메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Interview

2021 SUMMER

ĐỒNG CẢM VỚI NHỮNG NỖI ĐAU

Nhà văn sáng tác thể loạitiểu thuyết đồ họaKim Keum Suk (Keum Suk Gendry-Kim / Kim Cẩm Thục) chủ yếu vẽ truyện chủ đề lịch sử hay chuyện của những nhân vật bị xã hội ngoảnh mặt làm ngơ. Tác phẩm của bà được dịch và xuất bản ở nước ngoài có thể kể đến “Jiseul” (2014) tái hiện bi kịch của cuộc kháng chiến Jeju ngày 3 tháng 4, “Cỏ dại” (Grass) (2017) khắc họa nỗi thống khổ của phụ nữ bị ép làm nô lệ tình dục phục vụ cho quân đội Nhật Bản, và “Alexandra Kim, con gái của Siberia” ghi chép lại cuộc đời của nhà cách mạng Bôn-sê-vích đầu tiên của Joseon.

Cảnh trong “Cỏ dại”, một tác phẩm của Keum Suk Gendry-Kim, khắc họa “phụ nữ giải khuây”, nạn nhân bị ép làm nô lệ tình dục cho quân đội Nhật Bản vào Thế chiến thứ hai.

Tháng 10 năm ngoái, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, một tiền lệ chưa từng có đã diễn ra, các tác phẩm đoạt giải thưởng Harvey (Harvey Awards) đã được công bố trong sự kiện “New York Comic Con” tổ chức theo hình thức phóng sóng trực tuyến. Truyện tranh Cỏ dại (Grass) khắc họa cuộc sống của những nân nhân bị ép làm nô lệ tình dục cho quân đội Nhật Bản đã chiến thắng hạng mục “Sách quốc tế hay nhất” (Best International Book).

“Cỏ dại” liên tục tạo ra cơn sốt từ khi ra mắt độc giả Hàn Quốc năm 2017 và khi được giới thiệu với độc giả thế giới bằng bản tiếng Anh do nhà xuất bản truyện tranh của Canada, Drawn & Quarterly phát hành năm 2019. Cùng năm đó, Tờ New York Times và The Guardian bình chọn tác phẩm là “Truyện tranh hay nhất năm” và “Tiểu thuyết đồ họa hay nhất năm”. Năm sau đó, tác phẩm giành được 10 giải thưởng, bao gồm Giải viết luận Krause (The Krause Essay Prize) và Giải Xưởng Phim hoạt hình xuất sắc (Cartoonist Studio Prize).

Mãi đến tháng 12 năm 2020, hai tháng sau khi được tuyên bố là đạt giải thưởng Harvey, tác giả mới được chạm tay vào chiếc cúp vượt Thái Bình Dương đến với mình. Ngay cả việc đón nhận chiếc cúp thực sự cũng trải qua nhiều sóng gió vì COVID-19. Nhưng ngược lại, các tác phẩm của nhà văn được dịch ra nhiều thứ tiếng và đi khắp thế giới một cách hết sức tự do. Mới đây, “Cỏ dại” được dịch rồi xuất bản bằng tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Ả Rập. Bên cạnh đó, “Sự chờ đợi” (The Waiting), một tác phẩm mới ra mắt vào mùa thu năm ngoái cũng được giới thiệu bằng tiếng Pháp, đồng thời đang chờ ra mắt bản tiếng Anh, Bồ Đào Nha, Ả Rập và Ý. Tháng 4 vừa qua, người viết đã có dịp gặp gỡ nhà văn Kim tại một quán cà phê ở Ganghwa-do gần nơi bà sinh sống.

Tôi thắc mắc làm thế nào từ một người chuyên hội họa và nghệ thuật sắp đặt mà bà lại thành danh với tư cách một tác giả tiểu thuyết đồ họa?
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành hội họa phương Tây, tôi sang Pháp học nghệ thuật sắp đặt tại trường Đại học Mỹ thuật Strasbourg (École supérieure des Arts décoratifs de Strasbourg). Tôi dịch thêm truyện tranh của các tác giả Hàn Quốc để trang trải sinh hoạt phí. Dần dà, năng lực của tôi cũng được công nhận với hơn 100 tác phẩm được dịch và giới thiệu.

Một ngày nọ, có tờ báo của người Hàn tại Pháp đã mời tôi thử vẽ truyện tranh. Đó cũng là lúc tôi phát hiện bản thân có chút năng khiếu trong lĩnh vực này khi làm biên dịch truyện tranh. Chỉ với giấy và bút chì mà có thể tự do thể hiện suy nghĩ của mình quả là điều hấp dẫn. Ban đầu là những truyện lẻ, sau đó là nhiều truyện đăng dài kì. Bắt tay vào vẽ truyện tranh, tôi đã trăn trở và nỗ lực rất nhiều để tìm ra cách diễn đạt tốt nhất các bong bóng thoại và lời thoại.

