메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

null > 상세화면

2024 AUTUMN

KHÁM PHÁ LẠI THÀNH PHỐ DAEJEON TẺ NHẠT

Daejeon nằm ở trung tâm bán đảo Triều Tiên. Điều này đúng bất kể ta tính từ trên xuống hay từ dưới lên. Ngoài ra, đây cũng là đầu mối giao thông nơi các tuyến cao tốc và đường sắt chính giao nhau. Chính vì vậy, từ xưa đến nay, Daejeon là cửa ngõ giao thông của bán đảo Triều Tiên và nằm ở vị trí trung tâm.

© Tổng Công ty Du lịch Hàn Quốc

Vị trí giao thông thuận tiện là lý do khiến khu nghiên cứu khoa học lớn nhất Hàn Quốc được đặt tại đây. Đó là vì vị trí này thuận lợi để thu hút nhân tài, kết nối tốt với các khu công nghiệp ở nhiều địa phương và cũng là nơi dễ dàng lấy nước từ sông Geumgang gần đó về sử dụng. Khởi đầu việc này vào đầu những năm 1970 là Khu Nghiên cứu Daedeok, nay là Đặc khu Nghiên cứu và Phát triển Daedeok (INNOPOLIS DAEDEOK).

Thành phố khoa học lớn nhất Hàn Quốc

Được thành lập từ năm 1984 đến nay, Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) giữ vai trò là nền tảng cho sự phát triển của khoa học công nghệ Hàn Quốc. Ngoài ra, Daejeon Expo được tổ chức vào năm 1993 chính là yếu tố khiến người Hàn Quốc hễ cứ “nhắc đến Daejeon là nghĩ đến khoa học”. Đặc biệt, vì Daejeon Expo quy tụ 108 quốc gia, 33 tổ chức quốc tế và hơn 200 công ty trong nước tham gia nên nó được tổ chức quy mô như Thế vận hội Seoul Olympic 1988. Hội chợ này nổi tiếng đến mức nếu là học sinh vào thời điểm đó, không ai không biết đến linh vật Kumdori của Daejeon Expo nhờ những chuyến tham quan tập thể do các trường tổ chức. Cầu Expo bắc qua sông Gapcheon chảy ngang trung tâm thành phố Daejeon là nơi lưu giữ những kỷ niệm về ngày ấy. Công viên Khoa học Expo, hiện đang nổi lên như một cột mốc mới, cũng là nơi nghỉ chân của người dân Daejeon và tháp Expo Hanbit trở thành một điểm ngắm cảnh đêm được yêu thích.

Nhà Lưu niệm Daejeon Expo 93 và Tháp Hanbit là biểu tượng của Công viên Khoa học Expo, Công viên Khoa học Expo với đài nhạc nước Quảng trường Mulbit... đã trở thành nơi nghỉ ngơi và là điểm ngắm cảnh đêm nổi tiếng của người dân Daejeon.
© Tổng Công ty Du lịch Daejeon
© DJTO

Tính đến cuối tháng 12 năm 2022, có 2.397 viện nghiên cứu và doanh nghiệp được đặt tại Daedeok, chỉ tính đến các sáng chế đã đăng ký đã có tới 119.683 hồ sơ trong và ngoài nước. Thật không quá lời khi nói rằng Đặc khu Nghiên cứu & Phát triển Daedeok là điểm trục đóng vai trò trọng tâm trong việc nâng cao sức cạnh tranh khoa học của Hàn Quốc, và sự phát triển khoa học này chính là đầu tàu thúc đẩy sự tăng tưởng của nền kinh tế Hàn Quốc.  

