메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

null > 상세화면

2024 AUTUMN

BẢO TÀNG MỸ THUẬT KANSONG – BƯỚC NHẢY VỌT MỚI

Bảo tàng Mỹ thuật Kansong (Kansong Art Museum) tọa lạc tại Seongbuk-dong, Seoul là bảo tàng mỹ thuật tư nhân đầu tiên ở Hàn Quốc và đã bảo tồn, nghiên cứu các di sản văn hóa để truyền lại cho hậu thế ngay cả trong những điều kiện khó khăn. Sau khi việc trùng tu được hoàn thành, chương trình triển lãm chào mừng bảo tàng mở cửa trở lại được tổ chức vào nửa đầu năm nay đã thu hút sự quan tâm nồng nhiệt và dự kiến trong nửa cuối năm, Bảo tàng Mỹ thuật Kansong (Kansong Art Museum Daegu) sẽ khánh thành.

Bảo tàng Mỹ thuật Kansong là bảo tàng mỹ thuật tư nhân được thành lập để bảo vệ và nghiên cứu các di sản văn hóa. Ban đầu, bảo tàng tập trung vào việc nghiên cứu các hiện vật nhưng kể từ khi ra mắt các tác phẩm của Jeong Seon (1676-1759) vào mùa thu năm 1971,  bảo tàng đã tổ chức các buổi triển lãm định kỳ vào mùa xuân và mùa thu hàng năm.
ⓒ Lee Min-hee

Từ ngày 1 tháng 5 đến ngày 16 tháng 6, triển lãm “Bohwagak 1938: Sự trở lại của Bảo tàng Mỹ thuật Kansong” đã được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Kansong. Sau quá trình sửa chữa, trùng tu kéo dài một năm bảy tháng vì một số vấn đề như cơ sở vật chất xuống cấp, tường bị bong tróc, bảo tàng vừa được mở cửa trở lại và chỉ sau 45 ngày đã đón khoảng 30 nghìn lượt khách tham quan. Trước đây, những buổi triển lãm được tổ chức định kỳ vào mùa xuân và mùa thu thường có thời gian rất ngắn nên những ai mong muốn được nhìn thấy các tác phẩm quý hiếm, khó tiếp cận thường phải xếp hàng chờ rất lâu. Tuy nhiên lần này, bằng cách giới hạn tối đa 100 người/giờ thông qua hệ thống bán vé trực tuyến, khách tham quan đã có thể thoải mái chiêm ngưỡng khu triển lãm. Triển lãm lần này thu hút nhiều sự quan tâm khi mang đến những bộ sưu tập từ thuở ban đầu và lần đầu tiên được ra mắt công chúng, chẳng hạn bản thiết kế và các tài liệu về quá trình xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật Kansong.

Bảo tàng Mỹ thuật Kansong được thành lập bởi nhà giáo kiêm nhà sưu tầm di sản văn hóa Jeon Hyeong-pil (1906-1962) vào năm 1938 trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng. Cái tên “Kansong” của bảo tàng chính là hiệu (bút danh) của ông. Khi mới xây dựng, bảo tàng có tên là Bohwagak với ý nghĩa là “ngôi nhà chứa đựng những báu vật tỏa sáng”. Kiến trúc sư thuộc thế hệ đầu tiên của Hàn Quốc Park Kil-yong (1898-1943) là người được ông Jeon Hyeong-pil tin tưởng, giao phó trọng trách xây dựng bảo tàng theo phong cách chủ nghĩa hiện đại tân tiến nhất tại thời điểm đó. Bảo tàng được công nhận về giá trị lịch sử và được chỉ định là Di sản văn hóa quốc gia năm 2019.

Hình ảnh triển lãm nhân dịp mở cửa lại Bảo tàng Mỹ thuật Kansong ở Seongbuk-dong được tổ chức từ tháng 5 đến tháng 6 vừa qua. Phòng triển lãm tầng một trưng bày các tài liệu nói về quá trình xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật Kansong. Ở tầng hai, khách tham quan “được chào đón” bởi các bức tranh và hiện vật chưa từng được công bố trước đây.

