메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

2021 WINTER

ĐIỀU PHẢI BẢO VỆ TRÊN CẢ LÝ TƯỞNG

Bộ phim “Thoát khỏi Mogadishu” kể lại một cách sinh động câu chuyện có thật của những nhân viên đại sứ quán hai miềnNam Bắc của bán đảo Triều Tiên cùng nhau sống sót sau cuộc nội chiến ở Somalia 30 năm trước. Chủ nghĩa nhân văn theo cách của đạo diễn Ryoo Seung-wan đã khắc họa sự bất lực của lý tưởng và thể chế trước bản năng sinh tồn.


enter1.jpg

Bộ phim “Thoát khỏi Mogadishu”, phát hành tháng 7 năm 2021, dựa trên một sự kiện có thật nhưng bị bỏ qua - các nhân viên Đại sứ quán Hàn Quốc và Triều Tiên và gia đình của họ cùng nhau trốn chạy khỏi Mogadishu trong cuộc nội chiến Somali năm 1990. Cao trào của phim là khi các bên đối đầu dồn vào bốn chiếc xe và né tránh tiếng súng khi họ chạy qua thủ đô Somali. Phần lớn các cảnh quay không có sự trợ giúp của đồ họa máy tính, được quay ở Essaouria, Maroc, nơi giống Mogadishu.
© Lotte Entertainment

“Có lẽ cũng phải chuẩn bị làm ‘Chiến dịch Phép màu’ thành phim.”

Đó là câu trả lời tôi nhận được kèm với biểu tượng mặt cười sau khi gửi bài báo liên quan đến hoạt động “Chiến dịch Phép màu” mới đây cho đạo diễn Ryoo Seung-wan trong lúc anh đang gấp rút quay bộ phim “Buôn lậu”.

Tháng 8 vừa qua, Kabul trở nên hỗn loạn sau khi Mỹ rút quân và lực lượng Taliban tái chiếm. Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ những người dân thường Afghanistan từng hợp tác với họ cùng gia đình thoát khỏi Kabul. Động thái này đã nhận được nhiều sự ủng hộ bởi nó cho thấy tinh thần đoàn kết và trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế của Hàn Quốc. Khi theo dõi chiến dịch này, tôi bỗng nhớ đến bộ phim “Thoát khỏi Mogadishu” (Escape from Mogadishu; 2021) của đạo diễn Ryoo Seung-wan, một bộ phim đã thu hút 3 triệu khán giả tới rạp ngay cả trong bối cảnh giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19.

Mối duyên như định mệnh
“Phim sẽ bắt đầu bằng hình ảnh một chiếc ô tô lao như bay trên sa mạc để tránh những làn đạn xối xả”. Đó là lời của đạo diễn Ryoo khi tôi gặp anh chớp nhoáng tại buổi họp báo ra mắt bộ phim về thảm họa mang tên “Lối thoát trên không” (EXIT; 2019) do hãng phim Filmmaker R&K mà anh trực thuộc sản xuất hai năm trước. Đó là cũng là lúc anh quyết định sẽ sản xuất bộ phim điện ảnh thứ mười một của mình với tên gọi “Thoát khỏi Mogadishu” sau một khoảng thời gian trăn trở khi kết thúc phim “Đảo địa ngục” (The Battleship Island; 2017).

Đó là thời điểm trước khi quay phim nên dù khá kiệm lời, cuộc đối thoại ngắn ngủi hôm đó cũng giúp tôi có được hai manh mối để hình dung ra bối cảnh và không khí của tác phẩmanh đang phác thảo. Phim dựa trên một câu chuyện có thật và những người Hàn Quốc và Triều Tiên cùng vượt qua những làn đạn dồn dập, chạy trốn trên sa mạc. Tôi đã rất tò mò câu chuyện cụ thể và phải mất hai năm tôi mới có được câu trả lời khi ngồi trên hàng ghế khán giả ở rạp chiếu phim.

