메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Focus

2016 SUMMER

VĂN HÓA VÀ NGHỆ THUẬT

TIÊU ĐIỂM Cờ vây, Con người và Máy móc

Tháng Ba vừa qua, năm ván đấu giữa kiện tướng cờ vây thế giới Lee Se-dol và chương trình trí tuệ nhân tạo AlphaGo của DeepMind, công ty con của Google, đã thu hút sự quan tâm của toàn thế giới. Cả thế giới hồi hộp theo dõi xem liệu dự đoán cho rằng trí thông minh nhânt ạo (AI) sẽ vượt qua con người có trở thành hiện thực hay không.

Kiện tướng cờ vây cửu đẳng Lee Se-dol (phải) đang thi đấu với AlphaGo, chương trình trí tuệ nhân tạo của Google Deep- Mind. Ngồi đối diện với Lee Sedol là Aja Huang, người lập trình chính của DeepMind và cũng là cờ thủ cờ vây nghiệp dư lục đẳng, đang đi cờ cho AlphaGo. Lee Se-dol bị đánh bại với tỉ số 4:1 sau năm ván đấu.

C uối cùng, trận chiến giữa con người và máy móc, điều mà trước đây chúng ta chỉ thấy trong phim khoa học viễn tưởng, đã hạ màn kết thúc. Trận đấu giữa Lee Se-dol, kì thủ cờ vây cửu đẳng (xếp hạng 4 thế giới), người thực hiện niềm hy vọng của nhân loại, và AlphaGo, trí tuệ nhân tạo chưa từng có đối thủ, là một sự kiện lịch sử trong nền văn minh nhân loại. Thử thách của máy móc trong lĩnh vực cờ vây (hay baduk trong tiếng Hàn), trò chơi mà giá trị cốt lõi của nó là trực giác và sức sáng tạo của con người, là một bước ngoặt mở phương hướng tương lai cho trí tuệ nhân tạo.

Cờ vây, trò chơi có quy tắc đơn giản nhất thế giới
Không có trò chơi nào đơn giản hơn cờ vây. Những trò chơi cờ bàn mà người phương Tây yêu thích như trò chơi backgammon cần có vật dụng đặc biệt đi kèm, cờ tướng hay cờ janggi phương Đông cũng cần nhiều vật đi kèm với hình dạng khác nhau. Tuy nhiên, cờ vây chỉ cần có những viên đá hình tròn màu trắng và đen, bàn cờ được kẻ những đường thẳng ngang dọc. Nếu không có đá, chúng ta có thể thay bằng sỏi hoặc mảnh gỗ nhỏ. Tại một hội thảo ở nước ngoài cách đây không lâu, tôi từng thấy một giáo sư Hàn Quốc chơi cờ vây với một học giả người nước ngoài bằng cách dùng bút chì vẽ hình tròn trên một tờ giấy có kẻ ô vuông để đánh dấu nước đi cờ của họ. Ngoài cờ vây ra, có lẽ không còn trò chơi nào chỉ cần có giấy và bút chì là có thể chơi được. Quy tắc chơi cờ cũng vô cùng đơn giản nên người bình thường chỉ cần 10 phút cũng có thể học được cách chơi. Thật ra, chỉ có một quy tắc cho việc đặt đá lên bàn cờ: bạn không được đặt quân của bạn ngay vào vị trí mà đối phương vừa bắt quân đi.
Cờ vây được cho có nguồn gốc từ Trung Quốc, và các ghi chép về cờ vây lâu đời nhất được tìm thấy ở Trung Quốc. Cũng có giả thuyết cho rằng đây là trò chơi vị Hoàng Đế trong truyền thuyết sáng tạo ra để giáo dục con cái. Trong sách cổ “Luận ngữ” và “Mạnh Tử” của Trung Hoa có đề cập đến cờ vây, điều này cho thấy rằng chắc chắn cờ vây là trò chơi được yêu thích từ thời Xuân Thu Chiến Quốc (475-221 TCN). Ở Hàn Quốc, trò chơi này được du nhập vào từ thời Tam Quốc, khoảng thế kỷ thứ tư hay thứ năm.
Trước khi có máy tính và internet, cờ vây từng là trò tiêu khiển yêu thích của người Hàn Quốc. Không có trò chơi nào khiến cho hai người lớn có thể ngồi yên tiêu khiển thời gian trong hơn một tiếng đồng hồ như cờ vây. Điểm khác biệt của cờ vây với các trò chơi khác là người chơi cần sử dụng nhiều chiến lược khác nhau và các cấp độ kỹ năng cách biệt nhau rất xa. Trong cờ vây không bao giờ có trường hợp người chơi nghiệp dư vô tình đánh bại kì thủ. Do đó, từ xưa giữa cao thủ và người chơi nghiệp dư luôn có rào cản về thân phận rất lớn, và để chơi một ván cờ với cao thủ, người mới chơi phải nỗ lực rất nhiều.
Cờ vây có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ nền văn hoá các nước Đông Á, đã và đang phát triển như một trò chơi đại diện cho tinh thần phương Đông. Thế giới của cao thủ mà người mới bắt đầu chơi không thể tiếp cận, các quân cờ bằng đá với hai màu tượng trưng cho âm dương, 361 giao điểm tượng trưng cho không gian vũ trụ, tất cả những điều đó tượng trưng cho sự thần bí của phương Đông. Cho đến nay, rất nhiều thuật ngữ cờ vây được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa của Hàn Quốc. Chẳng hạn như từ “cho-ilkgi”, có nghĩa là thời gian ít ỏi còn lại trước khi đưa ra quyết đoán cuối cùng, vốn là thuật ngữ trong cờ vây. Những thuật ngữ khác như “kkotnori-pae” (một bên đang trong tình huống vô cùng có lợi), “bokgi” (việc đánh giá lại toàn bộ quá trình), “chogangsu” (động thái mạnh mẽ nhất), “susun” (thứ tự) và “hogu” (miệng hổ) nói đến tình trạng nguy cấp… đều là những thuật ngữ được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày xuất phát từ cờ vây.

