메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

2021 AUTUMN

HANGEUL: Tỏa sáng trong tâm điểm toàn cầu

BIẾN TẤU PHỤ ÂM VÀ NGUYÊN ÂM

Hangeul giờ đây đã vượt ra khỏi phạm vi công cụ giao tiếp và trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo. Nguyên lý cấu tạo chữ Hangeul là chất liệu thiết kế đang được chú ý trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ sản phẩm nội thất, thời trang đến vật dụng hàng ngày. Không chỉ dừng lại ở việc mượn hình dạng kí tự làm hình ảnh, nhiều nhà thiết kế tiếp tục thử sức lồng ghép khái niệm và cấu trúc độc đáo vốn có của chữ viết Hangeul sao cho vừa có tính nghệ thuật, vừa có tính thực tiễn. Bảo tàng Hangeul Quốc gia đi vào hoạt động năm 2014 cùng với Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc ở Yongsan, Seoul đang đóng vai trò chủ đạo trong sự tìm tòi về mặt thiết kế này và tổ chức các cuộc triển lãm chuyên đề đa dạng. Những tác phẩm được giới thiệu tại nơi đây cũng là một phần của quá trình đó. Qua các tác phẩm này, ta có thể thấy được tiềm năng nghệ thuật thị giác chứa đựng trong Hangeul.

fea4_1.jpg

“Sàn nhà Hangeul Maru” (Activity Flooring). Park Chul-hee, Yoo Hye-mi. 2019. Ván ép Nawang. Kích thước 400 × 400 mm.Trong nhà truyền thống Hàn Quốc, maru là khu vực sàn nhà rộng rãi có chức năng kết nối các phòng. Đây cũng là không gian quây quần ăn uống và trò chuyện của các thành viên trong gia đình. Tác phẩm đã gắn kết hình thức cấu trúc và chức năng của maru với nguyên lý tạo hình kết hợp phụ âm và nguyên âm trong ô vuông của Hangeul. Ở mỗi mô-đun, phần ứng dụng phụ âm và nguyên âm được thể hiện bằng thớ gỗ cắt theo chiều dọc, khoảng trống còn lại được thể hiện bằng thớ gỗ cắt theo chiều ngang, sau đó được lắp ráp lại để tạo sự nổi bật, dễ phân biệt về mặt trực quan. Ngoài ra, hoa văn được thiết kế để tạo nên một hình thái hoàn chỉnh như một đường vòng cung hoặc một hình tròn khi kết nối các mô-đun theo dạng bàn cờ vây. Đây là tác phẩm hợp tác giữa nhà thiết kế đồ họa Park Chul-hee và nhà thiết kế đồ gỗ Yoo Hye-mi.

fea4_2.jpg
fea4_3.jpg

“Tủ Hangeul” (Hangeul Cabinet) Ha Ji-hoon. 2016. Gỗ sồi, polycacbonat mạ crom. Trái 1450 × 400 × 370 mm (WDH). Phải 370 × 420 × 1535 mm (WDH). 1050 × 350 × 1420 (WDH).Bản lề kim loại được đính vào để bảo vệ các khớp nối hoặc mép cạnh của đồ nội thất bằng gỗ truyền thống, có tác dụng làm kiên cố các bộ phận đóng mở, ngoài ra còn đóng vai trò trang trí. Trong tác phẩm này, bản lề được tạo hình nguyên âm và phụ âm chữ Hangeul. Các điểm và đường thẳng tạo nên phụ âm và nguyên âm trong tác phẩm vừa mang tính tạo hình, vừa phô diễn khéo léo trật tự và quy tắc đặc trưng của Hangeul. Nhà thiết kế đồ gỗ Ha Ji-hoon đã biến tấu tài tình các mô-típ truyền thống theo phong cách hiện đại.

fea4_4.jpg
fea4_5.jpg

“Tân hiện đại” (Neo Modern). Im Seon-oc. 2019.Trong tác phẩm này, các chữ cái phụ âm Hangeul được thiết kế ở dạng kí tự ba chiều, sau đó được cắt ra và in đồ họa lên vải. Ứng dụng tính mở rộng của việc tạo mới chữ Hangeul như lật ngược chữ cái “ㄱ” sẽ được chữ cái “ㄴ”, đồng thời thêm nét ngang vào chữ “ㄴ” sẽ thành chữ cái “ㄷ” vào thiết kế quần áo cũng là đặc trưng của tác phẩm. Theo đó, cùng một thiết kế có thể biến tấu thành nhiều phong cách đa dạng tùy vào cách kết hợp. Ở thương hiệu do nhà thiết kế thời trang Im Seon-oc trình làng mang tên “PARTsPARTs”, từng bộ phận tồn tại như một đơn vị riêng lẻ, và tác phẩm này cũng nằm trong xu hướng sáng tác trên.

