메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

null > 상세화면

2023 WINTER

VẺ ĐẸP TỰ NHIÊN TOÁT RA TỪ SỰ CÂN ĐỐI

Nội thất đồ gỗ Hàn Quốc có đặc tính lột tả được hết thảy vẻ đẹp của thiên nhiên khi sử dụng đường vân gỗ thay vì màu sắc sặc sỡ hay chạm khắc cầu kỳ. Vào năm 2010, Park Myeong-bae được công nhận là nghệ nhân nắm giữ kỹ năng somokjang (nghề mộc) thuộc di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, kế thừa những kỹ thuật chế tác nội thất gỗ truyền thống, đã tái hiện lại vẻ đẹp hài hoà với quy trình thiết kế tỉ mỉ.
1_인물컷(2).png

Nghệ nhân bậc thầy Park Myeong-bae đang tập trung chăm chú vào công việc chế tác tại phòng xưởng riêng toạ lạc tại phố Yongin, vùng Gyeonggi-do. Những tác phẩm của nghệ nhân Park được chế tác từ các bản thiết kế tỉ mỉ, thể hiện rõ nét đặc trưng đơn giản và trang nhã của nội thất đồ gỗ truyền thống Hàn Quốc.

Thợ mộc chế tác gỗ thường phân ra làm hai, một là daemok - thợ xây dựng các công trình bằng gỗ và hai là somok - thợ chế tác đồ nội thất hay đồ gia dụng khác. Những nghệ nhân làm rương, tráp (hộp), bàn, v.v. dựa trên kỹ thuật thủ công truyền thống được gọi là somokjang. Khác với triều đại Goryeo (918-1392) vốn nổi tiếng với nghề thủ công tinh xảo, thủ công mỹ nghệ trong thời Joseon (1392-1910) lại nổi bật bởi sự đơn giản và tinh tế dưới ảnh hưởng của Nho gia.

Tác phẩm của nghệ nhân bậc thầy Park Myung-bae là đại diện điển hình cho nội thất đồ gỗ của triều đại Joseon nhưng tinh tế hơn nhờ chất liệu sử dụng cho hwajangpan (miếng gỗ dán mặt trước của đồ nội thất). Tác phẩm của nghệ nhân Park nhận được lời khen ngợi vì mang tính hiện đại trong khi vẫn trung thành với truyền thống qua sự kết hợp hài hòa giữa đường nét đơn giản và hoa văn sinh động trên tấm gỗ.

“Đối với thợ mộc, tấm gỗ không có yongmok (thớ gỗ đẹp và phân bổ không đều – chú thích của người dịch) thì chẳng khác gì kẹo kéo rỗng (ý chỉ món đồ chỉ có vẻ ngoài, còn lại vô dụng). Thớ gỗ đẹp hơn bất cứ thứ gì nhân tạo. Nó tự nhiên đến mức không bao giờ cảm thấy nhàm chán nhìn vào. Vì đồ nội thất truyền thống không trang trí hay chạm khắc nên điều quan trọng là phải thể hiện được vẻ đẹp vốn có của thớ gỗ tự nhiên.”

Đây cũng là lý do nghệ nhân Park rất yêu thích thớ gỗ của cây Zelkova lá gai lâu năm trông như những con rồng quấn cuộn vào nhau. Như lời nghệ nhân bộc bạch, hoa văn trên tấm gỗ cây Zelkova tạo ra đẹp như một bức tranh sơn thủy.