Học viên tại Học viện cờ vây Lee Se-dol đang theo dõi trận đấu của Google Deep- Mind trên tivi. Kiện tướng Lee mở học viện này năm 2014 để tìm kiếm và đào tạo tài năng trẻ.

Từ sự ra đời của động cơ hơi nước đến trí tuệ nhân tạo
Thế giới quan của phương Tây thường mang tính máy móc và duy vật, khác với thế giới quan của phương Đông luôn xem trọng cảm xúc và tâm linh. Chẳng hạn, trong văn học cổ phương Đông, âm thanh rung của nắp bình trà khi nấu sôi gợi nhớ kí ức và cảm giác buồn. Tuy nhiên, ở phương Tây, trọng tâm sẽ được đặt vào sức mạnh cơ khí của hơi nước đẩy nắp ấm trà lên xuống. Động cơ hơi nước của James Watt, châm ngòi cho cuộc Cách mạng Công nghiệp, đã ra đời như vậy, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử khi sức mạnh của máy móc bắt đầu thay thế sức người.
Thêm vào đó, nền văn minh máy móc thay thế lý trí của con người trở thành hiện thực với sự xuất hiện của máy tính. Với sự phát triển của y học, hoạt động của lĩnh vực tâm linh, chẳng hạn như linh hồn con người, dần dần được phát hiện cũng chỉ là kết quả tương tác sinh hóa giữa các tế bào não. Khi bệnh tâm thần được chứng minh không phải do âm mưu của ma quỷ, mà do quá dư hoặc quá thiếu chất dẫn truyền thần kinh trong não, khoa học não bộ và khoa học nhận thức được chú ý đến như là những lĩnh vực nghiên cứu mới. Theo đó, quan điểm duy vật được hệ thống thành một lĩnh vực khoa học và máy tính bắt đầu đuổi kịp với khả năng trí tuệ của con người.
Khái niệm trí tuệ nhân tạo đầu tiên xuất hiện vào thập niên 60, nhưng chỉ sau khi phần cứng được phát triển mạnh nhờ công nghệ máy tính và bán dẫn thì ý tưởng đó mới trở thành hiện thực. Thêm vào đó, thế giới của trí tuệ nhân tạo được mở rộng nhờ vào bộ nhớ lưu trữ dữ liệu lớn với năng lực vô biên. Trí tuệ nhân tạo hiện nay chứng tỏ được sức mạnh của nó trong lĩnh vực lái máy bay, giám sát không người, nhận dạng khuôn mặt, lọc email rác, đầu tư chứng khoán… và bắt đầu đặt chân vào lĩnh vực công nghiệp một cách tích cực hơn.