“Thoát khỏi Mogadishu” dựa trên một câu chuyện có thật kịch tính hơn cả phim điện ảnh. Ngày 30 tháng 12 năm 1990, các cuộc biểu tình chống lại chế độ độc tài của Tướng Barre ở Mogadishu, thủ đô của Somalia đã dẫn tới đảo chính và nội chiến. Khi đó, các nhân viên của hai đại sứ quán Hàn Quốc và Triều Tiên vốn từng không ngừng công kích và âm thầm hoạt động chống lại nhau, đã cùng hợp sức đào thoát thành công khỏi Mogadishu-nơi cả hai nước đều đặt cơ quan đại diện.

Vậy lý do nào đã khiến đạo diễn Ryoo quyết định phải đưa sự kiện có thể coi là giây phút kịch tính nhất này của lịch sử ngoại giao Hàn Quốc lên màn ảnh rộng? Có lẽ bởi anh đã cảm nhận được sự xúc động nào đó hơn là chỉ đơn thuần hứng thú về một sự kiện khiến các nhà ngoại giao Hàn Quốc và Triều Tiên tại một quốc gia thứ ba ở châu Phi xa xôi bỗng chuyển từ thế đối đầu sang kề vai sát cánh bên nhau cùng vượt qua sinh tử.

Đạo diễn Ryoo tình cờ được nghe về sự kiện xảy ra ở Somalia, quốc gia Đông Phi, vào năm 1991 từ một người em khóa sau đến thăm văn phòng của anh, vừa hay cũng là lúc Dexter Studios, nơi sản xuất loạt phim “Thử thách thần Chết: Giữa hai thế giới” (Along with the Gods: The Two Worlds) đang chuẩn bị đưa sự kiện này vào phim điện ảnh. Khi ấy anh đang làm hậu kỳ cho bộ phim “Chạy đâu cho thoát” (Veteran; 2015).

Vài năm sau đó, Dexter Studios mời anh làm đạo diễn cho bộ phim này. Đạo diễn Ryoo nói: “Tôi đã rất tò mò về câu chuyện có thật này nên đã tìm các nội dung báo chí lúc đó cũng như các tài liệu liên quan để xem. Đó là một câu chuyện rất kịch tính nên tôi nghĩ bất kể là ai được chọn làm đạo diễn phim này, cũng mong sẽ làm thật hay”. Và rồi đạo diễn và phim đã gặp nhau “như định mệnh” như thế.

Điều thu hút anh hơn cả về sự kiện này là “những nhà ngoại giao Hàn Quốc và Triều Tiên cùng chạy trốn khi ấy không phải là lực lượng đặc công hay nhân viên tình báo mà thực sự chỉ là những người dân bình thường”. “Việc những người bình thường phải đối mặt với một tình huống gay cấn, kịch tính khiến tôi cảm thấy hứng thú và nghĩ mình có thể thử một cáchtiếp cận điện ảnh nào đó mới mẻ, khác vớicác bộ phim trước. Đó chính là động lực khiến tôi lay động.” Đạo diễn Ryoo giải thích. Anh đã tìm kiếm lại các thông tin về câu chuyện có thật này và chuyển thể thành phim.

enter2.jpg

Trước khi lực lượng nổi dậy tấn công Mogadishu, các nhà ngoại giao của hai miền Nam Bắc đã không ngừng theo đuổi lá phiếu chấp thuận của Somalia đối với việc gia nhập Liên Hợp Quốc của họ. Mối quan hệ căng thẳng giữa Đại sứ Hàn Quốc do Kim Yoon-seok (trái) thủ vai và người đồng cấp Triều Tiên do Heo Joon-ho thủ vai được khắc họa rất rõ nét.
© Lotte Entertainment

Sự ấm áp trong chiến tranh lạnh
Bộ phim kể về quãng thời gian khoảng một tháng kể từ đầu tháng 12 năm 1990 tới khi cuộc nội chiến bắt đầu vào ngày 30 cùng tháng và kéo dài đến ngày 12 tháng 1 năm 1991, khi các nhà ngoại giao Hàn Quốc và Triều Tiên thoát khỏi Mogadishu. Đạo diễn Ryoo xây dựng mới tuyến nhân vật và tình tiết một cách kịch tính trên quan điểm trung thành với bối cảnh, diễn tiến và kết cục của sự kiện lịch sử. Đó cũng là công việc vất vả nhất của anh khi dựng kịch bản cho bộ phim này.

