh do Werner Bischof thuộc nhóm nhiếp ảnh báo chí tự do Magnum nổi tiếng trên thế giới chụp năm 1952, các tù nhân đang đeo những chiếc mặt nạ lớn vô cùng kỳ dị và nhảy múa xung quanh thao trường. Phải chăng họ có ý muốn che giấu rằng bản thân đã học điệu nhảy của kẻ thù? Hẳn là họ đang bị những người bạn tù cộng sản bạo hành, chỉ chờ đến ngày được hồi hương. Mà cho dù ngay lúc ấy họ không gặp nguy hiểm gì nhưng nếu bức ảnh bị lan truyền ra ngoài thì rất có thể người thân của họ ở quê nhà sẽ gặp nguy hiểm. Những suy đoán này chúng ta có thể tìm thấy trong các tác phẩm “Điệu nhảy của tù binh”, “Rho Kisoo” và “Swing Kids”. Câu hỏi đặt ra là chúng ta có thể làm gì hơn nữa với những kẻ đã từng chĩa đầu súng về phía mình và làm thế nào để kiểm soát và cảm hóa họ? Đây là một vấn đề khá nhạy cảm và tôi cũng chẳng biết nói gì khác vì thế hệ tôi chưa từng trải qua chiến tranh. Tôi chỉ biết ước mong rằng chiến tranh hay bất kì mối đe dọa và bạo lực tương tự sẽ không tồn tại trên trái đất này.

Khác với những bờ biển đầy cát, tại đảo Geoje, nhiều bãi tắm được bao phủ bởi vô số các viên sỏi y hệt như những hạt ngọc trai đen. Thủy triều xuống, nước biển rút ào ạt len lỏi vào giữa những khe đá tạo nên những tiếng “lộc bộc”. Âm thanh độc đáo này được lựa chọn là một trong 100 âm thanh tự nhiên của Hàn Quốc.
© gettyimagesKOREA

Lần này tôi đã tới đảo Chilcheon, nơi duy nhất ghi lại dấu ấn thất bại của Hàn Quốc trong rất nhiều trận hải chiến của cuộc chiến tranh Nhâm Thìn. Đứng trong sân nhà tưởng niệm, tôi nhìn dòng nước và đôi lúc vài lần chợt thở dài. Cách nơi đây khoảng 20 phút lái xe là Okpo. Đó là nơi mà thủy quân Joseon của tướng quân Yi Sun-shin lần đầu tiên chiến đấu và đã chiến thắng quân Nhật Bản. “Gran Torino” của tôi đã dẫn tôi đi theo những vết tích của cuộc chiến tranh.

 

Haegeumgang nối liền hai hòn đảo lớn thuộc công viên hải dương quốc gia Hallyeohaesang. Mặt trời mọc trên đá sư tử Haegeumgang là tuyệt cảnh mỗi năm chỉ có thể quan sát vào tháng 3 và tháng 10.
© gettyimagesKOREA

Bãi biển Mongdol
Ở Geoje có rất nhiều bãi biển được tạo nên bởi những hòn sỏi nhỏ (được gọi là mongdol). Bãi biển Hakdong Heukjinju Mongdol (Hòn sỏi nhỏ Ngọc trai đen Hakdong) ở phía đông nam là một trong số đó, hằng năm thu hút rất nhiều khách du lịch. Theo dòng chảy của thời gian, những ghềnh đá nơi đây bị sóng đánh tan vỡ thành những viên đá, rồi những viên đá mòn dần mòn dần trở thành những hòn sỏi tròn lẳn to như nắm tay. Nghĩ đến quãng thời gian dài đó, khi tảng đá to mòn dần thành những hòn sỏi tròn lẳn kia tôi lại thấy cuộc đời mình chỉ như một khoảnh khắc. Và chiến tranh cũng là những gì xảy ra trong khoảnh khắc đó.

