Khách sạn đang vượt ra khỏi khái niệm không gian lưu trú đơn thuần và phát triển thành nơi trải nghiệm nhiều phong cách sống khác nhau. Theo xu thế đó, các khách sạn ở Hàn Quốc đang cung cấp nhiều trải nghiệm đa dạng để nó không chỉ là một phần của hành trình mà còn có thể trở thành điểm đến của chuyến du lịch.
Geoje Belvedere, một khu nghỉ dưỡng nằm ở đảo Geoje, cung cấp chương trình chăm sóc sức khỏe, nơi khách hàng có thể vừa tập yoga vừa nhìn ra biển để có được trải nghiệm thư giãn thực sự.
© Hanwha Hotels & Resorts
Để nắm bắt nhóm đối tượng mới là thế hệ MZ, các khách sạn Hàn Quốc đang có xu thế liên tục thử nghiệm các chương trình độc đáo đáp ứng phong cách sống đa dạng và các mối quan tâm chính của họ.
Monocle, tạp chí được gọi là tạp chí của những hipster (những người theo đuổi đam mê thời trang, âm nhạc, văn hóa theo phong cách riêng của mình và không bị ảnh hưởng bởi trào lưu đại chúng - chú thích của người dịch) đã từng định nghĩa lại khái niệm du lịch tại Hội nghị Chất lượng cuộc sống Monocle (The Monocle Quality of Life Conference) tổ chức ở Madrid, Tây Ban Nha vào năm 2019. “Monocle” dự đoán rằng trong tương lai, du lịch sẽ trở thành việc nạp năng lượng sáng tạo ngày thường thông qua những trải nghiệm khác thường. Và khách sạn - một phần không thể tách rời với du lịch - cũng như vậy. Xưa nay, khách sạn có vai trò mang lại chỗ ngủ thoải mái tại các điểm du lịch. Khi đi du lịch, thông thường ta sẽ chọn điểm đến trước rồi mới chọn nơi lưu trú. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay nếu khách sạn chỉ có chức năng như vậy là không đủ, bởi vì khách hàng đang hỏi họ sẽ trải nghiệm được những gì ngoài việc ngủ trong khách sạn?
Giờ đây, các khách sạn phải cạnh tranh với các trung tâm thương mại, công viên giải trí và thậm chí cả Netflix trong lĩnh vực được gọi là “giải trí”. Đối với câu hỏi tại sao phải đi khách sạn, mỗi khách sạn ở Hàn Quốc đều đưa ra những câu trả lời khác nhau để chiếm được trái tim của khách hàng.
Các tiện nghi trong phòng nghỉ của Grand Walkerhill Seoul là những sản phẩm thân thiện với môi trường, không thử nghiệm trên động vật. Các phòng ăn thuần chay của khách sạn đặc biệt thu hút thế hệ MZ -những người tham gia vào hoạt động tiêu dùng theo định hướng giá trị.
©WALKERHILL HOTELS & RESORTS
Khách sạn trở thành sân chơi
Khách sạn đang chuyển hướng từ không gian nghỉ ngơi dành cho thế hệ lớn tuổi có điều kiện kinh tế dư dả hoặc giới giàu có sang sân chơi cho giới trẻ, cụ thể là thế hệ MZ - những người sinh ra từ khoảng đầu thập niên 1980 cho đến đầu thập niên 2000. Họ có đặc điểm sẵn sàng trả tiền cho những gì họ nghĩ là đáng giá. Theo đó, để nắm bắt nhóm đối tượng mới là thế hệ MZ, các khách sạn ở Hàn Quốc đang có xu thế liên tục thử nghiệm các chương trình độc đáo đáp ứng phong cách sống đa dạng và những mối quan tâm chính của họ.
Ví dụ, đầu năm nay, Andaz Seoul Gangnam đã tung ra gói dịch vụ chụp ảnh đại diện (profile picture) toàn thân, đáp ứng sở thích chụp ảnh đại diện của thế hệ MZ. Khách sạn hợp tác với studio chuyên chụp ảnh đại diện toàn thân và cung cấp gói dịch vụ giới hạn tên là “Love Yourself” (Hãy yêu lấy chính mình) với 50 phòng chụp. Ảnh đại diện toàn thân không chỉ là một phương tiện thể hiện bản thân mà còn giúp gia tăng sự tự tin thông qua việc giữ gìn cơ thể mình thật khỏe mạnh.
