Sau khi du nhập vào thị trường Anh, Mỹ vào khoảng năm 2000, gần đây nhạc kịch Hàn Quốc có nhiều nỗ lực tập trung vào các quốc gia châu Á và đạt thành công đáng kể. Việc mở rộng nhiều hình thái đa dạng như lưu diễn, hợp tác, liên kết nhạc kịch tác quyền nước ngoài được kỳ vọng là cơ sở để nhạc kịch Hàn Quốc phát triển thành một làn sóng Hallyu khác trong tương lai.
“Hoàng hậu cuối cùng” là vở nhạc kịch nguyên tác quy mô lớn được công diễn vào năm 1995 nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của Hoàng hậu Myeongseong (Minh Thành). Vở nhạc kịch mang tính lịch sử này là tác phẩm nguyên tác đầu tiên của Hàn Quốc được dàn dựng ở nước ngoài. Sân khấu lộng lẫy và trang phục công phu đã làm say lòng khán giả toàn cầu.
ⓒ ACOM
Mặc dù ít nhiều bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài khó lường như khủng hoảng kinh tế và đại dịch COVID-19, nhưng nền công nghiệp nhạc kịch trong nước vẫn không ngừng mở rộng cơ sở nền tảng và bước vào giai đoạn trưởng thành. Tính đến trước đại dịch COVID-19, tổng quy mô thị trường biểu diễn trong nước ước tính vào khoảng 400 tỷ won; phần lớn doanh thu đạt được thuộc lĩnh vực nhạc kịch và hòa nhạc. Đặc biệt, thị trường nhạc kịch ước tính trung bình đạt mức 55-60% tổng thị trường biểu diễn, chiếm 80% tổng doanh thu năm 2021.
Năm 2001, sau khi vở nhạc kịch “Bóng ma trong nhà hát” (The Phantom of the Opera) phiên bản tiếng Hàn đạt thành công chưa từng có, ngành công nghiệp âm nhạc trong nước đạt tăng trưởng ổn định ở mức 15-17% mỗi năm. Gần đây, trước những hạn chế của thị trường nội địa, các doanh nghiệp trong nước đang tích cực tiến ra thị trường nước ngoài như là một giải pháp; trải qua nhiều thử thách, Hàn Quốc đang dần tiến tới bước ngoặt chuyển từ lượng sang chất.
Vươn ra thị trường quốc tế
Vào khoảng năm 2000, vươn ra thị trường quốc tế trở thành chủ đề nóng của ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc. Giai đoạn này trùng với thời điểm nhạc kịch tác quyền manh nha thành một lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa tại thị trường biểu diễn Hàn Quốc. Điều này thúc đẩy nhận thức về sự cần thiết phải tái sản xuất và tối đa hóa giá trị gia tăng của nội dung nhạc kịch.
Trong những ngày đầu du nhập vào thị trường quốc tế, nhạc kịch nguyên tác của Hàn Quốc chủ yếu hướng đến thị trường Anh và Mỹ, cụ thể là những thử nghiệm trong lễ hội biểu diễn tượng trưng cho sân khấu Broadway, West End và Edinburgh. Tiêu biểu có vở nhạc kịch nguyên tác “Hoàng hậu cuối cùng” (The Last Empress) và vở nhạc kịch không lời “Loạn tá liệu” (The Nanta), đây là những tác phẩm trong nước đầu tiên xuất hiện tại sân khấu Broadway và West End.
Đặc biệt, sau khi khuấy đảo phòng vé trong nước, vở nhạc kịch “Hoàng hậu cuối cùng” do ACOM sản xuất và công diễn lần đầu vào năm 1995 đã liên tiếp mở màn tại Nhà hát David H. Koch (tên gọi trước đây là Nhà hát Bang New York) ở Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Lincoln vào năm 1997 và 1998. Năm 2002, vở nhạc kịch được dàn dựng bằng tiếng Anh tại Nhà hát Hammersmith Apollo, ngoại ô London. Tác phẩm này đánh dấu tiềm năng thương mại của nhạc kịch nguyên tác, đồng thời đưa ra những cân nhắc gợi ý khi đưa nhạc kịch thâm nhập vào thị trường quốc tế. Đây là một kích thích lớn đối với giới biểu diễn nghệ thuật, những người mang ước mơ vươn ra thế giới.