Ở nơi từng con sóng đánh vào bờ dữ dội, những viên sỏi đen bóng như những viên ngọc trai đen lấp lánh dưới ánh mặt trời. Sỏi bao phủ khắp bãi biển, chúng va đập vào nhau và tạo ra âm thanh ồn ào mỗi khi có sóng đánh qua. Điều này có nghĩa rằng sức mạnh dữ dội của sóng biển đã được phân tán. Khác với những bãi biển đầy cát, những viên sỏi này có chức năng bảo vệ người dân sống ven biển.

Người ta lưu truyền một câu chuyện nhỏ về bãi biển này. Một ngày nọ, sau khi một cơn sóng dữ đánh vào bờ, tất cả sỏi trên bãi biển biết mất, chỉ còn lại cát thôi. Người dân vô cùng sợ hãi trước hiện tượng kỳ lạ này, nhưng ngay hôm sau những viên sỏi xuất hiện trở lại cứ như không có gì. Tôi cảm nhận được từ câu chuyện này tình cảm trân quý của người dân nơi đây dành cho những viên sỏi. Họ nỗ lực bằng nhiều cách để ngăn chặn việc khách du lịch bỏ túi một, hai viên sỏi làm kỷ niệm, trong đó có cách ghi lại một câu chuyện lên bảng hướng dẫn đặt ở các bãi biển Mongdol.

Năm 2018, một bưu kiện được chuyển đến văn phòng phía đông của công viên quốc gia Hallyeohaesang thuộc Cơ quan Quản lý Công viên Quốc gia Hàn Quốc. Bên trong có hai viên sỏi và một bức thư. Một cô bé đến từ Mỹ đã mang viên sỏi này về để làm kỉ niệm và sau khi nghe mẹ giải thích, cô đã rất hối hận và quyết định gửi trả lại. Bức thư thể hiện sự chân thành của một cô bé chẳng phải sẽ lay động trái tim du khách một cách thuyết phục hơn nhiều so với tấm biển cảnh báo rằng sẽ bị phạt tiền cho những hành động này hay sao?

Tôi nhìn quanh bãi biển và quyết định lên thuyền ra biển để ngắm Haegeumgang. Đây là một hòn đảo nằm sừng sững trên biển và đã sớm được công nhận là Di sản văn hóa quốc gia số 2 vào năm 1971. Trong số 129 danh lam thắng cảnh được nhà nước công nhận, chỉ có 15 danh thắng thuộc loại hình đảo và bờ biển, và hai trong số đó tập trung ở khu vực Geoje thuộc công viên quốc gia Hallyeohaesang. Đây chính là minh chứng cho thấy cảnh biển nơi đây tuyệt vời đến mức nào.

 

Họa sĩ tranh phương Tây Yang Dal-seok (1908~1984) đã khai sinh ra nhiều tác phẩm khắc họa được “hồn quê” lại thấm đượm nét bình dị, trong sáng của vùng nông thôn Hàn Quốc. Bởi vậy mà ông được mệnh danh là “họa sĩ của mục đồng và những chú bò”

Nhà tưởng niệm Cheongma được xây dựng tại nơi sinh của nhà thơ Yu Chi-hwan nhằm tôn vinh ông - cây đại thụ của lịch sử văn học cận đại Hàn Quốc. Nơi đây lưu giữ những ghi chép về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của ông với bút danh Cheongma, nghĩa là "con ngựa xanh".

Geoje - nơi đã sinh ra những nghệ sĩ
Với sự hùng vĩ của Haegeumgang khắc sâu trong tim, tôi quay trở lại bến cảng và lại một lần nữa lên đường. Tôi phải đi gặp Yang Dal-seok (1908-1984), một trong những nhà mỹ thuật theo phong cách phương Tây thế hệ đầu tiên ở Hàn Quốc và Yoo Chi-hwan (1908-1967), một tên tuổi lớn trong làng thơ ca Hàn Quốc. Liệu có phải sau khi mất, hai nghệ sĩ này đã trở thành một trong những mỏm đá cao chót vót của Haegeumgang kia chăng?

