메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

null > 상세화면

2018 SPRING

UIJURO Con đường 500 năm mở ra thế giới

Trong tác phẩm “Jungyong jajam” (“Trung dung tự châm”), Jeong Yak-yong(1762–1836) đã định nghĩa như sau về đạo: “Đạo là con đường từ đây dẫn đến kia”. Nếu bạn thấy thắc mắc điều gì khiến một nhà Nho tiêu biểu hậu kỳ Joseon có thể đưa ra một định nghĩa bình thường như thế, thì điều này có nghĩa bạn đã ở rất gần nơi để có thể tìm hiểu bối cảnh khi ấy. Chỉ thêm một bước, chắc chắn bạn sẽ nghe thấy tiếng thở dài đầy đau đớn và tiếc nuối của Jeong Yak-yong.

Hai tượng Phật đứng được điêu khắc bằng đá có chiều cao 17,4 m, trên đỉnh một ngọn núi ở Yongmi-ri, Paju. Hai bức tượng Đức Phật vị lai này được công nhận là Di sản Quốc gia số 93. Tượng được tạc từ thế kỷ 11, thời Goryeo. Có thể thấy rõ từ xa, hai bức tượng được xem là một trong những điểm đến của du khách trên con đường dọc Uijuro.

T heo kinh sách Nho giáo, “do” hay đạo được dùng với tính đa nghĩa: là cái tuân theo bản tính con người (suất tính chi vị đạo, “Trung dung”), hay cái làm rõ cái đức sáng của mình (đại học chi đạo tại minh minh đức, “Đại học”). Còn Chu Tử (1130–1200) quan niệm đạo là “cái phải hành” (đạo hành chi lý). Điều ông muốn cho thấy chính là đạo lý mang tính tiên nghiệm và tuyệt đối vốn có trong mỗi con người và sự vật.

Dongnimmun (Cổng Độc lập) đứng sừng sững trên một con đường nhộn nhịp ở Seodaemun, Seoul. Cổng được dựng năm 1897, từ nguồn vốn do người dân đóng góp với mong muốn thể hiện tinh thần bảo vệ đất nước khỏi các thế lực bên ngoài. Cổng nằm tại vị trí của Yeongeunmun, nơi vốn là điểm đón tiếp sứ thần Trung Hoa trước đây. Bị xem là biểu tượng của sự quy thuận trước quyền lực bên ngoài, nên Yeongeunmun đã bị đập bỏ đi.

“Đường” và “Đạo”

Theo kinh sách Nho giáo, “do” hay đạo được dùng với tính đa nghĩa: là cái tuân theo bản tính con người (suất tính chi vị đạo, “Trung dung”), hay cái làm rõ cái đức sáng của mình (đại học chi đạo tại minh minh đức, “Đại học”). Còn Chu Tử (1130–1200) quan niệm đạo là “cái phải hành” (đạo hành chi lý). Điều ông muốn cho thấy chính là đạo lý mang tính tiên nghiệm và tuyệt đối vốn có trong mỗi con người và sự vật.

Joseon (1392–1910) là triều đại được xây dựng dựa trên triết lý cai trị này. Tuy nhiên, các nhà Nho thời Joseon đã không ngăn cản được thể chế chính trị bá đạo, để quan niệm nghiêm ngặt về thành phần xuất thân tạo nên sự bất công và mất cân bằng xã hội. Sau hai lần chịu nạn ngoại xâm, đất nước càng thêm suy yếu. Jeong Yak-yong là một học giả sống trong bối cảnh thế kỷ 18–19. Ông đã đọc và diễn giải lại quan điểm “đạo” vốn nghiêng về chủ nghĩa lý thuyết, đưa “đạo” vào thực tiễn, vào vận hành cuộc sống của con người từ khi sinh ra đến khi chết đi, và vào quá trình phát triển xã hội. Ông muốn đánh thức giai cấp thống trị , cho thấy một thực trạng đang cần được cải cách cấp bách.

