메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Interview > 상세화면

2016 WINTER

Choi Byong-Hyon, Làm Sống Lại Những Anh Hùng Trong Các Tác Phẩm Cổ Điển Hàn Quốc

Giáo sư Choi Byong-hyon ví việc dịch các tác phẩm cổ điển Hàn Quốc sang tiếng Anh như là việc “bơi mà không có nước, chiến đấu mà không có kẻ địch”. Cuộc chiến cô độc trong suốt mấy thập kỷ qua của ông cuối cùng đã được công nhận với việc các tác phẩm dịch được ấn hành bởi những nhà xuất bản đại học uy tín ở Mỹ. Viện Hàn lâm Hàn Quốc đã đánh giá cao công sức biên dịch các tác phẩm kinh điển (cần thiết cho ngành Hàn Quốc học ở nước ngoài) của ông và trao tặng Giải thưởng Viện Hàn lâm năm 2016 cho ông.

Giáo sư Choi Byong-hyon, Giám đốc Trung tâm toàn cầu hóa tác phẩm cổ điểnHàn Quốc, tiên phong dịch tác phẩm cổ điển Hàn Quốc sang tiếng Anh với sứmệnh bù đắp sự thiếu vắng các tác phẩm có sắn trong chuyên ngành này.

Có ai đó nói rằng số phận của dịch giả là trở nên vô hình trong mắt mọi người. Người ta tin rằng đó là phẩm chất chuyên nghiệp, rằng dịch giả phải tập trung mọi sự chú ý vào nguyên tác. Thỉnh thoảng, người dịch cũng được xuất hiện trước công chúng như trường hợp gần đây tác phẩm “Người ăn chay” của nhà văn Han Kang đoạt giải Man Booker 2016. Giải thưởng được trao cho tác giả cùng với dịch giả người Anh Deborah Smith. Tuy nhiên, hầu hết dịch giả tác phẩm cổ điển biên dịch trong thầm lặng.

Giáo sư Choi Byong-hyon bảo rằng công việc này “không được chú ý, không có tên tuổi”. Ông đã dịch vài tác phẩm kinh điển một mình lặng lẽ trong khoảng 20 năm qua trong phòng nghiên cứu của Đại học Honam ở Gwangju. Những tác phẩm đã dịch là “Jingbirok” (Trừng bị lục, tiêu đề tiếng Anh là Book of Corrections: Reflections on the National Crisis During the Japanese Invasion of Korea 1592-1598) của học giả Ryu Seong-ryong (Liễu Thành Long), “Mongmin simseo” (Mục dân tâm thư, tiêu đề tiếng Anh là Admonitions on Governing the People: Manual for All Administrators) của học giả Jeong Yak-yong (Đinh Nhược Dung) và phần “Taejo sillok” (Thái Tổ thực lục, tiêu đề tiếng Anh là The Annals of King Taejo: Founder of Korea's Joseon Dynasty) trong bộ sách “Triều Tiên vương triều thực lục” (tiêu đề tiếng Anh là The Annals of the Joseon Dynasty).

Nhà thơ, Nhà văn, Dịch giả

Giáo sư Choi bảo: “Nếu tôi không phải là giáo sư của một trường đại học địa phương thì chắc là đã không thể hoàn thành tất cả những công việc này”. Ông nói tiếp: “Đó là nơi yên tĩnh và không có bất kỳ ai quấy rầy. Phong cảnh bên ngoài cửa sổ phòng nghiên cứu của tôi rất đẹp. Tôi có thể ngắm nhìn cảnh rừng xung quanh. Chúng ta có thể nói rằng thời gian trôi chầm chậm nhưng cũng có thể nói thời gian trôi qua nhanh. Dẫu sao thì tôi đã vật lộn với các tác phẩm ấy trong suốt thời gian dài và nghỉ hưu hồi năm ngoái.”

