메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

null > 상세화면

2024 SUMMER

NƠI NGẪU NHIÊN KHÔNG TỒN TẠI

Giám đốc Kim Jae-won đang dẫn dắt Atelier Écriture, một tập đoàn chuyên lập kế hoạch chiến lược, thiết kế và tư vấn thương hiệu. Năm 2014, cô khai trương Không gian văn hóa phức hợp Zagmachi tại Seongsu-dong. Sau 10 năm, với việc vận hành hay lên kế hoạch cho những không gian văn hóa đầy cá tính như vậy, cô được nhận xét là người làm thay đổi diện mạo của khu vực này.

Quán Café Zagmachi đã tu sửa lại nội thất bằng cách bảo tồn vết tích hiện có của công xưởng in, đồng thời tổ chức các buổi diễn thuyết, triển lãm và các sự kiện pop-up, vốn rất hiếm thấy vào thời điểm đó, để thể hiện rõ nét đặc điểm của quán là một không gian văn hóa phức hợp.
Cung cấp bởi Atelier Écriture

Từng là khu công xưởng vắng vẻ, ngày nay Seongsu-dong thay hình đổi dạng trở thành khu phố phồn hoa bậc nhất Seoul. Trong các ngõ hẻm, quán ăn ngon và tiệm cà phê nối đuôi nhau mọc lên, những cửa hàng thiết kế thời trang lớn theo xu hướng hiện đại cùng các thương hiệu cao cấp thế giới cũng lần lượt xuất hiện. Những cửa hàng pop-up với ý tưởng độc đáo xuất hiện chớp nhoáng rồi biến mất cũng thu hút bước chân người qua đường.

Giám đốc Kim Jae-won là người lên kế hoạch thay đổi diện mạo con phố Seongsu-dong bằng các nội dung thiết kế cho không gian nơi đây. Khởi đầu là không gian văn hóa phức hợp Zagmachi, nơi thổi làn hơi ấm văn hóa vào con đường hoang vắng. Sau đó, Orer (xây dựng năm 2016), một không gian về F&B trở thành nơi thu hút và tập trung các quán cà phê du lịch của Seongsu-dong. Tiếp đó, xuất hiện những cửa hàng phụ kiện nhỏ như WxDxH (xây dựng năm 2017) và Orer Archive (xây dựng năm 2018), chuyên bày bán các sản phẩm bằng cách lựa chọn và phối các món đồ với nhau. Những cửa tiệm này là hoạt động hiếm hoi của con phố Seongsu-dong, nơi vốn không có chỗ nào để thưởng ngoạn ngoại trừ các quán cà phê. Cửa hàng bánh ngọt dành cho người lớn Ode to Sweet (xây dựng năm 2019) và nền tảng không gian LCDC SEOUL (xây dựng năm 2021) là những không gian điểm thêm màu sắc cho quang cảnh phố bán lẻ Seongsu-dong. Vào năm 2022, cửa hàng văn phòng phẩm Point of View được ra mắt tại vị trí tiệm Orer trước đó. Đóng vai trò là một anchor store (cửa hàng bán lẻ có quy mô lớn, đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút và tạo ra lưu lượng khách hàng cho các cửa hàng nhỏ hơn hoặc các doanh nghiệp khác trong cùng khu vực – chú thích của người dịch) mà bạn nhất định phải ghé qua khi đến thăm Seongsu-dong, Point of View gợi ý các đạo cụ dành cho người làm công việc sáng tạo nghệ thuật đang rất thu hút khách ghé thăm mỗi ngày. Đây chính là lý do vì sao giám đốc Kim Jae-won được gọi là “người khai phá Seongsu-dong”. Tôi cũng phải gật gù tán thưởng khi chứng kiến những không gian mà cô tạo ra.

Kim Jae-won, giám đốc điều hành của Atelier Écriture, đã làm phong phú thêm bối cảnh bán lẻ ở Seongsu-dong với nội dung độc đáo trong 10 năm qua và vì lý do đó, cô được gọi là “người khai phá Seongsu-dong”.