Công ty bắt kịp với sự thay đổi đó sớm nhất là Google, công ty máy tính hàng đầu thế giới. Google mua lại DeepMind, một công ty Anh đã phát triển ra chương trình AlphaGo, với giá 400 triệu pound (khoảng 650 triệu USD), một nhà tiên phong trong việc phát triển cỗ máy tri thức cho tương lai.

Thất bại trong cuộc thi với AlphaGo lần này không làm mất đi tính tôn nghiêm của con người trong thế giới cờ vây. Giờ đây rõ ràng rằng các tính toán của con người cũng có thể được thực hiện bằng máy móc là sự thật đã được khẳng định. Tuy nhiên, máy móc nào thì cũng đều phụ thuộc vào ý đồ của người vận hành nó, do đó vấn đề là cuối cùng chúng ta vẫn phải quy nạp về mối quan hệ giữa người và người.

Khe hở mà AlphaGo không tính toán được
Mục tiêu hướng đến đầu tiên để đại chúng có thể thấy được sức mạnh của trí tuệ nhân tạo là cờ vua. Sau một loạt thất bại, trong một cuộc thi được tổ chức vào năm 1997 máy tính Deep Blue của IBM đã đánh bại nhà vô địch cờ vua thế giới Garry Kasparov. Đây là chiến thắng đầu tiên của máy tính sau 30 năm kể từ khi chọn con người làm mục tiêu thử thách trong lĩnh vực cờ vua. Đến năm 2011, trong một chương trình quizshow nổi tiếng, siêu máy tính Watson của IBM đã giành chiến thắng trước con người. Nhiều nhà khoa học từng dự đoán rằng, trong môi trường thi đấu với ít câu trả lời như cờ vua hay quizshow, con người không bao giờ đánh bại được máy tính. Sau đó, chỉ còn lại cờ vây với vô số nước cờ là lĩnh vực phòng ngự kế tiếp của con người.
Tuy nhiên, người ta tin rằng, chỉ trong cờ vây, trò chơi được kết hợp bởi trực giác của con người và hệ thống tư duy truyền thống của phương Đông, trí tuệ nhân tạo khó mà thắng được con người. Trên thực tế, trước trận đấu với AlphaGo lần này, thành tích của chương trình cờ vây máy tính không đạt được đến trình độ con người. Đặc biệt, khả năng đọc toàn bộ ván cờ và khả năng nắm bắt ý đồ của đối phương rất kém. Tuy nhiên, AlphaGo xuất hiện và nhanh chóng thay đổi cục diện.
Cuối cùng, trận đấu giữa Lee Se-dol, kì thủ vô địch người Hàn Quốc và AlphaGo với năm ván đấu đã diễn ra trong tháng 3 năm 2016 và khả năng của AlphaGo vượt xa dự đoán của nhiều chuyên gia, gây ra một cú sốc lớn. Trận đấu kết thúc với tỉ số 4:1 với thắng lợi tuyệt đối của AlphaGo. Các kì thủ chuyên nghiệp quá sốc với kết quả này. Họ sửng sốt trước kĩ thuật xuất sắc của AlphaGo. Ban đầu nhiều nhà bình luận cho rằng những nước cờ kì lạ của AlphaGo là sai lầm nhưng khi AlphaGo giành chiến thắng cuối cùng, người ta mới thấy được đó không phải là sai lầm mà là những nước cờ hoàn toàn mới, có tính toán kĩ càng. Trong ba ván đầu, AlphaGo từng bước duy trì ưu thế không một chút sai sót và Lee Se-dol, bị ảnh hưởng tâm lí bởi điều này, liên tục đi sai nước cờ, cuối cùng bại trận. Nhưng trong ván đấu thứ tư, điều ngạc nhiên hơn nữa xảy ra. Sau khi thua ba ván liên tiếp, Lee bắt đầu phân tích chiến lược của AlphaGo và giành được thắng lợi ở ván thứ này. Điều này cho thấy vẫn còn tồn tại khe hở mà AlphaGo không tính toán được.
