Seongsu-dong được chọn là khu vực điển hình thành công trong tái tạo đô thị. Vật liệu xây dựng cốt lõi tại đó là gạch đỏ. Seongsu-dong từng là khu vực trung tâm công nghiệp nhẹ trước đây, nhiều nhà máy và nhà ở xây dựng bằng gạch đỏ từ thập niên 1970-1990 vẫn còn tồn tại. Thông qua việc bảo tồn các công trình xây dựng bằng gạch đỏ mang dấu ấn lịch sử, khu vực và lan tỏa giá trị của chúng, Seongsu-dong đã mang đến cảnh quan đô thị một nét đẹp thật độc đáo.
Nhóm nghệ sĩ Fabrikr nắm bắt bối cảnh lẫn đặc tính vật liệu vốn có của đối tượng và phác họa chúng bằng ngôn ngữ tạo hình của riêng mình. Điều này cũng được thể hiện trong thiết kế không gian của Cafe Onion tại Seongsu. Nhóm lên thiết kế sao cho hài hòa với môi trường xung quanh để không tạo cảm giác tương phản khi giữ lại nguyên vẹn dấu vết thời gian của tòa nhà.
ⓒ Heo Dong-wuk
Gạch là một trong những vật liệu xây dựng lâu đời nhất, được sử dụng nhiều do nhu cầu xây dựng tăng nhanh chóng sau khi mở thương cảng. Bởi vì gạch là vật liệu có kết cấu đơn giản dễ sản xuất, vận chuyển, thi công và khả năng chịu nhiệt tốt trong biến đổi thời tiết hay hỏa hạn. Với sự ra đời của bê tông cốt thép, gạch được sử dụng rộng rãi làm vật liệu xây dựng phần bên ngoài công trình gắn vào kết cấu bê tông theo nhiều cách khác nhau. Gạch về cơ bản có hình dạng và kích thước tiêu chuẩn nhưng được thể hiện đa dạng như một vật liệu hoàn thiện tùy thuộc vào phương pháp chồng xếp, trộn vữa hay cách thức thi công.
Nếu tản bộ qua khu vực Seongsu-dong, hiện được xem là nơi “nóng nhất” ở Seoul, bạn sẽ nhận ra những tòa nhà khoác áo gạch đỏ đóng vai trò chủ đạo trong cảnh quan độc đáo nơi đây. Thêm vào đó, bạn sẽ trực cảm được cảnh quan như vậy không thể hình thành trong một khoảng thời gian ngắn.
BẢO TỒN KHÔNG GIAN ĐẶC SẮC
Seongsu-dong có các tòa nhà gạch đỏ chiếm khoảng 30% tổng số công trình tại đây. Các công trình xây dựng bằng gạch đỏ ở Seongsu-dong chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều so với các nơi khác là do đặc tính mang tính địa phương. Nơi đây được xây dựng thành khu công nghiệp từ thời kỳ cận đại, và được chỉ định làm khu bán công nghiệp sau khi ban hành Luật Quy hoạch Đô thị vào năm 1962. Trải qua dự án điều chỉnh quy hoạch đất đai vào năm 1966, tại đây đã hình thành nên hệ thống đường phố kiểu lưới hiện nay. Vào những năm 1970, nhiều doanh nghiệp nhỏ đã xây dựng nhà máy và nhà kho bằng gạch đỏ khi khu vực phát triển thành khu công nghiệp và đến những năm 1980-1990, quá trình mở rộng các khu dân cư đã thúc đẩy xây dựng hàng loạt những ngôi nhà gạch đỏ quy mô nhỏ. Có thể nói rằng chính trong thời kỳ này, những công trình bằng gạch đỏ đã trở thành hình ảnh tâm điểm cho khu vực Seongsu-dong.
Bước vào những năm 2000, Seongsu-dong lại chào đón một bước ngoặt khác. Khi ngành chế tạo bước vào con đường suy thoái do thay đổi cơ cấu công nghiệp, số lượng nhà máy ngừng hoạt động và nhà kho bỏ hoang ngày càng tăng. Thế nhưng, chỉ với sự cải tạo ở mức tối thiểu, các nhiếp ảnh gia và các nhà thiết kế bắt đầu tận dụng những nhà máy và nhà kho bỏ hoang này làm studio hay phòng trưng bày. Khi những không gian này trở thành chủ đề nóng, nhận thức của công chúng về Seongsu-dong cũng đã thay đổi. Nơi đây đã được xem là khu vực nghệ thuật - văn hóa thời thượng.
