메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

2021 AUTUMN

HANGEUL: Tỏa sáng trong tâm điểm toàn cầu

CHỮ BIỂU ÂM DÀNH CHO DÂN CHÚNG

Suốt hành trình lịch sử nhân loại, Hangeul là chữ viết duy nhất có thông tin rõ ràng về người sáng tạo cũng như thời gian và mục đích sáng tạo. Ngoài ra, Hangeul cũng là chữ viết đầu tiên chia một âm tiết thành âm đầu, âm giữa và âm cuối, được đánh giá là bộ chữ có tính cấu trúc và hệ thống do các phụ âm hoặc nguyên âm phát ra các âm thanh giống nhau được biểu thị tương tự về mặt hình thái.

fea2_1.jpg

Tượng vua Sejong tại Quảng trường Gwanghwamun trước cung Gyeongbok (Cảnh Phúc), Seoul. Tượng cao 6,2m, rộng 4,3m, có bệ đỡ và quay mặt về hướng nam do nhà điêu khắc kiêm giáo sư khoa Điêu khắc, trường Đại học Hongik Kim Yeong Won thiết kế và hoàn thành năm 2009. Vua Sejong, vị vua trị vì đời thứ 4 của triều đại Joseon đã sáng tạo ra chữ Hangeul, đóng vai trò dẫn dắt khoa học kỹ thuật và âm nhạc phát triển mạnh mẽ, từ đó chấn hưng nền văn học nghệ thuật trên bán đảo Triều Tiên thời Trung cổ.
© Ha Ji-kwon

Chữ Hangeul do vua Sejong (tại vị 1418-1450) – vị vua thứ tư của triều đại Joseon – hoàn thành năm 1443 và công bố năm 1446. Trước khi chữ Hangeul ra đời, không có hệ thống chữ viết nào phù hợp để biểu đạt ngôn ngữ nói vốn có của tiếng Hàn dẫn đến một thời gian dài, người ta buộc phải sử dụng Hán tự và Hán văn để ghi chép. Tuy nhiên, Hán tự và Hán văn được tạo ra trên nền tảng tiếng Trung Quốc nên rất khó thể hiện chuẩn xác ngôn ngữ nói tiếng Hàn Quốc.Trong tình trạng tiếng nói và chữ viết tồn tại riêng rẽ như vậy, tầng lớp thống trị có thể duy trì quyền lực nhờ sử dụng tương đối thành thạo Hán tự và Hán văn. Còn dân thường bận kiếm kế sinh nhai khó có điều kiện học và sử dụng chúng. Vua Sejong đã nghiên cứu sáng tạo hệ thống chữ viết mới để dân thường có thể dễ dàng học và sử dụng trong cuộc sống thường nhật. Chữ Hangeul chính là kết quả được tạo ra sau rất nhiều nỗ lực và khó khăn.

Xét về tầm vĩ mô của lịch sử chữ viết thế giới, Hangeul không nằm ngoài dòng chảy chính. Tuy nhiên, so với các hệ thống chữ viết chủ đạo ngày nay đang được hơn hàng chục triệu người sử dụng, Hangeul có những đặc điểm nổi bật về bối cảnh và nguyên lý sáng tạo.

HANGEUL THUỘC LOẠI HÌNH NÀO TRONG LỊCH SỬ CHỮ VIẾT THẾ GIỚI?
Trước khi trả lời câu hỏi này, đầu tiên cần phải giải thích về chữ viết biểu âm (phonography) và chữ viết biểu ý (logography). Chữ viết không thể tách biệt với ngôn ngữ nói và được định nghĩa trong mối quan hệ với ngôn ngữ nói. Trong số các đơn vị cấu thành nên ngôn ngữ nói, có đơn vị tương ứng với âm nhất định nhưng không có nghĩa như âm vị (phoneme) hay âm tiết (syllable), và cũng có đơn vị không những tương ứng với âm mà chính bản thân nó còn mang nghĩa nhất định như hình vị (morpheme) hay từ. Nhóm đơn vị đầu là chữ viết biểu âm, còn nhóm đơn vị sau chính là chữ viết biểu ý.

