Koh Sun-woong là một nhà soạn kịch chuyên mảng hài kịch và chuyển thể các vở kịch đồng thời là một đạo diễn thổi hồn cho kịch bản. Từ kịch nói đến ca kịch pansori, nhạc kịch, opera, ông đã xây dựng được phong cách vững chắc của riêng mình. Ông là đạo diễn hiếm hoi đồng thời nhận được sự hưởng ứng của khán giả, được đánh giá tốt của diễn đàn phê bình, và được ghi nhận cả về thành công trong phòng vé và chất lượng tác phẩm. Chúng tôi đã gặp nghệ sĩ đa tài này tại Nhà hát Yong trong khuôn viên Bảo tàng Quốc gia Trung ương Seoul.
Mai này tôi muốn thử làm phim một lần. Kịch nói và phim có một chút khác biệt. Kịch là việc hòa hợp với khán giả và lặp đi lặp lại việc già đi hàng ngày, phim chỉ cần làm tốt một lần là được. Phim thì phải thật tự nhiên, kịch phải thể hiện điều gì đó hơn cả tự nhiên. Bạn phải viết kịch bản trước khi có thể làm phim, nhưng bạn cũng phải có duyên mới làm phim được. Tôi chưa viết được kịch bản nhưng tôi cũng đang có ý định chuẩn bị.
Koh Sun-woong định nghĩa đạo diễn là “công việc dàn dựng từ những câu chữ trên mặt giấy”. Thêu dệt nên những câu chuyện và đưa chúng lên sân khấu để khơi gợi sự cảm động và hứng thú nơi người xem là công việc mang lại niềm vui cho ông ấy. “Niềm vui” là yếu tố cốt lõi xuyên suốt các tác phẩm của ông. Tuy nhiên, niềm vui đó không chỉ là sự hài hước mà còn gợi lên nhiều sự suy ngẫm. Đối với ông, cái hài là một quá trình giúp tiếp cận sâu hơn vào bi kịch.
Mối nhân duyên của ông với kịch nói bắt đầu từ khi ở trong câu lạc bộ thời đại học. Năm 1999, vở kịch “Người phụ nữ trong khung cảnh ảm đạm” của ông được chọn tham dự cuộc thi viết văn đầu năm của báo Hankook Ilbo. Kể từ đó, ông đã viết kịch bản, chuyển thể và đạo diễn nhiều tác phẩm. Ông được xem là “blue chip trong giới sân khấu” (blue chip là tiếng lóng trên thị trường chứng khoán chỉ những công ty đáng tin cậy để đầu tư - chú thích của người dịch) vì những tác phẩm ông tham gia thực hiện nhận được phản hồi tốt và mang đến những giải thương về biên kịch và đạo diễn.
Ông đã tổng đạo diễn lễ khai và bế mạc Paralympic mùa đông Pyeongchang năm 2018, buổi nhạc kịch sáng tạo “Gwangju” (City of Light) kỉ niệm 40 năm Phong trào Dân chủ hóa ngày 18 tháng 5 và bản opera hạng nặng “1945" với câu chuyện của những người phụ nữ là nạn nhân chế độ nô lệ tình dục thời chiến. Tác phẩm gần đây nhất của ông là bản nhạc kịch jukebok “Triệu đóa tình yêu” trên sân khấu Yong của Nhà hát Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc vào tháng 10 vừa rồi. Được biểu diễn lần đầu tại Trung tâm Nghệ thuật Uijeongbu tỉnh Gyeonggi năm 2021, tác phẩm này đã gây tiếng vang lớn với những ca khúc đại chúng thịnh hành thời đó, tô điểm cho 100 năm lịch sử cận hiện đại Hàn Quốc. Nghệ sĩ đa tài này cuối cùng cũng có hứng thú với điện ảnh. Có lẽ một ngày nào đó chúng ta sẽ được xem một bộ phim với tựa đề “đạo diễn / kịch bản Koh Sun-woong”.