Nếu muốn trải nghiệm khoa học ở Daejeon, đơn giản nhất là bạn ghé thăm Bảo tàng Khoa học Quốc gia nằm ngay giữa Đặc khu Nghiên cứu và Phát triển Daedeok. Bạn sẽ được trải nghiệm đa dạng một không gian tồn tại cả quá khứ và hiện tại như mô hình tên lửa Naro đầu tiên được phóng lên vũ trụ của Hàn Quốc với kích thước bằng kích thước thật thu hút mọi ánh nhìn của du khách, hay có thể gặp gỡ linh vật Kumdori của Daejeon Expo một thời nay được tái xuất dưới hình dạng rô bốt.

Bảo tàng Khoa học Quốc gia là một nơi thú vị để chơi với khoa học. Có rất nhiều không gian khoa học ở đây như lịch sử tự nhiên, nhân loại, các thiên thể, khoa học công nghệ và công nghệ tương lai một cách thú vị.

Văn hóa ẩm thực mới được tạo ra bởi bột mì

Văn hóa ẩm thực của Daejeon ra đời và phát triển cùng với bột mì. Trước Chiến tranh Triều Tiên, hầu như chỉ có bột kiều mạch và tinh bột sắn dây là hai nguyên liệu có thể được sử dụng để làm mì ở mảnh đất này do những hạn chế của khí hậu Hàn Quốc. Thế rồi một nguyên liệu thực phẩm mới được gọi là bột mì đã ra đời. 

Vào thời điểm đó, toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc bị chiến tranh tàn phá, và gạo, lương thực chính, vô cùng thiếu thốn. Do đó, để lấp đầy những chiếc bụng đói của nhân dân, chính phủ đã khuyến khích các bữa ăn hỗn hợp trộn lẫn gạo với lương thực làm từ lúa mì và ngô, vốn là những thứ được Mỹ chi viện. Ngay cả những món ăn vốn làm từ gạo cũng buộc phải trộn với nguyên liệu làm bằng bột mì. Nếu bạn gọi món seolleongtang (canh xương bò) hay dwaejigukbap (cơm canh thịt lợn) tại bất kỳ nhà hàng nào ở Hàn Quốc thì món ăn luôn được kèm theo mì làm từ bột mì. Đó là dấu vết của thời kỳ xưa. 

Lý do các món ăn liên quan đến bột mì rất phát triển ở Daejeon từ xưa vì khu vực này là điểm giao thông quan trọng đóng vai trò là kho lưu trữ trung gian, và là điểm giao nhau khi lúa mì Mỹ nhập qua các cảng Busan hoặc Incheon được xay xát và vận chuyển đi cả nước. Hơn nữa, vào những năm 1960 ~ 1970, tại dự án lấn biển ở bờ biển phía tây Daejeon, người ta đã trả công lao động bằng bột mì do Mỹ viện trợ. Khu vực đổi bột mì thành tiền mặt được mở ở Daejeon cũng là từ việc này mà ra. Nguồn cung cấp bột mì dồi dào đã nảy sinh nền văn hóa ẩm thực đa dạng, và một trong những món tiêu biểu nhất trong số đó là mì kalguksu. Kalguksu là một món nhồi bột với nước sôi rồi thái sợi mà không cần ủ bột, ăn với nước dùng hải sản hoặc thịt nấu kèm rau củ. Đặc biệt, có thể biến tấu món khác nhau tùy vào nước dùng, nguyên liệu bày lên và độ dày của sợi mì.

Nơi ra đời món kalguksu đầu tiên, dù hiện món ăn này có thể được tìm thấy ở khắp nơi trong cả nước, chính là Daejeon. Tuy không có ghi chép về ai là người đầu tiên làm ra món này, nhưng vào những năm 1960, cái tên “Daejeon kalguksu” lần đầu xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông trên toàn quốc. Như thể để kế thừa danh tiếng ấy, tính đến cuối năm 2023, có tới 727 cửa hàng chuyên bán kalguksu mọc lên ở Daejeon. Nghĩa là cứ khoảng 10.000 người dân lại có 5 nhà hàng này, đây là con số cao nhất trong số 17 thành phố trực thuộc trung ương của cả nước. Niềm tự hào của Daejeon về kalguksu đã dẫn đến Lễ hội Daejeon Kalguksu được tổ chức vào tháng 10 hàng năm kể từ năm 2017.