AlphaGo tích lũy trí tuệ dựa trên thông tin về các trận cờ từ trước đến nay. Nói cách khác, nó phân tích những nước cờ của những người giành chiến thắng trước đây, tính toán và ghi lại tất cả xác suất thắng của từng nước cờ. Điều làm nó có thể tính toán phức tạp như vậy được là nhờ mạng lưới rộng lớn của các thiết bị máy tính. Tất cả thông tin về những nước cờ của các kiện tướng và những thay đổi có khả năng xảy ra đều được lưu trữ trong 1.200 bộ xử lí trung tâm (CPU) và lưu trữ đám mây của Google. AlphaGo có một lợi thế tuyệt đối về thời gian ở chỗ nó có thể đọc những dữ liệu này và sử dụng ngay, không qua quá trình tính toán trung gian. Ngoài ra, ưu điểm quan trọng nhất của AlphaGo là khả năng dò tìm phương pháp mới thông qua phương pháp mô phỏng Monte Carlo, một phương thức sử dụng các nước đi ngẫu nhiên và thử nghiệm lặp đi lặp lại. Con người có thể vừa đặt cờ lên bàn cờ vừa tính toán khả năng của nước cờ mới, nhiều nhất cũng chỉ được 30 lần trong một giờ, nhưng AlphaGo có thể thử và sai như vậy hơn một triệu lần trong một giờ và tính toán ra các nước cờ mới. Kết quả là, máy tính đã thành công trong việc tìm ra nước cờ mới mà con người chưa nghĩ đến được và điều này thật sự xảy ra trong cuộc thi lần này. Trong mắt con người, nó giống như lỗi chương trình nhưng kết cục con người chỉ biết hoang mang trước nước đi kỳ lạ của nó.
Phát ngôn của Lee Se-dol ngay sau trận đấu, “Đã đến lúc phải xem xét lại lí thuyết cờ vây”, đã tóm tắt một cách chính xác nhất trận đấu với AlphaGo. Sự xuất hiện của hệ thống trí tuệ nhân tạo này đã đặt con người đứng trước một bước ngoặt mới cho lý thuyết cờ vây. Chỉ có điều đáng tiếc là trong cờ vây, quan trọng nhất là việc trao đổi tình cảm qua lại giữa người chơi, nhưng đấu cờ với trí tuệ nhân tạo giờ lại trở thành việc tính toán xác suất chiến thắng .
Thất bại trong cuộc thi với AlphaGo lần này không làm mất đi tính tôn nghiêm của con người. Hơn nữa, có rất ít khả năng AlphaGo, chương trình đặc biệt được tạo riêng cho cờ vây, có thể thâm nhập vào lĩnh vực của con người và thống trị con người. Cho rằng trận đấu lần này là sự tấn công của máy móc đối với con người là một sự tưởng tượng thái quá. Tuy nhiên, giờ đây rõ ràng rằng các tính toán của con người cũng có thể được thực hiện bằng máy móc là sự thật đã được khẳng định. Tuy nhiên, máy móc nào thì cũng đều phụ thuộc vào ý đồ của người vận hành nó, do đó vấn đề là cuối cùng chúng ta vẫn phải quy nạp về mối quan hệ giữa người và người.
Điều quan trọng không phải là chọn lựa rạch ròi con người hay trí tuệ nhân tạo, mà là sự cộng sinh thích hợp giữa cả hai. Chỉ có công nghệ hiểu được con người mới có thể tồn tại, như chúng ta thấy trong thất bại gần đây của tivi 3D. Kết cục, tất cả chỉ là “vấn đề con người”.

Cho Hwan-gue Giáo sư Khoa kĩ thuật Máy tính, Đại học Quốc gia Pusan
Dịch Nguyễn Ngọc Trâm Oanh

전체메뉴

전체메뉴 닫기