Dancheong, một loại hình nghệ thuật kiến trúc truyền thống của Hàn Quốc, được sử dụng từ xa xưa để bảo tồn các tòa kiến trúc bằng gỗ, sau đó bắt đầu nở rộ cùng với sự du nhập của Phật giáo và tiếp tục trường tồn đến ngày nay. Park Geun-deok là một chuyên gia dancheong với 20 năm gắn bó cùng các dự án trùng tu di sản văn hóa. Đồng thời, cô cũng hoạt động tích cực với tư cách là nghệ sĩ sáng tạo dancheong, người diễn giải các hoa tiết dancheong truyền thống theo góc nhìn của riêng mình.
© Cung cấp bởi Park Geun-deok
Chúng ta có thể cảm nhận được vẻ hoa lệ của các cung điện, chùa chiền Hàn Quốc ngay cả khi không phải mùa hoa nở. Đó là nhờ có dancheong điểm xuyết các tòa nhà bằng các sắc màu rực rỡ và hoa văn tinh tế. Mục đích ban đầu của dancheong là bảo vệ các kiến trúc bằng gỗ - loại vật liệu vốn dễ xuống cấp trước sự biến đổi khí hậu - khỏi nắng nóng, lạnh giá, ẩm ướt..., qua đó tăng độ bền của chúng. Hơn nữa, dancheong còn có vai trò biểu thị quyền uy hoàng tộc hay sự tôn nghiêm tôn giáo thông qua hoa văn được sử dụng và cách phối màu.
“Có thể nói dancheong là chiếc áo mà các tòa kiến trúc khoác lên mình. Tương tự sự khác biệt giữa trang phục của vua chúa và quần thần, dancheong cũng có hoa văn và màu sắc khác nhau tùy theo mục đích và tầm quan trọng của công trình.”
Đấy là lời giải thích của Park Geun-deok. Chịu ảnh hưởng của Phật giáo, dancheong không chỉ được tìm thấy ở Hàn Quốc mà còn ở các quốc gia thuộc vùng văn hóa Phật giáo khác như Mông Cổ, Nhật Bản, Trung Quốc hay Tây Tạng. Tuy vậy, phong cách dancheong ở mỗi quốc gia lại khác nhau. Nếu như dancheong Nhật Bản đặc trưng bởi màu đỏ chủ đạo, dancheong Trung Quốc là sự lấn át của sắc xanh dương và xanh lục, thì dancheong Hàn Quốc lại tuân theo thuyết Âm Dương Ngũ hành, sử dụng obangsaek (ngũ phương sắc, năm màu tượng trưng cho năm hướng đông, nam, tây, bắc và trung tâm) - bao gồm xanh dương, đỏ, trắng, đen và vàng - để tạo sự tương phản giữa các màu sắc bổ sung. Song, việc sử dụng xen kẽ gam màu nóng và lạnh, tạo sự khác biệt rõ rệt về độ sáng tối đã góp phần tạo nên vẻ đẹp rực rỡ cho dancheong Hàn Quốc.
Nghệ nhân Park Geun-deok đã nhận được những đánh giá tích cực cho triển lãm cá nhân đầu tiên vào năm 2022 với các tác phẩm diễn giải mới mẻ về nghệ thuật dancheong truyền thống, và đã tổ chức triển lãm liên tục kể từ đó. Ngoài những hoa văn thường được sử dụng trong dancheong truyền thống, cô còn thích vẽ những loài hoa dại thường thấy xung quanh mình.
SỰ KẾT HỢP GIỮA HOA VĂN VÀ MÀU SẮC
Quy trình vẽ dancheong bắt đầu bằng việc phết keo a giao (một loại keo dính truyền thống) để màu sắc được lên đẹp. Để được như thế, trước tiên cần trám kín và chà nhẵn các khoảng trống hoặc lỗ hổng trên phần gỗ vẽ dancheong, sau đó quét keo ít nhất hai lần. Tiếp theo, sơn lớp nền bằng các phấn màu tự nhiên như celadonite (khoáng vật mềm, dạng đất màu xanh hoặc xanh xám – chú thích của người dịch) hay chu sa. Sau khi vẽ phác thảo hoa văn trên giấy và dùng kim châm tạo các lỗ nhỏ cách đều nhau dọc theo đường viền của mẫu là công đoạn áp bản phác thảo lên bề mặt gỗ cần vẽ rồi dùng túi vải đựng bột vỏ sò dần nhẹ theo các đường nét đã tạo để họa tiết hiện lên. Khi pha màu xong, người nghệ nhân tô theo bản vẽ. Cuối cùng, bột vỏ sò được phủi sạch và một lớp dầu lanh bóng được phết lên để hoàn thiện.