Những nhà Nho như ông chính là những học giả thuộc phái Silhak (“Thực học”) bắt đầu xuất hiện từ nửa sau thế kỷ 17. Họ muốn thoát khỏi một Nho giáo bị giam cầm trong cái khung tu dưỡng đạo đức. Họ chủ trương cải cách ruộng đất, ổn định cuộc sống người nông dân – thành phần được xem là gốc rễ của nước nhà, đồng thời đề xuất xem thương mại và lưu thông như đường hướng giải quyết mới. Quan điểm của họ đã được các vị quân chủ lỗi lạc Yeongjo và Jeongjo tiếp nhận, nhờ đó đem lại những thay đổi tức thời cho Joseon. Cùng với làn sóng này, nhiều thư sách cùng các đề án về chính sách xuất hiện. Trong đó có “Dorogo” (“Đạo lão khảo”) phát hành năm 1770 của học giả Shin Gyeong-jun (1712–1781) là tác phẩm địa lý nhân văn độc đáo tuy không được nhiều người biết đến.

Tác phẩm ghi chép các thông tin đường xá thời Joseon, từ đường bộ, đường thủy đến đường biên giới, đường vua đi. Không chỉ thế, tác giả còn thêm phần phụ lục mang tên “Gaeshi” (“Khai thị”) liên quan đến các ngôi chợ, nơi diễn ra hoạt động mậu dịch vùng biên giới. Ông nhấn mạnh về trách nhiệm quản lý đường xá một cách có hệ thống của nhà nước bởi ông cho rằng sự mở rộng, phát triển thịnh vượng của chợ ở Seomun khiến người sử dụng đường xá tăng, tất yếu tầng lớp thương nhân, thường dân cũng tăng. Ở đầu tác phẩm, tác giả đã để lại một câu nói đầy ý nghĩa: “Đường không có chủ, chính những người đi trên đường là những người chủ”. Trong quan niệm của Shin Gyeong-jun, đường là phương tiện cụ thể để hiện thực hóa lý tưởng của Nho giáo – tự chủ và lấy dân làm gốc, nhưng đường cũng chính là mục tiêu cuối cùng cần vươn tới. Phải chăng vì ông cho rằng việc ngăn chặn sự bóc lột tư bản, cho phép lưu thông chính là “đường”, hay “đường đi của đạo”?

Theo tuyến đường đi sứ

Di tích còn sót lại của Hyeeumwon, một lữ quán từ thời Goryeo dành cho các quan lại dừng chân nghỉ khi đi ngang qua đèo Hyeeum ở Gwangtan-myeon, Paju – nằm trên tuyến đường chính từ Kaesong đến Hanyang. Di tích được xác định năm 1999 khi một mảnh ngói có khắc tên lữ quán được khai quật tại đây.

Trong tác phẩm của mình, Shin Gyeong-jun phân chia đường Joseon làm sáu tuyến chính. Trong đó tuyến đầu tiên là Uijiro, xuất phát từ Hanyang (tức Seoul ngày nay), theo hướng Bắc, qua Kaesong, Hwangju, Pyongyang, Anju, Jeongju, kéo dài đến Uiji bên bờ sông Amnok. Uijiro được đề cập đến như tuyến đường đầu tiên bởi bên cạnh vai trò là đường quốc lộ nối Hanyang với phủ quan tỉnh Pyongan, đây còn là con đường giao lưu với Trung Quốc. Theo chính sách phò nước lớn, hòa thuận với láng giềng, Joseon đã duy trì mối quan hệ chịu sắc phong và cống nạp với Trung Quốc đến năm 1894, kéo dài khoảng 500 năm. Và Uijiro chính là con đường bộ duy nhất được sử dụng trong mối quan hệ bang giao này.

Trải qua những bước đi đầu tiên đầy gian nan cho công cuộc cận đại hóa thời hậu Joseon, Uijiro đã được xây dựng lại dưới thời Nhật đô hộ.