Đạo diễn Ryoo nhớ lại: “Đó là khoảng thời gian mà tình hình chính trị và xã hội ở Somalia có nhiều thay đổi nhanh chóng, mấu chốt là phải làm thế nào để thể hiện được sự hỗn loạn trong thời khắc này và khắc họa hình ảnh các nhân viên đại sứ quán Hàn Quốc và Triều Tiên cùng nhau trải qua 12 ngày trong tòa nhà của đại sứ quán Hàn Quốc.”

Trong phim, có thể thấy hai cuộc chiến diễn ra đan xen ở nửa đầu và nửa cuối phim. Phong cảnh thủ đô Mogadishu nhìn từ biển vào trên nền nhạc hùng tráng theo phong cách châu Phi – phân cảnh mở đầu chưa từng gặp ở bất kỳ bộ phim Hàn Quốc nào – mở ra cuộc chiến ngoại giao giữa Hàn Quốc và Triều Tiên ở nửa đầu bộ phim.

Đại sứ Hàn Quốc và Triều Tiên cạnh tranh nhau gặp Tổng thống, Bộ trưởng cũng như các quan chức chính phủ Somalia để vận động hành lang một cách quyết liệt. Tuy có câu “Ngoại giao cũng phải giữ phẩm giá như một người phải có nhân cách hay quốc gia phải giữ phẩm cách”, nhưng họ cũng chẳng ngần ngại dùng mưu kế để có thể lấy được lá phiếu ủng hộ của nước thành viên nhằm gia nhập Liên Hợp Quốc. Lúc bây giờ đang vào giai đoạn thoái trào của Chiến tranh lạnh, Triều Tiên chiếm ưu thế về sức ảnh hưởng trên trường quốc tế như lời của đại sứ Triều Tiên trong phim: “đã chuẩn bị nền tảng ở châu Phi trước Hàn Quốc tận 20 năm”. Đại sứ Hàn Quốc hết lần này đến lần khác mắc vào bẫy của đại sứ Triều Tiên khiến mọi việc xôi hỏng bỏng không.

Nửa đầu bộ phim, đạo diễn định hình xây dựng tỉ mỉ các nhân vật chính đồng thời tập trung mô tả diễn tiến nội chiến ở Somalia. Đạo diễn Ryoo đã giải thích ý đồ đó như sau:“Tôi nghĩ rằng để khán giả nhập tâm vào nhân vật và cùng trải nghiệm hoàn cảnh chiến tranh thì ít nhất phim phải thể hiện một cách chân thực quá trình diễn ra cuộc nội chiến. Tôi đã rất hồi hộp cho tới khi bộ phim được công chiếu”. Người làm phim hiểu rất rõ các sự kiện diễn ra trong phim nhưng với khán giả, đó lại là trải nghiệm lần đầu. Tôi lo không thể truyền tải chính xác bối cảnh lịch sử vốn dĩ không thân thuộc với họ. May mắn là hình như khán giả đã hiểu được bối cảnh nội chiến trong phim mà không gặp khó khăn gì.”

Trục vốn nghiêng về phía Triều Tiên dần lấy lại cân bằng từ giữa phim khi phe nổi dậy bắt đầu một cuộc chiến thực sự. Cuộc đảo chính với các vụ đánh bom khủng bố, người dân loạn lạc, quân đội tiến vào Mogadishu và nắm quyền kiểm soát đất nước được miêu tả một cách tỉ mỉ. Và rồi, cuộc chiến ngoại giao giữa Hàn Quốc và Triều Tiên dần chuyển thành kịch bản chạy trốn chạy khỏi Mogadishu.