Tượng ông Jeon Hyeong-pil được đặt trong khu vườn của Bảo tàng Mỹ thuật Kansong. Nhà giáo kiêm nhà sưu tầm di sản văn hóa Jeon Hyeong-pil đã dành cả đời để thu thập và bảo tồn di sản dân tộc, dựa trên nguồn tài chính khổng lồ và con mắt phán đoán xuất sắc được thừa hưởng từ người cha quá cố. 

Bộ sưu tập đồ sộ

Bảo tàng Mỹ thuật Kansong thường được gọi là “nơi cất giữ báu vật”. Lý do là vì các hiện vật ở đây đều vô cùng hoành tráng xét trên nhiều phương diện. Quy mô chính xác của bộ sưu tập vẫn chưa được làm rõ nhưng được biết, bảo tàng sở hữu hơn 10.000 hiện vật thuộc các lĩnh vực đa dạng, bao gồm bức vẽ thi pháp, sách, đồ gốm, thủ công mỹ nghệ từ thời kỳ Tam quốc đến cuối triều đại Joseon và thời hiện đại. Trong đó, có 12 hiện vật được chỉ định là báu vật quốc gia và 30 hiện vật khác được chỉ định là báu vật.

Bảo tàng hiện trưng bày các tác phẩm có vị trí quan trọng trong lịch sử hội họa Hàn Quốc như Tập tranh miêu tả cảnh sinh hoạt đời thường (Album of Genre Paintings) của Shin Yun-bok (1758 - khoảng 1814), Tập tranh hải nhạc truyền thần (Album of the Sea and Mountains) của Jeong Seon (1676-1759). Không thể bỏ qua tác phẩm Mỹ nhân đồ (A Beautiful Woman) của Shin Yun-bok vốn nổi tiếng đối với người Hàn Quốc hơn cả Nàng Mona Lisa của danh họa Leonardo da Vinci. Những hiện vật đáng chú ý khác như là Bộ sưu tập Gadsby được ông Jeon Hyeong-pil mua lại vào năm 1938 từ John Gadsby, một luật sư người Anh sống tại Nhật Bản. Ông đã mua 20 hiện vật sứ xanh Goryeo từ Gadsby với giá 400.000 won, tương đương với 400 căn nhà lợp ngói lúc bấy giờ. Trong đó, có bốn hiện vật về sau đã được chỉ định là báu vật.

Tất cả những hiện vật này đều do ông Jeon Hyeong-pil dốc hết tài sản cá nhân ra để mua. Ông là một đại gia trẻ tuổi, được hưởng thừa kế khối tài sản khổng lồ thuộc hàng top 5 ở Hàn Quốc. Chịu ảnh hưởng từ nhà hoạt động phong trào độc lập kiêm nghệ nhân thư pháp Oh Se-chang (1864-1953), ông chính thức bắt đầu thu thập hiện vật nhằm gìn giữ văn hóa dân tộc vào năm 1934, khi ông 28 tuổi. Để nghiên cứu và bảo tồn bộ sưu tập của mình, ông đã mua một khu đất ở Seongbuk-dong - nơi Bohwagak được xây dựng sau đó bốn năm và hiện là nơi Bảo tàng Mỹ thuật Kansong tọa lạc.

Lư hương bằng sứ xanh có nắp đậy hình kỳ lân, thuộc Bộ sưu tập Gasby. Lư hương cao 20cm và được phỏng đoán chế tác vào thế kỷ XII. Trên nắp lư có khắc hình kỳ lân, loài động vật chỉ có trong trí tưởng tượng, và khói hương sẽ tỏa ra từ miệng của kỳ lân. Đây là hiện vật của Bảo tàng Nghệ thuật Kansong và được chỉ định là báu vật quốc gia vào năm 1962.
ⓒ Cục Di sản văn hóa Hàn Quốc

Thanh từ tương khảm vân hạc văn mai bình là một trong những hiện vật tiêu biểu của Bảo tàng Nghệ thuật Kansong. Nó có chiều cao 42,1cm, đường kính miệng bình 6,2cm, đường kính đáy bình 17cm và là di vật cho thấy đỉnh cao của sự tao nhã. Nó được công nhận là báu vật quốc gia năm 1962.
ⓒ Cục Di sản văn hóa Hàn Quốc

Con mắt phán đoán xuất chúng

Khi chiến tranh Trung - Nhật nổ ra vào năm 1937, hoàn cảnh của Hàn Quốc lại càng thêm khó khăn. Trong bối cảnh hỗn loạn ấy, vì cảm giác lo sợ không biết các di sản văn hóa của quốc gia sẽ thất lạc về đâu, Jeon Hyeong-pil đã chi một khoản tiền khổng lồ để mở rộng bộ sưu tập của mình. Chỉ cần cảm thấy đó là một món vật quý, ông không những không mặc cả mà còn trả thêm tiền hơn mức giá đối phương đề nghị.