Dancheong được chia thành bốn loại. Đầu tiên là loại chỉ sử dụng một màu nền duy nhất mà không có bất kỳ họa tiết nào. Đây là kiểu dancheong hạng thấp nhất, được sử dụng cho các công trình kiến trúc cấp thấp hoặc nhà ở thông thường. Tuy nhiên, phong cách này đôi khi được thi công trong các cung điện cao cấp nhất, chẳng hạn như Jongmyo (Tông Miếu) - nơi thờ phụng bài vị các đời vua và vương hậu triều đại Joseon (1392-1910), nhằm thể hiện sự trang nghiêm của không gian. Phong cách thứ hai là tô màu nền rồi vẽ các đường thẳng lên đó. Kiểu này chủ yếu được áp dụng cho các tòa nhà phụ như từ đường, chỉ cần thêm đường nét là đã tạo được hiệu ứng trang trọng. Thứ ba là trường hợp chỉ vẽ hoa văn ở hai đầu các cấu kiện như dầm hoặc xà ngang, còn phần giữa cấu kiện chỉ được tô màu nền. Kiểu này được sử dụng rộng rãi trong kiến trúc thông thường, bao gồm các công trình phụ trợ trong chùa, cho đến cung điện, seowon (trường học Nho giáo do tư nhân lập ở địa phương), vọng lâu... Hoa văn chỉ được thêm vào phần đầu của cấu kiện như thế này được gọi là meoricho (hoa văn đầu xà), và tùy thuộc vào vị thế của công trình kiến trúc mà hoa văn đầu xà có thể cầu kỳ hoặc giản đơn. Cuối cùng là phong cách phủ kín hoa văn toàn bộ bề mặt gỗ để tối đa hóa vẻ tráng lệ. Đây là phong cách cao cấp nhất, thường được sử dụng cho các tòa kiến trúc chính của chùa chiền như khu chánh điện.
Chất màu tự nhiên màu xanh lá cây là vật liệu được sử dụng thường xuyên nhất trong công trình dancheong. Tất cả các chất màu được nghiền mịn trong cối và lọc qua rây trước khi tạo màu. Các hạt càng mịn thì độ sắc nét càng thấp.
“Trong Triều Tiên vương triều thực lục có ghi chép về việc các Nho sinh dâng tấu sớ xin vua “cấm vẽ dancheong ở tư gia”. Có thể thấy dancheong được xem là thứ xa hoa nên ngay cả trong cung điện cũng không được trang trí dancheong theo phong cách cầu kỳ nhất. Điều này là do ảnh hưởng của Nho giáo, nhưng cũng một phần là do nguyên liệu thô để vẽ dancheong là những khoáng thạch rất đắt tiền, từ xưa đến nay vẫn vậy.”
Hoa văn dancheong cũng được chia thành nhiều loại. Loại được sử dụng thường xuyên nhất là yeonhwa meoricho (hoa văn đầu xà hình hoa sen). Hoa văn đầu xà hình hoa sen là sự kết hợp của hoa sen, quả lựu và lục hoa (họa tiết bông hoa màu xanh lá), có thể dễ dàng nhìn thấy không chỉ trong dancheong của các chùa chiền và cung điện mà còn ở dancheong của các công trình Nho giáo như hyanggyo (trường học Nho giáo do triều đình lập ở địa phương) và seowon.
“Tôi cũng thường xuyên ứng dụng hoa văn đầu xà hình hoa sen để vẽ. Tôi trung thành với phong cách vẽ truyền thống, nhưng đôi khi thay thế hoa sen ở trung tâm bằng những loài hoa dại bản địa như bồ công anh hay hoa cỏ thông.”
