메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

null > 상세화면

2024 SUMMER

MANNA CEA – TƯƠNG LAI CỦA NỀN NÔNG NGHIỆP

Manna CEA dẫn đầu tương lai của nông nghiệp thông qua công nghệ, kết hợp các hệ thống kiểm soát môi trường với phương pháp canh tác aquaponics, khắc phục tình trạng thời tiết thất thường, đồng thời góp phần giải quyết vấn đề thiếu lương thực trên thế giới do biến đổi khí hậu.

Toàn cảnh của Manna CEA, dẫn đầu tương lai của nông nghiệp với hệ thống kiểm soát môi trường và phương pháp canh tác aquaponics.
ⓒ MANNA CEA

Giám đốc điều hành Manna CEA, Jeon Tae-byeong là một nông dân trẻ ở độ tuổi 30, trồng 40 loại cây trồng ở Jincheon, tỉnh Chungbuk. Tuy nhiên, ông không đích thân tưới nước hay bón phân cho cây trồng. Hệ thống kiểm soát sẽ tự quản lý cây trồng, ngay cả khi ông đang bận đào tạo những người mong muốn về quê làm nông hay trả lời phỏng vấn đi chăng nữa. Ngoài ra, không cần phải lo lắng về việc thiếu nước phục vụ nông nghiệp, giá phân bón tăng hay việc thiếu nhân lực. Lý do rất đơn giản. Vì ông vừa là nông dân vừa là kỹ sư.

SỰ RA ĐỜI CỦA CÔNG NGHỆ CÓ ÍCH CHO CUỘC SỐNG

Giám đốc Jeon Tae-byeong chưa từng làm nông cho đến khi ông khởi nghiệp. Ông theo học chuyên ngành kỹ thuật cơ khí tại Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KAIST) và khi sắp tốt nghiệp, ông đã cân nhắc việc học cao học tại trường luật. Trong thời gian đó, giám đốc Jeon tình cờ tìm hiểu được về công nghệ thích hợp (appropriate technology). Công nghệ thích hợp là công nghệ được tạo ra khi xem xét các khía cạnh về chính trị - văn hóa - môi trường của cộng đồng nơi công nghệ được ứng dụng.

“Khi biết đến công nghệ thích hợp, tôi nghĩ rằng nếu kết hợp nông nghiệp là lĩnh vực mà bản thân luôn quan tâm, với công nghệ điều khiển hệ thống là lĩnh vực nghiên cứu vốn có thì sẽ tạo ra một công nghệ có ích cho cuộc sống. Tôi vẫn luôn lo ngại về những nguy cơ có thể xảy ra với nông nghiệp như biến đổi khí hậu hay già hóa dân số nông thôn. Nếu có thể quản lý môi trường canh tác bằng một hệ thống, chắc hẳn chúng ta có thể giải quyết những vấn đề phức tạp mà khu vực nông thôn đang đối mặt.”

Ban đầu, giám đốc Jeon thành lập công ty tại trung tâm ươm mầm khởi nghiệp của trường đại học. Sau đó, ông gặp gỡ các chuyên gia canh tác hữu cơ, chuyên gia công nghệ kiểm soát môi trường,... và bắt đầu phát triển hệ thống kiểm soát phù hợp với môi trường canh tác. Đây là hệ thống sử dụng cảm biến để thu thập và quản lý thông tin, dữ liệu số về các nguyên tố vi lượng và nguyên tố đa lượng cần thiết cho cây trồng như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, lượng carbon dioxide và nồng độ amoniac, kali, pH trong nhà kính. Ông tin rằng nếu việc phát triển hệ thống này thành công, ông sẽ có thể tạo ra một môi trường tăng trưởng tối ưu ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

Ông cũng đã đặt tên cho công ty. “Manna” trong Manna CEA là một từ trong Kinh thánh, có nghĩa là “thức ăn từ thiên đường”, còn CEA tên viết tắt của Controlled Environment Agriculture, có nghĩa là “phương pháp canh tác trong môi trường kiểm soát”. Tên gọi này mang thông điệp rằng để không một ai trên thế giới phải chịu đói, công ty sẽ phát triển công nghệ nông nghiệp và cung cấp thực phẩm như thể chúng được ban phát từ trên trời.

HỆ THỐNG AQUAPONICS, TƯƠNG LAI CỦA NÔNG NGHIỆP THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG

Tất nhiên, việc phát triển hệ thống không hề dễ dàng. Đặc biệt, rất khó để duy trì nồng độ chất hữu cơ ổn định cung cấp cho cây trồng. Việc sử dụng phân bón hóa học tuy đơn giản song lại không đạt được mục tiêu là mang lại lợi ích cho cuộc sống thông qua công nghệ mà Manna CEA hướng tới. Trong quá trình đó, giám đốc Jeon Tae-byeong đã tìm hiểu về phương pháp canh tác aquaponics. “Aquaponics” là một từ ghép kết hợp giữa “aquaculture” (nuôi trồng thủy sản) và “hydroponics” (trồng cây thủy canh), dùng để chỉ một phương pháp canh tác thân thiện với môi trường và cho phép bạn vừa trồng cây vừa nuôi thủy sản.

