메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

2022 AUTUMN

BẢO TÀNG MỸ THUẬT ĐÃ TRỞ THÀNH KHÔNG GIAN VUI CHƠI MỚI

Thế hệ coi trọng những giá trị trải nghiệm như thế hệ MZ đã bắt đầu nhận ra bảo tàng mỹ thuật chính là nơi mang lại cho họ những trải nghiệm vô cùng khác biệt. Họ chia sẻ lên mạng xã hội những bức hình phong cảnh xung quanh bảo tàng mỹ thuật, mua những mặt hàng ở cửa hàng bảo tàng và tận hưởng nó theo những sở thích riêng của mình. Hòa vào dòng chảy ấy, các bảo tàng mỹ thuật cũng đang nỗ lực thu hút sự chú ý của giới trẻ bằng các kế hoạch, dự án và sản phẩm phù hợp thị hiếu.

Tác phẩm “Căn phòng đỏ: tình yêu trong không khí” trưng bày tại nhà triển lãm Ground Seesaw Seochon, khai thác chủ đề tình yêu, hẹn hò và tình dục. Được gắn mác 19, triển lãm này đặc biệt nổi tiếng vì đã khơi gợi sự tò mò của lứa tuổi thiếu niên. Bức ảnh này chụp không gian nơi tác phẩm của họa sĩ Minzo King được trưng bày.
ⓒ MEDIA & ART



Theo “Kết quả khảo sát xã hội năm 2021” của Tổng cục thống kê Hàn Quốc, số người từng đi tham quan bảo tàng mỹ thuật trong năm là 19,3%, chỉ giảm 0,3% so với năm 2019. Số liệu này cho thấy trong khi số người tham gia các chương trình âm nhạc, kịch hay nhạc kịch giảm mạnh thì bảo tàng mỹ thuật lại ít chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Và một điều thú vị có thể thấy qua khảo sát này chính là người nằm trong độ tuổi 40, 50 và 60 chiếm tỉ lệ cao trong các buổi triển lãm online, ngược lại những người ở độ tuổi 20-30 lại tham quan triển lãm trực tiếp nhiều nhất. Qua đó có thể nhận định độ tuổi 20-30 thích trực tiếp đến bảo tàng mỹ thuật thay vì xem triển lãm qua màn hình máy tính hay điện thoại. Một vài hiện tượng xảy ra trong thời gian gần đây cũng chính là câu trả lời cho vấn đề này.

Những người ở độ tuổi 20 và 30, thường được biết đến với tên gọi “thế hệ MZ”, có đặc điểm là luôn tích cực theo đuổi những điều thú vị và trải nghiệm đặc biệt, đồng thời không dè dặt trong việc chia sẻ với người khác. Cách nhìn của họ về bảo tàng mỹ thuật cũng khác với thời của bố mẹ. Ở thế hệ trước, nếu như bảo tàng mỹ thuật là nơi thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật và người xem buộc phải giữ phép lịch sự thì đối với thế hệ MZ, nơi này lại là không gian trải nghiệm phong phú như chụp ảnh, mua sắm và nghỉ ngơi. Tóm lại, bảo tàng mỹ thuật đã trở thành không gian giải trí vô cùng thú vị.


Nơi lý tưởng để chụp ảnh
Gần đây, ngày càng nhiều bảo tàng mỹ thuật nỗ lực rút ngắn khoảng cách với người xem bằng các chương trình triễn lãm giúp khách tham quan cảm nhận được cả sự thú vị và ý nghĩa tác phẩm. Điển hình là Bảo tàng Mỹ thuật Daelim (Daelim Contemporary Art Museum). Nơi này trước đây là Bảo tàng Mỹ thuật Hanlim được Quỹ Văn hóa Daelim (Daelim Cultural Foundation) thành lập năm 1996 tại Daejeon. Năm 2002, Bảo tàng Mỹ thuật Daelim chuyển đến khu dân cư phường Tongui Seoul, nơi này được đổi tên và mở cửa trở lại với tên gọi hiện tại. Bầu không khí xưa cũ bao trùm do nó nằm gần cung Gyeongbok và những ngôi nhà hanok nhỏ nhắn nối đuôi nhau trong từng con hẻm nhỏ. Cảnh núi Inwang phía sau bảo tàng cũng rất đẹp.