Nổi tiếng nhất trong số món vật quý đó là tác phẩm Hunminjeongeum haeryebon (Huấn dân chính âm giải lệ bản). Hunminjeongeum là tên gọi cũ của Hangeul (chữ Hàn) - chữ viết đặc trưng của Hàn Quốc được sáng tạo bởi Vua Sejong (Thế Tông, tại vị 1418-1450), vị vua thứ tư trong triều đại Joseon. Haeryebon là tác phẩm được xuất bản năm 1446 để giải thích phương pháp sử dụng hệ thống chữ viết mới này. Đây là cuốn sách duy nhất trên thế giới giải thích về một hệ thống chữ viết được nhiều người sử dụng, do chính những người sáng tạo ra chữ viết đó biên soạn. Vì lý do đó mà cuốn sách này đã được chỉ định là báu vật quốc gia năm 1962 và trở thành Di sản văn hóa thế giới UNESCO năm 1997.

Hunminjeongeum haeryebon được phát hiện lần đầu năm 1940 tại Andong, Gyeongsangbuk-do. Trước đó, mặc dù tác phẩm này đã được đề cập trong nhiều tài liệu khác nhau nhưng hiện vật chưa bao giờ được tìm thấy. Vì thế, người ta chỉ có thể suy đoán về những nguyên tắc sáng tạo ra Hangeul. Tuy nhiên, sau 500 năm kể từ khi phát hành, cuốn sách được phát hiện trong phòng sách của một gia đình có lịch sử lâu đời. Ông Jeon Hyeong-pil, người tìm kiếm Hunminjeongeum haeryebon bấy lâu này, đã vô cùng bất ngờ và dĩ nhiên ước lượng được giá trị của nó.

Ông ấy đã mua cuốn sách với giá 10.000 won, cao gấp 10 lần giá được đề xuất. Đồng thời, ông dặn đi dặn lại về việc giữ bí mật sự việc này. Khi đó, đế quốc Nhật Bản một mặt cấm sử dụng Hangeul, mặt khác bắt giữ các học giả về Hangeul nhằm triệt tiêu tinh thần của người Hàn Quốc. Jeon Hyeong-pil đã giấu cuốn sách trong két sắt sâu bên trong Bohwagak và chờ cho đến khi đất nước giải phóng.

Hoa điệp đồ. Koh Jin-seung (1822-?). Vẽ màu trên giấy. Mỗi tranh 22,6 x 116,8cm. Thế kỷ XIX.
Bức tranh vẽ bướm của Koh Jin-seung, một họa sĩ thuộc Dohwaseo thời Joseon, với các chi tiết được khắc họa tỉ mỉ như thể đã mang hiện vật vào trong tranh. Trên thực tế, người ta nói rằng ông đã quan sát và nghiên cứu hình dáng của loài bướm để vẽ tranh.
© Bảo tàng Mỹ thuật Kansong cung cấp

Những di sản còn sót lại

Năm 1945, Nhật Bản thất bại trong chiến tranh Thái Bình Dương và Hàn Quốc trở thành quốc gia độc lập. Tuy nhiên vài năm sau đó, bán đảo Triều Tiên bị chia cắt thành hai miền Nam và Bắc. Vào ngày 25 tháng 6 năm 1950, Triều Tiên đã dựa vào Liên Xô để tiến hành xâm lược Hàn Quốc và Seoul chính thức rơi vào tay quân Triều Tiên sau bốn ngày. Jeon Hyeong-pil đã sơ tán gia đình đi lánh nạn nhưng bản thân ông không thể rời đi mà để lại những hiện vật của Bohwagak. Ông ẩn nấp trong ngôi nhà trống gần đó và theo dõi động thái của quân Triều Tiên bất kể ngày đêm. Mỗi ngày đối với ông đều là cảm giác hồi hộp đến nghẹt thở.