Kỹ thuật và sự sáng tạo

 

Thông thường để được phong danh hiệu người bảo vệ di sản một lĩnh vực nào đó thuộc di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, phải là những nghệ nhân trải qua quá trình huấn luyện chuyên sâu trong thời gian dài từ người kế thừa, thực hành và truyền dạy di sản dưới sự hướng dẫn của một nghệ nhân bậc thầy trong nghề. Tuy nhiên, không giống với điều này, nghệ nhân Park không có phả hệ truyền thừa. Điểm đặc biệt là nghệ nhân Park không được truyền dạy kỹ thuật như một môn đồ của somokjang. Năm 1971, lúc 21 tuổi, nghệ nhân Park bước đầu nhanh chóng được công nhận năng lực khi đạt giải nhất hạng mục thủ công mỹ nghệ tại hội thi tay nghề toàn quốc. Năm 1989, với tác phẩm mogniban (cái khay bằng gỗ dùng để đựng thức ăn – chú thích của người dịch), ông giành được giải Daesang tại Cuộc thi Thủ công Mỹ nghệ Đông Á do báo Dong-A Ilbo tổ chức. Đến năm 1992, ông nhận được Giải thưởng Tổng thống cho tác phẩm tủ treo y phục tại Triển lãm Nghệ thuật Thủ công Truyền thống do Quỹ Di sản Văn hóa Hàn Quốc tổ chức. Tác phẩm này mất một năm chỉ để xây dựng bản thiết kế, chế tác gỗ thông làm ván và nung lên bằng mỏ hàn để tạo ra màu sắc độc đáo. Đây là phương pháp mà nghệ nhân Park suy ngẫm ra.

“Vốn dĩ kỹ thuật này thường sử dụng cây Paulownia (loại cây gỗ bản địa của Hàn Quốc – chú thích của người dịch). Ván gỗ cây Paulownia sau khi được nung lên bằng que hàn, dùng chổi hoặc rơm cọ xát, những phần mềm trổ ra đốm đen, phần cứng ít trổ đen hơn, tạo thành hoa văn như các vân gỗ. Vì hoa văn đơn giản và trang nhã nên từ xa xưa, kỹ thuật này được sử dụng nhiều trong chế tác đồ nội thất sarangbang (phòng dành cho nam giới tiếp khách trong nhà hanok – chú thích của người dịch). Tôi đã áp dụng kỹ thuật này lên tấm gỗ cây thông để tạo ra những hoa văn thanh nhã và giành được giải thưởng lớn này.”

Nghệ nhân Park đã chế tác một bộ sản phẩm nội thất cho phòng trưng bày Hàn Quốc tại Viện Bảo tàng Vatican, và đồ nội thất trong sarangbang cho Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại các thành phố lớn trên thế giới, bao gồm Los Angeles và Washington D.C, Berlin (Đức), Warsaw (Ba Lan), Osaka (Nhật Bản), v.v. Nghệ nhân Park cũng giám sát việc chế tác khoảng 100 sản phẩm nội thất trong quá trình trùng tu cung Unhyeon (Vân Hiện) ở Seoul - nơi hoàng đế Gojong (Cao Tông, trị vì 1863-1907) sinh ra. Điều này có được là nhờ vào kiến thức phong phú và tay nghề vượt trội của nghệ nhân về kỹ thuật chế tác nội thất gỗ truyền thống.

2_작업컷 부분(3).png

Nội thất đồ gỗ truyền thống Hàn Quốc không sử dụng đinh hay chất kết dính, mà sử dụng phương pháp cắt rãnh trên gỗ và ghép chúng khớp lại với nhau. Thời trẻ, nghệ nhân Park đã tìm đến các thợ mộc nổi danh, học hỏi được khoảng 70 phương pháp cắt ghép gỗ khác nhau.

Nhân duyên đặc biệt

 

Tuy không có sự truyền thừa, nhưng nghệ nhân Park cũng có mối nhân duyên đặc biệt đáng để ông gọi là thầy. Ông Park sinh vào năm 1950, tại Hongseong, tỉnh Chungcheongnam-do. Vì hoàn cảnh gia đình, sau khi tốt nghiệp tiểu học, ông không đủ điều kiện để học lên cao. Năm 18 tuổi, ông đến Seoul và qua sự giới thiệu của người anh họ vốn là thợ mộc, ông đã vào làm tại phòng xưởng thủ công của giáo sư Choi Hoe-gwon, khoa Thủ công Mỹ nghệ của Trường Đại học Nghệ thuật Seorabeol (nay là Trường Đại học Nghệ thuật thuộc Đại học Chung-Ang). Kết quả là ông Park lần đầu tiên được tiếp xúc với tác phẩm nghệ thuật chế tác thủ công gỗ, thay vì sản phẩm nội thất được sản xuất và buôn bán thương mại.