Đến Seongsu-dong đã được 10 năm, cô cảm thấy nơi đây thay đổi ra sao?

Mọi thứ đã thay đổi so với trước kia. Seongsu-dong từng là nơi cửa tiệm in ấn mọc lên san sát, xe nâng chất đầy giấy thường xuyên qua lại. Nơi này cũng từng có nhiều xưởng sửa chữa xe, nên người ta thường bắt gặp các loại ô tô cao cấp trên đường. Nhưng giờ đây khó có thể thấy lại khung cảnh đó. Còn nhớ lúc đầu khi mở Zagmachi, nhân viên cửa hàng không tìm được quán nào ổn để dùng bữa nên phải đặt riêng ở quán baekban (quán ăn chuyên phục vụ cơm trắng và các món ăn kèm – chú thích của người dịch). Không biết từ lúc nào, con phố này không còn cửa tiệm như vậy nữa.

Thời gian qua, điều tôi cảm nhận rõ nhất là lần lượt từng hàng xóm của mình đã dời đi hết. Tiệm làm tóc cạnh cửa hàng Point of View dọn đi đã lâu, phía đối diện là nhà máy chế tạo máy nhào bột mà tiệm Orer dùng làm bánh cũng đã biến mất.

Vì sao Seongsu-dong lại nổi lên như một hiện tượng như vậy?

Seongsu-dong có sức hấp dẫn riêng. Nơi đây là một trong vài khu vực bán công nghiệp ít ỏi còn sót lại giữa lòng thành phố Seoul. Mặc dù ngành công nghiệp chế tạo đã suy giảm, dấu vết về khu công xưởng này vẫn còn lưu lại qua bức tường gạch đỏ dùng làm vật liệu hoàn thiện các tòa nhà, hay mặt tiền thông thoáng của các công trình. Ngay cả khi không gian này được dùng vào các mục đích khác, nhưng lối kiến trúc và cảm nhận mà nơi này mang lại rất khó tìm được ở những con phố khác.

Nơi này cũng có lợi thế về địa chính trị. Seongsu-dong tiếp giáp với khu Gangnam. Ngoài ra, gần đó có đến ba trường đại học như Đại học Konkuk, Đại học Sejong, Đại học Hanyang, là nơi thuận tiện cho việc du nhập nền văn hóa trẻ.

Cô nghĩ sao về danh hiệu “người khai phá Seongsu-dong”?

Nếu với ý nghĩa là người cắm lá cờ tiên phong thì câu nói trên cũng có phần đúng. Đường Seongsui-ro, nơi có Zagmachi, và đường Yeonmujang-gil, nơi cửa hàng Orer xuất hiện, dần trở nên nổi tiếng. Sau khi LCDC được khai trương, khu vực phía Đông đường Yeonmujang-gil cũng bắt đầu phát triển.

Bên trong Café Ephemera, nơi có bức tường được trang trí với những vật dụng bằng giấy được làm để sử dụng tạm thời, chẳng hạn như tem, vé, tờ rơi và hóa đơn. Sự kết hợp với thiết kế cổ điển đã mang lại ấn tượng êm dịu cho thực khách.
Cung cấp bởi Atelier Écriture

Có lý do đặc biệt nào khiến cô chọn Seongsu-dong không?

Trong thời gian du học tại London, tôi đã chứng kiến sự phát triển của Đông London. Đó là thời kỳ các nền văn hóa đa dạng phát triển tự phát với sự du nhập của những nghệ sĩ tìm đến những khu vực kém phát triển. Cùng với việc tổ chức Thế vận hội Olympic London năm 2012, khu phố Đông London trỗi dậy mạnh mẽ. Nằm phía Đông Seoul và từng là khu vực chưa phát triển, Seongsu-dong có nhiều điểm tương tự khu Đông London.