Ở Daejeon - nơi kalguksu lần đầu tiên được sinh ra, có nhiều cửa hàng chuyên bán kalguksu. Trong ảnh là món kalguksu nấu bằng nước dùng xương và nước dùng cá cơm.

Cửa hàng bánh đại diện Daejeon

Daejeon còn có một đại diện khác. Đó chính là cửa hàng bánh Sungsimdang với doanh thu hàng năm là 124,3 tỷ won và lợi nhuận ròng 31,5 tỷ won vào năm 2023. Đây là cửa hàng bánh đơn lẻ đang có doanh thu vào loại nhiều nhất thế giới.

Sungsimdang mở cửa vào năm 1956 khi bắt đầu có viện trợ lúa mì của Mỹ. Trước đó, trong Chiến tranh Triều Tiên năm 1950, trong dòng người xuôi về miền Nam có cả đôi vợ chồng đã sáng lập ra cửa hàng bánh Sungsimdang. Hai vợ chồng sau đó định cư ở Daejeon, khi ấy họ được một vị linh mục Công giáo tặng hai bao bột mì và làm bánh hấp bán, đó chính là sự khởi đầu của Sungsimdang.

Đúng với tinh thần cửa hàng bánh được mở thời khói lửa, trong mắt họ luôn có cách nhìn khác đối với những người yếu thế trong xã hội. Họ bắt đầu chia sẻ những chiếc bánh mì còn tồn lại mỗi ngày cho những người đang vật lộn với đói nghèo. Ngay cả bây giờ, gần 70 năm sau khi mở cửa hàng, bánh mì bán còn thừa vẫn được mang tặng cho các trung tâm phúc lợi, và họ thậm chí còn sản xuất thêm nếu không đủ bánh mì để tặng. Cửa hàng cũng chăm chỉ trong việc phát triển sản phẩm mới. Họ đã tạo ra những sản phẩm chưa từng có trước đây, ví dụ như loại bánh rán soboro ppang với vị ngọt của bánh đậu đỏ hòa quyện với vị bùi của lớp vụn bánh phủ soboro, lớp soboro rán này giúp ta thưởng thức được cảm giác giòn tan của bánh donut. Loại bánh này là một trong những loại bánh mì tiêu biểu của Sungsimdang và đang giữ kỷ lục số lượng bán ra hơn 80 triệu chiếc cho đến nay.

Nếu bạn đang đi dạo ở trung tâm Daejeon và nhìn thấy một hàng người xếp hàng dài hàng chục mét, đôi khi hàng trăm mét, thì rất có thể đó là Sungsimdang. Cửa hàng Sungsimdang chỉ có ở Daejeon, vì vậy nếu muốn nếm thử bánh mì và bánh ngọt, không nghi ngờ gì nữa, bạn phải đến tận Daejeon. Cũng vì lý do này mà những người yêu thích bánh mì đã tổ chức các chuyến du lịch đến Daejeon trong ngày (quick turn).

Số lượng nhà hàng kalguksu lớn nhất quốc gia và hàng dài người xếp hàng bên ngoài Sungsimdang chính là hình ảnh chứng minh cho thực tế rằng bột mì từng là cứu tinh của người dân Hàn Quốc trong quá khứ - giờ đây đã biến Daejeon từ một thành phố “vô vị” thành một thành phố “ngọt ngào”. Chúng ta cũng sẽ nhìn thấy “niềm tự hào về bánh mì” của người dân Daejeon tại Lễ hội Bánh mì Daejeon được tổ chức trong hai ngày kể từ ngày 28 tháng 9.

Sungsimdang - địa điểm nổi tiếng của Daejeon. Hàng ngày, từng đoàn người tìm đến mua những chiếc bánh siru với hoa quả theo mùa được xếp cao như núi, những chiếc bánh là biểu tượng của cửa hàng.