Vào thập niên 2010, nhạc kịch Hàn Quốc chuyển hướng sang thị trường châu Á. Việc dịch chuyển mở rộng thị trường sang Nhật Bản và Trung Quốc chính thức bắt đầu trong nửa đầu thập niên. Từ năm 2012, có 40 vở nhạc kịch Hàn Quốc được đưa lên sân khấu Nhật Bản chỉ trong ba năm và Nhật Bản nổi lên là thị trường xuất khẩu chủ đạo cho nội dung nhạc kịch Hàn Quốc. Năm 2013, việc khai trương Nhà hát Nhạc kịch Amuse - nhà hát dành riêng cho nhạc kịch Hàn Quốc ở Tokyo - có tác động không nhỏ đến sự gia tăng của các dự án biểu diễn.
“Đi tìm Kim Jong-wook” là vở nhạc kịch nguyên tác được bán cho Trung Quốc vào năm 2013, tựa đề được đổi thành “Đi tìm mối tình đầu”. Đây là một ví dụ đáng chú ý về việc nhượng quyền biểu diễn tác phẩm Hàn Quốc cho đối tác nước ngoài.
ⓒ CJ ENM
Áp phích cho vở nhạc kịch “Đi tìm mối tình đầu” ở Đài Loan, Nhật Bản và Trung Quốc. (từ trái sang)
ⓒ CJ ENM
Cảnh trong vở nhạc kịch “Đi tìm Kim Jong-wook” do Nhật Bản dàn dựng vào năm 2016.
ⓒ CJ ENM
Ba con đường vươn ra thị trường quốc tế
Nhạc kịch trong nước tiến ra thị trường nước ngoài dưới ba hình thức chính: lưu diễn nhạc kịch nguyên tác, lưu diễn nhạc kịch tác quyền nước ngoài, xuất khẩu bản quyền biểu diễn hoặc liên kết sản xuất nhạc kịch nguyên tác với nhân lực và nguồn vốn của nước ngoài. Những chuyến lưu diễn nhạc kịch nguyên tác sẽ do đội ngũ sản xuất, diễn viên, nhân viên đoàn kịch trực tiếp đến sân khấu nước ngoài để dàn dựng trong một thời gian nhất định, chủ yếu truyền tải nội dung bằng phụ đề tiếng Anh. Lấy cảm hứng từ các bài hát nổi tiếng của nhóm hip-hop DJ DOC gồm ba thành viên ra mắt vào năm 1994, vở nhạc kịch jukebox “Run To You” kể về thanh xuân nuôi mơ ước trở thành ca sĩ của ba người trẻ tuổi đã được khán giả Nhật Bản đón nhận nồng nhiệt qua hai đợt biểu diễn tại Osaka năm 2012 và Tokyo năm 2014.
Với sự ra mắt của vở “Tuyến tàu điện ngầm số 1” vào năm 2001, số lượng buổi lưu diễn nhạc kịch tại Trung Quốc tăng lên mỗi năm. Đặc biệt, nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Hàn-Trung vào năm 2012, vở “Song hoa biệt khúc” đưa câu chuyện của hai thiền sư Wonhyo (Nguyên Hiểu, 617-686) và Uisang (Nghĩa Tương, 625-702) thời Silla lên sân khấu, được mời biểu diễn. Năm 2013, chuyến lưu diễn kết thúc thành công với sự hưởng ứng của đông đảo người dân tại bốn thành phố Thâm Quyến, Hải Nam, Quảng Châu và Bắc Kinh. Để có thể công diễn tại Trung Quốc, tác phẩm trình làng phiên bản được điều chỉnh phù hợp với khán giả địa phương như thêm một số nhân vật không có trong bản nguyên tác, sử dụng nhạc nền là bài hát dân gian truyền thống của Trung Quốc.
Vở “Rimbaud” miêu tả cuộc đời của nhà thơ Pháp, là sản phẩm hợp tác Hàn - Trung được công diễn đồng thời ở cả hai quốc gia vào năm 2018.
ⓒ Live Corp.
