Hiện có nhiều trường hợp doanh nghiệp Hàn Quốc tài trợ hoặc hợp tác với các nghệ sĩ để thực hiện triết lý doanh nghiệp hoặc tăng giá trị thương hiệu. Bằng cách này, doanh nghiệp có thể góp phần thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật, nghệ sĩ có thể thể hiện sự sáng tạo và công chúng có thể tạm thời thoát ly khỏi thực tại thông qua những trải nghiệm nghệ thuật mới.
Vị khách tại Paradise. Jeon Byeong Sam. 2023. Công nghệ trình chiếu Projection Mapping trên lớp tròn. Đường kính 300cm.
Tác phẩm được trưng bày tại Hội chợ Paradise Art Lab năm 2023, giới thiệu sinh vật ngoài hành tinh ảo được phóng to 3 tỉ lần với kích thước đường kính 3m. Paradise Art Lab là một sự kiện do Quỹ Văn hóa Paradise tổ chức nhằm chọn ra các tác phẩm mang đến sự thú vị và kinh ngạc thông qua sự kết hợp giữa nghệ thuật và công nghệ.
ⓒ Quỹ Văn hóa Paradise
Nam June Paik, nhà sáng tạo video art (nghệ thuật băng hình) sử dụng truyền hình làm công cụ nghệ thuật, cho rằng: “Nghệ thuật thì ngắn, còn cuộc đời thì dài”. Nghệ thuật phụ thuộc vào công nghệ có thể hiểu là sẽ hết thời ngay khi công nghệ tiên tiến hơn xuất hiện. Thêm vào đó, lời tuyên bố này cũng có nghĩa rằng không còn công nghệ hay nghệ thuật nào độc đáo và vĩnh cửu. Theo đó, giờ đây công nghệ đã bắt tay với nghệ thuật, nghệ thuật có bước nhảy vọt nhờ công nghệ. Với tên gọi media art (nghệ thuật truyền thông), nghệ thuật đã vượt qua ranh giới giữa các thể loại và xóa bỏ những hạn chế của từng lĩnh vực. Các doanh nghiệp đôi khi còn tham gia vào sự đổi mới loại hình nghệ thuật này.
Triết lý doanh nghiệp
Paradise City nằm trên đảo Yeongjong, thành phố Incheon, Hàn Quốc là khu nghỉ dưỡng sang trọng. Vào một ngày tháng 9 năm 2023, một thiên thạch rơi xuống quảng trường trong khu nghỉ dưỡng này. Khi đeo kính thực tế ảo VR, chúng ta có thể quan sát thiên thạch rõ hơn và cảm nhận được không gian rộng lớn của vũ trụ; đồng thời có thể trải nghiệm âm nhạc và ánh sáng nhờ phân tích bước sóng của các khoáng chất tạo nên thiên thạch. Một hệ sinh thái mới hình thành xung quanh thiên thạch rơi; các chủ thể trí tuệ nhân tạo nhấp nháy thể hiện sự tồn tại thông qua chuyển động của ánh sáng để đáp lại sự chuyển động hoặc âm thanh của quan khách. Đó là tác phẩm “Sinh quyển” của nhóm Roomtone, gồm tác giả Kim Dong-wook và Jeon Jin-kyung, tác phẩm “Đánh giá thiên thạch” của Park Keun-ho và tác phẩm “Tín hiệu sóng truyền vào vũ trụ” của Yun Je-ho. Các tác giả đã tham gia Hội chợ Phòng Thí nghiệm Nghệ thuật Paradise (Paradise Art Lab Festival) năm 2023.
Từ năm 2018, Quỹ Văn hóa Paradise đã triển khai dự án “Phòng Thí nghiệm Nghệ thuật Paradise”. Dự án là nơi khám phá và đưa ra những khả năng trong tương lai cho nghệ thuật đương đại; đồng thời, hỗ trợ sáng tạo, sản xuất và phân phối các tác phẩm tương tác nhằm đối thoại và giao lưu với công chúng. Tại sao một doanh nghiệp nghỉ dưỡng lại tài trợ cho nghệ thuật truyền thông? Lý do là bởi khái niệm “nghỉ dưỡng” mà tập toàn Paradise Group hướng đến không đơn thuần chỉ là việc vui chơi và nghỉ ngơi. Triết lý doanh nghiệp thấm đượm niềm tin rằng trải nghiệm nghệ thuật tại các khu nghỉ dưỡng có thể truyền cảm hứng và lay động lòng người.
