메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Features

2021 AUTUMN

HANGEUL: Tỏa sáng trong tâm điểm toàn cầu

NHỮNG TỪ VỰNG NGƯỜI HÂM MỘ K-POP CẦN BIẾT

Người hâm mộ cuồng K-Pop ở nước ngoài thường giữ nguyên phiên âm La-tinh cách phát âm của những từ tiếng Hàn phổ biến để trò chuyện với nhau trên mạng. Lý do là vì khi dịch và sử dụng các từ này bằng tiếng mẹ đẻ, họ không thể diễn đạt chính xác và cảm nhận được hết ý nghĩa độc đáo và thú vị vốn có của chúng. Đây là hiện tượng văn hóa mới, tượng trưng cho sự gắn kết giữa những người hâm mộ K-Pop trên toàn thế giới. Ngôn ngữ mà họ sử dụng chính là “Dolminjeongeum” – một từ mới được kết hợp giữa “idol” (thần tượng) và “Hunminjeongeum” (Huấn dân chính âm). Hãy cùng tìm hiểu ý nghĩa và hoàn cảnh sử dụng của một vài Dolminjeongeum dưới đây.

  • 아이고(Aigo)

    “Aigo” là từ cảm thán được sử dụng trong nhiều tình huống khác nhau như khi ốm đau hoặc khó khăn, khi ngạc nhiên hoặc sửng sốt không thốt nên lời, khi vui mừng hoặc thích thú, khi bàng hoàng hoặc tuyệt vọng. Từ này cũng được sử dụng với hàm ý than thở khi trách mắng ai đó. Đối với người Hàn Quốc “aigo” thường được coi là một từ xưa cũ, chủ yếu được sử dụng bởi những người lớn tuổi, nhưng đối với người nước ngoài, nó lại là một từ rất thú vị và tạo cảm giác thân thiện.

    Aigo, tôi chết mất. Sao trời lại nóng thế này?
  • 대박(Daebak)

    “Daebak” vốn là danh từ chỉ một việc đạt được thành công lớn. Tuy nhiên, hiện nay, giới trẻ sử dụng “daebak” đại trà như một từ cảm thán khi ngạc nhiên, bất ngờ trước một sự việc không đoán trước hoặc một niềm vui xảy đến ngoài dự kiến. Từ này rất quen thuộc với cộng đồng người hâm mộ Hàn lưu vì nó thường xuyên xuất hiện trong lời thoại của các bộ phim truyền hình hoặc phụ đề của các chương trình giải trí.

    Daebak!Ca khúc “Butter” của BTS đã dẫn đầu bảng xếp hạng Billboard.
  • 자기야(Jagiya)

    Theo định nghĩa trong từ điển, “jagi” là danh từ chỉ chính bản thân ai đó, đồng thời cũng được sử dụng như đại từ nhân xưng ngôi thứ ba để nhắc đến người đã được đề cập từ trước. Do đó, vốn dĩ không thể kết hợp “ya” – trợ từ cách được dùng khi gọi người khác – sau “jagi”. Tuy nhiên, trong khẩu ngữ, người Hàn Quốc dùng “jagiya” như một cách gọi trìu mến và tình cảm đối với người yêu hoặc người phối ngẫu. Người hâm mộ K-Pop có khuynh hướng sử dụng tổ hợp danh-trợ này như một danh từ như trong câu nói “My Korean jagiya” (Jagiya Hàn Quốc của tôi).

    Jagiya, ngủ ngon, mơ về em nhé!
  • 막내(Maknae/Mangnae)

    “Maknae” nghĩa là người nhỏ tuổi nhất, sinh ra sau cùng trong gia đình nhiều anh chị em. “Maknae” cũng được dùng để gọi người nhỏ tuổi nhất trong một tổ chức hoặc hội nhóm. Thông thường, có quan niệm cho rằng em út phải vâng lời anh chị, đồng thời dù phạm lỗi hoặc mắc sai lầm cũng được tha thứ. Những người hâm mộ K-Pop có xu hướng dựa vào tuổi tác để chia các thành viên trong một nhóm thành hàng anh chị và hàng em út.

    Maknae ơi, lấy cho anh ly nước nhé!
  • 사생(Saseng/Sasaeng)

    Là từ rút gọn của “sasenghwal” (đời sống riêng tư), “saseng” chỉ những fan cuồng đi theo các nghệ sĩ nổi tiếng mà mình yêu thích để theo dõi nhất cử nhất động đến mức xâm phạm quyền riêng tư của họ. Có những người còn liên tục gửi tin nhắn hoặc chụp ảnh lén, thậm chí tìm và đột nhập vào nhà nghệ sĩ họ hâm mộ. Đã có phân tích cho rằng, càng nắm nhiều thông tin về thần tượng thì càng có uy thế trong cộng đồng người hâm mộ nên họ đã trở thành sasaeng.