Tuy nhiên, sau khi xảy ra phân tranh Nam–Bắc, phần lớn các thành phố con đường Uijuro đi qua đã trở thành địa phương trực thuộc Triều Tiên (Bắc Hàn). Tổng chiều dài từ Hanyang đến Uiju là 1.080 lý, tương đương khoảng 424 km. Nhưng ngày nay, nếu tìm trên internet điểm có thể du lịch tự do ở ranh giới phía nam khu phi quân sự, bạn sẽ thấy đoạn đường ngắn nhất từ Seoul chỉ còn 45 km, mất khoảng 40.000 won [khoảng 800.000 đồng] nếu đi bằng taxi. Dĩ nhiên nó cũng chẳng còn là con đường xưa. Thời Joseon, các sứ thần phải đi bộ mất 4 ngày cho đoạn đường dài 45 km này. Đặc biệt cuối thế kỷ 16, thời Nhâm Thìn Oa loạn, khi nhận được cấp báo quân Nhật đã qua thành Chungju thuộc Trung bộ, vua Seonjo chỉ mất một ngày để vội vã tháo chạy khỏi Hanyang.

Vọng lâu đình Hwaseok, nhìn xuống dòng Imjin ở Paju được xây dựng vào năm 1443 bởi Yi Myeong-sin, tổ tiên của nhà Nho học lỗi lạc Yi I. Sau khi từ quan, ông về quê và dạy học trò.

Ngày đầu tiên: Từ Donuimun đến Byeokjegwan

“Sau bữa sáng, tôi hộ tống phụ thân đến Hongjaewon thì thấy ở đó trên dưới mấy chục người đến đưa tiễn đã chờ sẵn. Chúng tôi tổ chức một buổi tiệc tiễn biệt với đồ ăn thức uống vua ban. Trời xẩm tối, tôi từ giã phụ thân, lên đường đi Goyang. Chúng tôi đến Goyang lúc tối muộn và ngủ lại đó.” – trích “Yeongi” (“Yên kí” ) của Hong Dae-yong.

Uijuro bắt đầu từ Donuimun, hay còn gọi là Seodaemun, có nghĩa cửa Tây. Năm 1915, cửa này bị Nhật dỡ bỏ. Ngày nay, tuy không còn dấu vết nhưng người ta cho rằng nó nằm đâu đó trên đoạn đường đèo từ cung Gyeonghui thuộc phía tây trung tâm cũ và cửa Dongnimmun. Trên bức họa “Seogyo jeonuido” (“Tây giao tiễn y”) của Gyeomjae Jeong Seon (1676–1759) vẽ năm 1731 còn lưu lại hình ảnh đoàn sứ thần Trung Quốc đi qua cửa Yeongeunmun sau buổi yến tiệc tiễn biệt tại Mohwagwan ngoài Donuimun. Suh Jai-pil là người đứng đầu phong trào cải cách, chủ trương cắt bỏ quan hệ với nhà Thanh, tích cực tiếp nhận văn minh phương Tây sau chiến tranh Nhật–Thanh. Chính ông đã khởi động phong trào quyên góp, và tháng 11 năm 1897, cho đập vỡ cửa Yeongeunmun – nơi đã đón tiếp sứ thần Trung Quốc – để xây dựng cửa Dongnimmun, có nghĩa cửa Độc lập ngay tại vị trí này.

Tác phẩm ký hành “Yeongi” ghi chép lại về chuyến đi sứ nhà Thanh năm 1766 của Hong Dae-yong (1731–1783) khiến ta cảm nhận được chút tự kiêu lẫn sự hổ thẹn. Thời điểm đó, Trung Quốc đang dưới thời vua Càn Long – những năm tháng thời bình cuối cùng trong giai đoạn thịnh vượng của triều đình nhà Thanh “Khang Càn thịnh thế”. Nhờ mở cửa, nhà Thanh nổi bật thành một đế quốc mang tầm thế giới. Nhưng mặc dù thế và mặc dù Joseon đã quy phục nhà Thanh hơn 100 năm, Joseon khi ấy vẫn quay lưng lại với nhà Thanh, tiếp tục theo các phong trào phản Thanh và Hoa di luận. Hong Dae-yong cùng các học giả khác thuộc trường phái Bukhakpa (Bắc học phái) hoài nghi điều này. Họ mong muốn có cơ hội được tận mắt chứng kiến sự thật. Lần đầu tiên tiếp xúc với đàn organ ống tại thánh đường đạo Thiên chúa giáo Bắc kinh, Hong Dae-yong kiêu hãnh đến mức đã chơi thử một khúc nhạc geomungo dân tộc [đàn tranh 6 sáu dây] trên đàn organ ống. Nhưng mặt khác, trong suốt chuyến đi sứ, ông luôn tự hỏi đâu là nỗi hổ thẹn thực sự, ông phải hổ thẹn vì điều gì.