Tuy cách nói chuyện của ông có vẻ bình thản với vẻ mặt thư thái nhưng để có thể dịch được một số lượng lớn các tác phẩm như ông quả là điều không hề dễ dàng.

“Trừng bị lục” (năm 2002, NXB. Đại học California Berkeley, Mỹ) là hồi ký chiến tranh được viết bởi Ryu Seong-ryong (1542 – 1607), một học giả thời Joseon, từng giữ chức lãnh nghị chính (tể tướng). Ryu Seong-ryong đã điều hành triều chính Joseon trong lúc giặc Oa xâm lược (Nhâm Thìn Oa loạn) hồi thế kỷ 16. Giáo sư Choi đã mất bốn năm để dịch quyển sách này.

Tác phẩm thứ hai “Mục dân tâm thư” (năm 2010, NXB. Đại học California, Mỹ) là tác phẩm của văn thần Jeong Yak-yong (1762 – 1836). Đây là sách hướng dẫn dành cho các quan lại địa phương, đề cập đến các trường hợp tham ô cũng như bàn đến nhiều chủ đề như thuế, công lý, biện pháp khắc phục nạn đói... Giáo sư Choi đã mất 10 năm khi dịch quyển sách dày hơn 1.000 trang này.

Jeong Yak-yong đã viết quyển sách ấy ở Gangjin, nơi ông bị lưu đày suốt 18 năm. Trong thời gian dài giáo sư Choi dịch quyển sách, hình ảnh Jeong Yak-yong luôn trong tâm trí của giáo sư đến mức mà vào một ngày nọ, giáo sư đã có một trải nghiệm đặc biệt trong sự kiện kỷ niệm Dasan (tên hiệu của Jeong Yak-yong) được tổ chức ở Gangjin. Ông đã thấy Jeong Yak-yong mặc hanbok, ngồi giữa khán giả bên dưới. “Quả là một trải nghiệm kỳ lạ.” Đến bây giờ ông vẫn còn nhớ như in tình huống lúc đó và bản thân cũng thấy kinh ngạc. Trong khoảng thời gian 10 năm dịch sách, ông đã nhận được số tiền tài trợ 20 triệu won (khoảng 18.000 USD).

Tác phẩm được xuất bản gần đây nhất “Thái Tổ thực lục” (năm 2014, NXB. Đại học Harvard, Mỹ) là biên niên sử chính thức về Yi Seong-gye (1335 – 1408, Lý Thành Quế), một võ quan trong thế kỷ 14 và sau đó thành người lập ra vương triều Joseon (1392 – 1910). Việc dịch quyển sách đó cũng mất bốn năm.

Ngoài việc dịch chính văn, giáo sư Choi còn thêm phần chú giải chi tiết nhằm giúp cho độc giả hiểu rõ hơn. Nhiều tên gọi và thuật ngữ liên quan đến hệ thống chức vị và quan lại triều đình ngay cả đọc bằng tiếng Hàn cũng đã khó hiểu, đằng này lại phải tìm từ tiếng Anh tương ứng thì quả là một việc không hề đơn giản. Đến cả Internet cũng không thể giúp ích cho việc dịch. Đến đây, chúng ta không thể không khỏi tự hỏi tại sao ông lại bắt đầu một công việc khó khăn như thế.Lúc giáo sư Choi bắt đầu dịch sách là lúc ông đang có công việc ổn định, một giáo sư dạy Văn học Anh tại Đại học Honam, đồng thời là một nhà thơ và tác gia từng được nhận giải thưởng. Năm 1977, tập thơ đầu tay “Piano và Geomungo” (được viết bằng tiếng Anh khi ông mới 27 tuổi trong lúc du học tại Đại học Hawaii) đoạt giải văn học sáng tạo Myrle Clark (Myrle Clark Award for Creative Writing). Đến năm 1988, tiểu thuyết thơ nhan đề “Ngôn ngữ” (tiêu đề tiếng Anh là Language) của ông được trao Giải thưởng văn học Hyun Jin-geon lần thứ nhất.