Trải nghiệm mới
Đánh giá thiên thạch. Park Keun-ho (nghệ danh Chim Sẻ). 2023. Hạt pha lê, khung sắt, motor, đèn LED. 600×240×240cm.
Với giả thiết một thiên thạch ảo rơi xuống, tác phẩm được lắp một mô đun tinh thể và ánh sáng cộng hưởng với các hạt năng lượng để tìm hiểu xem thiên thạch tỏa ra năng lượng như thế nào. Đây là tác phẩm tham gia Hội chợ Paradise Art Lab 2023. Park Geun-ho (nghệ danh Chim Sẻ) chủ yếu trình bày các tác phẩm truyền thông lấp đầy không gian bằng các vật liệu.
ⓒ Quỹ Văn hóa Paradise
Sinh quyển. Roomtone. 2023. Cài đặt VR và video. 4 phút..
Tác phẩm thực tế ảo mới của nhóm Roomtone gồm thành viên Kim Dong-wook và Jeon Jin-kyung, là một trong những tác phẩm được trưng bày tại Hội chợ Paradise Art Lab năm 2023. Tác phẩm giải nghĩa mối liên hệ giữa con người và vũ trụ thông qua hình ảnh ẩn dụ và chuyện kể. Roomtone sử dụng thực tế ảo và trò chơi kỹ thuật số làm phương tiện, tập trung vào trải nghiệm sống động xảy ra giữa các giác quan thực và ảo.
ⓒ Quỹ Văn hóa Paradise
Cùng thời điểm đó, Hội chợ Nghệ thuật toàn cầu Frieze Seoul (Hội chợ nghệ thuật đương đại quốc tế Seoul – chú thích của người dịch) và KIAF Seoul (Hội chợ Mỹ thuật Quốc tế Hàn Quốc ở Seoul – chú thích của người dịch) đang diễn ra sôi nổi tại COEX ở quận Gangnam-gu, Seoul. Trong số hàng nghìn kiệt tác đắt giá, một tác phẩm lấp lánh đã đặc biệt thu hút tầm mắt của quan khách. Đó là bức tranh chấm (dot paitings) của Kim Whanki (1913-1974), bậc thầy của nghệ thuật trừu tượng Hàn Quốc, được hồi sinh trên màn hình ti vi OLED (điốt phát sáng hữu cơ) của hãng LG Electronics. Bức “14-III-72 #223”, bao gồm các chấm đỏ tạo thành nhiều vòng tròn đồng tâm, tỏa sáng rực rỡ trên màn hình ti vi OLED không dây siêu lớn, trong phút chốc thu hút quan khách nhờ cảm giác đắm chìm vượt qua giới hạn về độ rõ nét và khoảng cách. Lúc sinh thời, Kim Whanki luôn chú ý đến bước sóng, âm thanh, chuyển động do màu sắc và hình ảnh tạo nên; chắc hẳn ông sẽ rất ngạc nhiên khi nhìn thấy tác phẩm này.
LG OLED của LG Electronics đã tham gia với tư cách là đối tác chính của Hội chợ Frieze Seoul năm nay. Đó là một sự kiện đầy kinh ngạc. Lý do là bởi Deutsche Bank, công ty tài chính toàn cầu vốn là nhà tài trợ chính cho Frieze suốt 20 năm, đã bất ngờ từ bỏ vị trí. Hầu hết các đối tác lâu năm của các hội chợ nghệ thuật là các ngân hàng, chẳng hạn như UBS tài trợ cho Art Basel và Deutsche Bank tài trợ cho Frieze. Đó là do tầng lớp mua tác phẩm nghệ thuật và khách hàng VIP của ngân hàng đều là người thuộc nhóm có tài sản ròng cao trong khi giá trị của tác phẩm nghệ thuật như một tài sản đầu tư cũng cao. Tại sao một công ty điện tử công nghệ như LG OLED - không phải là doanh nghiệp tài chính, lại bắt tay với nghệ thuật? Điều này liên quan đến thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại bước chuyển đổi lớn trong ngành sản xuất.
“Các công ty chỉ bán sản phẩm không thể tồn tại thêm nữa. Giờ đây, các doanh nghiệp cần bán văn hóa độc đáo của chính mình. Có nhà kinh tế nói rằng các công ty chỉ kinh doanh sản phẩm sẽ trở thành nhà thầu phụ cho các công ty kinh doanh văn hóa.”