Won (viện) là một dạng lữ quán do nhà nước lập ra để làm nơi ăn, nghỉ cho lữ khách. Muốn đến được lữ quán đầu tiên có tên gọi Hongjaewon nằm trên Uijuro, phải đi qua con đèo Muakjae đầy hiểm trở thường có hổ dữ xuất hiện. Ngày nay, con đường này đã được cắt núi mở rộng và có độ dốc thoai thoải. Nhưng thời ấy, nó chỉ đủ cho một con ngựa đi qua. Cũng có thể do sự tính toán mang tính chiến lược, nhưng lý do lớn hơn có lẽ vì các thành phố lớn thời ấy đã được nối với nhau bởi hệ thống đường thủy vô cùng phát triển cả trên sông và biển.

Những cây thông xum xuê lá mọc khắp Hongjaewon cùng thung lũng Hongjaecheon làm nên một khung cảnh tuyệt đẹp, biến nơi đây thành địa điểm vô cùng thích hợp để tổ chức các buổi tiệc tiễn biệt đoàn đi sứ. Đoàn thường có trên dưới 30 người chính thức. Kể cả đánh xe, tùy tùng, người bưng bê cống vật là hơn 300 người cho đoàn nhỏ và hơn 500 người cho đoàn lớn. Thêm gia đình, thân nhân của những người đi sứ, người đến xem, khiến nơi này chắc sẽ vô cùng nhộn nhịp với quy mô người không nhỏ so với thời ấy. Sự hình thành chợ Inwang ngày nay có thể nói là từ khu bán bánh tteok Byeongjeongeori xưa.

Khi đã say sưa với rượu và thức ăn vua ban, mọi người trao tặng nhau món quà tiễn biệt là những chiếc quạt, bút lông, giá nến, mũ đi mưa. Muốn đến kịp lữ quán Byeokjaegwan – nơi nghỉ đêm đầu tiên trước khi mặt trời lặn, tất cả đành phải tạm dừng cuộc vui.

Những đêm đọc nhật ký đi sứ của các bậc tiền nhân, tôi thường mơ bị lạc đường. Trong mơ, tôi thấy xe ngựa bị sa lầy, ngập ngụa, thấy mình mò mẫm suốt đêm, không biết phải đi đâu.

Ngày thứ hai: Từ Baekjaegwan đến phủ quan Paju

Bến tàu Duji, trên thượng nguồn sông Imjin. Một chiếc tàu kiểu cổ đang chờ để chở du khách thưởng ngoạn tuyến đường dài 6 km đến Gorangdo. Dịch vụ này bắt đầu từ năm 2004, cho phép người dân và du khách có thể đặt chân đến một phần của dòng sông, nơi vốn từng bị kiểm soát chặt chẽ kể từ sau khi chiến tranh hai miền kết thúc năm 1953.

“Tôi cùng hai tùy tùng qua Hyeeumhyeon, khoảng 12 giờ thì tới Paju. Tôi gửi thư cho tiên sinh Ugae Seong Hon và chờ hồi đáp của ông, nhưng ông nói tôi đừng đến. Tôi lập tức gửi người đem thư cảm ơn và xin được giáo huấn.” – trích “Jocheon Ilgi” (“Triều thiên nhật ký”)” của Jo Heon.

Rời khỏi Byeokjaegwan, đoàn đi sứ men theo con đường ngày nay là quốc lộ số 78, vượt qua khúc đèo quanh co dốc đứng Hyeeumryeong nối Goyang và Paju. Từ thời Goryeo, Hyeeumryeong đã được sử dụng như tuyến đường đi tắt giữa Hanyang và Kaesong. Trên đoạn đường đèo hiểm trở này có lữ quán nghỉ đêm Hyeeumwon và một ngôi chùa. Ngày nay, Hyeeumwon chỉ còn lại mảnh đất trống. Nhưng nếu đi về hướng Paju khoảng 2 km sẽ thấy hai pho tượng Phật đứng được điêu khắc trên vách đá lớn. Trước pho tượng chắc hẳn chính là con đường mà thời ấy từng nhóm bách tính chân yếu tay mềm thường tụ tập đi cùng nhau để tránh đạo tặc.