Tôn chỉ của ông là một tâm ý tốt sẽ tạo ra những tác phẩm hay. Ông không làm việc theo kiểu độc tài sân khấu đòi hỏi sự phục tùng mà ông giao tiếp rất tốt với diễn viên và những người khác trong giới sân khấu. Sau nhiều năm làm việc không mệt mỏi với tác phẩm của mình, ông đã được bổ nhiệm vị trí Giám đốc Nhà hát Thành phố Seoul (Seoul Metropolitan Theatre) vào tháng 9 năm ngoái.
Là một đạo điễn, ông chú trọng nhất vào yếu tố nào?
Điều quan trọng nhất là làm sao để tác phẩm phù hợp với trình độ của khán giả. Tôi nghĩ đó là việc làm ra những tác phẩm hướng về khán giả. Dĩ nhiên tính thẩm mỹ và tính nghệ thuật cũng quan trọng. Tuy nhiên, dù tác phẩm hay đến bao nhiêu nhưng nếu khán giả gặp khó khăn khi thưởng thức và quay lưng với nó thì liệu có ích gì? Như vậy tác phẩm không thể tồn tại được. Tôi cho rằng một vở diễn chỉ hoàn chỉnh khi có khán giả đến rạp và xem nó. Tác phẩm phải tạo ra cùng lúc hai giá trị là niềm vui và tính nghệ thuật, thế nhưng điều đó không phải là việc dễ dàng. Vì vậy, tôi đã thảo luận và nói chuyện không biết bao nhiêu lần với tác giả, diễn viên và nhân viên sân khấu.
Tháng 11 năm 2021, nhạc kịch jukebox ”Triệu đóa tình yêu” được trình diễn đầu tiên tại Trung tâm Nghệ thuật Uijeongbu ở tỉnh Gyeonggi. Dựa trên những ca khúc đại chúng nổi tiếng trong vòng 100 năm qua, vở diễn này đã mở ra những bối cảnh chính của lịch sử cận hiện đại tượng trưng cho mỗi thời đại.
ⓒ Xưởng sản xuất Mabangzen
Sau vở kịch “Con côi nhà họ Triệu: Hạt giống báo thù” (The Orphan of Zhao: Seeds of Revenge), “Lạc đà Tường Tử” (Camel Xiangzi), năm nay ông đã dàn dựng vở kịch thứ ba dựa trên tác phẩm kinh điển của Trung Quốc là “Vòng tròn phấn” (The Chalk Circle). Có lý do đặc biệt nào khiến ông quan tâm đến các tác phẩm kinh điển của Trung Quốc không?
Không phải do đó là tác phẩm của Trung Quốc mà bản thân câu chuyện đó rất thú vị. Câu chuyện của những tác phẩm kinh điển này rất đơn giản và rõ ràng, Những câu chuyện chưa được gia công, thêm thắt, phù hợp với thể loại kịch nói. Trong kinh điển Trung Quốc cũng có phân đoạn “người chết ra khỏi sân khấu” (người đóng vai người chết đi ra khỏi sân khấu). Tuy nhiên, người đã chết thì làm sao đi vào cánh gà được. Nhưng họ vẫn làm như vậy. Đó là việc trung thành với hình thức của vở kịch. Bên cạnh đó, có nhiều tác phẩm có chủ đề và chất liệu hoàn toàn phù hợp với thời đại khiến chúng ta nhìn lại hiện tại.
Bản nhạc kịch “Triệu đóa tình yêu” đang được tái công diễn gần đây có nội dung gì?
Trong những sự kiện lịch sử vĩ đại không chỉ có những câu chuyện của những vĩ nhân, những anh hùng mà còn có cuộc sống của những người dân thường. Và còn có những ca khúc đại chúng hát lên tình yêu, sự chia ly và nỗi đau họ phải trải qua khi bị cuốn theo sóng gió của thời đại. Khi kết nối và lắng nghe những khúc dân ca của suốt 100 năm qua bạn sẽ hiểu được người dân đất nước chúng ta đã sống thế nào trong suốt 100 năm.
