메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

2022 AUTUMN

NIỀM VUI CHO ĐÔI TAI

Kịch đọc (reading play) - thể loại truyền tải tính văn học của kịch qua chất giọng diễn viên - hiện đang trở nên sôi nổi trong giới sân khấu. Những thực nghiệm mới kết hợp cùng âm nhạc hoặc phim ảnh cũng diễn ra gần đây. Với sức hấp dẫn hoàn toàn khác với loại hình sân khấu vốn có, kịch đọc đang dần trở thành một thể loại kịch độc lập và mở rộng không gian nghệ thuật trình diễn.

Các diễn viên của Đoàn kịch Quốc gia diễn đọc vở “Người vận động hành lang” của biên kịch gia Trung Quốc Từ Anh tại Trung tâm Nghệ thuật Namsan vào tháng 10 năm 2020. Đây là buổi biểu diễn thường niên thứ ba trong chương trình “Biểu diễn đọc kịch Trung Quốc” do Hiệp hội Giao lưu Sân khấu Hàn - Trung tổ chức.
ⓒ Lee Kang-mul



Kịch là một thể loại của văn học lấy sân khấu làm tiền đề, nhưng dạo gần đây kịch đọc - hình thức diễn viên đọc kịch bản cho khán giả nghe - đang dần được phổ biến. Khác với các buổi biểu diễn kịch thông thường, kịch đọc chỉ tập trung hoàn toàn vào văn bản mà tối giản hoặc lược bỏ các yếu tố như bố trí sân khấu hay ánh sáng, âm thanh, trang phục... Sau lần đầu tiên ra mắt công chúng thông qua thử nghiệm của đoàn kịch The Readers Theater Company ở New York năm 1945, kịch đọc dần được biết đến rộng rãi hơn.

Điều thú vị là ở Hàn Quốc cũng đã từng tồn tại hình thức nguyên thủy của kịch đọc. Jeongisu (truyền kỳ tẩu) là khái niệm chỉ những người hành nghề đọc tiểu thuyết cho công chúng nghe vào cuối thời Joseon (1392-1910). Họ kiếm tiền bằng việc đọc một cách lôi cuốn các tiểu thuyết tiêu biểu được yêu thích thời bấy giờ. Sự hóm hỉnh và khả năng diễn xuất tuyệt vời của họ được cho là đã đem lại nhiều điều thú vị cho khán giả. Gần đây, sách nói đang trở thành xu thế phổ biến, trong khi đó, jeongisu có thể được xem là người đã đi trước thời đại từ lâu rồi.

Ban đầu, kịch đọc được tổ chức như một khâu tiền kỳ của việc dàn dựng kịch, với mục đích quảng bá nhằm tìm kiếm nhà tài trợ và dò xét phản ứng của khán giả. Từ đầu những năm 2000, kịch đọc vượt ra khỏi giới hạn của mục đích biểu diễn giới thiệu và trở thành một thể loại độc lập chính thức. Không chỉ có đoàn kịch chuyên nghiệp mà cả những người có cùng sở thích đọc kịch cũng kết hợp lại tổ chức trình diễn. Nhiều trường học cũng tổ chức biểu diễn đọc kịch nhằm nuôi dưỡng khả năng tư duy và cảm thụ của học sinh.


Giao lưu quốc tế thông qua kịch đọc
Kịch đọc phát triển như bây giờ nhờ vào nỗ lực của nhiều tổ chức và đoàn thể khác nhau, trong đó có nhiều dự án diễn đọc rất có ý nghĩa của Hội đồng Giao lưu Sân khấu Hàn - Nhật (Korea-Japan Theatre Exchange Council) và Trung tâm Giao lưu Sân khấu Nhật - Hàn (Japan-Korea Theatre Communications Center). Trong suốt 20 năm qua, hai tổ chức này đã dịch các vở kịch đương đại của nhau và thường xuyên tổ chức biểu diễn.

Với sự hỗ trợ của Tổng cục Văn hóa Nhật Bản, Trung tâm Giao lưu Sân khấu Nhật - Hàn do bảy đoàn kịch ở Nhật Bản hợp tác thành lập đã giới thiệu các vở kịch đương đại Hàn Quốc đến khán giả Nhật Bản từ năm 2002. Trong năm đầu tiên, các tác phẩm của những nhà biên kịch hàng đầu của Hàn Quốc như “Tìm kiếm tình yêu” của Kim Gwang-rim, “Cha truyền con nối” của Park Geun-hyung, “Lao động trong vô vọng” của Jang Jin, “Nụ hôn điên cuồng” của Jo Kwang-hwa... đã được trình diễn trong ba ngày ở sân khấu tầng hầm Hội quán Sinh viên tại Suginami, Tokyo. Đáp lại điều này, Hội đồng Giao lưu Sân khấu Hàn-Nhật đã đưa ba vở kịch hiện đại Nhật Bản lên sân khấu Nhà hát Quốc gia Byeoloreum của Hàn Quốc vào năm tiếp theo. Nếu tính cả buổi biểu diễn thứ 10 do Đoàn kịch Quốc gia tổ chức tại Nhà hát Baek Seong-hui & Jang Min-ho vào tháng 2 năm nay thì đến thời điểm hiện tại, hai nước đã giới thiệu 50 nhà biên kịch và 50 vở kịch.