Năm 2010, Bảo tàng Mỹ thuật Daelim tổ chức triển lãm “Bên trong Paul Smith” (Inside Paul Smith) giới thiệu bộ sưu tập nghệ thuật của nhà thiết kế thời trang người Anh Paul Smith. Mặc dù gây xôn xao trong dư luận vì đưa thời trang vào bảo tàng, song triển lãm này có ý nghĩa to lớn vì là lần đầu tiên xuất hiện thuật ngữ “chụp ảnh check-in” trong bảo tàng. Vào thời điểm đó, bảo tàng vẫn còn là nơi cấm chụp ảnh trong phòng trưng bày, thế nhưng Bảo tàng Mỹ thuật Daelim chính là nơi đầu tiên cho phép khách tham quan làm việc này. Về sau, tại các buổi triển lãm được tổ chức tại đây, có thể dễ dàng bắt gặp khách tham quan thuộc thế hệ MZ đang mải mê chụp ảnh check-in.

Một lý do khác khiến nơi này đến gần hơn với giới trẻ chính là nội dung triển lãm. Năm 2012, Bảo tàng Mỹ thuật Daelim đã định hình lại bản sắc của bảo tàng theo phương châm “bảo tàng mỹ thuật là nơi cuộc sống hàng ngày trở thành nghệ thuật” chứ không phải tôn vinh loại hình mỹ thuật trừu tượng khó hiểu. Các buổi triển lãm đặc biệt với bộ sưu tập của nhà thiết kế trong lĩnh vực công nghiệp Dieter Rams, nhà thiết kế thời trang Karl Lagerfeld hay nhà thiết kế đồ nội thất Finn Juhl,... đã đủ để ghi dấu về hình ảnh bảo tàng mỹ thuật trong lòng giới trẻ.

Trong các bảo tàng mỹ thuật do Quỹ Văn hóa Daelim điều hành, Bảo tàng D (D Museum) là nơi được nói đến nhiều nhất trên mạng xã hội. Được khánh thành tại phường Hannam năm 2015 nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Quỹ Văn hóa Daelim, bảo tàng này đã mời các nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật ánh sáng đẳng cấp thế giới và tổ chức triển lãm chuyên đề “Thắp sáng không gian - 9 đèn trong 9 phòng” (Spatial Illumination - 9 Lights in 9 Rooms) làm chương trình triển lãm khai trương. Sự kiện này đã được giới trẻ, những người luôn nhạy với trải nghiệm mới, đón nhận nồng nhiệt và truyền bá rộng rãi trên mạng xã hội. Thời điểm đó, bảo tàng cho biết những người ở độ tuổi 20 chiếm đến 68% trong tổng số khách đến tham quan.



Dự án triển lãm đầy tính sáng tạo
Bảo tàng D gần đây đã được di dời đến khu vực gần rừng Seoul ở phường Seongsu, Seoul, nơi có giao thông thuận tiện và dễ tiếp cận hơn so với vị trí cũ. Triển lãm đặc biệt “Sao đi nữa, cũng là yêu: Romantic Days” mở cửa đến cuối tháng 10 năm nay đã cho thấy rõ định hướng của bảo tàng. Khách tham quan có thể tận hưởng những khoảnh khắc và cảm xúc khác nhau của tình yêu thông qua các tác phẩm lãng mạn thuộc nhiều thể loại đa dạng. Điều đáng chú ý là các tác phẩm này được cấu trúc dựa trên những mô-típ từ các phân cảnh nổi tiếng của bảy bộ phim hoạt hình được yêu thích ở Hàn Quốc.

