메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

null > 상세화면

2024 SUMMER

DI SẢN VĂN HÓA ĐƯỢC TÁI HIỆN TỪ LEGO

Colin Jin (tên thật là So Jin-ho) là một nghệ nhân LEGO. Vốn khéo léo trong cách diễn giải các đồ vật hàng ngày bằng các mảnh LEGO, gần đây anh đang thử sức với các tác phẩm mang chủ đề di sản văn hóa. Nối tiếp thành công triển lãm đầu tiên vào năm ngoái, đến tháng 10 năm nay, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Pháp sẽ trưng bày các tác phẩm có chủ đề về văn hóa truyền thống Hàn Quốc. Anh chia sẻ rằng tình yêu dành cho gia đình chính là động lực làm việc của anh.

Tác phẩm Jongmyo Jeryeak được nghệ sĩ So Jin-ho tái hiện thông qua quá trình khảo cứu các tài liệu lịch sử. Anh mất một năm rưỡi để hoàn thành tác phẩm chỉ với các mảnh LEGO hiện có.
Cung cấp bởi So Jin-ho

Vào tháng 10 năm 2023, giới truyền thông gây chú ý khi đưa tin về buổi triển lãm được tổ chức tại Trung tâm Triển lãm Moryham ở Sogong-dong, Seoul. Bởi buổi triển lãm đã trưng bày những khối LEGO tái hiện Jongmyo Jeryeak (nghi lễ thờ cúng tổ tiên Hoàng gia được tổ chức tại đền Jongmyo) - một di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. Jongmyo là một ngôi đền - nơi đặt bài vị của các đời vua, vương phi triều đại Joseon (1392-1910). Nhạc cụ, bài hát, điệu múa được trình diễn trong lúc làm lễ tế tại đây được gọi chung là Jongmyo Jeryeak. Văn hóa truyền thống lại mang một màu sắc mới lạ khi được thể hiện qua những món đồ chơi mà ai cũng từng trải nghiệm một lần thuở bé. Chính tay nghề khéo léo, thể hiện được ý thức tạo hình và thẩm mỹ Hàn Quốc khiến mọi người ngưỡng mộ.

Buổi triển lãm đầu tiên của Colin Jin mang tên “Những khối Lego lịch sử của Colin Jin” (Colin Jin’s HEstorical Lego). Không chỉ có Jongmyo Jeryeak, buổi triển lãm còn là cơ hội để quan khách có thể chiêm ngưỡng văn hóa truyền thống dưới góc nhìn mới qua những tác phẩm trưng bày đa dạng, lấy chất liệu từ các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.

Cha của anh chính là chủ tịch So Jae-gyu, người đã thành lập ra công ty đồ chơi Hanlip Toys vào năm 1974, lúc anh vừa chào đời. Nhờ đó, anh may mắn là người đầu tiên tiếp xúc những món đồ chơi mới lạ từ bé. Ở giữa độ tuổi 20, anh bắt đầu công việc thiết kế LEGO của riêng mình và điều hành Bảo tàng Đồ chơi Hanlip từ năm 2007.

Nghệ sĩ So Jin-ho đang điều hành Bảo tàng Đồ chơi Hanlip. Anh bắt đầu công việc thiết kế LEGO của riêng mình ở giữa độ tuổi 20. Anh ra mắt nhiều tác phẩm khác nhau, từ các đồ vật hàng ngày đến những di sản văn hóa.

Cơ duyên nào khiến anh tổ chức buổi triển lãm đầu tiên mang tên “Những khối Lego lịch sử của Colin Jin” vào năm ngoái?