    Này các bạn, chúng ta đừng là những saseng xấu xí nhé!
  • 오빠(Oppa)

    “Oppa” vốn là đại từ nhân xưng được em gái dùng để gọi anh trai trong gia đình, nhưng ngay cả khi không phải là anh em họ hàng, nữ giới vẫn sử dụng nó để gọi nam giới lớn tuổi hơn mình. Tuy nhiên, “oppa” chỉ được sử dụng khi người nói và người nghe có mối quan hệ thân thiết, không câu nệ lễ nghi. Vì vậy, các fan nữ K-Pop gọi các thành viên nam trong nhóm nhạc thần tượng mà mình yêu thích là “oppa” để thể hiện sự hâm mộ. Gần đây, các cô gái cũng sử dụng từ này để gọi bạn trai hoặc chồng của mình, gây ra ít nhiều tranh cãi.

    Oppa đó nhảy đẹp ghê, nhưng tiếc là hát không hay.
  • 페이크막내(Fake Maknae)

    “Fake maknae” dùng để chỉ thành viên không thực sự là người nhỏ tuổi nhất nhưng cư xử dễ thương hoặc kiểu trẻ con giống em út trong nhóm. Khi các anh chị lớn cư xử như em út, không khí nặng nề và đặt nặng thứ bậc trên dưới của nhóm sẽ trở nên nhẹ nhàng, vui vẻ hơn. Ngoài ra, cũng có từ “evil maknae” chỉ em út không ngoan ngoãn như những em út thông thường mà hay trêu chọc, bông đùa thái quá khiến các anh chị bối rối. Đây là một từ mới tiêu biểu được người hâm mộ K-Pop tạo ra bằng cách ghép từ tiếng Hàn với từ tiếng Anh.

    Anh kia trông trẻ nhất mà cậu bảo đã hơn 30 tuổi rồi sao? Chắc chắn anh ấy là fake maknae!
  • 눈치(Nunchi )

    “Nunchi” chỉ độ tinh ý, khả năng nhanh chóng nắm bắt tâm trạng hoặc hoàn cảnh của đối phương. Những người tinh ý thường có quan hệ tốt đẹp và tạo ấn tượng tốt với người khác. Do đó, đây cũng là khả năng cần thiết để thành công trong cuộc sống. Ngược lại, từ này cũng hay được sử dụng với nghĩa tiêu cực. Nó được dùng khi nói về ai đó quá bận tâm đến đánh giá của người khác về mình để rồi không thể hành động theo ý muốn bản thân.

    Taehyung có nunchi nên biết ngay tôi buồn vì việc gì.
  • 멘붕(Menbung)

    Menbung là một từ mới, được tạo nên bằng cách kết hợp giữa từ tiếng Anh “mental” (tinh thần) và từ tiếng Hàn “bunggoe” (sự phá hủy). Nó được dùng khi ai đó gặp một sự việc bất ngờ đến mức không thể tin được dẫn đến cú sốc về tinh thần hoặc bị đặt vào một tình huống vô cùng khó khăn.

    Nghe nói nhóm nhạc thần tượng tôi yêu thích đã tan rã. Tôi menbung luôn!
  • 애교(Aegyo)

    “Aegyo” là thái độ tỏ vẻ đáng yêu với người khác. Từ xưa, “aegyo” được coi là bản tính phụ nữ cần phải có; ngược lại, đàn ông “aegyo” sẽ bị chê là thiếu nam tính. Nhưng gần đây, “aegyo” được sử dụng rộng rãi khi ai đó làm điều gì đáng yêu mà không phân biệt giới tính. Đối với người hâm mộ K-Pop, “aegyo” là một từ cần phải biết.

    Em út của nhóm nhạc nam đó aegyo quá đi thôi.
  • 귀엽다(kyeopta/kyopta, hoặc gwiyeopda)

    “Kyeopta/kyopta” là cách người hâm mộ K-Pop ở nước ngoài phiên âm chệch từ “gwiyeopda” (dễ thương) sang chữ La-tinh để dễ phát âm. Đây là trường hợp đặc biệt về việc phát âm của từ vựng tiếng Hàn được bản địa hóa.

    Chú cún này kyeopta quá.
Kang Woo-sung Tác giả “Từ điển K-Pop” (K-Pop Dictionary)
Dịch. Thân Thị Thúy Hiền

전체메뉴

전체메뉴 닫기