“Con côi nhà họ Triệu: Hạt giống báo thù” được chuyển thể bằng xúc cảm đương thời từ tác phẩm kinh điển Trung Quốc “Con côi nhà họ Triệu” biểu diễn lần đầu tại Nhà hát Nghệ thuật Myeongdong Seoul vào tháng 11 năm 2015 và được bình chọn là vở kịch hay nhất năm. Năm sau, tại buổi biểu diễn ở Nhà hát Quốc gia Trung Quốc ở Bắc Kinh, vở kịch đã nhận được cả sự hoan nghênh nhiệt liệt của khán giả địa phương lẫn sự công nhận về tính nghệ thuật.
ⓒ Nhà hát Kịch Quốc gia Hàn Quốc
Nguồn sức mạnh nào giúp ông có thể chuyển đổi qua lại giữa nhiều thể loại khác nhau?
Dù thể loại khác nhau nhưng chúng đều giống nhau về bản chất. Kịch nói cũng sử dụng động tác và kỹ thuật đi đều gần với điệu múa. Lời thoại trên sân khấu có thể trở thành lời hát. Việc chuyển đổi qua lại giữa các thể loại rất thú vị, cũng không phải là việc khó. Nhìn vào văn bản, tôi cảm nhận được tác phẩm này nếu dựng thành kịch sẽ hay hoặc tác phẩm kia nếu dựng thành nhạc kịch sẽ rất hấp dẫn. Là một đạo diễn, trải nghiệm nhiều thể loại sẽ thú vị hơn nhiều so với việc chỉ gắn bó với một hình thức. Và tác phẩm như là một nhân duyên. Dù có muốn làm đến mấy đi chẳng nữa nếu không có duyên thì cuối cùng cũng không thể làm được.
Ông được bổ nhiệm là Giám đốc Nhà hát Thành phố Seoul, ở cương vị này ông tập trung vào điều gì nhất?
Điều mà tôi quan tâm nhất là tính đại chúng và tính giải trí. Vì đây là nhà hát công lập nên tôi cho rằng cần mang đến cho công chúng những câu chuyện có tính phổ quát mà số đông có thể đồng cảm và thấu hiểu. Tuy nhiên, chúng tôi phải tạo ra một tác phẩm hay được dàn dựng tốt, nghĩa là phải thể hiện tính thẩm mỹ cao. Tôi có nhiều tham vọng lắm.
Ông có dự định sẽ ra mắt bao nhiêu tác phẩm ở Nhà hát Thành phố Seoul? Đó là những tác phẩm nào?
Trước tiên tôi định sẽ dàn dựng các phẩm kinh điển phương Tây hấp dẫn. Tôi đang xem xét các tác phẩm đầu thế kỷ XIX và XX. Tôi sẽ chuẩn bị thật tốt và có kế hoạch sẽ dàn dựng một vở kịch nguyên tác mang tính chất đương đại vào năm tới. Vì đây là Nhà hát Thành phố Seoul nên tôi tự hỏi liệu trong tác phẩm có nên kể câu chuyện nào đó về Seoul hay không? Tôi sẽ không trực tiếp viết kịch bản mà sẽ đặt hàng tác giả khác, hoặc tổ chức thi để chọn kịch bản hay. Trong nhiệm kỳ ba năm của mình, tôi dự định sẽ tập trung vào kịch nói. Tôi dự định một năm sẽ dàn dựng khoảng năm vở kịch. Đó là một con số không nhỏ. Tôi cũng có kế hoạch diễn lại những tác phẩm hay trước kia.
“Con côi nhà họ Triệu: Hạt giống báo thù” là câu chuyện về đứa con cuối cùng của nhà họ Triệu trưởng thành và báo thù cho dòng họ của mình đã bị diệt vong một cách oan ức. Tác phẩm này được xếp hạng là “Vở kịch được mong đợi nhất” ở Nhà hát kịch Quốc gia Hàn Quốc và đã được trình diễn một lần nữa tại sân khấu Nhà hát Nghệ thuật Myeongdong vào tháng 4 năm 2021 vì yêu cầu không ngớt của khán giả.
ⓒ Nhà hát Kịch Quốc gia Hàn Quốc
Ông tìm ý tưởng cho công việc đạo diễn của mình bằng cách nào?