Hệ thống aquaponics hoạt động như sau. Cá sinh trưởng và bài tiết trong bể. Chất bài tiết này trải qua quá trình lên men vi sinh sẽ cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng. Khi phần nước được cung cấp cùng chất dinh dưỡng tích tụ ở đáy nông trường, nước này sẽ đi qua bộ lọc và quay trở lại bể chứa. Nói một cách đơn giản, lượng nước cần thiết cho trồng trọt và nuôi cá được luân chuyển và sử dụng liên tục.

Ưu điểm đầu tiên của phương pháp canh tác aquaponics là tiết kiệm nước. Trong trường hợp canh tác trên đất, nếu tưới nước thì nước sẽ thấm xuống đất và khó tái sử dụng. Tuy nhiên, trong hệ thống aquaponics, nước sử dụng cho trồng trọt và nuôi cá được cung cấp tuần hoàn nên có thể được tái sử dụng vĩnh viễn. Trên thực tế, Manna CEA đã không lãng phí một giọt nước nào khi vận hành trang trại suốt 10 năm kể từ năm 2014. Ngoài ra, vì chỉ cần bù lại lượng nước bay hơi tự nhiên nên họ chỉ sử dụng 5% lượng nước mà những người nông dân bình thường sử dụng.

Thứ hai, đây là phương pháp canh tác hữu cơ. Trồng trọt thủy canh nói chung sử dụng phân bón hóa học để thúc đẩy cây trồng tăng trưởng. Tuy nhiên, Manna CEA không sử dụng bất kỳ loại thuốc trừ sâu hay chất tổng hợp nào. Thay vào đó, họ chiết xuất chất nuôi trồng thực vật từ sản phẩm bài tiết của cá. Ngoài ra, nước được sử dụng trong canh tác thủy canh thông thường khó có thể tái sử dụng vì phân bón hóa học hòa tan trong đó nhưng với hệ thống aquaponics, nồng độ chất hữu cơ trong nước có thể được kiểm soát, thanh lọc và tái sử dụng. Vì được kiểm soát bằng hệ thống dựa trên dữ liệu nên nồng độ chất hữu cơ cũng có thể được duy trì không đổi.

Ở Manna CEA, dâu tây được trồng quanh năm áp dụng phương pháp tiết kiệm năng lượng cùng với kiểm soát môi trường dựa trên dữ liệu về môi trường và tăng trưởng, nhằm chuẩn bị cho tình trạng biến đổi khí hậu do hiện tượng nóng lên toàn cầu gây ra.
ⓒ MANNA CEA

NGƯỜI TIÊU DÙNG CŨNG LÀ NÔNG DÂN

Khi đã có kế hoạch để triển khai hệ thống kiểm soát môi trường và hệ thống aquaponics tại trang trại thực tế, giám đốc Jeon Tae-byeong nhận được tin ở Jincheon, tỉnh Chungbuk đang rao bán một nhà kính. Dù không quen biết trước nhưng ông vẫn tìm đến không một chút do dự bởi nhà kính chính là mơ ước của những người nông dân trẻ.

Khi hệ thống điều khiển của Manna CEA được áp dụng vào nhà kính, rất nhiều nông sản đã được sản xuất trong nhà kính quy mô nhỏ. Giám đốc Jeon Tae-byeong giải thích: “Đây là lợi thế thứ ba của phương pháp canh tác do Manna CEA đề xuất”.

“Manna CEA có thể thu hoạch hơn 120% nông sản đối với các loại cây trồng thông thường và hơn 1.500% đối với các loại cây trồng nhất định so với phương pháp canh tác ngoài đồng hiện có. Không có nguy cơ thiên tai hoặc sâu bệnh. Nhờ cây trồng được phát triển trong môi trường ổn định sử dụng môi trường nuôi cấy, hệ thống kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm cũng như hệ thống quang điện nên sản lượng ổn định hàng năm. Ngoài ra, cá nuôi bằng phương pháp aquaponics còn mang lại nguồn doanh thu bổ sung.”

Có người sẽ hỏi: “Nông sản nhiều như thế làm sao có thể bán?”. Đầu tiên, Manna CEA vận hành trang trại trải nghiệm để cung cấp nông sản tươi sống cho người tiêu dùng. Một trang trại thông thường đòi hỏi nhiều nhân lực trong quá trình trồng trọt, thu hoạch, đóng gói và bán hàng. Tuy nhiên, Manna CEA vận hành một trang trại trải nghiệm nơi trẻ em có thể tự hái và thưởng thức dâu tây tươi. Như vậy, vấn đề nhân lực có thể được giải quyết và đồng thời công ty cũng kiếm thêm thu nhập từ việc vận hành trang trại trải nghiệm này.