Đại sứ Hàn Quốc đã nắm những bàn tay đưa lên với lời thỉnh cầu “Hãy giúp đỡ chúng tôi” của nhân viên Đại sứ quán Triều Tiên, và rồi từ đó Nam Bắc cùng nhìn về một hướng. Trong cơn loạn lạc, họ không còn thời gian và tâm trạng để lo lắng mình có thể bị quy là chuyển đổi tư tưởng theo Hàn Quốc hay vi phạm Luật An ninh Quốc gia do tiếp xúc với người Triều Tiên.

Thể loại phim chạy trốn lần này không phải là lần thử sức đầu tiên của đạo diễn Ryoo.Một tác phẩm khác của ông mang tên “Đảo địa ngục” cũng khắc họa cuộc chạy trốn tập thể của những người Triều Tiên bị cưỡng ép lao động ở nửa sau của phim. Tuy nhiên, điểm khác biệt ở đây là nếu như cuộc chạy trốn đó là sản phẩm dựa trên trí tưởng của đạo diễn thì ở “Thoát khỏi Mogadishu” nó được khắc họa dựa trên câu chuyện có thật.

Trước đó, Hollywood cũng có các phim cùng thể loại chạy trốn dựa trên câu chuyện có thật như “Diều hâu gãy cánh” (Black Hawk Down; 2001) với bối cảnh Somalia ở cùng thời kỳ hay phim “Chiến dịch sinh tử” (Argo; 2012)với nội dung kể về đặc vụ CIA của Mỹ xuyên thủng hàng bảo vệ nghiêm ngặt của Iran để giải cứu các nhân viên của đại sứ quán Mỹ. Khác với hai phim mô tả chiến dịch của một quốc gia giải cứu người dân nước mình khỏi khủng hoảng chính trị ở một quốc gia khác kể trên, “Thoát khỏi Mogadishu” kể về câu chuyện những nhà ngoại giao của hai đất nước thù địch trong Chiến tranh Lạnh cùng đoàn kết hợp sức đào thoát khỏi thủ đô của nước sở tại mà không có sự giúp đỡ của chính phủ khi thông tin liên lạc bị cắt đứt, an ninh không được đảm bảo do nội chiến.

Đại sứ Hàn Quốc đã nắm những bàn tay đưa lên với lời thỉnh cầu “Hãy giúp đỡ chúng tôi” của nhân viên Đại sứ quán Triều Tiên, và rồi từ đó Nam Bắc cùng nhìn về một hướng. Trong cơn loạn lạc, họ không còn thời gian và tâm trạng để lo lắng mình có thể bị quy là chuyển đổi tư tưởng theo Hàn Quốc hay vi phạm Luật An ninh Quốc gia do tiếp xúc với người Triều Tiên.



enter3.jpg

Đạo diễn Ryoo Seung-wan đã giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Giải thưởng của Hiệp hội các nhà phê bình phim Hàn Quốc năm 2021 vào ngày 10 tháng 11 với phim “Thoát khỏi Mogadishu”. Cùng ngày, phim cũng nhận được các giải Quay phim xuất sắc nhất, Nhạc phim xuất sắc nhất và Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất. Phim cũng đã được chọn là tác phẩm đại diện Hàn Quốc tranh tài trong hạng mục Phim truyện quốc tế hay nhất tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 94, dự kiến tổ chức vào tháng 3 năm 2022.
© Lotte Entertainment

Chủ nghĩa nhân văn theo phong cách Ryoo Seung-wan
Cảnh hơn 20 nhân viên Đại sứ quán Hàn Quốc và Triều Tiên chia nhau lên bốn chiếc xe, vượt qua những làn đạn dày đặc và bom xăng để chạy trốn tới Đại sứ quán Ý ở nửa sau bộ phim có thể xem là điểm nhấn và cũng là phân đoạn kinh điển phản ánh nguyên vẹn chủ nghĩa nhân văn theo phong cách của đạo diễn Ryoo Seung-wan.