Ông viết quyển “Ngôn ngữ” trong lúc đang học chương trình thạc sĩ ngành Văn học Anh tại Đại học Columbia. Ông nghĩ đó là quãng thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời mình. Trong khoảng thời gian phục vụ quân ngũ hồi những năm 1970, ông từng bị phạt quỳ gối suốt một tuần do bỏ phiếu phản đối Hiến pháp Yushin (Duy Tân, Hiến pháp thứ tám (sửa đổi lần thứ bảy) của Hàn Quốc, được thông qua ngày 27.12.1972 ), gia đình và những người thân tín cũng bị điều tra. Đó là quãng thời gian đau khổ mà ông từng trải. Sau đó, khi ra nước ngoài du học, ông đã thề rằng sẽ không bao giờ quay lại Hàn Quốc. Tại Mỹ, ông đã chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa. Vào thập niên 1980, hào khí của chủ nghĩa giải cấu trúc (deconstructionism) đang dâng cao. Lúc ấy, ông tự vấn “Tại sao bản thân ngôn ngữ chưa từng trở thành nhân vật chính của tiểu thuyết?” và thông qua ngôn ngữ, bắt đầu giải cấu trúc tất cả mọi thứ mà ông biết. Kết quả, ‘tiểu thuyết thơ’ “Ngôn ngữ” ra đời, vay mượn giai điệu pansori truyền thống và nhạc rap hiện đại. Sa Il-gu (nghĩa là ngày 19.4), Oh Il-yuk (nghĩa là ngày 16.5) và Sam Il (nghĩa là ngày 1.3) – tên những nhân vật chính của quyển tiểu thuyết – là cách biểu hiện bằng ngôn ngữ những phong trào dân chủ chính trong lịch sử hiện đại Hàn Quốc. “Ngôn ngữ” là tiểu thuyết tổng hợp những nghĩ suy về chính trị, ngôn ngữ, văn học của giáo sư Choi.

Như ẩn ý của nhan đề “Piano và Geomungo”, giáo sư Choi tưởng tượng sự gặp gỡ giữa phương Đông và phương Tây. Trong bài thơ ‘Tự tình’ (đăng trong tập thơ), có một câu thơ như sau: “Chính tôi cũng không biết cớ sao lại lựa chọn con đường này.”

Giáo sư giải thích: “Tôi nghĩ tôi có thể hòa điệu văn học Anh và văn học thế giới với nhau. Nhưng tôi không biết rằng công việc ấy được định hình dưới dạng biên dịch những tác phẩm cổ điển.”

Tuyển chọn tác phẩm biên dịch

Vào năm 1977, giáo sư Choi được mời giảng dạy mỗi thứ bảy tại cơ sở trường Đại học Maryland ở Hàn Quốc. Ông hồi tưởng lại quãng thời gian đó. “Buổi sáng dạy văn học Anh, buổi chiều dạy văn học Hàn Quốc. Việc dạy văn học Anh thật dễ dàng do có nhiều tài liệu. Nhưng văn học Hàn Quốc thì không dễ như thế. Vì các tác phẩm Hàn Quốc không có bản dịch tiếng Anh nên khó cuốn hút người học. Chính vì thế tôi bắt đầu dịch một phần tác phẩm sử dụng trong mỗi buổi học. Chẳng hạn như tác phẩm “Pahanjip” (Phá nhàn tập, tiêu đề tiếng Anh là Collection of Writings to Dispel Leisure) ghi chép về văn học thời Goryeo.”

Sau đó, trong quãng thời gian giảng dạy văn học Hàn Quốc tại Đại học California Irvine, Mỹ với tư cách là học giả Fulbright, ông cũng gặp phải vấn đề tương tự. Ông có niềm tin rằng một trong những mục đích chủ chốt của việc học là ứng dụng những gì đã học được. Dường như niềm tin này thôi thúc ông đi vào con đường mà bản thân ông gọi là “số phận hiển nhiên”.