fea4_6.jpg
fea4_7.jpg

“Khung Hangeul” (Hangeul Framework). TIEL. 2019. Phương tiện truyền thông hỗn hợp (Mixed Media), 75~150 mm(W), 50~150 mm(D), 50~150 mm(H).Hangeul được biểu đạt bởi cách viết gộp tổ hợp các đơn vị âm tiết là phụ âm và nguyên âm. Studio Thiết kế TIEL đã sáng tạo ra khối lục giác làm nổi bật đặc điểm cấu trúc có thể kết hợp không giới hạn phụ âm và nguyên âm của Hangeul. Bằng việc sử dụng những vật liệu có màu sắc và đặc tính khác nhau, các tác giả đã giúp người xem cảm nhận sự hài hòa và tương phản khi kết hợp các khối tương ứng với âm đầu, âm giữa và âm cuối của một âm tiết. TIEL là Studio Thiết kế do Lee Joong-han và Charlotte Therre điều hành, chuyên thiết kế theo mô-đun (thiết kế các khối độc lập có thể lắp ráp được - chú thích của người dịch).

fea4_8.jpg

“10 đơn vị Hangeul” (10 Hangeul Unit). Song Bong-kyu. 2016. Nhựa (ABS), gỗ óc chó, nhôm. 180 × 180 × 180 mm (WDH).Tác phẩm khối này đã thể hiện cách viết gộp tổ hợp các đơn vị âm tiết của Hangeul một cách trực quan. Toàn bộ hình khối gồm 10 mô-đun, sử dụng chất liệu khác nhau cho phụ âm và nguyên âm để kích thích giác quan khi diễn đạt đặc tính của chữ viết và được sáng tạo bằng công cụ 3D. Đây là tác phẩm cho phép người xem trải nghiệm nguyên lý tạo hình Hangeul như tham gia một trò chơi. Song Bong-kyu là nhà thiết kế công nghiệp theo đuổi sự cân bằng giữa tính sáng tạo và tính thực tế.

fea4_9.jpg

“Phòng khách phụ âm và nguyên âm Hangeul” (The Living Room of Vowels and Consonants).Park Kil-jong. 2019.Sơn tĩnh điện trên kim loại, bóng đèn, acrylic. Kích thước có thể thay đổi. Ngày nay, bảng chữ cái Hangeul có 24 kí tự gồm 14 phụ âm và 10 nguyên âm, nhưng khi mới ra đời và đưa vào sử dụng vào thế kỷ XV, Hangeul có tổng cộng đến 28 chữ cái. Cảm thấy hứng thú với hình thái 28 kí tự vốn được gọi là “Huấn dân chính âm” lúc bấy giờ, nhà thiết kế Park Kil-jong đã lấy các chữ cái này làm khung cơ bản để sáng tạo nên chiếc ghế, bàn ăn, móc treo quần áo. Ông là nhà thiết kế đồ gỗ nổi tiếng với những sản phẩm chế tác theo yêu cầu vừa thiết thực vừa dí dỏm, hài hước.

fea4_10.jpg

“Tổ hợp phụ âm và nguyên âm Hangeul” (Combination of Vowels and Consonants). Seo Jeong-hwa. 2019. Gỗ sồi, đồng thau, đá bazan, nhựa tổng hợp, acrylic, thủy tinh. (Từ trái sang) ➊ Ghế đẩu 600 × 400 × 600 mm (WDH). ➋ Ghế dài 1800 × 600 × 400mm (WDH). ➌ Đèn nhựa tổng hợp 100 × 300 × 800 mm (WDH). ➍ Đèn đá bazan đen 200 × 500 × 500 mm (WDH). ➎ Đèn thủy tinh dài 200 × 200 × 700 mm (WDH). ➏ Đèn nhựa tổng hợp 1400 × 150 × 400 mm (WDH). ➐ Đèn thủy tinh 200 × 200 × 400 mm (WDH).Đây là tác phẩm kế thừa tinh thần thực tiễn của việc sáng tạo chữ Hangeul là giúp người dân dễ học và sử dụng rộng rãi. Tác giả đã thay đổi kích thước, tỉ lệ, chất liệu của nguyên âm, phụ âm và áp dụng vào nhiều vật dụng gia đình sử dụng hàng ngày như biến tấu nguyên âm thành thân đèn và phụ âm thành bóng đèn trong thiết bị chiếu sáng. Seo Jeong-hwa là nhà thiết kế đồ gỗ, nghiên cứu chuyên sâu về hình thức, cấu trúc và chất liệu của đồ gỗ nội thất.

Kim Min-jung Phóng viên Nguyệt san Thiết kế
Dịch. Phan Như Quỳnh

전체메뉴

전체메뉴 닫기