Giám đốc Seo Jin-seok, phụ trách Bảo tàng Nghệ thuật Busan sau khi chủ trì hoạt động khai trương Bảo tàng Nghệ thuật Ulsan - nơi chuyên trách về nghệ thuật truyền thông, đã đưa ra quan điểm và bàn luận về “Kỷ nguyên của Neo-Bauhaus (trường phái kết hợp thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật theo hướng tối giản, tinh tế và tiện nghi – chú thích của người dịch)”. Điều này có nghĩa là phong cách Bauhaus đầu thế kỷ XX với những nỗ lực kết hợp nghệ thuật thẩm mỹ và công nghệ chức năng đã tái xuất trong kỷ nguyên công nghệ mới. Ông nhấn mạnh: “Khi sự phát triển công nghệ xuất hiện thực tế trước mắt chúng ta cũng là lúc chúng thay đổi chính cuộc sống của chúng ta” và “khi công nghệ được trình diễn qua các trang thiết bị, chúng không chỉ có vai trò về mặt kỹ thuật và chức năng mà một khi đã thâm nhập thì càng đi sâu hơn vào cuộc sống của chúng ta cùng với khả năng cảm thụ nghệ thuật”. Bản thân sự phát triển của công nghệ chỉ tạo ra môi trường chức năng, chính nghệ thuật mới tạo ra không gian văn hóa. Đây là lý do khiến các doanh nghiệp có thế mạnh về công nghệ kêu gọi “trải nghiệm mới” thay cho lối diễn đạt sáo mòn là “tiên tiến”.
Chúng ta có thể bắt gặp các trường hợp sử dụng OLED mỏng và trong suốt ngay tại bảo tàng. Đó là triển lãm “Hành trình vĩnh cửu - chương trình đồng hành đặc biệt: Đồ gốm tượng hình và Đồ gốm trang trí bằng đất sét” trưng bày một số lượng lớn đồ gốm là đồ mộ thời kỳ Silla và Gaya cổ đại do Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc ở quận Yongsan-gu, Seoul tổ chức từ tháng 5 đến tháng 10 năm 2023. Bảo tàng đã lên kế hoạch triển lãm và được tài trợ màn hình LG OLED trong suốt. Khi cuộc sống thường ngày của con người cách đây 1.600 năm được chiếu lên màn hình dày 17mm như thể kính tủ trưng bày, cả người lớn và trẻ nhỏ đều kinh ngạc và muốn đến gần. Chúng ta có thể thấy cảnh bức tượng bán thân của thần Zeus ẩn hiện qua những đám mây lóe tia chớp nhờ công nghệ của LG OLED tại Phòng Triển lãm Hy Lạp và Rome - phòng triển lãm thường trực của bảo tàng.
Với mong muốn thúc đẩy sự hội tụ giữa công nghệ tiên tiến và nghệ thuật cũng như nâng cao giá trị thương hiệu, LG Electronics đã ký kết “Quan hệ đối tác toàn cầu LG-Guggenheim” (Art & Technology Initiative) với Bảo tàng Guggenheim ở New York, Hoa Kỳ trong vòng 5 năm, đến năm 2027 và thành lập “Giải thưởng LG Guggenheim” (LG Guggenheim Award). Hàng năm, giải thưởng sẽ bình chọn và trao 100.000 USD cho tác giả có tác phẩm nghệ thuật sáng tạo sử dụng công nghệ mới.
Sự tiến bộ của môi trường
Khách tham quan đến Phòng Trưng bày Shout tại trung tâm mua sắm Hysan Place, Hồng Kông và tham quan triển lãm nghệ thuật kỹ thuật số “The Frame Digital Art Gala” bằng ti vi phong cách sống The Frame của Samsung Electronics. Triển lãm được tổ chức từ tháng 11 đến tháng 12 năm 2022 với sự phối hợp giữa Samsung Electronics và Shout Gallery.
ⓒ Samsung Electronics
Vibration Club 2020. Oh Do-hahm. 2020. PVC bóng khí, đầu dò xúc giác, máy lắc âm trầm, bộ khuếch đại có kích thước thay đổi.Một trong những tác phẩm được trưng bày tại Open Studio vào năm 2020 được tổ chức bởi ZER01NE - công ty nền tảng tài năng sáng tạo do Tập đoàn Hyundai Motor tài trợ. Nghệ sĩ Oh Do-ham hoạt động trong nhiều lĩnh vực như âm nhạc, tổ chức biểu diễn và mỹ thuật - đã trình làng thiết bị cho phép thưởng thức âm nhạc bằng xúc giác thông qua chuyển động rung. Lấy cảm hứng từ cách người khiếm thính thưởng thức âm nhạc thông qua độ rung động của chiếc loa gắn vào đệm giường.