“Trước đây, các giáo sư hay sinh viên chuyên ngành thường chỉ thiết kế, còn xưởng chế biến gỗ phần nhiều đảm nhận việc sản xuất thành phẩm. Tôi đảm nhận chạy việc vặt trong phòng xưởng của giáo sư Choi và quan sát chăm chú toàn bộ quá trình từ khi lập kế hoạch đến khâu hoàn thiện tác phẩm. Tuy không thể theo học tại trường đại học nhưng tôi đã học được rất nhiều tại phòng xưởng của giáo sư.”

Vài năm sau đó, giáo sư Choi di cư sang Canada, đóng cửa phòng thủ công, ông Park đã phải suy ngẫm về con đường đi của bản thân.

“Tôi nghĩ thủ công mỹ nghệ hiện đại chú trọng vào phong cách nghệ thuật của cá nhân, không phù hợp với tôi. Do vậy, tôi đã chuyển sang làm đồ nội thất truyền thống vốn đòi hỏi sự khéo léo của nghệ nhân.”

Tại thời điểm đó, nghệ nhân Park tìm đến các thợ mộc nổi tiếng để học các kỹ thuật mộc truyền thống và tiếp thu hơn 70 phương pháp cắt ghép gỗ (kết cấu), cắt rãnh trên gỗ và ghép chúng lại với nhau mà không cần dùng đinh. Những phương pháp này cực kì quan trọng trong nghề mộc truyền thống bao gồm kỹ thuật sấy khô và xử lý gỗ lâu năm để thông khí. Sau khi học hỏi thành thạo các kỹ năng cần thiết để trở thành somokjang, nghệ nhân Park bắt đầu làm việc độc lập ở độ tuổi 30 vào năm 1980.

Bản thiết kế tốt nhất

 

Không lâu sau khi thành lập phòng xưởng riêng, nghệ nhân Park đã gặp được Choi Soon-woo (1916-1984), lúc đó là giám đốc Viện Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc. Cuộc gặp gỡ này là bước ngoặt lớn trong cuộc đời làm nghề thủ công mỹ nghệ của ông. Giám đốc Choi là người đặt nền móng cho lịch sử mỹ thuật Hàn Quốc, trở thành vị thầy lớn truyền đạt cho ông Park triết lý và hiểu biết sâu sắc về nghề thủ công truyền thống.

Qua sự hướng dẫn của giám đốc Choi, nghệ nhân Park đã mở rộng tầm mắt trước vẻ đẹp cân đối của đồ nội thất truyền thống. Đồ nội thất của Hàn Quốc, mặt trước được chia thành các khung và ốp các tấm gỗ có hoa văn tinh tế trên bề mặt phân chia.

Hàn Quốc với khí hậu bốn mùa nên sự chênh lệch nhiệt độ và độ ẩm giữa mùa hè và mùa đông rất lớn. Do vậy, nếu sử dụng các tấm gỗ nguyên khối có thể dẫn đến cong vênh theo thời gian nên phải chia ra thành nhiều phần. Mặc dù chia bề mặt theo tính năng nhưng lại tạo ra cảm giác cân đối về mặt thẩm mỹ. Câu hỏi đặt ra là phân chia bề mặt theo tỷ lệ như thế nào đã trở thành mối quan tâm trong việc thiết kế.