Con đường nghệ thuật LEGO của tôi xuất phát từ sở thích. Cho nên tôi chưa từng coi bản thân mình là một nghệ sĩ, thậm chí cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc mở một cuộc triển lãm. Thế nhưng nhiều người xung quanh cho rằng sẽ thật hoài phí nếu chỉ để những tác phẩm của tôi ở yên trong nhà, có nên chăng đem chúng trưng bày triển lãm. Tôi cũng có đôi phần áp lực khi có nhiều nghệ sĩ LEGO tạo ra những tác phẩm hoành tráng. Nhưng nhờ sự khích lệ của những người quen biết mà tôi có thêm dũng khí. Và rồi phản ứng tích cực của mọi người dành cho buổi triển lãm khiến tôi cũng khá bất ngờ.

Jongmyo Jeryeak đặc biệt gây được sự chú ý trong triển lãm. Lý do nào khiến anh thực hiện tác phẩm này?

Vợ tôi học chuyên ngành Văn học Anh. Cô ấy rất quan tâm đến lịch sử và hay tìm hiểu thêm những lúc nhàn rỗi. Một ngày nọ, vợ tôi đề nghị thử làm một tác phẩm LEGO về điệu múa seungmu (loại hình múa dân gian Hàn Quốc, trong đó người múa đội mũ vải hình nón, mặc áo trắng nhà sư để trình diễn – chú thích của người dịch). Đó là khởi nguồn của công việc này. Tôi thấy tiếc khi mình chỉ dừng lại ở điệu múa seungmu nên đã tiếp tục làm về các đề tài văn hóa truyền thống. Thế là, như một lẽ tự nhiên, Jongmyo Jeryeak ra đời. Tôi đã mất một năm rưỡi để tái hiện Jongmyo Jeryeak chỉ với các chi tiết LEGO hiện có. Để thể hiện trọn vẹn văn hóa truyền thống qua tác phẩm thì cần phải có kiến thức. Thế là tôi khảo cứu thêm nhiều tài liệu, mua đọc cả những cuốn sách như “Jongmyo uigwe” (cuốn sách ghi chép các nghi thức hoàng gia triều đại Joseon – chú thích của người dịch).

Tác phẩm mô tả điệu múa seungmu, một trong những điệu múa dân gian tiêu biểu của Hàn Quốc. Đây sự khởi đầu cho việc thể hiện văn hóa truyền thống trong tác phẩm của anh.
Cung cấp bởi So Jin-ho

Có phải người hâm mộ LEGO là những vị khách chính của phòng triển lãm?

Không hẳn là vậy. Tôi đã gặp cả những thuyết minh viên về văn hóa truyền thống, học sinh và giáo viên trường Trung học Gugak (trường năng khiếu nghệ thuật – chú thích của người dịch), những người theo học chuyên ngành múa Hàn Quốc. Ở họ có chung một tiếng nói. Đó là dẫu có tự hào về việc bản thân mình đang kế thừa truyền thống thì thi thoảng họ vẫn thấy bị tổn thương bởi cái nhìn của người xung quanh xem những thứ của ngày xưa là lỗi thời. Họ nói rằng trong khi đó tôi lại tạo ra những tác phẩm thể hiện văn hóa truyền thống Hàn Quốc một cách đẹp đẽ thế này khiến họ rất cảm kích. Tôi nhói lòng khi nghe được những lời tâm sự đó.

Trụ sở Di tích Cung điện và Lăng tẩm của Cục Di sản văn hóa quốc gia Hàn Quốc nằm gần trung tâm Triển lãm Moryham. Các nhân viên của Trụ sở ghé qua phòng triển lãm của tôi vào giờ nghỉ trưa. Bén duyên từ dạo đó, tôi nhận lời tham gia vào triển lãm họ sắp tổ chức. Tôi đã tạo ra một tác phẩm tái hiện bức tranh “Ohyang chinjebanchado” (tranh vẽ ở tấm thứ bảy của bức bình phong gấp mô tả về cảnh làm lễ tế và trình tự cử hành nghi thức – chú thích của người dịch) cho triển lãm diễn ra ở Jongmyo vào tháng 5 vừa qua. Bức tranh này là tư liệu duy nhất cung cấp cái nhìn toàn diện về buổi lễ Jongmyo Jeryeak trong số bức tranh về hoàng gia được ghi lại. Thật ý nghĩa khi tôi được tham gia vào cuộc triển lãm thường trực diễn ra tại một không gian mang tính lịch sử.