Khi dạy thiết kế dệt may ở trường Đại học Konkuk, tôi thấy tiếc khi các sinh viên trường Đại học Nghệ thuật - Thiết kế phải đến tận khu Hongdae ở phía Tây để giải trí. Hơn nữa, Seongsu-dong cũng không có nơi nào bán cà phê ngon. Thời điểm đó, cà phê đặc sản đang nở rộ ở Hàn Quốc, để nếm thử hương vị cà phê loại này thì phải đến tận Hongdae hay Itaewon. Vì vậy tôi đã mở Zagmachi.

Zagmachi được nhiều người đánh giá là phù hợp với bầu không khí Seongsu-dong.

Zagmachi được chúng tôi cải tạo từ một xưởng in trên tinh thần sử dụng lại nguyên vẹn những trang thiết bị vốn có như dầm chữ H, hoặc tận dụng phế phẩm tạo thành những đồ trang trí nhỏ để thể hiện màu sắc đặc trưng của khu vực. Thời điểm đó, hầu như chưa có quán cà phê nào có quy mô hơn 100 pyeong (khoảng 330,6 m2) ở nội thành Seoul. Nơi đây có bầu không khí tự nhiên chưa được khai phá nên một vài nghệ sĩ, nhà thiết kế dẫn đầu xu hướng bắt đầu ghé đến. Chúng tôi cũng tổ chức một số hoạt động mới lạ như mời một vài vị khách thú vị trong số khách hàng làm diễn giả cho chuyên mục “Phát hiện của khách hàng”, hay tổ chức sự kiện thi làm bánh dành cho những thợ làm bánh nghiệp dư.

Thời điểm Orer khai trương, Seongsu-dong dường như trở nên sôi động hơn trước.

Khi đó, những quán cà phê nổi tiếng ở Seongsu-dong như Daelim Changgo, Café Onion gần như đồng loạt mở cửa. Tôi từng nghĩ họ là đối thủ cạnh tranh, nhưng hóa ra các quán hội tụ lại tạo nên sức mạnh tổng hợp. Người ta rỉ tai nhau rằng Seongsu-dong có vài chỗ hay ho lắm. Thậm chí có người còn thuê xe buýt làm một tour quán cà phê ở đây. Sau một thời gian, ngày càng nhiều người hỏi nơi có thể mua đĩa, bộ đồ dùng ăn uống, vật dụng sinh hoạt mà họ sử dụng tại Orer. Khi đó tôi nghĩ chắc phải mở một lifestyle shop (cửa hàng phong cách sống, bày bán nhiều loại sản phẩm có cùng thương hiệu nhằm liên kết thương hiệu với một lối sống – chú thích của người dịch).

Café Orer, được tu sửa lại từ nhà ở và nhà kho, là một không gian đã trở nên nổi tiếng với bầu không khí yên tĩnh và thoải mái, gợi nhớ đến một khu vườn nhà. Khi đóng cửa vào năm 2022, nó vẫn là nơi để lại nhiều kỷ niệm cho nhiều người.
Cung cấp bởi Atelier Écritur

Tiền đề tạo nên Point of View hiện nay có phải bắt nguồn từ ý tưởng lúc đó không?

Tôi từng nhặt nhạnh từng nhánh cây, viên đá để trang trí Orer nhưng thỉnh thoảng lại có người ngỏ ý mua chúng khiến tôi bối rối. Lúc đó, tôi cảm thấy có lẽ người ta tìm sự phối hợp tinh tế chứ không hẳn muốn sở hữu món đồ đó. Với suy nghĩ bản thân việc chọn và bày trí những vật dụng cũng có thể trở thành sản phẩm kinh doanh, tôi khai trương Orer Archive. Vô cùng yêu thích văn phòng phẩm, tôi bắt đầu Point of View.

Kế hoạch phát triển cơ sở dịch vụ ăn uống, kế đến là các lifestyle shop trong không gian văn hóa phức hợp đóng vai trò bước ngoặt đánh dấu cột mốc thay đổi và phát triển của Seongsu-dong.