ⓒZER01NE
Samsung Electronics đã sử dụng sức mạnh công nghệ để mang những bức tranh nổi tiếng từ các bảo tàng nghệ thuật nổi tiếng vào không gian nhà ở. Đó chính là ứng dụng “Samsung Art Store”, dịch vụ đăng ký xem các tác phẩm nghệ thuật bằng cách sử dụng The Frame, một trong những dòng ti vi phong cách sống của Samsung Electronics. Dịch vụ cung cấp khoảng 2.300 tác phẩm nghệ thuật thuộc nhiều thể loại như ảnh chụp, ảnh đồ họa, nghệ thuật kỹ thuật số với độ phân giải 4k... bao gồm các bức tranh nổi tiếng thuộc sở hữu của các bảo tàng và phòng trưng bày thế giới như Bảo tàng Prado của Tây Ban Nha, Phòng Trưng bày Belvedere của Áo... Đây là chiến lược nhằm tăng cường khả năng tiếp cận nghệ thuật thông qua năng lực công nghệ truyền hình, giúp nghệ thuật gần gũi hơn với cuộc sống hàng ngày.
Không thể không nhắc đến Hyundai Motor Company - doanh nghiệp công nghệ hợp tác với nghệ thuật truyền thông. Doanh nghiệp có hẳn bộ phận Art Lab, chuyên chia sẻ quan điểm xuyên quốc gia và bàn luận về sự thay đổi của thời đại. Công ty đang triển khai dự án “Phòng Thí nghiệm Công nghệ + Nghệ thuật LACMAP” hợp tác với Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại LA, Hoa Kỳ và dự án “Bloomberg Art + Technology” hợp tác với Công ty Truyền thông Bloomberg Media. Doanh nghiệp đang tạo dựng danh tiếng với chương trình giải thưởng VH Awards và nền tảng tài năng sáng tạo ZER01NE hỗ trợ nghệ sĩ truyền thông sáng tác và tổ chức triển lãm, chương trình “Hyundai Blue Prize Art+Tech” hỗ trợ người giám tuyển nghệ thuật (art curator – chú thích của người dịch) truyền thông. Nhận định về sự tài trợ này, một nhà quản lý của Hyundai Motor cho biết: “Công nghệ không còn là công cụ đơn thuần mà đang tiến hóa với tư cách là môi trường xung quanh chúng ta; yêu cầu thời đại đặt ra là cần tái xác lập mối quan hệ giữa con người và máy móc” và “với sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo gần đây, việc đặt ra câu hỏi sáng tạo trở nên quan trọng hơn hết. Theo đó, cần nhìn lại hiện tại và chuẩn bị cho tương lai tại nơi giao thoa giữa nghệ thuật và công nghệ”.
Các doanh nghiệp cạnh tranh dựa trên năng lực công nghệ trước đây giờ đang chú ý đến những thay đổi vượt qua công nghệ. Giáo sư Han Yeo-hoon chuyên nghiên cứu tâm lý người tiêu dùng và hiệu ứng nghệ thuật cao cấp thuộc Viện Sau đại học Kinh doanh Văn hóa và Nghệ thuật, Đại học Hongik, phân tích: “Trước năm 2000, các doanh nghiệp cạnh tranh về tính năng nhưng hiện nay, khoảng cách công nghệ đang thu hẹp dần; chỉ có ‘sự đổi mới hoàn toàn’ mới tạo nên sự khác biệt” và “các nghệ sĩ đương đại không còn tập trung vào việc tái hiện công nghệ chú trọng về mặt kỹ thuật nữa mà sử dụng công nghệ để thể hiện triết lý và giá trị của bản thân qua những tác phẩm với hình thức mới. Điều này tương đồng với khái niệm ‘đổi mới’ của doanh nghiệp”. Ông cho biết: “Nếu áp dụng công nghệ OLED vào sản phẩm thì chỉ giới hạn ở ti vi, nhưng khi phối hợp công nghệ với tác phẩm sẽ có tính khả thi hơn”; đồng thời “cần trí tưởng tượng và quá trình sáng tạo có sử dụng công nghệ nếu muốn đổi mới công nghệ một cách hấp dẫn. Một khi nghệ sĩ đảm nhận vai trò này thì phạm vi áp dụng công nghệ sẽ vô tận”. Đây chính là lý do khiến việc nghệ thuật hợp tác với công nghệ tỏa sáng hơn.