Tác phẩm được tạo ra bằng cách sửa đổi mặt nạ Hahoe - dùng trong trò chơi mặt nạ được lưu truyền ở làng Hahoe, Andong, Gyeongsangbuk-do.
Cung cấp bởi So Jin-ho

Phản ứng của những người đam mê LEGO ra sao?

Thường thì bố mẹ sẽ là người chủ động dẫn con mình đến các buổi triển lãm, họ sẽ vừa ngắm tác phẩm vừa hướng dẫn cho bọn trẻ. Buổi triển lãm của tôi thì diễn ra cảnh hoàn toàn ngược lại. Đa phần là trẻ con muốn đi xem nên bố mẹ cùng theo đến, những đứa trẻ còn giải thích cho bố mẹ chúng về các chi tiết trong loạt LEGO đã ra mắt trước đó đã được tôi sử dụng như thế nào để tạo ra tác phẩm. Bọn trẻ vô cùng hào hứng dẫn dắt câu chuyện. Cũng có nhiều bạn nhỏ xem tác phẩm của tôi và mong muốn tự mình thử sức tạo ra tác phẩm. Tôi lấy làm vui mừng khi những điều đó dường như làm nên động lực cho chính mình.

Anh thường lấy cảm hứng từ đâu?

Các ý tưởng của tôi thường đến từ cuộc sống hàng ngày. Ví dụ như có một lần tôi đang xem chương trình văn hóa truyền hình về “Bàn ăn của người Hàn Quốc”. Cảnh cơm canh được bài trí trên bàn Naju soban (kiểu bàn ăn nhỏ được sản xuất tại Naju, Jeollanam-do – chú thích của người dịch) đập vào mắt làm tôi nảy ra ý tưởng thử tạo một cái bàn soban từ LEGO. Con gái tôi hiện đang học năm thứ hai ở bậc trung học phổ thông. Chỉ cần con gái đề xuất món gì là tôi sẽ tạo ra LEGO món đó từ khi con còn bé đến tận bây giờ. Tất cả mọi thứ từ hộp bút, gọt bút chì đến đèn bàn...

Nghệ sĩ tạo ra mọi thứ từ LEGO theo nhu cầu của con gái như hộp bút, bút bi, gọt bút chì, dập ghim,... Mong muốn làm cho con cái tự hào đã trở thành động lực làm việc của anh.
Cung cấp bởi So Jin-ho

Anh có nhớ ra lần đầu gặp gỡ LEGO như thế nào không?

Dường như là vào năm đầu tiên của bậc tiểu học. Cha đã dẫn tôi theo trong một lần đi gặp bạn. Tại đó, tôi đã được người bạn của cha cho xem thử mẫu LEGO. Thời điểm đó là trước khi LEGO chính thức được nhập khẩu. Tôi rất muốn mang nó về nhà nhưng đành rời đi tay không. Cảm giác đó vô cùng khó chịu.

Tôi vẫn còn nhớ rất rõ cảm giác phấn khích khi phát hiện ra bộ LEGO lấy cảm hứng từ bộ phim “Chiến tranh giữa các vì sao” (Star Wars) vào một ngày đang phụ việc tại cửa hàng đồ chơi của cha. Bởi lúc đó, tôi là một người hâm mộ phim chính hiệu nên không thể không mê nó ngay khi vừa bắt gặp. Tôi liền mua về và mày mò học lắp ráp theo hướng dẫn. Cuối cùng, tôi lại tiến thêm một bước nữa là mong muốn tạo ra một tác phẩm riêng của mình.

Nghệ thuật LEGO có bị cản trở sự sáng tạo do chỉ sử dụng những khối LEGO hiện có không?