Tiếp nối Bảo tàng Mỹ thuật Daelim, ngày càng nhiều nơi tổ chức triển lãm về các chủ đề mà thế hệ trẻ có thể dễ dàng hiểu và đồng cảm. Khi mới khai trương ở phường Buam, Seoul năm 2012, Bảo tàng Mỹ thuật Seoul (Seoul Museum) chỉ tập trung giới thiệu triển lãm cá nhân của các tác gia hội họa hiện đại hoặc các bộ sưu tập của bảo tàng nhưng sau đó đã dần chuyển hướng sang tổ chức những buổi triển lãm có thể thu hút sự đồng cảm của thế hệ MZ. Trong đó, có thể kể đến triển lãm “Nhiệt độ tình yêu” được mở vào nửa đầu năm 2016. Dự kiến chỉ tổ chức trong ba tháng, song do nhận được sự hưởng ứng sâu rộng nên triển lãm đã kéo dài thêm khoảng hai tháng. Sự kiện đã thu hút hơn 90.000 lượt khách tham quan suốt 5 tháng và được đánh giá là đầy sáng tạo trong việc đưa các ca khúc đại chúng nổi tiếng vào tác phẩm mỹ thuật. Vào cuối năm 2021, triển lãm này tiếp tục một lần nữa chào đón khách tham quan bằng cách thay đổi bố cục và hình thức triển lãm tương tự như việc một bộ phim thành công sản xuất phần tiếp theo.

“Xã hội cà phê” (Cafe Society) triển lãm đặc biệt năm 2017 lấy chủ đề quán cà phê là nơi để gặp gỡ và nghỉ ngơi, đã nhận được nhiều sự chú ý nhờ bài trí không gian như một quán cà phê. Sau lần thử nghiệm này, Bảo tàng Mỹ thuật Seoul đã trở thành một nơi nổi tiếng mà mọi người nhất định phải đến. Phía sau bảo tàng là biệt thự Sukpajung, nơi nghỉ mát của Lee Ha-eung (Lý Hạ Ưng, 1821-1898), cha vua Gojong (Cao Tông) (trị vì năm 1863-1907), vị vua thứ 26 của triều đại Joseon. Khách tham quan cũng có thể ghé thăm nơi này, chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp không dễ gì gặp được ở trung tâm thành phố Seoul cũng là một lý do khác khiến khách tham quan bị thu hút bởi bảo tàng.

Thêm vào đó, còn có không gian văn hóa phức hợp Piknic do công ty thiết kế triển lãm Glint xây dựng ở phường Hoehyeon Seoul năm 2018. Nơi này được cải tạo lại từ tòa nhà của một công ty dược được xây dựng vào những năm 1970. Các buổi triển lãm như triển lãm “Ryuichi Sakamoto: Cuộc đời, cuộc đời” (Ryuichi Skamoto: LIFE, LIFE) kỷ niệm 40 năm ngày ra mắt của nhà soạn nhạc kiêm nghệ sĩ dương cầm Nhật Bản Ryuichi Skamoto, triển lãm hồi tưởng “Jasper Morrison: Thể tính” (Jasper Morrison: THINGNESS) của nhà thiết kế trong lĩnh vực công nghiệp Jasper Morrison, và triển lãm đặc biệt “Chú tâm” (Mindfulness) đều đã gây được những tiếng vang lớn. Đặc biệt, triển lãm “Làm vườn” (GARDENING) được tổ chức từ tháng 4 đến tháng 10 năm 2021, đã phản ánh tích cực phong trào tìm kiếm sự đồng cảm và chữa lành về mặt cảm xúc thông qua thực vật, đến mức xuất hiện một thuật ngữ mới “cây thú cưng”. Triển lãm này đã mang đến một không gian thư giãn trong lành cho những ai đã quá mệt mỏi vì COVID-19.

Mặt khác, “Công ty du hành thời gian Lữ khách thời gian” (TIMEWALKER the timetravel corporation) - một cuộc triển lãm về môi trường sinh thái do Bảo tàng Mỹ thuật Đương đại Busan (Museum of Contemporary Art Busan) tổ chức vào năm ngoái cũng nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt. Triển lãm này được tổ chức dưới hình thức giải trí kiểu trò chơi nhằm mục đích phổ biến tình trạng của công viên sinh thái Eulsukdo, nơi từng là địa bàn trú đông lớn nhất của các loài chim di cư ở Hàn Quốc, nhưng hiện hệ sinh thái đang bị tàn phá nghiêm trọng. Bằng cách kết hợp với trò chơi “thoát khỏi phòng giam” vô cùng phổ biến đối với những người ở độ tuổi 20, không gian triển lãm được thiết kế để khách tham quan có thể cùng giải quyết các vấn đề để tìm ra mật mã và di chuyển sang không gian triển lãm tiếp theo.