Những thương hiệu cá tính phải trụ vững mới duy trì được sức sống của khu phố. Với tình cảm dành cho Seongsu-dong, tôi luôn muốn tạo ra những điều thú vị ở đây giống như trong trò chơi mô phỏng cuộc sống The Sims. Nhưng đương nhiên là không phải “cứ làm thử xem sao?”. Tôi nghĩ mọi thứ vào mỗi thời điểm đều có ý nghĩa và lý do riêng, tất cả đều có tính tất yếu của nó. Tôi cũng nghĩ do chúng tôi gặp thời. Vừa hay, sự xuất hiện đúng lúc của Instagram là môi trường thuận lợi cho các thương hiệu nhỏ có kế hoạch chu đáo có thể tồn tại.

Các không gian tạo ra đều được đánh giá có độ hoàn thiện cao.

Tôi cho rằng thương hiệu cũng có phong cách như văn chương. Phong cách đó cần được tạo dựng tỉ mỉ chi tiết qua cách chúng ta thiết kế nội thất, phối nhạc cho hợp khung cảnh, hay dùng lời lẽ thế nào cho phù hợp trên Instagram. Với những thiết kế đã hình thành, tôi vẫn không ngừng điều chỉnh sao cho hợp với hoàn cảnh. Thương hiệu hay các không gian không đứng im như tượng đá mà luôn vận động như những sinh vật. Theo tôi, cần có sự lắng nghe phản ứng từ mọi người và điều chỉnh cho phù hợp thì sản phẩm mới thật sự đạt đến “độ hoàn thiện”. Xét cho cùng, việc quan sát là điều quan trọng nhất. Nếu biết quan tâm để ý đến những khách hàng ghé thăm, chúng ta sẽ nảy ra nhiều ý tưởng cho kế hoạch của mình.

Sắp tới, cô muốn tạo ra không gian như thế nào?

Tôi muốn thử một phiên bản khác của Point of View hơn là ra mắt thương hiệu mới. Vẫn giữ phong cách hiện có, nhưng tôi sẽ tập trung sưu tầm những đồ vật gần với thủ công mỹ nghệ, hoặc chọn lựa bài trí những sản phẩm giấy hay đồ gốm chẳng hạn.

Một cái nhìn bên trong cửa hàng văn phòng phẩm Point of View. Giám đốc điều hành Kim đã cẩn thận lựa chọn nhiều loại văn phòng phẩm và đồ vật gợi lên cảm hứng với ý tưởng “văn phòng phẩm là công cụ cơ bản nhất để gia công câu chuyện”.

Cô có thể gợi ý lộ trình cho những người đến Seongsu-dong lần đầu tiên?

Các bạn nên đi dạo chậm rãi một vòng Seongsu-dong. Hiện có rất nhiều hoạt động mới ở Seongsu-dong. Bản thân các cửa hàng pop-up được quy hoạch tỉ mỉ đã là những trải nghiệm thú vị, các bạn nên tạo một danh sách từng nơi muốn đến. Và trong khi đi dạo, hãy thử ghé từng địa điểm nổi tiếng của Seongsu-dong xem sao nhé? Có vẻ cách tốt nhất để vui chơi tại Seongsu-dong ngày nay là dạo một vòng những địa điểm kinh doanh tương đối lâu đời như cửa hàng Point of View, cà phê Meshcoffee, nhà hàng món Á Flavour Town, xưởng bia thủ công SEOUL BREWERY, cửa hàng flagship Ader Seongsu Space của thương hiệu thời trang ADERERROR, LCDC,... và cả những cửa hàng pop-up sẽ nhanh chóng biến mất.

Yoo Ji-yeon- Phóng viên báo JoongAng Ilbo
Ảnh. Heo Dong-wuk
Dịch. Mai Kim Chi
Mai Xuân Huyên

전체메뉴

전체메뉴 닫기