“Tôi đã nhận ra mình phải làm gì. Văn học Anh không phải đơn thuần vì chính bản thân nó mà chúng ta cần xem nó như là bàn đạp để truyền bá văn hóa và lịch sử Hàn Quốc ra thế giới. Khi suy nghĩ ấy vụt qua, tôi bắt đầu dằn vặt bản thân mình.” Giáo sư vừa nói vừa cười với vẻ mặt tiếc nuối.

Khi lựa chọn tác phẩm để dịch, giáo sư Choi cho rằng điều quan trọng nhất là truyền tải được tiếng nói của người dân Hàn Quốc. Vì thế, ông đề ra hai nguyên tắc. Chủ đề tuy mang tính khu vực nhưng phải có tính phổ biến; nội dung tuy mang tính lịch sử nhưng phải có tính vượt thời gian. Do đó, tác phẩm đầu tiên ông chọn là “Trừng bí lục”. Ông nghĩ rằng quyển sách cho thấy trí tuệ của người lãnh đạo trong tình thế quốc gia bị khủng khoảng, có thể trở thành bài học cho hậu thế. Khi đang dịch quyển sách này, nhiều quốc gia, bắt đầu từ Hàn Quốc, đang lao đao do gặp phải cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á. “Vào cuối thế kỷ 16, người dân không thể hiểu được tại sao Hideyoshi lại xâm chiếm Joseon. Tương tự như thế với cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á 1997. Ai cũng không thể hiểu vì sao việc đó lại xảy ra. Trong cả hai trường hợp, người dân bận đổ lỗi cho người khác. Bởi thế, “Trừng bí lục” là tác phẩm hợp thời.” – Giáo sư Choi giải thích lý do vì sao lại chọn quyển sách ấy.

Công việc biên dịch tiếp nối sau lần dịch quyển sách đầu tiên, theo cách nói của giáo sư Choi, là việc “bơi mà không có nước, chiến đấu mà không có kẻ địch”, “mỗi lần phải trải qua cơn đau đẻ đặc biệt”.

Một tiêu chí tuyển dịch tác phẩm cổ điển khác là việc đi tìm những vị anh hùng của Hàn Quốc. Trong quá trình “trực tiếp làm sống lại tiếng nói của tổ tiên chúng ta”, giáo sư đã giới thiệu Ryu Seong-ryong, Jeong Yak-yong và Thái Tổ Yi Seong-gye và hy vọng sẽ có thể giới thiệu thêm nhiều vị anh hùng nữa đến độc giả nước ngoài. Ở Hàn Quốc, các vị ấy là những nhân vật lịch sử, thường được chuyển thể thành phim truyền hình hoặc phim điện ảnh. Ông nói: “Đối với các vị ấy, hành động định hướng giá trị và định hướng mục đích là quan trọng. Họ là những nhân vật có sứ mệnh”. Các tác phẩm cổ điển Hàn Quốc có thể không đem lại vẻ lãng mạn hay sự hào hứng như trong “Iliad” hay “Odyssey”, nhưng chứa đựng thế giới tinh thần mà giáo sư Choi gọi là “tinh thần chính trực”.

Sứ mệnh được giao phó

Giáo sư Choi luôn tin rằng việc toàn cầu hóa những tác phẩm cổ điển chính là sứ mệnh của ông. Với tư cách là Viện trưởng Viện nghiên cứu toàn cầu hóa tác phẩm cổ điển Hàn Quốc, ông muốn các anh hùng của Hàn Quốc cũng trở nên nổi tiếng ở nước ngoài. May mắn cho ông là những tác phẩm do ông biên dịch đã được ấn hành bởi nhà xuất bản thuộc đại học ưu tú của Mỹ, nơi mà phải vượt qua được quy trình thẩm định vô cùng nghiêm ngặt. Nhờ hệ thống lưu hành cũng như tầm ảnh hưởng của các trường đại học này mà giờ đây sách dịch của ông có thể được tìm thấy ở nhiều thư viện trên toàn thế giới và trở thành tài liệu thiết yếu cho các chương trình đào tạo Hàn Quốc học.