Thêm vào đó, những thay đổi cũng xảy ra nhờ sự chỉ đạo của chính phủ. Hầu hết các khu vực bán công nghiệp khi có kế hoạch tái tạo đô thị, phải phá bỏ các tòa nhà hiện có, để xây lên các tòa nhà mới. Thế nhưng, sự lựa chọn này dễ dàng xóa bỏ tất cả dấu tích của quá khứ và tạo nên phong cảnh đô thị đồng nhất. Seongsu-dong có sự khác biệt lớn so với các khu vực khác ở chỗ đã tạo ra giá trị mới dựa trên di sản công nghiệp của quá khứ.
Seongsu WAVE là khu nhà ở cũ được công ty kiến trúc JYA-RCHITECTS chuyển đổi thành không gian thương mại. Phương pháp thi công tạo ra bề mặt cong đã mang lại cảm giác cởi mở cho cư dân khu thương mại, đồng thời làm giảm thiểu tối đa sự bất tiện cho hàng xóm khu phố.
ⓒ Hwang Hyochel
Với quyết tâm bảo tồn bối cảnh lịch sử khu vực và cảnh quan độc đáo đã có, chính quyền quận Seongdong-gu quản lý khu vực Seongsu-dong đã ban hành “Điều lệ bảo tồn và hỗ trợ các công trình kiến trúc gạch đỏ ở quận Seongdong-gu, thủ đô Seoul” vào năm 2017. Điều lệ này quy định những điều cần thiết trong việc hỗ trợ và bảo tồn các công trình kiến trúc gạch đỏ có giá trị lịch sử - văn hóa. Chính quyền quận đã lựa chọn phương thức tái tạo đô thị theo hướng duy trì không gian độc đáo này thông qua việc bảo tồn tính thẩm mỹ cảnh quan và đặc tính vật liệu của các công trình.
BẢO TỒN VÀ MỞ RỘNG
Daelim Changgo tọa lạc trên Phố Cà phê ở Seongsu-dong có thể xem là nơi khởi đầu biến đổi Seongsu-dong thành điểm nóng văn hóa. Nơi đây từng được xây dựng làm nhà máy xay lúa vào những năm 1970, rồi được sử dụng làm nhà kho trong một thời gian dài sau khi nhà máy xay lúa đóng cửa. Vào cuối những năm 2000, một nhiếp ảnh gia đã biến nơi đây thành studio chụp ảnh, nhờ truyền miệng lan rộng khiến nơi này nhanh chóng nổi tiếng. Từ năm 2011, nơi đây đã thu hút sự chú ý thực sự của công chúng khi tổ chức các buổi trình diễn thời trang, biểu diễn nhạc rock và triển lãm quy mô lớn. Hiện tại, Daelim Changgo được vận hành như một không gian văn hóa phức hợp bao gồm quán cà phê và phòng tranh. Quán Café Onion Seongsu khai trương vào năm 2016 cũng đã trải qua nhiều lần thay đổi từ siêu thị, nhà hàng, nhà ở, tiệm sửa chữa và nhà xưởng trong hơn 50 năm trước khi được tu sửa lại để lưu giữ nguyên vẹn dấu vết thời gian.
Daelim Changgo từng được sử dụng làm nhà kho và nhà máy xay lúa trong nhiều thập kỷ được giữ nguyên bề ngoài và chỉ tu sửa lại phần bên trong, nay là quán cà phê kiêm phòng trưng bày. Công trình là không gian tái tạo đô thị tiêu biểu đã trở thành biểu tượng Seongsu-dong.
ⓒ Lee Min-hee
LCDC Seoul - không gian đa năng mở cửa vào năm 2021, là ví dụ điển hình cho sự tái sinh công trình rộng 500 pyeong (tương đương 1.650m2), nơi từng là cửa hàng sửa chữa ô tô. Bức tường gạch bên ngoài của tòa nhà được giữ nguyên vẹn và bức tường bê tông mới được xây so le bên cạnh tạo nên sự tương phản và đan xen giữa quá khứ và hiện tại. Kiến trúc sư phụ trách thiết kế đã sử dụng cụm từ “bakje” (nhồi bông thú – chú thích người dịch) trả lời khi được hỏi “làm thế nào để giữ được trật tự của tòa nhà vốn có?”.