Vào năm 1984, khi trang trí gian phòng trong truyền thống của Cheongwadae (Nhà Xanh), nghệ nhân Park đã nhận được sự hướng dẫn cặn kẽ từ giám đốc Choi, từ việc lựa chọn gỗ đến thiết kế chú ý đến tỷ lệ, hình thức và quy trình chế tác. Giống như các sĩ đại phu (giới quý tộc) triều đại Joseon đã từng mời những thợ mộc tay nghề cao đến làm việc và chế tác đồ nội thất phù hợp với không gian ngôi nhà của họ, nghệ nhân Park cũng hợp lực với giám đốc Choi để hồi sinh nguyên vẹn đồ nội thất triều đại Joseon. Dù mối nhân duyên không kéo dài được lâu bởi sự ra đi đột ngột của giám đốc Choi, nhưng cho đến bây giờ, ông Park vẫn tuân thủ việc tạo ra các bản thiết kế chi tiết cho từng món đồ nội thất, giống như cách ông đã làm việc với giám đốc Choi.

“Khi vẽ một bản thiết kế nội thất với kích thước thật, tôi thường dán bản vẽ lên tường và nhìn đi nhìn lại mãi. Do đó, tôi có thể thấy những thứ mà ngày hôm qua không thể thấy, và những thứ hôm qua thấy có vẻ ổn nhưng hôm nay lại hiện ra trong tầm mắt cái cần phải sửa. Tôi mất nhiều thời gian chỉnh sửa và vẽ đi vẽ lại nhiều lần để tạo ra bản thiết kế tốt nhất.”

Quá trình thiết kế nghiêm ngặt của nghệ nhân Park đã giúp những đồ nội thất của ông được nhiều người đánh giá cao nhờ thiết kế tỉ mỉ và vẻ đẹp hài hòa, không cong vênh. Nghệ nhân Park giữ vững niềm tin vào việc cam kết tái tạo hơn là sao chép và cho đến hiện tại ông vẫn tiếp tục phác thảo và thiết kế bất cứ khi nào có thời gian. Trong những năm qua, ông đã đào tạo 19 học viên được chứng nhận, trong đó có hai cô con gái của ông và nhiều học viên khác. Ông cũng duy trì sự cống hiến cho cuộc triển lãm thường niên “Nghệ nhân bậc thầy Park Myung-bae và các đệ tử”, kỷ niệm lần thứ 18 diễn ra vào năm nay. Với trăn trở không ngừng, ông Park suy ngẫm cách để làm thế nào để phát triển và lan tỏa hơn nữa nghề thủ công truyền thống.

3_사층책장(1).png

Kệ sách bốn tầng toát lên vẻ đẹp lộng lẫy tinh tế nhờ vào đường vân gỗ và sự phân chia đơn giản bề mặt trước. Đồ nội thất truyền thống phân chia mặt trước thành nhiều phần để ngăn ngừa không bị biến dạng hoặc hư hỏng do độ co giãn và phồng xệp của tấm gỗ. Nhờ điều này, đã làm nổi bật vẻ đẹp vốn có về hình thức và tỷ lệ của sản phẩm.

4_머릿장(3).png

Nghệ nhân Park sử dụng vân gỗ tuyệt đẹp cho hwajangpan trên một chiếc rương đơn để đầu giường, sử dụng bảo quản vật dụng. Đàn ông thường sử dụng để lưu giữ tài liệu quan trọng, trong khi phụ nữ dùng để cất giữ những bộ quần áo đơn giản.

5_강화반닫이(2).png

Rương quần áo với một nửa phần trên của mặt trước là nắp cửa mở ra mở vào. Đó là nội thất không thể thiếu trong mỗi gia đình không phân biệt giàu nghèo, và mang đặc trưng riêng của từng vùng miền. Bức ảnh này cho thấy trang trí bản lề hình dạng bình hồ ly ở trung tâm của mặt trước là chiếc rương của vùng đảo Ganghwa.

 

Lee Gi-sook - Tác giả tự do
Ảnh. Seo Heun-kang
Dịch. Phùng Thị Thanh Xuân

전체메뉴

전체메뉴 닫기