Trong nước, sách của ông lại tạo được những tiếng vang thầm lặng, đồng thời cho thấy được tầm quan trọng của việc dịch những tác phẩm cổ điển của nước nhà. Năm 2014, giáo sư Choi được bổ nhiệm chức Giám đốc Trung tâm dịch thuật tác phẩm cổ điển thuộc trường Đại học Korea (hiện nay trung tâm này không còn hoạt động). Tại đó, ông cùng với các học giả và nhóm của mình dịch tác phẩm “Bukhakui” (Luận giải về Bắc học, tiêu đề tiếng Anh là Discourse of Northern Learning) của Park Je-ga và dự kiến xuất bản trong năm 2017. Trong năm 2016, ông đã nhận được đề nghị của tập đoàn Poongsan về việc biên soạn tiểu sử của Ryu Seong-ryong, tác giả của quyển “Trừng bí lục”. Ryu Seong-ryong cũng chính là tổ tiên sáng lập ra tập đoàn này. Mặc dù chưa bắt tay vào biên soạn nhưng giáo sư Choi đã chọn sẵn tên cho tác phẩm là “Ryu Seong-ryong, vị tể tướng anh hùng của Hàn Quốc”.

Có lẽ ai đó sẽ thắc mắc cớ sao lại có tính anh hùng. Với câu hỏi “Làm thế nào mà quan văn lại trở thành anh hùng được?”, giáo sư Choi đáp: “Có sự khác biệt trong khái niệm anh hùng giữa phương Đông và phương Tây. Ở phương Tây, anh hùng là chiến sĩ còn ở phương Đông thì anh hùng là học giả. Nhân vật lý tưởng của Nho giáo được gọi là “quân tử” đấy thôi. Ý nghĩa thực sự của anh hùng không phải nằm ở sức mạnh về thể xác mà ở sức mạnh tinh thần.”

Tiểu sử của Ryu Seong-ryong sẽ được biên soạn bằng tiếng Anh. Học thức uyên thâm cộng với 18 năm kinh nghiệm học tập và sinh sống tại Mỹ đã giúp cho giáo sư Choi thành thạo tiếng Anh như tiếng Hàn. Ông còn nói sử dụng tiếng Anh có khi lại thoải mái hơn cả tiếng Hàn. Vì tiếng Anh có “sự diễn đạt rõ ràng đặc trưng” riêng của nó. Một trong những điểm xuất sắc trong văn dịch của ông là rất dễ đọc. Nhờ được diễn đạt bằng tiếng Anh một cách lưu loát mà người đọc có thể tiếp cận dễ dàng những văn bản gốc vốn rất khó đọc bằng Hán tự hay tiếng Hàn. Khả năng diễn đạt lưu loát này có được từ nguồn tri thức uyên bác mà ông đã tích lũy được thông qua quá trình nghiên cứu rất nhiều tài liệu từ chính trị, chiến tranh, Nho giáo đến kinh tế nông nghiệp, địa lý, văn nghệ.

Trong quá trình giảng dạy văn học Anh suốt 20 năm qua, Choi Byonghyoncũng đã dịch một số tác phẩm kinh điển quan trọng, chẳng hạnnhư “Thái Tổ thực lục”, “Mục dân tâm thư”, “Vẻ đẹp bản đồ xưa củaHàn Quốc” và “Trừng bí lục”. Đây là nguồn tài liệu quý báu dành chocác học giả chuyên ngành Hàn Quốc học.