Trong hệ thống chữ viết biểu âm Hangeul, các chữ cái chỉ thể hiện một phụ âm hoặc một nguyên âm của ngôn ngữ nói tiếng Hàn mà không liên quan đến ý nghĩa của chúng như “ㄱ” thể hiện phụ âm “g”, “ㅏ” thể hiện nguyên âm “a”. Trái lại, trong chữ viết biểu ý Hán tự, các chữ cái lại tương ứng với một từ trong ngôn ngữ nói tiếng Trung, ví dụ như “首” (thủ) là từ có phát âm là [shŏu] và mang nghĩa “cái đầu, hàng đầu, người đứng đầu”. “首” (thủ) trong từ “首都” [shŏudū] (thủ đô) của tiếng Trung vẫn giữ được nghĩa này. Thế nhưng trong từ “首尔” [shŏu’ěr] (Thủ Nhĩ) của tiếng Trung được dùng để gọi tên Seoul – thủ đô của Đại Hàn Dân Quốc, chữ “首” (thủ) chỉ được mượn để ghi lại âm của “Seo” chứ không còn mang ý nghĩa ban đầu nữa. Đây là ví dụ về phương thức sử dụng ký tự thuộc hệ thống chữ viết biểu ý độc đáo trong trường hợp cần thiết không theo phương thức vốn có. Cách dùng này được gọi là “giả tá” (假借 - rebus).

fea2_3.jpg

“Lời tựa” (phải) và “Giải nghĩa” (trái) của “Huấn dân chính âm” ban hành năm 1446. “Lời tựa” do vua Sejong viết, giải thích lý do và mục đích tạo ra chữ Hangeul. Phần “Giải nghĩa” mô tả ngắn gọn sự khác biệt của các nguyên âm và phụ âm tiếng Hàn so với Hán tự vốn đã được sử dụng trong suốt thời gian dài trước đó.
© Quỹ Văn hóa Mỹ thuật Kansong

HANGEUL CÓ CHỊU ẢNH HƯỞNG BỞI CÁC CHỮ VIẾT KHÁC HAY KHÔNG?
Hầu hết chữ viết mà nhân loại sử dụng đến ngày nay đều bắt đầu từ chữ viết biểu ý. Thời kỳ đầu, con người sử dụng chữ biểu ý để biểu đạt ý nghĩa và cũng để biểu thị âm thanh. Càng về sau, cách dùng thứ hai càng chiếm ưu thế. Cuối cùng, người ta chỉ sử dụng chữ biểu ý để biểu thị âm thanh và chữ viết biểu âm ra đời từ đó.

Hệ thống chữ Phoenicia chịu ảnh hưởng từ chữ viết biểu ý Ai Cập được biểu âm hóa, sau đó lan về phía tây và phát triển thành chữ Hy Lạp, chữ Kirin, chữ Roma của châu Âu và lan về phía đông phát triển thành chữ Do Thái, chữ Ả Rập của khu vực Tây Á. Có thể nhận thấy một xu hướng nhất định trong sự phát triển của chữ viết biểu âm, đó là các hệ chữ Do Thái, chữ Ả Rập chủ yếu biểu thị phụ âm hơn là nguyên âm. Những chữ này được gọi là chữ viết phụ âm (abjad). Chữ viết này của Tây Á khi sang Ấn Độ đã phát triển thành chữ viết lấy phụ âm làm trung tâm (abugida). Chữ viết này có đặc điểm khi nguyên âm theo sau phụ âm là nguyên âm cơ bản (default vowel) sẽ hoàn toàn không được biểu thị, còn là nguyên âm khác sẽ được biểu thị bằng cách thêm vào các ký hiệu đặc biệt (diacritic). Chữ viết Tây Tạng về cơ bản cũng là chữ viết lấy phụ âm làm trung tâm, nhưng nguyên âm có tính độc lập hơn một chút. Đến bộ chữ Phags-pa, nguyên âm bắt đầu độc lập với phụ âm. Phags-pa có thể được xem là hệ thống chữ viết quá độ giữa chữ viết lấy phụ âm làm trung tâm và chữ viết có bảng chữ cái hoàn chỉnh – nơi nguyên âm và phụ âm có giá trị và vai trò hoàn toàn ngang nhau.