Nghệ nhân Park tự tay nhuộm sợi gai, lụa và sợi gai dầu bằng nguyên liệu tự nhiên. Do đặc tính đan xen của sợi ngang và sợi dọc trên vải nên rất khó lên màu đều, vì vậy quá trình chờ vải khô rồi nhuộm lớp tiếp theo phải lặp đi lặp lại nhiều lần.
NHỮNG THỬ NGHIỆM MỚI
Kể từ triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên “Goldgarden” (tạm dịch: Khu vườn vàng) được tổ chức tại Gallery IS vào năm 2022, Park Geun-deok đã và đang nhận được nhiều lời khen ngợi qua các triển lãm thường niên cho các tác phẩm dancheong đầy sáng tạo, đem lại hình hài mới cho nghệ thuật dancheong truyền thống. Năm ngoái, cô giành được giải thưởng cao nhất tại cuộc thi tranh Phật giáo và tranh dân gian do Gallery HANOK tổ chức, sau đó nhận được nhiều sự chú ý với các tác phẩm lấy cảm hứng từ động thực vật trong triển lãm được mời “Chú voi ngây thơ đa sắc màu” tổ chức tại MOOWOOSOO GALLERY.
Tại triển lãm này có thể tìm thấy những tác phẩm lấy cảm hứng từ dancheong, từ chú voi với đầu được trang trí bằng hoa sen và bồ công anh, cho đến cá voi tương tự như trong tranh khắc đá Bangudae tại Daegok-ri, Ulju (một di chỉ thời tiền sử). Trong khi đó, chim phượng hoàng với đôi cánh mang họa tiết sóng nước thay vì ngọn lửa, cá phủ đầy họa tiết thực vật bản địa có nguy cơ tuyệt chủng, củ cải trắng và cà rốt đặc hữu của Jeju nằm duyên dáng trên lụa,... được khoác lên mình lớp áo dancheong, qua đó toát lên vẻ đặc sắc.
“Trong dancheong truyền thống, các loài hoa mang tính biểu tượng như hoa sen, mẫu đơn thường được sử dụng làm hoa văn. Tuy nhiên, khi thực hiện các dự án cá nhân, tôi thử tạo ra các hoa văn dựa trên những loài hoa yêu thích hoặc cỏ dại thường thấy xung quanh mình. Cũng trong dancheong truyền thống, các mẫu hoa văn đan xen vào nhau, nhưng tôi tách rời từng mẫu rồi kết hợp chúng thành hình thái mà tôi muốn thể hiện. Những thử nghiệm như thế này thật thú vị.”
Nữ nghệ nhân chia sẻ rằng cô giải tỏa sự bức bối từ công việc phục chế di sản văn hóa đầy nghiêm ngặt, không cho phép sai sót dù là nhỏ nhất, bằng cách sáng tạo nên những tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân.
“Những địa điểm có di sản văn hóa thường có cảnh quan xung quanh rất đẹp. Khi rời khỏi nơi làm việc và dạo chơi giữa thiên nhiên xung quanh, tôi cảm thấy tâm hồn thư thái hơn. Ánh mắt tôi bị thu hút bởi mọi thứ, từng ngọn cỏ, từng viên đá, thậm chí những cánh hoa nhỏ bé cũng không bao giờ bị bỏ sót. Khi quan sát kỹ lưỡng, tôi nhận ra rằng mỗi vật thể đều chứa đựng một thế giới riêng. Từ đó, tôi bắt đầu sáng tác với ý tưởng thử biến hình ảnh của những khoảnh khắc đó thành họa tiết.”
Goldgarden - Hoàng. 2018. Acrylic trên canvas. 40 × 26 cm.
Phượng hoàng là sinh vật thần thoại, được cho là xuất hiện trong thời thái bình thịnh trị, trong đó, Phượng là con trống và Hoàng là con mái. Tác giả đã thể hiện đôi cánh của chim Hoàng bằng hình ảnh những con sóng và gợn nước.
© Cung cấp bởi Park Geun-deok
NGUỒN CẢM HỨNG SÁNG TẠO
Là một kỹ sư trùng tu di sản văn hóa, cô Park chỉ đạo và giám sát địa điểm trùng tu với đội ngũ phần lớn là nam giới. Điều này là do vai trò của kỹ sư trùng tu di sản văn hóa là hướng dẫn và giám sát công việc của các kỹ thuật viên trùng tu di sản văn hóa.