Ban đầu, dự án này được dàn dựng theo hình thức chỉ tập trung vào phần đọc lời thoại của vở kịch và loại bỏ các yếu tố sân khấu, nhưng dần dần các phương thức biểu đạt sân khấu được bổ sung để giúp vở kịch trở nên thú vị, hấp dẫn hơn. Đặc biệt, những tiết mục của năm nay đã thoát khỏi phương thức đọc đơn thuần của kịch đọc và tiệm cận hơn với nghệ thuật sân khấu.

Cũng có nhiều trường hợp tác phẩm khởi điểm từ kịch đọc được phát triển thành những vở kịch sân khấu hoàn chỉnh. Tiêu biểu là vở kịch đọc “Căn nhà thiếu niên B” của Lee Bo-ram phác họa hình một ảnh thiếu niên 14 tuổi phạm tội giết người khiến gia đình cậu bị xã hội cô lập, được Trung tâm Giao lưu Sân khấu Nhật - Hàn giới thiệu năm 2019, sau đó được đạo diễn Takashi Manabe dàn dựng thành vở kịch hoàn chỉnh biểu diễn chính thức trên sân khấu vào năm 2020. Tác phẩm này được trao Giải Xuất sắc ở hạng mục Sân khấu trong Liên hoan Nghệ thuật Nhật Bản năm đó, được ghi nhận là trường hợp đầu tiên một vở kịch Hàn Quốc được đưa lên sân khấu Nhật Bản và nhận giải thưởng sân khấu danh giá của quốc gia láng giềng này. Ở chiều ngược lại, tại Hàn Quốc, các vở kịch từ Nhật Bản như “Muốn thấy mặt bố mẹ chúng” của Seigo Hatasawa đề cập vấn đề bạo lực học đường và “Sự mạo hiểm của lối sống vĩ đại” của Shiro Maeda vẽ nên câu chuyện tươi tắn của những người trẻ tuổi đều đã được dàn dựng trên sân khấu và nhận đánh giá cao.

Một cảnh từ buổi diễn đọc vở “Hai chú chó lang thang” của biên kịch gia tiêu biểu người Trung Quốc Mạnh Kinh Huy, châm biếm nhiều nhóm người và xã hội phức tạp của loài người qua cái nhìn của loài chó.
ⓒ Lee Kang-mul

Những câu chuyện khơi gợi sự đồng cảm
Chương trình “Biểu diễn đọc kịch Trung Quốc” do Hiệp hội Giao lưu Sân khấu Hàn - Trung (Performing Arts Network of Korea and China) tổ chức cũng rất đáng chú ý. Kể từ năm 2018, hằng năm Hiệp hội này đều dịch và xuất bản các vở kịch Trung Quốc, đồng thời tổ chức diễn đọc một số tác phẩm đã được chọn lọc kỹ lưỡng phục vụ việc giao lưu văn hóa giữa các quốc gia thuộc vùng văn hóa chữ Hán như Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc. Buổi diễn thứ năm do Đoàn kịch Quốc gia tổ chức tại Nhà hát Nghệ thuật Myeongdong vào tháng 4 năm nay đã được đón nhận nồng nhiệt đến nỗi vé đặt trước đã nhanh chóng bán hết. Điều này cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn của khán giả Hàn Quốc đối với các vở kịch Trung Quốc.

Hàng chục vở kịch truyền thống và đương đại của Trung Quốc đã được giới thiệu thông qua chương trình biểu diễn đọc kịch này, trong đó “Người cá”, “Lạc đà Tường Tử”, “Một lời thay cho vạn lời”... sau đó đã thành công khi được đưa lên sân khấu. “Người cá” là tác phẩm đầu tay ra mắt năm 1989 của Quá Sĩ Hành - nhà văn có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong giới sân khấu Trung Quốc hiện nay. Tác phẩm này đã lấy việc câu cá, một sở thích đặc trưng của người Trung Quốc, làm đề tài để đặt ra câu hỏi về thái độ sống chân chính là gì. “Lạc đà Tường Tử” được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên công bố năm 1937 của tiểu thuyết gia Trung Quốc Lão Xá và cũng được xuất bản ở phương Tây với tựa đề “Rickshaw Boy” (Cậu bé kéo xe). Tác phẩm kể về cuộc đời đầy sóng gió của một người phu kéo xe sống trong thời buổi loạn lạc. Vở kịch “Một lời thay cho vạn lời” năm 2018 của đạo diễn Mưu Sâm - người được cho là tiên phong trong kịch thực nghiệm Trung Quốc - diễn giải lại tiểu thuyết cùng tên của Lưu Chấn Vân, nhà văn tiêu biểu của chủ nghĩa tân hiện thực Trung Quốc. Đó là vở kịch tâm lý xã hội mô tả hình ảnh những con người mang tên họ và nghề nghiệp khác nhau, cùng sinh sống và va chạm với nhau trong bối cảnh một làng quê.