Hàng năm cứ đến tháng 10 là người Hàn Quốc lại trông chờ nghe kết quả của Giải Nobel văn học. Thế nhưng giáo sư Choi thì cho rằng so với việc gây xôn xao vì giải thưởng Nobel văn học khó đạt được kia thì việc nâng cao vị trí của Hàn Quốc trên trường quốc tế bằng cách toàn cầu hóa các tác phẩm cổ điển còn quan trọng hơn. Giáo sư nói thêm: “Nếu ai đó muốn trao giải thưởng Nobel văn học cho một tác phẩm văn học hiện đại của Hàn Quốc thì trước hết họ cần biết về cội rễ của văn học Hàn.”

Tác phẩm truyện ký cũng đi theo từng bước như vậy. Tác phẩm mà ông xem là khuôn mẫu cho mình là truyện ký về tổng thống thứ hai của Mỹ, John Adams do David McCullough viết. Có thể thấy rằng viết truyện ký khiến cho ông đi xa công việc biên dịch tác phẩm cổ điển nhưng vì ông đã “cắt dải băng khánh thành” cho công việc này nên ông hy vọng rằng sẽ có nhiều người hơn nữa tham gia cùng mình. Nhưng việc ấy có vẻ hơi quá sức đối với nhiều người. Vì tài trợ cho biên dịch tác phẩm cổ điển bị hạn chế, và khi biên dịch thì cần phải có kiến thức sâu rộng về học thuật cổ điển và Hàn Quốc học. Không những thế, mặc dù ông đã biên dịch vất vả bao năm qua nhưng vẫn chưa được công nhận đầy đủ. Nói tóm lại, biên dịch là một công việc của sứ mệnh.

Nghe có vẻ như chủ nghĩa lý tưởng kiểu tháp ngà nhưng giáo sư Choi vẫn tin rằng có những người đang làm việc rất chăm chỉ “như hạt muối, như bông hoa nằm sâu trong núi” ở vị trí mà mình được giao phó. “Chúng ta phải tìm ra được những người đó.” Việc biên dịch “không được chú ý, không có tên tuổi” như ông cảm nhận nên nếu được công nhận thành quả thì là điều rất đáng mừng nhưng để đạt được điều đó thì cần thời gian rất lâu. Giáo sư Choi nói ông chờ bao lâu cũng được. “Tôi hay ví mình như công thần Khương Thái Công của triều đình Trung Quốc cổ đại vậy. Trong thời gian bị lưu đày, ngày ngày đều cầm cần câu không có lưỡi và tin rằng một ngày nào đó sẽ có người đến tìm mình.”Với giáo sư Choi, cho dù phải mất một nghìn năm cũng không sao cả. Ông cho rằng nếu không được công nhận khi còn sống, thì có thể thế hệ con cháu sau này sẽ thừa nhận công sức của ông.

Nhưng thật may là thời gian chờ đợi của giáo sư Choi ngắn hơn một nghìn năm. Không chỉ được công nhận tài năng ở nước ngoài, tháng 9.2016, giáo sư Choi Byong-hyun nằm trong danh sách sáu người được trao Giải thưởng Viện Hàn lâm. Giải thưởng này chính là minh chứng cho thấy giờ đây việc dịch thuật đã được công nhận là một trong những lĩnh vực học thuật. Vợ ông cũng bày tỏ sự vui mừng khi được mời lên sân khấu nhận giải cùng chồng vì công việc mà ông cố gắng trong thầm lặng suốt thời gian qua đã được đền đáp. Cô con gái đang sống ở Mỹ, người đã tặng ông chiếc Kindle lưu trữ toàn bộ tài liệu cần thiết cho công việc dịch thuật mà ông có thể mang theo bất cứ lúc nào và tìm kiếm mọi thứ, cũng vui mừng không kém. Mỗi khi ra ngoài thì ông lại không quên mang theo chiếc Kindle đó.

Cho Yoon-jungPhó Trưởng biên tập tạp chí Koreana, Giáo sư Khoa Biên phiên dịch –Đại học Nữ Ewha
Ảnh Ahn Hong-beom
Dịch Nguyễn Trung Hiệp

전체메뉴

전체메뉴 닫기