Thứ hai, công ty chế biến các sản phẩm nông nghiệp thành các món rau trộn, đóng gói trong bao bì thân thiện với môi trường để bán. Công ty cũng cung cấp nguyên liệu cho Root Square do Manna CEA điều hành. Root Square là một không gian văn hóa phức hợp nông nghiệp tương lai ở Jincheon, kết nối các quán cà phê, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở kinh doanh lưu trú và nông nghiệp. Giáo dục nông nghiệp cũng được thực hiện. Lượng khách đến thăm trang trại trải nghiệm và Root Square đạt trung bình 10.000 người/ tháng.

Các tòa nhà ở Root Square, bao gồm cả cơ sở vật chất lưu trú cho farmstay, đều là những tác phẩm tham gia triển lãm kiến trúc quốc tế Korea House Vision. House Vision là dự án xem nhà là nền tảng nơi những khả năng mới như giao thông, y học, công nghệ và cuộc sống giao nhau và đề xuất một cuộc sống mới trong tương lai. House Vision được tổ chức tại Jincheon, Hàn Quốc vào năm 2022 tại Root Square với chủ đề “Nông” do nhà thiết kế nổi tiếng người Nhật Kenya Hara tổng phụ trách và Manna CEA đồng tổ chức. Chúng ta vẫn có thể diện kiến nền tảng cư trú tương lai nông thôn tại Root Square.

Không gian văn hóa phức hợp Root Square, nơi mà nông nghiệp, công nghệ và văn hóa gắn kết với nhau, bao gồm nhiều không gian đa dạng như khu vườn trong nhà, quán cà phê, nông trại trải nghiệm, chỗ ở, hay nông trại thông minh và mang đến cho bạn cái nhìn thoáng qua về khu vực nông thôn của tương lai.
ⓒ Kim Dong-gyu

NÔNG NGHIỆP - NGÀNH CÔNG NGHIỆP KỸ THUẬT VÀ CÔNG NGHIỆP THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG

Giám đốc Jeon Tae-byeong định nghĩa Manna CEA là “công ty kinh doanh các thiết bị liên quan đến nông nghiệp và phần mềm phụ trợ cho người làm nông”. Thay vì bán nông sản, công ty bán công nghệ cho nhà nông tương lai. Ông hy vọng mọi người sẽ phát hiện ra những tiềm năng về một tương lai nông thôn ở Root Square.

“Có những người muốn về làm nông nhưng ngần ngại vì chưa có kinh nghiệm hoặc không có cách giải quyết các vấn đề như nhân lực hoặc vốn. Các vấn đề thiếu kinh nghiệm canh tác và nhân lực có thể khắc phục được bằng hệ thống kiểm soát môi trường. Nếu khó phát triển thị trường thì có thể thu hút người dân đến trang trại. Nếu không có vốn, bạn có thể mời những người muốn cùng tham gia vào nghề nông làm nhà đầu tư, cùng nhau vận hành trang trại và chia sẻ lợi nhuận. Nếu thay đổi cách suy nghĩ, bạn có thể tìm thấy những cơ hội thay vì thách thức ngay cả ở vùng nông thôn.”

Không chỉ có Hàn Quốc mà còn cả thế giới cũng đang theo dõi tiềm năng tương lai của nông nghiệp thông qua Manna CEA. Công nghệ do Manna CEA xây dựng được xuất khẩu đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Kazakhstan, v.v... Đây cũng là sản phẩm đầu tiên ở châu Á nhận được chứng nhận hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA). Công ty đã hoàn thành việc xây dựng nhà máy sản xuất thực phẩm đầu tiên tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và sắp có thêm các đơn đặt hàng bổ sung. Tuy nhiên, mục tiêu của giám đốc Jeon Tae-byeong còn ở vị trí cao hơn nữa.

“Mục tiêu của tôi là biến Manna CEA trở thành công ty giải pháp tốt nhất và định vị nông nghiệp là một ngành công nghiệp kỹ thuật và công nghiệp thân thiện với môi trường. Để đạt được mục tiêu, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm tòi và nghiên cứu để giải quyết các vấn đề ở nông thôn cũng như đổi mới công nghệ nông nghiệp.”

Kể từ cuộc cách mạng nông nghiệp cách đây 6.000 năm, con người đã sống bằng nghề nông. Giờ đây, một cuộc cách mạng mới sẽ bắt đầu từ Manna CEA - cuộc cách mạng xanh nơi cả nhân loại sẽ sống mà không phải lo lắng về lương thực.

Lee Seong-mi – Nhà văn
Dịch. Hoàng Mỹ Linh

전체메뉴

전체메뉴 닫기