Trung tâm Chế tạo Đô thị Seoul (Seoul Urban Manufacturing Hub) hoàn thành vào năm ngoái và có biệt danh là “Seongsu Silo”, được thiết kế theo yêu cầu xây dựng thêm nhưng giữ nguyên một phần công trình kiến trúc cũ bao gồm mặt tiền gạch đỏ trong cuộc thi thiết kế kiến trúc diễn ra vào năm 2018. Đó là cuộc thi tuyển chọn thiết kế theo chính sách bảo tồn và hỗ trợ các công trình gạch đỏ toàn khu vực Seongsu-dong. Nhà máy trước đây là tòa nhà có kết cấu Rahmen (“khung tranh” trong tiếng Đức) với những viên gạch lấp đầy các khung bê tông. Khi thiết kế công trình này thành một loại hình nhà máy mới, kiến trúc sư đã thể hiện yếu tố không gian phải có bằng những khối hình trụ độc lập phía trước tòa nhà. Trong các không gian tại đây, Shoes Silo (khối hình trụ – chú thích của người dịch) được thiết kế với mặt trước là tường kính, mặt sau là tường gạch, đảm bảo một không gian vừa mở vừa riêng biệt. Ngoài ra, công trình còn sử dụng loại gạch đồng nhất xuyên suốt bên ngoài và nền sàn bên trong của tòa nhà giúp giảm đi rào cản tâm lý của mọi người khi bước vào bên trong.
Shoes Silo được thiết kế với mặt trước là tường kính, mặt sau là tường gạch, đảm bảo một không gian vừa mở vừa riêng biệt. Hội Kiến trúc Trẻ (SoA) đã cải tạo nhà máy cũ thành công trình kiến trúc tích hợp từ sản xuất, lập kế hoạch, phân phối, tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm chỉ trong một không gian. Ngoài ra công trình cũng sử dụng gạch đỏ để thể hiện đặc trưng cảnh quan của khu vực Seongsu-dong.
ⓒ SoA; Ảnh. Kyungsub Shin
KHÁM PHÁ CÁC KHẢ NĂNG
Ở Seongsu-dong hiện nay, người ta sử dụng gạch đỏ trong cả công trình xây dựng mới. Thought Factory (tạm dịch: Nhà máy Tư duy) khai trương vào năm 2021 với tổng diện tích sàn khoảng 20.000 pyeong (hơn 66.000m2), là một trong nhiều trung tâm công nghiệp thông minh nằm ở Seongsu-dong. Ngay từ đầu, công trình tích cực sử dụng gạch đỏ với mục đích tiếp nối bối cảnh kiến trúc khu nhà máy Seongsu-dong xưa. Các tầng dưới của khu văn phòng và toàn bộ khu thương mại được hoàn thiện bằng gạch đỏ cũng đóng vai trò cầu nối cho các không gian khác nhau trong khu văn phòng và khu thương mại. Gạch được sử dụng có chủ đích tạo ra tính kết nối giữa cái mới và cái cũ. Ngoài ra, bên trong tòa nhà có bức tường cao hai tầng được ốp gạch đỏ và gạch thủy tinh mang hàm ý là không gian chuyển tiếp từ quá khứ đến tương lai.
Nhà máy Tư duy của Trung tâm Công nghiệp Thông minh bao gồm hai tòa nhà văn phòng và một tòa nhà thương mại. Để duy trì tính liên tục kết nối giữa 3 công trình kiến trúc, nhóm chuyên gia thiết kế Dmp đã sử dụng gạch đỏ để hoàn thiện mặt trước tòa nhà thương mại Seongsu NakNak - nằm vị trí trung tâm và ở các tầng dưới của hai tòa nhà văn phòng còn lại. Bức ảnh chụp bên trong tòa nhà thương mại Seongsu NakNak.
ⓒ Yoon Joon-hwan
Bằng cách này, các không gian thương mại, không gian văn phòng và không gian công cộng chủ yếu được xây bằng gạch đỏ theo những phương thức và chiến lược riêng biệt như một trung gian vật lý kết nối quá khứ và hiện tại, đang góp phần tái tạo thành công đô thị ở Seongsu-dong. Điều này có ý nghĩa ở sự hiểu biết và tôn trọng bối cảnh lịch sử của thành phố, cũng như kế thừa ngôn ngữ cảnh quan độc đáo của nơi đây. Thế nhưng mặt khác, trong cuốn sách “Kiến trúc bề mặt” của David Leatherbarrow và Mohsen Mostafavi cùng viết đã chỉ ra rằng việc thiết kế và mô phỏng các hình thức của quá khứ do hoài niệm về lịch sử có thể khiến nhà thiết kế bỏ qua các cơ hội mới trong phương pháp xây dựng và vật liệu đa dạng khác cung cấp. Có lẽ vẫn cần phải tiếp tục khám phá các phương pháp cũ và tính khả thi của vật liệu xây dựng. Khi đó, sợi dây liên kết quá khứ và hiện tại của Seongsu-dong sẽ không dừng lại ở hình ảnh bề ngoài hời hợt mà có thể tạo ra sự tái tạo đô thị bền vững hơn.