Quân đội Triều Tiên quyết định mang các di sản văn hóa của Bohwagak về phương Bắc. Do đó, họ đã triệu tập các nhân viên của Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc lúc bấy giờ và ra lệnh cho họ đóng gói chúng. Thế nhưng, do ý thức được sự vĩ đại và tầm quan trọng của bộ sưu tập Kansong, các nhân viên đã làm mọi cách để quân Triều Tiên không thể mang chúng đi. Họ câu giờ bằng cách nói rằng “Chúng tôi cần phải làm mục lục”, “Chúng tôi cần thùng đựng lớn hơn”. Trong khi đó, ngày 15 tháng 9, quân Đồng minh đã thành công trong cuộc đổ bộ lên Incheon và giành lại Seoul. Jeon Hyeong-pil đã trở về Bohwagak trong niềm hân hoan.

Tuy nhiên, cuộc triệt thoái ngày 4 tháng 1 diễn ra trong năm tiếp theo do sự tham chiến của quân đội Trung Quốc đã khiến Seoul một lần nữa rơi vào khủng hoảng. Không thể mong đợi may mắn đến lần thứ hai, Jeon Hyeong-pil đã chất những hiện vật quan trọng lên tàu và trốn đến Busan. Đặc biệt, cuốn Hunminjeongeum haeryebon được ông liên tục ôm chặt trong người. Thế nhưng, tất cả di sản văn hóa không thể được mang theo, không lâu sau đó một số hiện vật từng đặt ở Bohwagak đã được nhìn thấy tại Busan. Ai đó đã đánh cắp và bán chúng. Khi hiệp định đình chiến được ký kết vào tháng 7 năm 1953, ông quay trở lại Seoul nhưng Bohwagak đã hứng chịu thiệt hại nặng nề. Kìm nén nỗi tuyệt vọng như thể bầu trời sụp đổ, ông lại bắt đầu công việc mua các di sản văn hóa và tu sửa Bohwagak. Cho đến lúc tạ thế vào năm 1962, niềm tin về sự nghiệp bảo tồn văn hóa quốc gia của ông vẫn trước sau như một.

Bảo tàng Mỹ thuật Kansong được trao lại cho con trai ông và người tiếp quản hiện tại là cháu của ông. Vào đầu tháng 9, Bảo tàng Mỹ thuật Kansong Daegu với phòng triển lãm cố định bộ sưu tập Kansong đã mở cửa đón khách. Đó là tòa nhà có quy mô ba tầng và một tầng hầm được xây dựng trên khu đất do chính quyền thành phố Daegu cấp, tổng chi phí dự án 44,6 tỷ won do chính phủ và các tổ chức tự trị địa phương chi trả. Công tác vận hành do Quỹ Văn hóa và Mỹ thuật Kansong chịu trách nhiệm.

Tại buổi triển lãm khánh thành bảo tàng tại Daegu, tất cả hiện vật nổi tiếng nhất mà Bảo tàng Mỹ thuật Kansong vô cùng tự hào đều xuất hiện. Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên cuốn Hunminjeongeum haeryebon được mang ra khỏi thành phố Seoul kể từ khi nó được ra mắt công chúng vào năm 1971. Ngoài ra, công tác vận chuyển 98 hiện vật khác, bao gồm quốc bảo Thanh từ tương khảm vân hạc văn mai bình (tạm dịch: Mai bình bằng sứ xanh được khảm họa tiết mây và hạc) và hiện vật được yêu thích nhất "Mỹ nhân đồ”, cũng được hoàn tất. Triển lãm khánh thành Bảo tàng Mỹ thuật Kansong Daegu sẽ mở cửa từ đầu tháng 9 đến đầu tháng 12 năm nay.

Toàn cảnh Bảo tàng Mỹ thuật Kansong Daegu khai trương vào ngày 3 tháng 9 năm nay. Nơi này được vận hành như là không gian triển lãm thường trực duy nhất của Quỹ Văn hóa và Mỹ thuật Kansong. Bảo tàng đã chọn lọc ra các quốc bảo và báu vật để trưng bày trong chương trình triển lãm chào mừng khánh thành diễn ra đến ngày 01 tháng 12.
ⓒ Kim Yong-kwan

Kang Hye-ran – Phóng viên báo JoongAng Ilbo
Ảnh. Lee Min-hee
Dịch.  Trần Công Danh

전체메뉴

전체메뉴 닫기