Năm 1999, cô Park Geun-deok theo học tại Khoa Mỹ thuật, Đại học Dongguk với chuyên ngành Mỹ thuật Phật giáo. Ngay khi tốt nghiệp, cô bắt đầu làm việc tại địa điểm phục dựng di sản văn hóa, đồng thời dành thời gian rỗi học tập để lấy chứng chỉ hành nghề và từ năm 2002 đến nay cô làm công việc giám sát vẽ dancheong.
“Tôi học hỏi những kiến thức cơ bản trong công việc từ những công trường thực tế, nhưng tôi cảm thấy kiến thức của mình còn hạn chế. Vì vậy, tôi đã học cao học và lấy chứng chỉ kỹ thuật viên dancheong (thuộc nhóm chứng chỉ kỹ sư trùng tu di sản văn hóa). Hầu hết các nghệ nhân học nghề thông qua con đường học việc đều không mấy thiện cảm với những người tốt nghiệp đại học. Khi gặp một người mới vào nghề, họ thường hỏi “Bạn đã từng làm việc cho ai?” hay “Sư phụ là ai”. Bởi vì có nhiều trường phái dancheong khác nhau dựa trên “cho” (nét vẽ phác thảo) mà người thợ được truyền dạy từ sư phụ của mình. Vì vậy, tuy có những thời điểm khó khăn, nhưng giờ đây khi mạng lưới của tôi đã phát triển, tôi có thể học hỏi nhiều kỹ thuật và kỹ năng khác nhau khi làm việc tại nhiều công trình khác nhau.”
Công việc phục chế di sản văn hóa chủ yếu là các dự án do nhà nước đầu tư, vì vậy mọi thứ đều phải được thực hiện theo đúng bản thiết kế. Đôi khi, những sai sót bị bỏ sót trong giai đoạn thiết kế có thể phát sinh trong quá trình thi công. Khi đó, vai trò chính của cô ấy là điều phối giữa chủ đầu tư và nhà thầu để sửa đổi thiết kế hoặc thiết kế mới.
“Chỉ riêng tỉ lệ pha trộn bột màu với keo dán cũng có hướng dẫn chi tiết tựa như sách giáo khoa dành riêng cho mỗi tác vụ như vẽ tranh hay mạ vàng. Tuy nhiên, dancheong đòi hỏi phải xem xét nhiều yếu tố khác nhau như vị trí của công trình, điều kiện khí hậu,... nên kinh nghiệm phong phú là vô cùng quan trọng.”
Goldgarden VII - 20190421. 2022. Nhuộm màu tự nhiên trên vải, sau đó tô màu, dát vàng và phủ bột vàng. 116,8 × 72,8 cm.
Tai và vòi voi được trang trí bằng những hoa văn dancheong thường dùng trong các cung điện và chùa chiền. Tác giả đã sáng tác tác phẩm này dựa trên cảm hứng từ những chú voi cô từng nhìn thấy trong chuyến du lịch Sri Lanka.
© Cung cấp bởi Park Geun-deok
Dancheong đòi hỏi những kỹ năng toàn diện không chỉ hội họa mà còn cả thư pháp, vẽ và thủ công mỹ nghệ. Đây chính là điều thu hút cô đến với loại hình nghệ thuật này nhất.
“Kỹ thuật viên dancheong cũng phải tham gia phục chế taenghwa (tranh Phật giáo). Nghệ thuật Phật giáo không chỉ có tranh Phật mà còn có tranh sơn thủy. Có những bức tranh thể hiện tiếng Phạn trong đó, cũng như những bức họa Sơn Thần có hổ xuất hiện. Vì vậy, các kỹ thuật viên dancheong phải tìm hiểu về thư pháp, taenghwa, tranh chim chóc và hoa cỏ (hoa điểu họa), tranh thủy mặc,...”
Cô chia sẻ rằng mình rất xúc động khi nhìn thấy những nét cọ của người xưa để lại trên các công trình kiến trúc cổ. Cô cảm thấy thật sự hạnh phúc khi được làm công việc này. Niềm hạnh phúc đó chính là nguồn cảm hứng vô tận cho những sáng tạo của bản thân.