Nguyên tắc bất di bất dịch dành cho người làm nghệ thuật LEGO là sử dụng y nguyên các mảnh ghép vốn có, không được làm thay đổi hình dạng hay màu sắc. Sức hấp dẫn của nghệ thuật LEGO lại nằm ngay ở sự sáng tạo được thể hiện với những nguyên liệu nhất định, kèm điều kiện hạn chế.

Rồi dường như bề dày kinh nghiệm giúp tôi vượt qua được những giới hạn. Nhờ lắp ráp khá nhiều sản phẩm mà giờ đây tôi đã có được khả năng vẽ ra trong đầu những chi tiết nào cần phải lắp ráp ra sao. Dù không thực hiện bản vẽ riêng thì trong đầu tôi đã có thể hóa cây chổi của Harry Potter thành cây bút lông của nhà nho, răng động vật trở thành đầu mũi tất beoseon, chân vịt biến thành kwanmo (kiểu mũ quan chức triều đình ngày xưa – chú thích của người dịch).

Riêng việc tái tạo hoàn hảo một tác phẩm lịch sử, đúng là điều khá khó khăn do chất liệu không phong phú. Những lúc như vậy, tôi cũng từng đơn giản hóa tác phẩm theo cách riêng của mình. Thế nhưng, các chuyên gia hầu như nhận biết được ngay sự khác biệt đó. Dẫu không thể thực hiện đầy đủ từng chi tiết nhưng tôi vẫn cần phải có hiểu biết về chúng nên bản thân dành nhiều thời gian cho việc đọc sách và học hỏi.

Phòng làm việc của nghệ sĩ trong Bảo tàng Đồ chơi Hanlip. Anh phân loại, sắp xếp các mảnh LEGO theo từng nhóm riêng để sử dụng cho công việc.

Gia đình dường như là động lực làm việc của anh. Bí quyết giao tiếp của gia đình anh là gì?

Gia đình tôi thường có những bữa ăn kéo dài. Chúng tôi vừa ăn cơm vừa trò chuyện nên bữa ăn thường diễn ra tầm một tiếng tại bàn ăn. Cả nhà tôi cũng đều yêu thích phim hoạt hình Pixar nên có phim nào công chiếu là sẽ cùng dắt nhau đi xem. Tôi hiếm khi mang việc về nhà làm vì muốn tách biệt công việc với cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, khi làm ra một tác phẩm nào đó, tôi đều đem về cho vợ và con gái xem. Khi đó, các thành viên sẽ đóng góp ý kiến đa dạng giúp tôi hoàn thiện tác phẩm.

Anh có muốn thử sức với dự án nào trong tương lai không?

Tôi từng xem qua tranh Hwaseong haenghaengdo tại Bảo tàng Cung điện Quốc gia Hàn Quốc. Đây là bức tranh mô tả cảnh vua Jeongjo (Chính Tổ, tại vị 1776 - 1800) tổ chức nhiều sự kiện khác nhau, trong đó có bữa tiệc sinh nhật lần thứ 60 của mẹ vua là phu nhân Hyegyeonggung họ Hong (Huệ Khánh cung Hồng thị). Tôi đã tự nhủ “Thật tuyệt khi có thể tạo cảnh này thành tác phẩm LEGO”. Gia đình biết được ý tưởng đó cũng khuyến khích tôi làm thử. Trong bức tranh này xuất hiện ít nhất là 2.000 người và vô số ngựa, bò, kiệu... Việc này cần đến một lượng mảnh ghép LEGO khá lớn. Nhất định tôi sẽ làm ra tác phẩm này vào một dịp nào đó. Tôi cũng có ước mơ được ra mắt những sản phẩm LEGO mang thiết kế của riêng mình.

Nam Sun-woo – Phóng viên Tạp chí Cine21
Dịch. Lê Thị Phương Thủy

전체메뉴

전체메뉴 닫기