Ngoài ra còn có chương trình hocance (hotel + vacance: một từ mới tại Hàn Quốc có nghĩa là “kỳ nghỉ tại khách sạn” - chú thích của người dịch) được thiết kế dựa trên MBTI - một hệ thống trắc nghiệm tính cách do hai mẹ con Katharine Cook Briggs và Isabel Briggs Myers phát triển từ lý thuyết về các loại hình tâm lý của nhà tâm lý học người Thụy Sĩ Carl Gustav Jung. Gần đây, trắc nghiệm này đã trở nên phổ biến đến mức thế hệ MZ sử dụng nó để giới thiệu bản thân. Theo đó, tính cách con người được chia thành khuynh hướng hướng ngoại (dạng E - Extrovert) và khuynh hướng hướng nội (dạng I - Introvert) ở bốn khía cạnh tâm lý. Tháng 3 vừa qua, Paradise Hotel Busan và Paradise City đã dựa trên hệ thống phân loại này để đưa ra gói sản phẩm dạng E gồm các hoạt động trải nghiệm đa dạng bên ngoài khách sạn và gói sản phẩm dạng I dành cho thời gian thư giãn và thưởng thức các món ăn ngon trong khách sạn.
Chương trình khơi gợi những cảm xúc hoài cổ do máy ảnh cơ mang lại cũng tạo được phản ứng tốt. Các khách sạn của tập đoàn Kolon đã đưa chủ đề retro (hoài cổ) vào các gói sản phẩm mùa xuân năm nay. Gói dịch vụ tặng những chiếc máy ảnh cơ chụp phim đen trắng đã được tái chế kèm theo dịch vụ rửa ảnh đã rất thu hút thế hệ MZ, những người đã quen với máy ảnh điện thoại thông minh. Tuy máy ảnh cơ khá xa lạ với thế hệ MZ nhưng máy ảnh chụp phim dùng một lần vẫn được bán đều đặn do xu hướng retro thịnh hành những năm gần đây.
Xu hướng thân thiện với môi trường và ăn chay cũng bắt nguồn từ thế hệ MZ, những người có khuynh hướng lựa chọn sản phẩm theo tiêu chí chủ quan hoặc niềm tin của bản thân. Những đồ dùng tiêu hao trong khách sạn là ví dụ tiêu biểu. Các khách sạn đang tham gia chiến dịch giảm đồ nhựa khi nhu cầu về du lịch thân thiện với môi trường tăng lên. Ngoài ra, họ cũng tạo thêm các thực đơn chay hoặc bán các loại cocktail rau củ để giành được trái tim của những khách hàng trẻ vốn ưu tiên các giá trị bền vững.
Nạp năng lượng toàn vẹn
Một xu thế nữa gần đây là nhấn mạnh vai trò của khách sạn như một nơi chữa lành và giúp khách hoàn toàn tập trung vào việc nghỉ ngơi, thông qua việc thực hành “meong ttaerigi” - nhìn mông lung không suy nghĩ vào đống lửa trại đang cháy hoặc nhìn chăm chăm vào dòng sông đang trôi (nói chung là hành động không phản ứng trước những yếu tố kích thích - chú thích của người dịch). Khi mới nổi lên cách đây vài năm, hiện tượng này phần nào bị nhìn nhận khá tiêu cực vì không tạo ra thành quả gì, nhưng đối với những người hiện đại luôn sống như thể bị rượt đuổi trong một xã hội cạnh tranh, hành động này trở thành một liệu pháp chữa bệnh khi có sự hậu thuẫn của quan điểm y học cho rằng nó mang lại sự ổn định tâm lý. Nó càng đặc biệt phổ biến hơn khi tình trạng kiệt sức xã hội gia tăng do sự lan rộng của đại dịch COVID-19.
Và như vậy, nhiều khách sạn đã tung ra gói sản phẩm “Meong ttaerigi” phản ánh hiện tượng văn hóa của thời đại. Có thể kể đến các gói sản phẩm theo nhiều sở thích đa dạng như “Bada (biển) meong” thảnh thơi thư giãn với âm nhạc trong khi tận hưởng làn gió biển mát mẻ ở ban công của căn phòng nhìn ra biển; “Sori (âm thanh) meong” tìm lại sự bình yên của tâm hồn bằng cách sử dụng độ rung và tần số của chuông xoay Tây Tạng hoặc qua liệu pháp ASMR (autonomic sensory meridian response - phản ứng kinh mạch cảm giác tự chủ); “Sup (rừng) meong” đi bộ trong rừng nguyên sinh hoặc đi bộ trong khu rừng tràn trề mùi hương kháng sinh tự nhiên.