Nơi đầu tiên tôi đến là làng Seongnae, nơi tác giả Yang Dal-seok được sinh ra và trải qua thời thơ ấu của mình. Những bức tranh bích họa dựa trên tác phẩm của ông được vẽ khắp nơi trong làng làm cho tôi cảm thấy như mình đang bước trong tập tranh. Ở đây còn có rất nhiều bức tranh vẽ trẻ chăn bò. Có những đứa đang hồn nhiên chạy nhảy, quần tụt hẳn xuống, lộ cả mông. Có những đứa đang trồng cây chuối, còn vài đứa khác thì cúi xuống nhìn thế giới qua hai chân. Hành động và biểu cảm của chúng thật là hài hước. Những chú bò uể oải gặm cỏ, sông núi trong xanh, vạn vật thật yên bình. Làm sao mà thế giới được người họa sĩ vẽ nên lại có thể trữ tình và đẹp thơ mộng đến vậy cơ chứ?

Người ta nói rằng tác giả Yang Dal-seok từ năm lên chín tuổi đã phải đi làm thuê ở nhà người bác và trở nên thân thiết với những chú bò. Có lần ông ấy làm mất bò khi đang dẫn chúng đi ăn cỏ rồi lúc trở về nhà đã bị mắng rất nặng nề. Đêm đó, ông ấy lùng sục khắp ngọn núi để tìm con bò bị mất, cuối cùng khi tìm thấy nó, ông ấy ôm chặt lấy chân con bò và khóc rất lâu. Liệu có phải những ký ức đau buồn ấy đã khiến người nghệ sĩ mơ về một thế giới không còn những lo toan, sợ hãi chăng?

Nhà Tưởng niệm Cheongma là nơi mà tôi có thể gặp một nghệ sĩ khác sinh ra ở Geoje, người đã từng mơ về một thế giới Niết Bàn vô cùng đẹp đẽ. Đó là Yoo Chi-hwan, người luôn khơi dậy và nuôi dưỡng ý chí của mình bất chấp hoàn cảnh khắc nghiệt. Tác phẩm tiêu biểu “Lá cờ” của ông có cụm từ mà bất kỳ người Hàn Quốc nào cũng đã từng nghe ít nhất một lần, đó là cụm từ "tiếng reo hò thầm lặng". Bài thơ miêu tả cảnh lá cờ bay phần phật trong gió, luôn được lấy làm ví dụ để minh họa cho tính nghịch lý trong các tiết văn học. Bài thơ “Geojedo Dundeokgol” ngợi ca Geoje được khắc trên tấm bia đặt trong sân của nhà tưởng niệm. Bài thơ vẽ ra hiện thực khắc nghiệt của làng quê một cách chân thực qua mấy dòng thơ. Ở câu thơ cuối ông hứa hẹn “Khi mặt trời mọc, ta cày ruộng, ta sẽ sống nhân từ đến cuối cuộc đời”. Đó không phải là sự thoải mái và khoan dung của một người bình thường. Bút danh của ông là Cheongma, có nghĩa là con ngựa xanh, tôi đã thử tưởng tượng “con ngựa xanh” ấy băng qua những ngọn núi và cánh đồng của hòn đảo này.

Tiếng động cơ rền vang... Tôi ngân nga bài hát như một thói quen và quay trở về nhà. Và tôi đã suy nghĩ. Liệu tôi có thể hứa hẹn điều gì đây? Liệu tôi có được sự thoải mái và khoan dung chỉ bằng một viên sỏi hay không? “Gran Torino” của tôi đã trả lời bằng tiếng động cơ rền vang. Đừng để bị trói buộc mình vào ngay cả những câu hỏi như vậy.

 



Kim Deok-hee Nhà văn
Han Jung-hyunẢnh.
Dịch Phạm Thị Ngọc, Trần Thị Thùy Linh

전체메뉴

전체메뉴 닫기