Lưu diễn nhạc kịch tác quyền nước ngoài là hình thức thương mại trung gian xuất khẩu các vở nhạc kịch kinh điển được cải biên và diễn đạt lại bằng chất giọng của người Hàn Quốc. Đặc biệt, có nhiều trường hợp kết hợp với quảng bá người nổi tiếng hoặc kết nối với thử nghiệm mới của Hallyu. Những tác phẩm lưu diễn tiêu biểu vào đầu thập niên 2000 tại Nhật Bản gồm “Jack Đồ Tể”, “Ba chàng lính ngự lâm”, “Bác sĩ Jekyll và ông Hyde” và tại Trung Quốc có “Nhà thờ Đức bà Paris”, “Elisabeth”.
Vở nhạc kịch “Đi tìm Kim Jong-wook” (Finding Mr. Destiny) tiến vào thị trường Trung Quốc với tựa đề “Đi tìm mối tình đầu” vào năm 2013 thuộc trường hợp xuất khẩu quyền biểu diễn nhạc kịch nguyên tác. Tác phẩm là vở nhạc kịch nguyên tác đầu tiên được dựng thành phim, được chuyển thể phù hợp với cảm xúc và văn hóa của khán giả Trung Quốc; tác phẩm đã thu hút được một lượng khán giả đáng kể, chứng thực tiềm năng của nhạc kịch sân khấu nhỏ. Sau đó, nhiều tác phẩm khác đã đến Trung Quốc như “Cửa hàng rau của bà cô”, “My Bucket List - Cuối cùng vẫn phải có nhiều tiền”, “Vincent Van Gogh”....
Vở nhạc kịch “Rimbaud” của Live - công ty sản xuất nội dung từng đưa vở “Cửa hàng rau của bà cô” và “My Bucket List - Cuối cùng vẫn phải có nhiều tiền” lên sân khấu Nhật Bản và Trung Quốc - kể về cuộc đời của nhà thơ Pháp Rimbaud, là tác phẩm hợp tác Hàn - Trung và được công diễn đồng thời ở hai quốc gia năm 2018. Chỉ một năm sau, Bắc Kinh tái cấp phép cho vở này trước cả Hàn Quốc. Vở “Thịnh yến của công chúa” cũng là tác phẩm hợp tác Hàn - Trung do Tổng công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển Văn hóa Á Châu Liên Sáng - công ty sản xuất biểu diễn do tập đoàn giải trí Hàn Quốc CJ ENM và Bộ Văn hóa Trung Quốc phối hợp thành lập. Nội dung vở kịch kể về cuộc tranh tài của các đầu bếp đến từ khắp nơi trên thế giới để đánh thức vị giác bị mất của công chúa hoàng gia Trung Quốc. Tác phẩm thể hiện món ăn truyền thống của Trung Quốc qua tiết tấu đặc sắc và âm nhạc hiện đại.
Với câu nói ý nghĩa về cuộc sống, “My Bucket List - Cuối cùng vẫn phải có nhiều tiền” đã chu du khắp 23 thành phố ở Trung Quốc, trở thành vở nhạc kịch nguyên tác của Hàn Quốc có số nơi lưu diễn nhiều nhất tại Trung Quốc.
ⓒ Live Corp.
Tầm nhìn dài hạn
Năm 2019, ngay trước đại dịch COVID-19, nhạc kịch của Hàn Quốc bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các vấn đề chính trị và tình hình quốc tế. Bất kể những khó khăn trên, nhạc kịch Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển thành một lĩnh vực Hallyu mới. Bởi việc kích hoạt chiến lược OSMU (One Source Multi-use, một nguồn nội dung tạo ra nhiều sản phẩm phụ với nhiều hình thức đa dạng nhằm tối đa hóa giá trị gia tăng - chú thích của người dịch) sẽ mở rộng phạm vi sân khấu hóa các tài nguyên Hallyu theo trình tự hiển nhiên đã được kiểm chứng. Điều quan trọng là ai sẽ mở cánh cửa với những hoạt động nào để mang lại sự thay đổi đột phá.
Won Jong-won Giáo sư Trường Đại học Soonchunhyang, Nhà phê bình âm nhạc
Lê Hoàng Bảo Trâm Dịch