Một xu hướng rõ rệt nữa là phát triển khách sạn thành không gian nâng tầm cảm thụ nghệ thuật. Điều này ít nhiều liên quan đến việc gần đây nhu cầu thưởng thức nghệ thuật tăng cao và tầng lớp thưởng thức nghệ thuật ngày càng mở rộng. Paradise City nằm gần sân bay quốc tế Incheon đã nhấn mạnh khái niệm “art-tainment” (nghệ thuật + giải trí) kể từ khi khai trương đến nay. Chỉ cần tham quan một vòng khách sạn là ta có thể hiểu được nghệ thuật hiện đại thông qua việc chiêm ngưỡng từ các tác phẩm của những nghệ sĩ đỉnh cao trong và ngoài nước cho đến các tác phẩm của các nghệ sĩ trẻ được tài trợ bởi Paradise Group. Thế hệ MZ đặc biệt thích chụp ảnh để ghi lại minh chứng những gì bản thân đã trải nghiệm. Do đó, tác phẩm của Yayoi Kusama vốn đã gây tiếng vang từ lúc khai trương đã góp phần đưa khách sạn này thành địa điểm chụp ảnh check-in.
Chiến dịch thân thiện với môi trường nhằm giảm lượng rác thải hàng ngày tạo ra từ quá trình lưu trú tại khách sạn cũng là một trong những xu hướng gần đây trong ngành kinh doanh khách sạn. Trong ảnh là một tiện ích thân thiện với môi trường tại khách sạn JW Marriott Dongdaemun Square Seoul được bán giới hạn theo mùa.
© JW Marriott Dongdaemun Square Seoul
Tác phẩm nghệ thuật động học của Mioon được đặt tại sòng bạc của khách sạn Paradise City. Với số lượng người biết thưởng thức nghệ thuật ngày càng tăng, vai trò của khách sạn đã mở rộng thành không gian bồi dưỡng khả năng cảm thụ nghệ thuật của con người.
©PARADISE CITY
LOTTE HOTELS & RESORTS
ⓒ LOTTE HOTELS & RESORTS
Cộng đồng địa phương
Lối đi dạo trên bãi biển của SOL BEACH SAMCHEOK có những tiện nghi lấy cảm hứng từ đảo Santorini của Hy Lạp để du khách có thể thoải mái ngắm nhìn cảnh biển. Khi "meong ttaerigi" đã trở thành xu hướng, các khách sạn ven biển cung cấp hàng loạt dịch vụ cho phép bạn thư giãn trong làn gió biển mát rượi.
ⓒ SONO INTERNATIONAL Co., Ltd.
Chợ trời Golmok, được tổ chức vào thứ Bảy hàng tuần tại quảng trường ở Playce Camp Jeju. Nơi đây, những người sáng tạo địa phương đến bán các sản phẩm do họ tự làm.
ⓒ Playce Camp Jeju
Cũng cần lưu ý rằng việc kết nối với cộng đồng địa phương trong du lịch đang ngày càng tăng. Ví dụ, Maison Glad Jeju giới thiệu gói tham quan các địa điểm lân cận kéo dài một tiếng kể từ lúc xuất phát tại khách sạn. Điều nổi bật ở đây là chương trình không chỉ bao gồm các điểm du lịch tiêu biểu mà ta thường nhớ ra khi nhắc đến Jeju mà còn bao gồm các địa điểm du lịch địa phương do người dân đảo giới thiệu để cảm nhận bản chất của Jeju.
Ngoài ra, khách sạn Gyeongju Kolon đã tung ra một sản phẩm làm nổi bật đặc điểm của vùng cố đô vương quốc Silla cổ đại. Bên cạnh mâm cơm và trà truyền thống trong cung đình được tái hiện trên cơ sở các ghi chép còn lại trong bộ sách “Tam quốc di sử” (1921) thì việc học lịch sử Hàn Quốc cũng là điểm hấp dẫn của gói sản phẩm.
Tương tự, khách sạn cộng đồng cũng là một giải pháp thay thế mới đang nổi lên trong ngành. Khách sạn được thử nghiệm một vai trò mới - vai trò của cứ điểm hình thành cộng đồng kết nối với cư dân địa phương thông qua việc để lưu khách trải nghiệm lịch sử, môi trường tự nhiên, kiến trúc và ẩm thực của địa phương nơi khách sạn tọa lạc. Tiêu biểu phải kể đến Playce Camp Jeju bắt đầu ở Seongsan, Jeju, ngoài việc cung cấp nơi lưu trú và mua sắm đáp ứng sở thích của khách trong độ tuổi 20, 30, khách sạn còn đưa ra nhiều nội dung đa dạng tận dụng cả nguồn lực địa phương lẫn cơ sở vật chất khách sạn như nghệ thuật, yoga, viết lách, hoạt động ngoài trời. Chợ trời cuối tuần nơi những nhà sáng tạo địa phương tham gia không chỉ phổ biến với khách của khách sạn mà còn với cả cư dân địa phương. Ngoài ra, càng ngày càng xuất hiện nhiều khách sạn cộng đồng kết nối du khách với cơ sở thương mại và cư dân địa phương như Local Stitch ở Seoul, Nhà khách Bonghwangjae ở thành phố Gongju, tỉnh Chungcheongnam và Village Hotel 18st ở Jeongseon tỉnh Gangwon.