Như vậy, về mặt địa lý, càng tiến về phía đông lục địa Á Châu, tính độc lập của nguyên âm trong các hệ thống chữ viết càng tăng dần. Ra đời muộn hơn một chút so với chữ Phags-pa và chữ Tây Tạng, Hangeul là trường hợp biểu hiện rõ ràng nhất của xu hướng này và tạo nên bảng chữ cái hoàn chỉnh.

CÓ BAO NHIÊU NGƯỜI ĐÃ TẠO RA HANGEUL?
Các hệ thống chữ viết chủ đạo được sử dụng bởi hàng chục triệu người trên toàn thế giới ngày nay đều khó xác định người phát minh đầu tiên do chúng đã biến đổi và mở rộng một cách tự nhiên suốt thời gian dài. Chỉ duy nhất chữ Hangeul là ngoại lệ. Hangeul là chữ viết do một cá nhân phát minh trong khoảng thời gian rất ngắn.

Mặc dù khá nhiều người suy đoán chữ Hangeul được sáng tạo bởi nhiều học giả trong Tập Hiền điện – nơi tập trung nghiên cứu học thuật của triều đại Joseon nhưng khi tổng hợp nhiều nguồn sử liệu khác nhau cho thấy khả năng cao đây là phát minh của cá nhân vua Sejong. Trong “Biên niên sử triều đại Joseon” (Triều Tiên vương triều thực lục) – quyển sử ký ghi lại những việc đã xảy ra trong triều đình và nhiều sự việc khác trong thời gian các vua triều đại Joseon tại vị – ở phần kết bản ghi chép tháng 12, năm Sejong thứ 25 có một câu chuyện ngắn đề cập nhà vua đã sáng tạo ra chữ cái Hangeul. Đây là ghi chép đầu tiên liên quan đến chữ Hangeul. Nếu vua Sejong đã nhận được sự trợ giúp của các học giả trong Tập Hiền điện, chắc chắn quá trình đó sẽ được ghi chép trong tư liệu lịch sử. Tuy nhiên, quá trình sáng tạo Hangeul hoàn toàn không được đề cập trong tư liệu lịch sử nên có thể phỏng đoán rằng nhà vua đã bí mật xúc tiến kế hoạch sáng tạo Hangeul do lo lắng sự phản đối của các quần thần.

Vua Sejong có kiến thức sâu rộng về âm vị học tiếng Trung Quốc nên đã có thể một mình phân tích hệ thống âm vận của tiếng Hàn lúc bấy giờ, đồng thời giải thích tỉ mỉ đặc điểm của mỗi âm vị và mối quan hệ giữa chúng. Sau khi tự mình sáng tạo ra Hangeul, vua Sejong bắt đầu huy động các học giả của Tập Hiền điện sử dụng Hangeul để biên soạn sách.

fea2_4.jpg
fea2_5.jpg

“Huấn dân chính âm”. 1446. Mộc bản. Quỹ Văn hóa Mỹ thuật Kansong.
Sách được in theo lệnh của vua Sejong dành cho các nhân sĩ của Tập Hiền điện với mục đích giới thiệu chữ Hangeul, giúp dân chúng học và sử dụng Hangeul dễ dàng hơn. Sách được cấu tạo thành ba phần gồm “Lời tựa và cách thức sử dụng” được viết bởi vua Sejong; phần “Giải nghĩa” (giải lệ) do các học giả của Tập Hiền điện trình bày, giải thích chi tiết nội dung lời tựa và phần “Giới thiệu” được viết bởi Jeong In-Ji (Trịnh Lân Chỉ), đại diện các học giả. Được nhà giáo dục đồng thời là nhà sưu tập di sản văn hóa Chun Hyung-pil phát hiện tại thành phố Andong, tỉnh Gyeongsangbuk năm 1940 đến năm 1962, mộc bản được công nhận là Bảo vật Quốc gia Hàn Quốc và ghi danh vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO năm 1997.
© Quỹ Văn hóa Mỹ thuật Kansong