Thành phố cùng tồn tại quá khứ và hiện tại

Daejeon lâu nay được biết đến như một thành phố thiếu hấp dẫn vì không có điểm đến du lịch tiêu biểu nhưng gần đây đang chuyển mình thành một “thành phố thú vị”. Ví dụ, khu nhà ở của công nhân ngành đường sắt Soje-dong từ đầu thế kỷ XX đã trở thành một khu phố đầy hương vị và phong cách.

Tất nhiên, nơi đây vốn không phải là một nơi mọi người tìm đến. Đã có hơn 2.000 ngôi nhà bỏ trống từ sau khi bị lãng quên bởi chiến tranh cùng với sự phát triển vùng đô thị mới. Nơi ở của công nhân đường sắt này bắt đầu có sự chuyển biến vào năm 2010 khi một nghệ sĩ đã biến nơi đây thành không gian văn hóa. Người ta tập trung vào giá trị của khu vực này, nơi duy nhất ở Daejeon lưu giữ những ký ức về thời cận đại.

Khi các hoạt động nghệ thuật như lễ hội sân khấu và các cuộc thi ca hát được tổ chức, các tòa nhà còn lại trong quá khứ dần dần được sửa sang thành phòng tranh, quán cà phê và nhà hàng. Bạn sẽ thấy được giá trị thực sự khi đi vào bên trong các ngõ hẻm. Bên ngoài trông chúng cũ kỹ và tồi tàn, nhưng khi bước vào bên trong là những khung cảnh khác lạ mà ta khó có thể trải nghiệm ở các khu vực khác với những ý tưởng độc đáo và thiết kế hiện đại, từ quán cà phê với cổng là một rừng tre tươi tốt cho đến nhà hàng có khu vườn ấn tượng như thể là người ta di dời cả dòng suối nước nóng về.

Ngoài ra còn có một không gian tương tự, đó chính là Temi Orae. Nơi này được cải tạo lại từ công trình kiến trúc cận đại được xây dựng ở trung tâm trước đây của Daejeon vào những năm 1930. Không gian văn hóa và nghệ thuật phức hợp này tận dụng chín tòa nhà công sở trước đây, bao gồm cả không gian của Phủ Thống đốc tỉnh Chungcheongnam-do. Tại đây, ta có thể thưởng lãm lịch sử, văn hóa và triển lãm nghệ thuật hiện đại của Daejeon.

Con phố cà phê có hiện trạng ban đầu của khu nhà ở của nhà nước cũ nằm ở Soje-dong. Ngoại thất, mái nhà, trần nhà, cột trụ và các cấu trúc cốt lõi khác vẫn giữ nguyên, nhưng ở mỗi điểm đều được trang trí với cá tính và xu hướng độc đáo riêng khiến việc ngắm chúng cũng khá thú vị.

Daejeon - Thành phố hòa mình trong văn hóa

Sẽ là một sai lầm nếu nghĩ rằng Daejeon chỉ là một trung tâm giao thông hay là điểm ẩm thực hội tụ. Daejeon là một nơi mà phong vị văn hóa và đặc sắc thiên nhiên không thể bỏ qua.

Trước hết, chúng ta không thể bỏ qua Vườn ươm Hanbat ở trung tâm thành phố Daejeon, cũng là vườn ươm lớn nhất nằm trong một khu đô thị của Hàn Quốc. Du khách đến đây thường trải thảm picnic dưới những tán cây rậm rạp và tận hưởng ánh nắng ấm áp hoặc đi dạo. Khu vườn cũng ở gần Bảo tàng Nghệ thuật Lee Ungno và Bảo tàng Nghệ thuật Thành phố Daejeon. Bảo tàng Nghệ thuật Lee Ungno lưu giữ phần lớn các tác phẩm của Lee Ungno (1904-1989) - bậc thầy về nghệ thuật đương đại Hàn Quốc như Văn tự trừu tượng (tạm dịch Con chữ trừu tượng) và loạt tác phẩm Quần tượng (tạm dịch Đoàn người). Ông đã tạo ra một thế giới nghệ thuật độc đáo trên nền tảng hội họa Hàn Quốc bằng cách sử dụng nghệ thuật thư pháp phương Đông với phong cách trừu tượng phương Tây. Tác phẩm của ông vốn đã nổi tiếng, nhưng một trong những điều khiến ông được kính nể là vì thời điểm ông sang Paris, Pháp du học, khi ấy ông đã ở độ tuổi ngoài 50, dù có thể sống nhàn nhã bằng danh tiếng và sự giàu có, nhưng ông đã tự mình đón nhận những thử thách mới.

