메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Guardians of Heritage > 상세화면

2016 WINTER

Khôi Phục Đời Sống Bằng Khung Vải

Khoảng giữa thế kỷ 18, vương triều Joseon ra lệnh cấm dân chúng không được sống xa xỉ nên gấm dệt chỉ vàng cũng bị cấm sản xuất. Kể từ đó, gấm dệt chỉ vàng dành cho hoàng thất cũng như xã hội thượng lưu đều phải nhập từ nhà Thanh, Trung Quốc. Kỹ thuật dệt vải đặc sắc được truyền lại từ hàng nghìn năm trước cũng vì lẽ đó mà trôi vào quên lãng. Sau vài chục năm điều tra, nghiên cứu và thực nghiệm vô cùng vất vả, giáo sư Sim Yeon-ok thuộc trường Đại học Văn hóa truyền thống Hàn Quốc đã khôi phục lại được kỹ thuật dệt gấm truyền thống bị mai một hoàn toàn. Chúng tôi tìm gặp giáo sư Sim tại phòng làm việc của bà.

Giáo sư Kim Yeon-ok, Khoa Nghệ thuật thủ côngtruyền thống, trường Đại học Văn hóa truyền thốngHàn Quốc giải thích về vải có hoa văn được dệtbằng khung gỗ của thế kỷ 16 do chính bà khôi phục.

Chúng ta hiểu quá khứ đến đâu nhỉ? Khi tôi đọc bài báo “Lời giải cho bí mật của kỹ thuật chế tác chỉ vàng xưa”, tôi đã nghĩ đến “vải vóc xưa”. Liệu đó có phải là những hoa văn bằng chỉ vàng trên những trang phục truyền thống mà bấy lâu nay chúng ta không hiểu rõ hết. Quá khứ của những vật mà chúng ta thường gọi là di sản văn hóa rốt cuộc là đến đâu?

Lời giải cho bí mật của sợi chỉ vàng

“Trang phục thời Joseon được khai quật rất nhiều. Hàn Quốc chúng ta cũng đang khôi phục lại hình thức của các trang phục này tương đối tốt. Chúng ta đang tạo ra các kiểu quần áo bằng cách may truyền thống mà ngày xưa đã dùng. Nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ chất liệu. Tôi thấy rằng chúng ta đang dùng các loại vải mua từ chợ Dongdaemun để may quần áo thời Baekje, Goryeo, Joseon. Vậy thì chúng ta chỉ mới khôi phục được một nửa các trang phục đó thôi.”

Giáo sư Sim Yeon-ok được biết là người nói chuyện nhẹ nhàng và từ tốn, thế nhưng khi đề cập đến chuyện này, giọng của bà bỗng trở nên cứng rắn và quả quyết. Thông thường ở các quốc gia khác, bước đầu tiên của việc khôi phục lại trang phục cổ xưa chính là khôi phục chất liệu. Sau đó người ta mới bàn luận đến việc khôi phục kiểu dáng nhưng ở Hàn Quốc thì trong nhiều trường hợp không làm được như vậy.

Sợi chỉ vàng được tạo ra một cách tỉ mỉ theo cáchthủ công truyền thống là dán vàng lá lên giấy hanji rồicắt thành sợi.

“Đặc biệt là đối với gấm dệt chỉ vàng thì truyền thống dệt vải bằng khung tay đã mất đi từ lâu lắm rồi. Giai đoạn trị vì của vua Yeongjo (Anh Tổ, 1724-1776) thuộc thời hậu Joseon, triều đình ban lệnh cấm lối sống xa xỉ, do đó sau khi chiếu chỉ cấm dệt các loại vải có hoa văn bằng chỉ vàng được ban ra vào năm 1733 thì kỹ thuật dệt chỉ vàng cũng biến mất. Rồi đến thế kỷ 20 thì mọi thứ đã được tự động hóa. Chúng ta chỉ còn lại những máy dệt tự động hóa với tốc độ cao trong một phút dệt ra không biết bao nhiêu là vải, những máy dệt này chỉ tạo ra được “mặt phẳng” thôi chứ không tạo ra được “lập thể””.