Năm 2002, họa sĩ đáng kính Park Bang-young đã tặng tôi một tác phẩm thư pháp “Bạn sẽ biết nếu bạn yêu”. Ban đầu tôi đã không thể hiểu được ý nghĩa của nó nhưng sau ba năm tôi đã có thể ngộ ra. Kể từ đó, cuộc sống của tôi bắt đầu thay đổi. Bạn không cần phải biết rồi mới yêu mà khi bạn yêu, bạn sẽ được biết. Thật sai lầm khi nói rằng chỉ yêu khi đã hiểu. Khi bạn yêu ai đó, bạn không cần phải thuyết phục họ hay làm cho họ hiểu bạn, nhờ vậy công việc mà cả hai cùng làm sẽ tiến triển nhanh chóng và giảm bớt được xung đột. Tôi cho rằng khi chưa có ý tưởng tức là khi tình yêu của bạn chưa đủ lớn. Nếu bạn yêu tác phẩm thêm một chút, điều kỳ diệu sẽ xảy ra là bạn sẽ có ý tưởng. Tôi đã nỗ lực áp dụng nguyên tắc này với tất cả mọi thứ, và bằng cách này, mối quan hệ giữa tôi và các diễn viên, các nhân viên trở nên tốt đẹp. Mỗi khi dàn dựng một tác phẩm tôi đều nghĩ đến điều này, nhờ vậy tôi không hề thấy mệt mỏi và có thể tạo ra tác phẩm một cách thoải mái.
“Tình yêu” có phải từ khóa hữu ích để hiểu những vở kịch của Koh Sun-woong không?
Tất cả các vở kịch của tôi đều ra đời từ tình yêu. Vì yêu nên đã cho ra những tác phẩm đó. Khi bạn vừa đạo diễn vừa nghiên cứu tác phẩm thì công việc sẽ không bao giờ kết thúc. Tuy nhiên, tôi rất yêu những tác phẩm đó nên cũng không cần phải nghiên cứu lâu như vậy. Vì yêu nên đã biết trước. Không có một chút phức tạp nào cả. Tất nhiên thỉnh thoảng tôi cũng quên điều này, có lúc tôi bị căng thẳng dẫn đến phẫn nộ khi làm việc. Nhưng hễ nhớ đến câu nói này thì tôi sẽ tự điều chỉnh và tiết chế được.
Vở nhạc kịch nguyên tác “Triệu đóa tình yêu” được tái công diễn tại Nhà hát Yong của Bảo tàng Quốc gia Trung ương vào tháng 10 năm nay. Bức ảnh chụp đạo diễn Koh Sun-woong đang trong quá trình diễn tập cuối cùng vào cuối tháng 9. Ông được đánh giá là đạo diễn tái hiện những câu chuyện nghiêm túc một cách khéo léo và có sáng tạo.
Không phải là chỗ đứng của kịch nói đang ngày càng bị thu hẹp hay sao?
Cho dù là như vậy thì kịch vẫn là điều tốt đẹp và cần phải được duy trì. Công nghệ càng phát triển, con người càng dần trở thành một phần của máy móc và trở nên cô độc hơn. Càng như vậy, một vở kịch có thể khiến khán giả khóc cười trong thời gian thực tại phải tiếp tục kể những câu chuyện cho thấy con người là những tồn tại cao quý.
Ông đã từng suy nghĩ sẽ thử sức với một thể loại mới mà ông chưa từng trải nghiệm không?
Mai này tôi muốn thử làm phim một lần. Kịch nói và phim có một chút khác biệt. Kịch là việc hòa hợp với khán giả và lặp đi lặp lại việc già đi hàng ngày, phim chỉ cần làm tốt một lần là được. Phim thì phải thật tự nhiên, kịch phải thể hiện điều gì đó hơn cả tự nhiên. Bạn phải viết kịch bản trước khi có thể làm phim, nhưng bạn cũng phải có duyên mới làm phim được. Tôi chưa viết được kịch bản nhưng tôi cũng đang có ý định chuẩn bị.