Người ra đi cầu nguyện trước tượng Phật để được trở về bình an, còn người trở về như tìm lại sự thanh thản khi nhìn thấy tượng từ xa. Ánh mắt thanh cao của tượng ngày nay dừng lại ở nghĩa trang phía bên kia chân núi. Ở nơi đó, xa xa hướng về Seoul, phía bên trái có thể thấy núi Bukhan thấp thoáng.

Jo Heon (1544–1592) là một trong những sứ giả thuộc đoàn chúc thọ Vạn Lịch Đế, hoàng đế nhà Minh năm 1574. Trên đường đi sứ, các sứ giả thường ghé qua viếng mộ tổ tiên ở gần, hoặc đến thăm các học giả có tên tuổi để xin được chỉ giáo. Paju có hai nhà Nho nổi tiếng là Seong Hon (1535–1598) và Yi I (1536–1584). Họ là hai người bạn, sống ở Soyeoul và Bamgol. Còn Jo Heon sinh ra và lớn lên ở Gimpo, một nơi cách đó không xa. Jo Heon là đệ tử của họ. Về sau, ông kế thừa tri thức học vấn của Yi I, suốt cuộc đời tham gia triều chính luôn là một người thẳng thắn cương trực. Vào năm Nhâm Thìn Oa loạn, khi Nhật xâm chiếm Hàn, ông chỉ huy 700 nghĩa binh đánh lại quân Nhật và tử trận trên núi Geumsan.

Qua khỏi pho tượng Phật là ngôi mộ và đài kỷ niệm tưởng nhớ Seong Hon. Còn vị trí phủ quan Paju trước kia là ngôi trường tiểu học Paju ngày nay. Năm ngoái, đường hầm qua đèo Hyeeumryeong cũng đã được hoàn thành.

Ngày thứ ba: Từ phủ quan Paju đến Kaesong

“Sáng sớm tinh mơ, tôi dời Paju đi Yulgok, thăm Yi Suk-heon. Ông bị bệnh vẫn chưa hồi phục. Chờ một hồi lâu, Suk-heon bước ra, đầy vẻ mệt mỏi. Chúng tôi ngồi đối diện với nhau, cùng than thở chuyện thời thế và chia sẻ về nhân tâm, đạo tâm, lý khí nhất nguyên luận...” –trích “Jochongi” (“Triều Thiên ký)” của Heo Bong.

Heo Bong (1551–1588) là anh trai nữ thi sĩ Heo Nanseolheon và Heo Gyun (1569–1618) – tác giả của tiểu thuyết cổ điển “Hong Gil-dong”. Còn Suk-heon là tên tự của Yulgok Yi I. Sau khi từ biệt, Heo Bong lên đình Hwaseok – nơi Yulgok vẫn thường tới lui. Nhà tuy ông đã xây nhưng còn chưa có vách ngăn và nằm ở vị trí có địa hình dốc đứng.

Yulgok muốn được sống cùng mọi người trong gia đình ở ngôi làng này. Lặng lẽ đưa mắt ngắm dòng sông Imjin chảy quanh co, bên kia bờ sông là những dãy núi trải dài, Heo Bong như thấu hiểu tâm ý Yulgok, thương cảm cho gia cảnh bần hàn của một nhà Nho lớn vừa từ quan ba tháng trước.