Không giống những chiếc Ford Mustang lao trên đường phố Myeong-dong, Seoul trong bộ phim “Chạy đâu cho thoát” của đạo diễn Ryoo trước đây, những chiếc xe trong phim với “những túi cát và sách treo lủng lẳng” không thể tăng tốc nhưng lại có sức hấp dẫn kỳ lạ. Có lẽ cảm giác hồi hộp thực sự sống động đến từ việc đạo diễn đã khiến cho khán giả có cảm giác như đang cùng nhân vật ngồi trên những chiếc xe đó.

Đạo diễn Ryoo nói: “Với nguyên tắc trung thành với hiện thực, điều tôi trăn trở nhất là không được tạo cảnh choáng ngợp. Để có thể truyền tải cảm giác sợ hãi, bấn loạn của các nhân vật đang lao qua làn đạn xối xả và bom xăng thì thủ pháp nhấn mạnh vào chi tiết gây hồi hộp quan trọng hơn việc tạo ra những hình ảnh choáng ngợp. Do đó, tôi cho máy quay tập trung khắc họa tình huống bên trong xe hơn là hình ảnh bên ngoài. Hơn hết, để khán giả có thể nhập tâm, cảm giác như đang đi trên xe thì phần âm thanh cần phải thể hiện sống động. Đội ngũ âm thanh đã rất vất vả để tạo dựng tiếng xe ô tô và tiếng súng bắn như thật trong phòng thu.”



Phân cảnh ngạt thở khi bốn chiếc xe chở đầy người ì ạch chạy trốn khỏi sự truy kích của quân nổi dậy được máy quay ghi lại một cách ấn tượng mà không hề có những cảnh quay cận nhân vật như thông thường hay nhạc giao hưởng để lấy nước mắt khán giả. Ngoài ra, cảnh những nhân vật hai miền Nam Bắc chào tạm biệt nhau trên chiếc máy bay thoát khỏi Somalia cũng được mô tả một cách cô đọng và chân thực.

Đạo diễn Ryoo nói: “Các diễn viên đã khóc rất nhiều khi quay phân cảnh đó trong máy bay. Vì là phân cảnh sau của bộ phim, nên cảm xúc có lẽ đã được đẩy lên cao trào. Thực tế, họ đã cùng nhau trải qua cảm giác hồi hộp suốt quãng thời gian dài. Để phân cảnh có được sức mạnh như đang tiếp diễn chứ không phải là một câu chuyện đã kết thúc trong quá khứ, tôi thấy để lại chút dư vị cho khán giả quan trọng hơn đem lại cảm giác giải tỏa tâm lý. Mọi người đều hiểutrong tình huống đó phải thể hiện cảm xúc và ý nghĩa gì”.

Trong phân cảnh các nhân viên Đại sứ quán Hàn Quốc và Triều Tiên cùng nhau ăn bữa tối lần đầu tiên ở giữa phim, chi tiết phu nhân đại sứ Triều Tiên dùng đũa của mình để giúp phu nhân đại sứ Hàn Quốc gắp miếng lá vừng khiến người xem nghẹn ngào khi tình đoàn kết vượt lên trên ý thức hệ. Có lẽ cũng vì lý do đó mà cảnh phim này gợi nhớ cảnh các binh sĩ Hàn Quốc và Triều Tiên chia sẻ tình bạn qua chiếc bánh chocopie trong bộ phim “Khu vực an ninh chung JSA” (Joint Security Area; 2000) của đạo diễn Park Chan-wook.

Ý chí phải sống sót là dù trải qua hoàn cảnh tuyệt vọng đến đâu bằng bất cứ giá nào, chủ nghĩa nhân văn coi tính mạng của con người quan trọng hơn cả thể chế và lý tưởng – đây là thông điệp mà đạo diễn Ryoo đã theo đuổi từ cách đây rất lâu.



Kim Seong-hoon Phóng viên Tạp chí CINE21
Dịch. Phạm Hoa Mai

전체메뉴

전체메뉴 닫기