Khi chương trình này mới triển khai những bước đầu tiên, các vở kịch Trung Quốc còn khá xa lạ với khán giả Hàn Quốc, nhưng sự kỳ vọng đang tăng dần theo năm tháng. Đó là nhờ giọng đọc của các diễn viên đã chuyển tải thành công khả năng thấu tỏ bản chất cuộc sống và cái nhìn ấm áp của các vở kịch, để lại ấn tượng sâu sắc cho khán giả.

Một cảnh từ vở “Trà quán” biểu diễn tại Nhà hát Nghệ thuật Myeongdong của Đoàn kịch Quốc gia vào năm 2022. Đạo diễn nổi tiếng người Hàn Quốc Koh Sun-woong đã mang lên sân khấu toàn bộ câu chuyện gốc, hé lộ cuộc đời sóng gió của những khách quen của một trà quán ở Bắc Kinh thời kỳ hiện đại.
ⓒ Lee Kang-mul

Vở “Vị khách” của Yu Rong-jin là một tác phẩm luận đề, đặt câu hỏi vừa nghiêm túc lại vừa hài hước về bản chất của cuộc sống. Năm 2020, các diễn viên của Đoàn kịch Jukjuk đã chuyển tải thông điệp của tác phẩm gốc tại Trung tâm Nghệ thuật Namsan.
ⓒ Lee Kang-mul

Thử nghiệm và đổi mới
Gần đây, kịch đọc đang dần thay đổi diện mạo, với việc diễn viên biểu lộ nhiều cảm xúc hơn, và đạo diễn cũng thêm thắt vào đó cái nhìn của mình. Xu hướng được gọi là “kịch đọc đa chiều” này tận dụng cả các yếu tố biểu đạt của sân khấu như âm nhạc, thiết kế sân khấu, ánh sáng, trang phục... thỉnh thoảng còn kết hợp cả các đoạn phim hay diễn tấu để giúp việc truyền tải vở kịch được phong phú hơn. Nói cách khác, nếu như kịch đọc trước đây chỉ hoàn toàn tập trung vào việc truyền tải văn bản thì kịch đọc đa chiều sử dụng thêm các hình thức sân khấu nhất định dựa trên cách diễn giải của đạo diễn.

Chương trình khai thác kịch mang tên “Sự đồng cảm trong sáng tạo: Kịch” do Đoàn kịch Quốc gia thực hiện từ năm ngoái đã cho thấy những khả năng mới của sân khấu Hàn Quốc. Từ những kịch bản gửi đến chương trình, ban tổ chức áp dụng hình thức kịch đọc đa chiều để chọn ra những vở kịch có khả năng dàn dựng biểu diễn hoàn chỉnh trên sân khấu. Vở “Xe lăn cá vàng” ra mắt khán giả tại Nhà hát Pan ở quận Yongsan, Seoul vào tháng 2 năm nay đề cập đến vấn đề cái tôi nguyên bản giữa kẻ cắp và nạn nhân trong vụ việc đánh cắp tài khoản mạng xã hội. Buổi diễn đọc này có cách dàn dựng sân khấu nổi bật. Đặc biệt, khán giả có thể trực tiếp nhìn thấy hình ảnh mạng xã hội của hai nhân vật được chiếu lên hai bức tường. Thiết kế sân khấu như vậy giúp khán giả hiểu và đồng cảm với tâm lý nhân vật.

Doosan Art Lab, nơi hỗ trợ tác phẩm thực nghiệm của các nghệ sĩ trẻ, đã đưa tác phẩm “Bắp tay của Judith” lên sân khấu Trung tâm Nghệ thuật Doosan vào tháng Ba vừa qua bằng hình thức kịch đọc âm nhạc rất mới lạ. Vở kịch dựa trên mô-típ “Judith chém đầu Holofernes” của Artemisia Gentileschi - một nữ họa sĩ thời kỳ Baroque ở Ý - khắc họa quá trình giải quyết nghi vấn tại sao bắp tay của người phụ nữ trong tranh lại khá to. Điều thú vị của phần trình diễn này là đưa âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc vào một câu chuyện lấy bối cảnh ở châu Âu thế kỷ XVII. Các tác giả đã giúp soi tỏ cuộc đời của một nữ họa sĩ và thời đại lúc bấy giờ thông qua các ca khúc và việc diễn tấu đàn gayageum.

Vở “Bắp tay của Judith” được trình diễn vào tháng 3 năm nay thông qua Doosan Art Lab, một đơn vị hỗ trợ sáng tạo của Trung tâm Nghệ thuật Doosan. Tạo được cảm xúc nhờ kết hợp thêm diễn tấu đàn gayageum, màn trình diễn đọc kịch này đã mở rộng nền tảng của nghệ thuật biểu diễn với nhiều thử nghiệm mới.
ⓒ Trung tâm Nghệ thuật Doosan



Kim Geon-pyoNhà phê bình sân khấu, Giáo sư Khoa Sân khấu Điện ảnh, Trường Đại học Daegyeong
Dịch. Lê Thị Phương Thủy

전체메뉴

전체메뉴 닫기