Giáo sư Sim đã tìm hiểu những tài liệu còn tồn tại như những phân tích về khung dệt cổ trong quyển “Imwon gyeongje ji” (Lâm viên kinh tế chí) của Seo Yu-gu – một tài liệu ghi chép về kỹ thuật thủ công của thời Joseon, và những khung dệt được du nhập từ Trung Quốc sang rồi mới tiến hành khôi phục lại các khung dệt truyền thống. Khung dệt cổ là những khung gỗ được làm tinh xảo, có kích thước chiều dài là 6 mét và chiều cao là 4 mét. Sau đó bà nghiên cứu đến hoa văn bằng chỉ vàng được dệt trên vải, yếu tố giúp phân biệt được trang phục của tầng lớp thường dân và yangban (lưỡng ban) trong quá khứ. Bà bắt đầu nghiên cứu từ chất liệu giúp các hoa văn nổi bật trên vải, đó chính là chỉ vàng. Phải biết sợi chỉ vàng đã được làm ra như thế nào đã. Bà đã cùng với các sinh viên của mình tìm hiểu 111 loại tài liệu trong và ngoài nước, 68 loại mẫu vật của Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Và sau quá trình nghiên cứu, bà đã tìm ra được lời giải. Sợi chỉ vàng không phải được se từ vàng mà dán vàng lá bằng keo vào giấy hanji truyền thống để tạo ra ánh vàng rồi cắt thành từng sợi chỉ thật mỏng.

“Khi tìm hiểu dưới góc độ khoa học, tôi nhận thấy trong thành phần của sợi chỉ vàng thời Goryeo có chất của cây dướng nhỏ [Tên khoa học: Broussonetia kazinoki], vốn là chất liệu truyền thống của Hàn Quốc. Chất cây dướng có trong giấy của Kinh Phật được khai quật đấy. Do đó, tôi kết luận là Hàn Quốc đã biết tạo ra và dùng chỉ vàng dệt vải từ rất sớm.

Ở Trung Á và Tây Á, người ta sử dụng da động vật thay cho giấy. Da động vật nếu được dần ra còn mỏng hơn cả giấy nữa. Còn ở những địa phương mà không lấy da được thì người ta sử dụng ruột của động vật. Nhật Bản và Trung Quốc cũng dùng giấy nhưng khác với Hàn Quốc ở chỗ là người Nhật Bản dùng giấy gampi được làm từ loại cây thuộc họ dướng dại [Tên khoa học: Wikstroemia trichotoma], còn Trung Quốc lại dùng giấy làm từ cây dâu tằm trắng và cây tre. Đến tận bây giờ tôi mới có thể làm rõ được vấn đề mà bấy lâu nay tôi còn lấn cấn.”

Giáo sư Sim Yeon-ok không chỉ dừng lại ở việc làm sáng tỏ những lý luận đó mà còn muốn trực tiếp nhìn thấy sợi chỉ vàng thật sự và dùng khung dệt do mình khôi phục được để tự dệt nên những tấm vải thời xưa. Quá trình khôi phục lại sợi chỉ vàng là con đường khám phá ra những điều không quen thuộc. Bà phải tìm hiểu xem làm thế nào xử lý cây dướng dùng trong sợi chỉ, rồi phải không ngừng nghiên cứu về nồng độ của keo dán sao cho phù hợp nhất, và còn tính toán thời gian và môi trường để lá vàng có thể dính chặt vào giấy.

Khâu khó nhất chính là cắt giấy. Cắt tờ giấy cán vàng thành những sợi chỉ có độ dày 0,3 mm là một công việc đòi hỏi tấm lòng. Để cắt cho đều tay, không bị sai lệch thì phải mài lưỡi dao liên tục không ngừng, mỗi lần như thế, tất cả cảm giác và sự tập trung cũng phải xuôi theo lưỡi dao thì mới cắt tốt. Lúc đặt sợi chỉ vào trong khung dệt để tạo nên hoa văn thì cũng phải loại bỏ hoàn toàn những tạp niệm, có như vậy mới cho ra đời những tấm vải đẹp. Cuối cùng giáo sư Sim cũng đã khôi phục được vải có hoa văn bằng chỉ vàng, một loại của thời Goryeo và hai loại của thời Joseon, góp phần làm sáng tỏ một phần của kỹ thuật dệt tay truyền thống vẫn còn bị che khuất.

Những khoảnh khắc khám phá

Dù làm được đến thế nhưng giáo sư Sim vẫn khẳng định “đó chỉ là một thành quả nhỏ bé trong việc khôi phục sợi vải truyền thống mà thôi.” Với cuốn sách được xuất bản mười năm trước “Năm nghìn năm vải vóc Hàn Quốc” mà bà là tác giả, tài liệu hệ thống hóa lịch sử ngành dệt của Hàn Quốc về mặt kỹ thuật và tổng hợp những hình ảnh của vải vóc truyền thống, thì câu chuyện về vải của bà còn nhiều hơn là khôi phục chúng. Việc khôi phục vải xưa cũng giống như mảnh ghép lắp vào để làm hoàn hảo bức tranh tổng thể vậy. Những tấm vải bị chôn lâu trong lòng đất sẽ không tránh được những tổn hại lớn nhỏ, thế nên bà luôn xuất phát từ những “mẩu vải nhỏ”. Phân tích tỉ mỉ tính chất của mẩu vải nhỏ rồi tạo ra tấm vải hoàn thiện, hoàn thành hoa văn hoàn chỉnh bằng cách khảo chứng hình thức của một phần hoa văn còn sót lại, việc khôi phục vải mà bà đã làm từ trước đến nay bao gồm các công đoạn như thế.