Đặt tại tòa nhà từng là trụ sở của một công ty dược phẩm, không gian dã ngoại pha trộn văn hóa ở Hoehyeon-dong, trung tâm Seoul, rất quen thuộc với giới trẻ. Mái của tòa nhà này là một trong những nơi tuyệt vời nhất để chụp ảnh đăng lên mạng xã hội.
ⓒ piknic

Triển lãm đặc biệt “Những ngày lãng mạn” (Romantic Days) ở Bảo tàng D được mở lại, phản ánh sự say mê phim hoạt hình của những người trẻ trong lứa tuổi đôi mươi và được đánh giá cao vì đã giúp triển lãm nghệ thuật trở nên gần gũi và dễ tiếp cận hơn với giới trẻ.
ⓒ D MUSEUM, Roh Kyung



Không gian mua sắm
Tháng 11 năm 2021, Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc đã ra mắt phòng triển lãm “Căn phòng trầm tư” (Room of Quiet Contemplation) để trưng bày hai bức tượng Banga Sayu (Tượng Bồ Tát trầm tư) - bảo vật quốc gia của Hàn Quốc. Để kỷ niệm lần ra mắt này, Quỹ Văn hóa Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc đã lên kế hoạch và bán những sản phẩm thu nhỏ dựa theo mô hình của tượng Banga Sayyu. Những sản phẩm này được giới trẻ gọi với cái tên “mô hình di vật” và chúng nổi tiếng đến mức khan hiếm hàng. Về sau, “Căn phòng trầm tư” cũng nổi lên như một địa điểm nổi tiếng mới.

Cửa hàng lưu niệm do các bảo tàng điều hành cũng góp phần vào sự thay đổi cảnh quan của bảo tàng. Tương tự cách mà giới trẻ vẫn đến trung tâm thương mại phức hợp hay cửa hàng biệt lập, việc đến thăm cửa hàng lưu niệm đã trở thành hiện tượng văn hóa mới. Trước đây, người ta đến cửa hàng lưu niệm ở bảo tàng mỹ thuật chủ yếu để mua các tập tranh triển lãm, nhưng giờ đây họ đến nơi này chủ yếu là để tham quan. Khi Bảo tàng Mỹ thuật Leeum mở cửa trở lại vào tháng 10 năm 2021, cửa hàng Leeum trong bảo tàng này đã không bày bán những món hàng thông thường mà bán những món đồ thủ công đầy ấn tượng do chính bàn tay các nghệ sĩ tạo tác, với chủ đề “bộ sưu tập đầu tiên trong đời”. Đặc biệt, các tác phẩm như “Dư ảnh của khởi đầu” (Afterimage of Beginning) của nghệ nhân trang trí nội thất Choi Byung-hoon hay “Chuỗi nút thắt” (Knot Series) của nhà thiết kế Lee Kwang-ho đã được phát hành dưới dạng đồ nội thất thu nhỏ phiên bản giới hạn, tuy giá hơi cao so với túi tiền giới trẻ song vẫn nhận được những phản hồi tích cực. Điều này không nằm ngoài dự đoán vì nó hoàn toàn khớp với tư duy tiêu dùng của thế hệ MZ - chỉ cần là món đồ quý giá hoặc độc lạ, họ sẵn sàng bỏ tiền ra mua. Những sản phẩm nghệ thuật này đem đến sự hài lòng cho những ai muốn trải nghiệm cảm giác sở hữu tác phẩm nghệ thuật ít nhất một lần trong đời.