ĐIỂM ĐẶC BIỆT CỦA CHỮ VIẾT BIỂU ÂM HANGEUL LÀ GÌ?
Hangeul thuộc chữ viết ghi âm vị trong hệ thống chữ viết biểu âm và cũng là bộ chữ có bảng chữ cái hoàn chỉnh trong các chữ viết ghi âm vị. Đơn vị cơ bản của chữ Hangeul tương ứng với âm vị của ngôn ngữ nói, vai trò của nguyên âm và phụ âm tương đương nhau. Ở khía cạnh này, chữ La-tinh cũng tương tự như vậy. Tuy nhiên, trong các hệ thống chữ viết khác bao gồm cả chữ La-tinh, hai âm vị tương tự không phải lúc nào cũng được biểu thị bằng ký tự có hình dạng giống nhau.

Bảng chữ cái La-tinh là bộ chữ dùng để biểu thị tiếng Anh có “p” và “b” là âm môi (bilabial), “t” và “d” là âm lợi (alveolar), “k” và “g” là âm ngạc mềm (velar) nhưng các cặp âm vị có vị trí cấu âm tương tự này không có hình dạng giống nhau. Ngoài ra, cũng không có sự giống nhau về hình thái giữa các chữ cái biểu thị âm vô thanh (voiceless) “p, t, k” và các chữ cái biểu thị âm hữu thanh (voiced) “b, d, g”. Trái lại, các chữ cái có vị trí cấu âm giống nhau như âm môi “ㅁ(m), ㅂ(b), ㅍ(p)”, ㅃ(pp), âm lợi “ㄴ(n), ㄷ(d), ㅌ(t), ㄸ(tt)”, âm ngạc mềm “ㅇ(ng), ㄱ(g), ㅋ(k), ㄲ(kk)” trong Hangeul lại có hình thái tương tự nhau.

Và các âm mũi (nasal) như “ㅁ(m), ㄴ(n), ㅇ(ng)”, âm thường (plain obstruent) như “ㅂ(b), ㄷ(d), ㄱ(g)”, âm căng (glottalized) như “ㅃ(pp), ㄸ(tt), ㄲ(kk)”, âm bật hơi (aspirated) “ㅍ(p), ㅌ(t), ㅋ(k)” cũng có mối quan hệ nhất định giữa âm thanh và hình thái của chúng. Các chữ cái biểu thị âm thường được tạo ra bằng cách thêm nét vào các chữ cái biểu thị âm mũi (ㅁ→ㅂ, ㄴ→ㄷ), các chữ cái biểu thị âm bật hơi được tạo ra bằng cách thêm nét vào các chữ cái biểu thị âm thường (ㅂ→ㅍ, ㄷ→ㅌ, ㄱ→ㅋ), hai chữ cái biểu thị âm thường xếp cạnh nhau tạo nên chữ cái biểu thị âm căng (ㅂ→ㅃ, ㄷ→ㄸ, ㄱ→ㄲ). Khó có thể tìm thấy đặc điểm quan hệ của âm thanh được phản ánh qua hình dạng của chữ cái này trong các hệ thống chữ viết khác.

특집2-14페이지_자음모음(VT).png

 

Về mặt địa lý, càng tiến về phía đông lục địa Á Châu, tính độc lập của nguyên âm trong các hệ thống chữ viết càng tăng dần. Ra đời muộn hơn một chút so với chữ Phags-pa và chữ Tây Tạng, Hangeul là trường hợp biểu hiện rõ ràng nhất của xu hướng này và tạo nên bảng chữ cái hoàn chỉnh.