Hoa văn vàng đượcdệt từ sợi chỉ vàngbằng khung dệt gỗ cổ.

Với những mảnh vải nhỏ mà giáo sư Sim đã thu thập được trong quá trình tháo dỡ Seokgatap (Tháp Thích Ca) được xây dựng vào thế kỷ thứ 8 ở chùa Bulguksa (Phật Quốc tự) cũng vậy. “Đó là những mảnh vải bị mục nát nghiêm trọng, không còn thấy được bất cứ hoa văn nào và sợi vải thì đã nhàu hết. Vì vậy mà tôi phải đếm từng sợi từng sợi một. Tôi đếm hàng ngàn sợi như vậy suốt ba tháng liền. Và rồi cuối cùng tôi cũng tìm ra được hoa văn trên đó. Tôi phát hiện thì ra đó là một cái túi ngũ sắc được dệt bằng kỹ thuật tiên tiến và tôi đã khôi phục được hình dạng thực tế của cái túi đó. Trong hoàn cảnh không còn sót lại bất cứ mẩu vải nào của thời Silla thống nhất thì đây là một công trình khôi phục rất có ý nghĩa với tôi.”

Bà kể nhiều câu chuyện về những khoảnh khắc khám phá của mình. đứt trước khi mang đi dệt.”

Trong đó có khoảnh khắc bà nhận ra được thành phần giấy cực nhỏ dính trên mẩu vàng lá và cố lý giải xem đó có phải là dấu vết của sợi chỉ vàng hay không, hay khoảnh khắc khi bà nhận ra mẩu vật có những sợi được se rất độc đáo chính là vải của thời Baekje và khẳng định rằng nguồn gốc của việc trồng bông vải đã bắt đầu từ 700 năm trước ở thế kỷ 14. “Tôi từng tìm thấy một miếng vải nhỏ được phỏng đoán là norigae (một loại trang sức của phụ nữ được gắn vào thắt lưng khi mặc hanbok), mà trên đó có khoảng 15 loại sợi chỉ vàng khác nhau. Nào là dệt từ vàng lá, nào là thêu, hầu như mọi kỹ thuật thủ công đều được sử dụng. Vì quá đẹp nên tôi cứ xem đi xem lại miếng vải đó.”

Những câu chuyện của giáo sư Sim về vải rất tinh tế và phong phú. “Lụa là loại vải dễ phối hợp đến đáng ghét. Nhưng đồng thời lụa lại có cách để bộc lộ sự rực rỡ của mình. Lụa có khả năng biến hóa lắm. Vải gai thì rất thanh thoát nên đừng tác động vào nó nhiều. Cũng giống như sấy trà xanh bước cuối cùng vậy, sấy nhưng lại như không sấy, giặt vải gai cũng phải giặt mà như không giặt. Vải gai khó chịu như vậy đấy. Vì thế vải gai cũng là loại mà chúng ta phải làm cho nó tự bộc lộ đặc tính của mình. Vải sợi bông trông có vẻ mộc mạc và dễ chịu nhưng lại khiến chúng ta vất vả lắm đấy. Vì sợi chỉ được se từ bông nên rất dễ bị

Trang phục hiện đại ngày càng đơn giản hơn

Giáo sư Sim cho biết hiện nay có hơn 500 loại vải truyền thống đang được sản xuất ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, dù người Hàn Quốc mặc trang phục hàng ngày, họ vẫn không thể nhìn thấy và chạm tới được những loại vải đa dạng đó. Bà kể thêm về “hanbok làm bằng vải polyester mặc suốt bốn mùa”. “Loại hanbok làm bằng vải polyester mặc suốt bốn mùa mới được tạo ra gần đây đã phá hỏng vải vóc của Hàn Quốc. Chúng ta biết là hanbok truyền thống được làm bằng các loại vải khác nhau tùy theo mùa. Loại vải này hợp với thời tiết hôm nay, loại vải khác lại hợp với thời tiết lạnh ngày mai. Mùa hè họ mặc vải gai hay vải tơ lụa nhập từ Trung Quốc (eunjosa), sang thu thì mặc lụa thô (saenggosa). Sau Trung thu họ chuyển sang mặc vải sa ocgandi (sukgosa), hay vải xô và khi thời tiết lạnh, họ cho thêm bông vào vải xô. Người Hàn Quốc ban đầu mặc vải sợi bông quanh năm, sau đó thì mặc vải lụa damask (neung, loại vải được dệt theo kiểu vân đoạn, qua sự thay đổi giữa sợi ngang và sợi dọc mà tạo ra hoa văn). Đến thời cận đại, người ta may trang phục bằng vải gấm. Bốn mùa cứ đến rồi đi như thế, các loại vải vóc cũng theo đó mà nhiều không đếm xuể.”