Quỹ văn hóa Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc đã bán các phiên bản thu nhỏ của tác phẩm điêu khắc “Bồ tát trầm ngâm” (Banga Sayu), và bán hết rất nhanh. Thế hệ trẻ thường đến thăm bảo tàng để mua đồ lưu niệm, và đây cũng là một cách mới để thưởng thức nghệ thuật.
ⓒ Quỹ Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc



Sự xuất hiện của nhà sưu tập mới
Người nổi tiếng có sức ảnh hưởng nhất trong giới mỹ thuật thời gian gần đây không ai khác chính là trưởng nhóm RM của nhóm nhạc BTS. Ngay cả khi không phải là một ARMY (người hâm mộ nhóm BTS - chú thích của người dịch), chúng ta đều biết RM là một người yêu mỹ thuật đến mức đã cho bảo tàng mỹ thuật công lập mượn bộ sưu tập của mình để triển lãm. Khi một bảo tàng nào đó xuất hiện trên tài khoản instagram của anh, số lượt truy cập bảo tàng đó theo thời gian thực sẽ ngay lập tức tăng lên chóng mặt. Thậm chí còn xuất hiện một câu nói: “Bảo tàng mỹ thuật được chia thành những nơi RM đã đến và những nơi RM chưa đến”. Ngoài ra cũng xuất hiện cụm từ “RM Tour” để chỉ những bức ảnh check-in tại các bảo tàng mỹ thuật mà RM từng ghé thăm. Một vài ý kiến lo ngại khi thấy hiện tượng do các cá nhân có tầm ảnh hưởng tạo nên thế này, nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc người có tầm ảnh hưởng lớn giới thiệu những tác giả hoặc những địa điểm mới kém nổi tiếng sẽ mang lại những ảnh hưởng tích cực đến giới mỹ thuật.

Như một lẽ tự nhiên, sự quan tâm ngày càng tăng đối với triển lãm và họa sĩ đã dẫn đến việc ngày càng nhiều người tìm mua tác phẩm mỹ thuật. Thế hệ MZ, trong đó có những người đang gánh vác trên vai sự phát triển của thị trường chứng khoán, bất động sản và tiền ảo cũng góp mặt vào thị trường mỹ thuật. Ngoài ra, thế hệ MZ cũng tìm đến các hội chợ nghệ thuật được tổ chức ở Hàn Quốc. “Báo cáo Kiaf SEOUL” năm 2021 do Nhóm Kinh doanh Triển lãm của Hiệp hội phòng trưng bày Hàn Quốc cho biết 53,5% tổng số khách đến tham quan Kiaf Seoul (Korea International Art Fair Seoul, Hội chợ Mỹ thuật Quốc tế Hàn Quốc ở Seoul - chú thích của người dịch) năm ngoái là khách tham quan mới. Và trong số đó, thế hệ MZ chiếm hơn một nửa với 60,4%. Giới trẻ hiện nay không chỉ thưởng thức và tận hưởng các tác phẩm mỹ thuật mà còn rất quan tâm đến việc đầu tư.

Sự xuất hiện của các nhà sưu tập trẻ đang làm thay đổi thị trường mỹ thuật. Có người lo ngại rằng nếu một tác phẩm mỹ thuật chỉ được chú ý vì giá trị đầu tư thay vì giá trị nghệ thuật thì sẽ gây hại cho sự phát triển lành mạnh của thị trường. Song cũng có nhiều ý kiến cho rằng, những người có xu hướng coi trọng giao tiếp và thể hiện sở thích cá nhân như thế hệ MZ sẽ tác động tích cực đến việc mở rộng thị trường mỹ thuật Hàn Quốc. Ban đầu, thế hệ MZ tham quan bảo tàng mỹ thuật với mục đích đơn giản là chụp ảnh, nhưng giờ đây họ đã thay đổi vị thế, trở thành những nhà sưu tập tiềm năng được chú ý trên thị trường mỹ thuật.



“SF. SF. SF.”, triển lãm đơn đầu tiên của Superfiction vào tháng 10 năm 2016 tại Hannamdong, Seoul. Superfiction là một văn phòng thiết kế sáng tạo, hợp tác với Print Bakery là một nền tảng kinh doanh mỹ thuật do Phòng Đấu giá Seoul lập ra để phổ biến tác phẩm mỹ thuật đến đông đảo công chúng.
Ảnh cung cấp bởi Superfiction



Bae Wo-riPhóng viên Tạp chí Monthly Art
Dịch. Nguyễn Phạm Thu Hương

전체메뉴

전체메뉴 닫기