Hơn nữa, vào cuối những năm 1960, dù bị cuốn vào các sự kiện chính trị ở Hàn Quốc và trải qua những cơn thống khổ, nhưng ông vẫn không ngừng hoạt động nghệ thuật. Ngay cả khi bị giam trong nhà tù Daejeon, ông đã dùng cơm nguội để sáng tác và để lại hơn 300 tác phẩm. Ngược lại, ông còn vẽ với niềm đam mê lớn hơn để đi tìm giá trị và sự vĩ đại của nghệ thuật vượt trên cả biên giới và dân tộc.

Loạt tác phẩm Quần tượng mà ông bắt đầu tập trung vẽ vào cuối những năm 1970 đã đánh động lương tâm không chỉ của người dân Hàn Quốc mà của mọi người khắp nơi trên thế giới vào thời điểm đó. Trong các bức tranh với nhiều các cá nhân tự do thoải mái khác nhau tập hợp lại và như đang nhảy múa, người Hàn Quốc đã đọc thấy được nguồn năng lượng tạo nên một Hàn Quốc dân chủ ngày nay.

Bảo tàng Nghệ thuật Lee Ungno - bảo tàng nghệ thuật đại diện cho địa phương và cũng là nơi có thể thưởng thức thế giới nghệ thuật của họa sỹ Lee Ungno
© ARCHFRAME.NET

Không hài lòng với hiện thực của thời đại, Daejeon thay đổi hình ảnh của mình từ “vô vị” sang “ngọt ngào”, từ “buồn tẻ” thành “thú vị” thông qua sự can thiệp và nỗ lực tích cực. Thoạt nhìn có vẻ buồn tẻ, nhưng Daejeon hóa ra lại là một nơi có đầy đủ các điểm đáng chú ý như khoa học, văn hóa, nghệ thuật cận hiện đại và thiên nhiên tùy thuộc vào mục đích của chuyến đi. Nếu bạn đi du lịch đến Daejeon thì tôi khuyên các bạn nên chọn chủ đề của chuyến đi hôm đó, bởi vì như tên gọi trước đây của Daejeon là “Hanbat” có nghĩa là “đồng bằng rộng và lớn”, phải như vậy mới có thể đi du lịch Daejeon một cách đúng nghĩa.

Rừng nghỉ dưỡng thiên nhiên Jangtaesan với những hàng cây thủy sam rậm rạp rất hiếm ở Hàn Quốc, rất tốt cho việc tắm rừng bên cạnh phong cảnh khác biệt.
© Tổng Công ty Du lịch Hàn Quốc

Expo Science Park - Công viên Khoa học Expo
Soje-dong
National Science Museum - Bảo tàng Khoa học Quốc gia
Phố Văn hóa Euneungjeongi
Sungsimdang
Daejeon Station - Ga Daejeon
Temi Ore
Hanbat Arboretum - Vườn ươm Hanbat
Lee Ungno Museum - Bảo tàng Nghệ thuật Lee Ungno
Daejeon Museum of Art - Bảo tàng Nghệ thuật thành phố Daejeon

Kwon Ki-bong – Nhà văn
Ảnh. Lee Min-hee
Dịch. Nguyễn Thị Phương Mai

전체메뉴

전체메뉴 닫기