Bà có chịu ảnh hưởng của tác phẩm nào không?
Về phương diện nội dung, tôi chịu ảnh hưởng nhất định từ các tác giả Hàn Quốc. Thời chúng tôi, có các tác giả như Lee Hee-jae (Lý Hỷ Tể), Oh Sae-young (Ngô Thế Vinh) nổi tiếng với việc khắc họa hình ảnh người cha qua truyện tranh. Về tranh vẽ, do chủ yếu làm trong mảng trừu tượng, sắp đặt và điêu khắc nên tôi nghĩ mình không thực sự giỏi phần vẽ tranh nhưng nếu nói về phong cách hội họa, tôi nghĩ mình đã tiếp nhận tư tưởng của Edmond Baudoin hay Jose Munoz - người chuyển thể tác phẩm “Người xa lạ” của Albert Camus sang tiểu thuyết đồ họa. Đặc biệt ở điểm nhấn mạnh các nét vẽ đen trắng. Ngoài ra tôi cũng bị ảnh hưởng bởi phong cách của Joe Sacco và Tardi.

Được biết, bà có nhiều tác phẩm mang tính tự truyện, trong số những tác phẩm đầu tay đâu là truyện bà muốn giới thiệu nhất đến độc giả?
Tác phẩm của tôi được viết từ những câu chuyện của bản thân, các cảm nghiệm trong cuộc sống hàng ngày và từ câu chuyện của những người tôi gặp gỡ. Tôi cố gắng liên kết những trải nghiệm của chính mình với các chất liệu từ lịch sử, xã hội và tập trung khai thác những khía cạnh giàu cảm xúc, chạm đến con tim. Trong đó, tác phẩm “Khúc hát của cha” (Le Chant De Mon Pere) (2013) lấy bối cảnh Hàn Quốc những năm 1970 ~ 1980, kể về một gia đình nông dân bình thường ở nông thôn, vì hoàn cảnh kinh tế phải lên Seoul lập nghiệp.Khó khăn của gia đình tôi lúc bấy giờ phản chiếu hiện thực xã hội của Hàn Quốc lúc bấy giờ. Tôi cũng đã đưa những kí ức tuổi thơ vào tác phẩm của mình. Bố tôi biết hát pansori nên tôi còn nhớ, mỗi khi trong làng có người qua đời, ông đều phụ trách hát đưa tang. Nhưng từ khi chuyển lên Seoul, ông không còn hát nữa vì cũng chẳng quen ai trong khu phố để mà biết có người mất.

Nếu tác phẩm đầu tay nói về bố, thì tác phẩm gần đây lại là một câu chuyện về mẹ.
“Sự chờ đợi” (2020) là tác phẩm lấy ý tưởng từ câu chuyện về mẹ tôi. 20 năm trước, khi tôi đang học ở Paris, mẹ sang và kể cho tôi nghe một câu chuyện rất đáng quý. Chị gái của mẹ, tức bác tôi đang ở Triều Tiên. Mẹ bảo dòng họ bên ngoại đã rời quê hương Goheung, Jeonnam để đến Mãn Châu và dừng chân ở Bình Nhưỡng, rồi khi xảy ra biến cố, mẹ xuống miền Nam còn bác tôi vẫn còn ở đó. Tôi đã không biết mình có một lịch sử gia đình như vậy cho đến khi được mẹ tiết lộ.

Mẹ tôi tiếc nuối vì không được xếp vào danh sách ưu tiên khi Chính phủ thực hiện chương trình đoàn tụ gia đình ly tán hai miền Nam Bắc. Phải có người lên tiếng về chuyện này, nên tôi quyết định làm điều đó như một món quà dành tặng mẹ. Vấn đề gia đình ly tán dù là chuyện xảy ra với gia đình tôi, nhưng mặt khác nó còn là vấn đề chung của tất cả những người đang mác kẹt tại những nơi đang trải qua chiến tranh. Xét cho cùng, điều tôi muốn đề cập đến là vấn đề những người yếu thế trở thành người phải hi sinh, trở thành dân tị nạn, tha phương vì chiến tranh.

“Cỏ dại” đạt giải có lẽ vì đã nhìn nhận nỗi đau của những nạn nhân bị ép làm nô lệ tình dục cho quân đội Nhật Bản là tấn bi kịch chung của cả nhân loại.
Thời kì lên ý tưởng cho tác phẩm, đó là đầu những năm 1990, khi tôi xem bộ phim tài liệu về các nạn nhân bị ép làm nô lệ tình dục vào thời thực dân. Sang Pháp, tôi có dịp thông dịch liên quan đến vấn đề này nên được biết rõ hơn về sự thật khi đọc tài liệu. Vì vậy, tôi gửi một tác phẩm dự thi là truyện ngắn mang tên “Bí mật” để tham gia Liên hoan Truyện tranh Quốc tế Angoulême (Festival International de la Bande Dessinée d'Angoulême) vào năm 2014. Qua đó, tôi muốn thể hiện cuộc sống và nỗi thống khổ của những nạn nhân dưới góc nhìn của một người phụ nữ.