Khi chưa sống trong phòng có lò sưởi như ngày nay thì chỉ có quần áo là giúp cho con người chống chọi được với sự thay đổi của thời tiết. Và việc phân ra các loại vải khác nhau để bảo vệ cơ thể theo mùa cũng là điều đương nhiên. Tuy nhiên ngày nay, người ta chú trọng nhiều đến thiết kế của trang phục hơn là chất liệu vải nên cũng không cần đến việc phân loại đó nữa.

Bà Sim nói rằng bà mơ đến ngày có thể nói về các loại vải một cách đúng đắn nhất. Bà cũng hy vọng rằng sự tinh tế trong việc tỉ mỉ dệt ra những tấm vải của người Hàn Quốc sẽ có ích trong thời đại ngày nay và vẻ đẹp cũng như sự thu hút của riêng từng loại vải có thể được bộc lộ rõ rệt để cho cuộc sống hàng ngày trở nên phong phú hơn. Vải vóc truyền thống chính là kho báu chứa đựng nhiều ý tưởng cho mỹ thuật hiện đại. Câu chuyện bắt đầu từ vải đã kết thúc như thế.

Loại gấm dệt chỉ vànglà chất liệu tạo nên sựlộng lẫy và cao cấpcho trang phục mặcdịp lễ.

Thầy và trò

Với tôi, vải chính là “vật để ta sống đúng bản chất con người”. Tôi luôn tự hỏi miếng ăn, giấc ngủ là quan trọng nhưng khi người Hàn Quốc nói đến mặc-ăn-ở thì tại sao lúc nào chữ mặc cũng được nhắc đến trước tiên nhỉ? Có lẽ là do quần áo, hay đúng hơn vải vóc chính là thứ khiến cho con người sống đúng với mình nhất.

Không biết phải bắt đầu trò chuyện với giáo sư Sim về con người và cuộc sống như thế nào, chúng tôi mới đặt câu hỏi cho các học trò của bà ,“Vải vóc đối với các bạn là gì thế?”, và chúng tôi đã nhận được câu trả lời trên từ Keum Da-woon, một trong những sinh viên ở đó. Giáo sư Kim đang pha trà bỗng ngừng tay lắng nghe, bà cũng nhiều lần nhấn mạnh với chúng tôi rằng: “Nhờ có các sinh viên mà mọi công việc trong phòng nghiên cứu khôi phục sợi vải truyền thống của tôi mới được bắt đầu, rồi thực hiện và kết thúc thế này.” Trong lúc mọi người đang im lặng, tôi lại hỏi them, “Vậy anh muốn học hỏi điều gì từ giáo sư Sim nhất?”. Câu trả lời của Keum có vẻ nhiều hơn phạm vi chúng tôi muốn hỏi: “Tôi không có khái niệm là theo giáo sư vì giáo sư tuyệt vời ở mặt này, xuất sắc ở mặt kia. Cũng giống như sau khi sinh con thì mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái tự nhiên sẽ trở nên gắn kết, bản thân của sự tồn tại đã là gắn kết rồi. Việc học hiện giờ của tôi cũng như vậy, rất thoải mái và tự nhiên như quần áo mà tôi đang mặc đây.”

Giáo sư Sim Yeon-ok lặng nhìn gương mặt bình thản của học trò mình. Mỗi khi kể đến thành quả đạt được, bà không quên nhắc đến giáo sư Min Gil-ja đã khuất, người có công chủ đạo trong việc nghiên cứu vải truyền thống Hàn Quốc, với gương mặt suy tư. Bà ấy đang nghĩ gì nhỉ? Phải chăng bà đang nhớ đến lời dạy của thầy mình: “Quan trọng nhất là phải sống cho ra con người. Con theo đuổi sự nghiệp học hành, đừng vì học hành mà từ bỏ bản thân”. Hay là bà đang nhớ đến lời trăng trối của thầy khi trao những quyển sách dính đầy dấu tay cho bà: “Con đừng tham đọc những quyển sách này, hãy tìm hiểu từng thứ một bằng chính đôi mắt của mình, làm vậy là ta cám ơn rồi.” Chúng tôi không hỏi gì thêm nữa và rời đi, bởi ánh mắt của bà chất chứa quá nhiều nỗi niềm. Tạm biệt nơi mang đến câu chuyện sâu đậm về tình thầy trò, nơi chứa đựng nhiều thứ làm cầu nối cho mối quan hệ “vải và người”.

Kang Shin-jaeCộng tác viên tự do
ẢnhAhn Hong-beom
DịchNguyễn Xuân Thùy Linh

전체메뉴

전체메뉴 닫기