fea2_7.jpg

Một phần của các con chữ Hangeul bằng kim loại được khai quật tại Insa-dong, Seoul tháng 6 năm 2021. Tất cả hơn 1,600 con chữ kim loại được phát hiện trong quá trình khảo sát tại khu vực dự án bảo trì môi trường đô thị đều được tạo ra vào thời kì đầu Joseon, trong đó có hơn 600 con chữ kim loại phản ánh cách biểu đạt của Hangeul tại thời điểm Huấn dân chính âm mới được sáng chế. Ngoài ra, người ta còn phát hiện đồng hồ mặt trời, các bộ phận của đồng hồ nước ước tính được làm từ thời vua Sejong và khẩu pháo được chế tạo vào khoảng cuối thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XVI. Nơi đây từng tập trung nhiều cơ quan đầu não của triều đại Joseon. Người ta phỏng đoán những di vật này được bỏ vào chum và chôn xuống đất sau năm 1588. Chúng được phát hiện ở tầng thấp nhất có độ sâu 3m dưới lòng đất trong số sáu tầng văn hóa được xác định tại đây.
© Tổng cục Di sản Văn hóa

CHỮ HANGEUL ĐÃ ĐƯỢC PHỔ CẬP VÀ MỞ RỘNG NHƯ THẾ NÀO?
Giai đoạn đầu lúc Hangeul mới ra đời, giới học giả quý tộc chủ yếu vẫn sử dụng Hán tự và Hán văn nên Hangeul không được xem trọng. Trong hoàn cảnh đó, nữ lưu, Phật giáo và tiểu thuyết đã đóng vai trò rất lớn trong việc sử dụng và phổ biến Hangeul.

Thời kì tiền hiện đại, ngay cả phụ nữ trong tầng lớp thống trị cũng không được thụ hưởng nền giáo dục một cách hệ thống đầy đủ như nam giới. Một số nữ giới có năng lực và hoài bão đã học và sử dụng Hán văn, tuy nhiên, đại đa số họ không thành thạo Hán văn nên rất nhiều người đã chuyển sang sử dụng Hangeul. Các cô gái lấy chồng xa thường thư từ qua lại với mẹ ruột bằng Hangeul. Ngoài ra, những người chồng thuộc tầng lớp quý tộc đi công tác xa cũng dùng Hangeul khi biên thư cho vợ ở quê nhà vì người vợ không thành thạo Hán văn như chồng. Những bức thư bằng Hangeul này không chỉ tái hiện diện mạo tiếng Hàn và việc sử dụng chữ Hangeul thời đó mà còn là tư liệu quý báu về sinh hoạt đời thường lúc bấy giờ của người dân.

Mặt khác, trong giới Phật giáo Hàn Quốc thời điểm này đã tiến hành dịch nhiều bộ kinh Phật từ Hán văn sang tiếng Hàn, viết bằng chữ Hangeul và phổ biến rộng rãi trong dân chúng với mục đích truyền bá lời răn dạy của Đức Phật. Thời đại Joseon tuy chính thức xem Tân Nho giáo là hệ tư tưởng quốc gia và bài xích Phật giáo, nhưng trong hoàng thất vẫn có rất nhiều người theo tín ngưỡng Phật giáo, hậu thuẫn cho việc in ấn và phổ biến kinh Phật.

Đến thời hậu kì Joseon, nhiều người không phân biệt tầng lớp, giới tính bắt đầu ưa chuộng tiểu thuyết. Ban đầu, chưa có nhiều người đọc được chữ Hangeul và nghề in trong dân gian chưa phát triển nên người ta thưởng thức tiểu thuyết tiếng Hàn bằng cách chuyền tay các bản chép lại tác phẩm. Dân chúng cũng thường tập trung nghe tiểu thuyết được đọc lại bởi những người thạo chữ, có thể đọc thành tiếng và truyền đạt nội dung một cách hấp dẫn và diễn cảm. Sau đó, dần cảm thấy không thỏa mãn với việc nghe người khác đọc lại, người người bắt đầu tự học Hangeul. Nhu cầu thưởng thức tiểu thuyết đã thúc đẩy việc đẩy lùi tỉ lệ mù chữ ở Hàn Quốc. Từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX, sự thịnh hành của tiểu thuyết và sự gia tăng dân số biết chữ đã ảnh hưởng lớn đến việc phổ cập chữ Hangeul.

Park Jin-ho Giáo sư Khoa Ngữ văn Hàn Quốc, Trường Đại học Quốc gia Seoul
Dịch. Nguyễn Thị Ly

전체메뉴

전체메뉴 닫기