Tuy nhiên, là truyện ngắn nên đáng tiếc tác phẩm không thể bao quát hết một chủ đề nặng ký như vậy. Vì vậy, suốt ba năm ròng miệt mài với nhiều suy tư trăn trở, tôi đã chuyển thành tác phẩm truyện dài. Tôi tiếp cận vấn đề trên ở khía cạnh bạo lực mà người yếu thế phải gánh chịu cùng vấn đề liên quan đến chủ nghĩa đế quốc và mâu thuẫn giai cấp. Khi gặp và phỏng vấn nhân vật xuất hiện trong tác phẩm - bà Lee Ok-seon (Lý Ngọc Thiện), tôi vẫn thấy đáng tiếc. Tôi muốn nói về tư tưởng xã hội đã khiến nạn nhân không thể nào lên tiếng sau khi chiến tranh kết thúc, dù trước đó bà đã phải nín lặng vì hoàn cảnh chiến tranh không cho phép.

Tác phẩm củabà, đã và đang được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác nhau. Chỉ riêng “Cỏ dại” đã được dịch sang 14 thứ tiếng. Theo bà, động lực nào khiến tác phẩm có sức mạnh lan truyền rộng rãi đến nhiều nền văn hóa như vậy?
제Có thể nói tác phẩm của tôi được dịch và xuất bản nhiều nhất ở Pháp. Trường hợp “Cỏ dại” khi phát hành phiên bản tiếng Nhật, điều đáng ngạc nhiên là những người ở đó đã tiên phong giúp việc xuất bản bằng cách huy động nguồn vốn từ cộng đồng. Và trên hết, tôi xin cảm ơn các dịch giả. Bởi vì truyện của tôi có nét riêng và kể câu chuyện về nỗi đau của con người, điều đó không dễ để truyền tải đến các nền văn hóa khác. Dịch giả Mary Lou dịch sang tiếng Ý, dịch giả người Mỹ gốc Hàn Janet Hong chuyển ngữ sang tiếng Anh, và Sumie Suzuki với bản dịch tiếng Nhật - họ đã giúp truyền tải thật tốt ý nghĩa câu chuyện đến độc giả các nước.

Hiện tại bà đã lên kế hoạch cho tác phẩm tiếp theo chưa?
Tôi thường dắt những chú cún cưng đi dạo mỗi ngày. Đó không phải là lý do duy nhất, nhưng tôi đang dự định viết một tác phẩm về mối quan hệ giữa loài chó và con người, tranh phác thảo cũng đã hoàn tất sơ bộ. Tác phẩm dự định sẽ được xuất bản vào mùa hè năm nay, với tựa đề là “Khuyển”.

“Tôi tiếp cận vấn đề nô lệ tình dục ở khía cạnh bạo lực mà người yếu thế phải gánh chịu cùng vấn đề chủ nghĩa đế quốc và vấn đề giai cấp.”

Tác phẩm mới nhất của Gendry-Kim, mô tả mối quan hệ giữa chó và người. Dự kiến xuất bản bởi Maumsup Press ở Seoul cuối năm nay và Futuropolis ở Pháp đầu năm 2022.

Tiểu thuyết đồ họa của Gendry-Kim (từ trái sang theo chiều kim đồng hồ): ấn phẩm tiếng Anh của “Cỏ dại”, xuất bản bởi NXB Canada Drawn & Quarterly năm 2019; “Chờ đợi” xuất bản tại Hàn Quốc vào năm ngoái bởi Ttalgibooks; ấn phẩm tiếng Pháp của “Chờ đợi”, phát hành tháng 5 năm nay tại Pháp bởi Futuropolis; bản tiếng Anh của “Chờ đợi”, sắp phát hành tháng 9 này bởi Drawn & Quarterly;“Alexandra Kim, con gái của Siberia” do NXB Hàn Quốc Seohaemunjip xuất bản năm ngoái; bản tiếng Hàn năm 2017 của “Cỏ dại” bởi NXB Bori; bản tiếng Nhật của "Cỏ dại” từ Korocolor Publishers; và bản tiếng Bồ Đào Nha của “Cỏ dại” từ nhà xuất bản Brazil Pipoca & Nanquim.

Kim Tae-hun (Kim Đoái Huân) Phóng viên Weekly Kyunghyang
Ảnh Ha Ji-kwon
Dịch Mai Kim Chi

전체메뉴

전체메뉴 닫기