Tuy nhiên ngay năm sau, khi giới sĩ lâm bị chia rẽ do khác biệt trong đường hướng cải cách chính trị, Heo Bong trở thành đối lập với Yi I – người mà ông từng thương cảm và kính trọng. Năm 1583, Yi I bị Heo Bong phế truất với lý do không tròn trách nhiệm công việc. Sau khi nghỉ chức quan Binh tào phán thư, bệnh tình Yi I ngày càng trở nặng và cuối cùng ông qua đời. Tài sản ông để lại là đống sách chất đầy thư phòng cùng mấy viên đá lửa. Còn về phần Heo Bong, ông cũng vì việc này mà bị lưu đày. Sau này, ông không trở lại triều chính, lang thang đó đây và chết nơi đất khách quê người năm 38 tuổi. Cách đình Hwaseok không xa vẫn còn học viện Jaun Seowon là nơi để bài vị Yulgok cùng đài kỷ niệm Yulgok.

Pháo đài Horogoru từ thời Goguryeo. Chiều dài của tường xung quanh pháo đài dài 400 m. Một phần của dòng Imjin chảy qua gần đó đóng vai trò như đường ranh giới giữa Goguryeo và Silla suốt 200 năm, từ giữa thế kỷ thứ 6. Nơi đây từng là chiến trường giữa hai quốc gia cổ này, và sau đó là giữa Silla và nhà Đường.

Bến Iimjin nằm bên bờ sông, bị che khuất bởi những lùm cây phía bên trái đình Hwaseok. Khúc sông này hẹp và lòng cũng không sâu nên từ đây, Uijuro nối thẳng qua sông theo đường thủy đến Dongpa. Trong quá khứ, bến Iimjin nghiễm nhiên trở thành điểm phòng thủ đường thủy trọng yếu. Trên thực tế, đây cũng là con đường dành cho các quan và sứ thần. Lữ khách hay thương nhân muốn qua sông phải lên Gorangpo – bến cuối cùng ở phía bắc Iimjin. Đây là nơi trao đổi buôn bán thủy sản biển Tây và nông sản đất liền. Ở đoạn thượng lưu Gorangpo này có khúc sông cạn, chỉ cần xăn vài gấu quần cũng có thể lội qua. Thời Nhâm Thìn Oa loạn, quân Nhật từng vượt sông ở đây, và trong chiến tranh hai miền, xe tăng Triều Tiên cũng đã lội qua khúc sông cạn này. Cách đây không xa còn pháo đài Horogoru thời Goguryeo và lăng vua Gyeongsun – vị vua cuối cùng của Shilla – chứng tỏ thời Tam quốc, con đường này có lẽ cũng từng đóng vai trò trọng yếu.Tuy nằm trong khu quân sự, nhưng từ bến Dujiri thượng lưu sông Iimjin có những con thuyền buồm vàng chuyên chở khách tham quan lên gần Gorangpo. Bến Imjin ngày nay thỉnh thoảng còn có các tuyến thám hiểm, tham quan sinh thái. Khoảng cách từ đây qua vùng phi quân sự đến Kaesong là 40 lý, tương đương khoảng hơn 15 km.

Gorangpo, bến tàu cuối cùng ở phía bắc dòng Imjin. Đây là nơi trao đổi buôn bán thủy sản của biển Tây và nông sản của đất liền. Ở đoạn thượng lưu Gorangpo này có khúc sông cạn, chỉ cần xăn vài gấu quần cũng có thể lội qua, và trong quá khứ từng là điểm chiến lược đối với quân địch.

Ngày thứ tư: Vẫn con đường trong mộng

Những đêm đọc nhật ký đi sứ của các bậc tiền nhân, tôi thường mơ bị lạc đường. Trong mơ, tôi thấy xe ngựa bị sa lầy, ngập ngụa, thấy mình mò mẫm suốt đêm, không biết phải đi đâu. Buổi sáng sớm sau những đêm như thế, tôi tự an ủi mình với câu văn của Claude Lévi-Strauss trong “Nhiệt đới buồn”:

“Không có xã hội hoàn hảo. Mỗi xã hội đều mang trong mình sự pha tạp không thể dung hòa với các quy chuẩn xã hội do nó đặt ra. Những pha tạp này có thể cụ thể hóa bằng một lượng đáng kể những sự tàn bạo, bất công và vô cảm.”

 
Lee Chang-guyNhà thơ, Nhà phê bình văn học
Ảnh Ahn Hong-beom
Dịch Phan Thị Hồng Hà

전체메뉴

전체메뉴 닫기